Gương điển hình

Vị Giám mục của hòa giải

Cập nhật lúc 09:09 06/02/2017
Đức cha Bùi Tuần dù ở xa Sài Gòn nhưng tầm ảnh hưởng của ngài lan rộng đến mọi người tín hữu thành phố, nhất là giới trí thức Công giáo, bởi bản thân ngài đã có một quá trình được đào tạo bài bản tại các chủng viện, học viện, đại học lớn quốc tế, cả về đạo lẫn đời, chúng ta cùng nhau nhìn lại về cuộc đời của ngài.

Đức Giám mục GB. Bùi Tuần chia sẻ tại thánh lễ kỷ niệm 40 năm Giám mục (ảnh: CTV).

 
Tôi không trực tiếp sống gần với Đức Giám mục GB. Bùi Tuần nhưng qua đôi lần gặp và theo dõi các hoạt động của ngài, qua các bài giảng, bài viết của ngài đã được in thành sách hay đăng trên báo mấy chục năm qua, đã ít nhiều định hướng cho tôi khi bước vào tuổi trưởng thành, nhất là giai đoạn đất nước và Giáo hội chuyển sang một “trang sử mới”, sau năm 1975, theo cách nói của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Đức cha Bùi Tuần dù ở xa Sài Gòn nhưng tầm ảnh hưởng của ngài lan rộng đến mọi người tín hữu thành phố, nhất là giới trí thức Công giáo, bởi bản thân ngài đã có một quá trình được đào tạo bài bản tại các chủng viện, học viện, đại học lớn quốc tế, cả về đạo lẫn đời, chúng ta cùng nhau nhìn lại về cuộc đời của ngài.

Hành trình ơn gọi ...

Đức Giám mục GB. Bùi Tuần sinh ngày 24/6/1928 theo giấy tờ, nhưng thực ra ngài cho Tòa soạn báo Người Công giáo Việt Nam được biết, Đức cha sinh ngày 21/01/1927 tại Tiền Hải, Thái Bình. Cha là cụ Gioan Baotixita Bùi Tuyển và mẹ là cụ Maria Vũ Thị Tần và ngoài Đức cha thì ông bà còn có người con làm linh mục khác là linh mục Gioan Baotixita Bùi Châu Thi.

Tuổi thơ Đức cha sống trong nghèo khó, kể về thời thơ ấu của mình, ngài viết: “Quê tôi ở Thái Bình. Gia đình gốc nông dân nghèo lắm. Bố đi ở, mẹ đi ở. Bố không đủ tiền nộp thuế bị trói đánh ngoài đình. Thuở nhỏ tôi đã trải qua cảnh cơn bão lớn, nước dâng lên cao, mẹ ôm tôi trên mái nhà nhai gạo sống cho con ăn. Đã có lần tôi thấy lính đi đốt làng, bắt người kẹp chân lên băng ghế, dùng búa đập. Nỗi đau thương của đất nước nó vào thành vết thương đời mình”.

Năm 1954, khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, thầy GB. Tuần được cử sang tiếp tục tu học tại Hồng Kông. Ngày 2/7/1955, thầy sáu Gioan Baotixita Bùi Tuần được thụ phong linh mục. Trong sách “Tâm tình với linh mục”, có đoạn ngài viết: “Tối ngày mùng 1/7/1955 tại Trường dòng Đaminh trên quả đồi Rosary Hồng Kông, trong bầu không khí tĩnh tâm, tôi quỳ trước cha linh hướng để bày tỏ nỗi sợ của tôi. Tôi sợ lãnh chức linh mục vì tôi thấy mình quá bất xứng… nhưng lời cầu chối từ không thành”.

Cuối năm 1955, cha Tuần về Việt Nam, sống trong trại di cư Long Phước - Thủ Đức, sau đó được "bề trên" cử đi du học tại Rôma. Nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hòa tình nghi nên hoãn và không cho đi. Cha phải liên hệ với Đức Khâm sứ Tòa Thánh nhờ can thiệp. Tòa Thánh liên lạc với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Vài hôm sau sau, thư ký của Tổng thống cho xe đón linh mục Tuần vào dinh Gia Long và thông báo ông Ngô Đình Diệm đồng ý cho cha sang Rôma học. Tốt nghiệp cử nhân triết học Rôma, nhờ học giỏi, được học bổng, cha được chọn đi học tiến sĩ triết học tại Đại học Thụy Sĩ và tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ triết học. Sau đó, cha đến Đại học Pheubua (Đức) học chương trình nâng cao tiến sĩ triết học… Sau gần 10 năm tu học, cha trở về miền Nam Việt Nam.

Năm 1964, cha được bề trên bổ nhiệm làm giáo sư dạy học tại Tiểu chủng viện Châu Đốc rồi làm Giám đốc Đại chủng viện Long Xuyên, sau đó tiếp tục dạy học tại Chủng viện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang... Những năm tiếp theo, cha đi làm mục vụ cho giáo dân cho tới năm 1975.

Ngày 15/4/1975, linh mục Gioan Baotixita Bùi Tuần được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Long Xuyên (Việt Nam), và lễ tấn phong được cử hành vào ngày 30/4/1975.

Lễ truyền chức Giám mục do Đức Giám mục Chánh tòa giáo phận Long Xuyên Micae Nguyễn Khắc Ngữ chủ phong, Giám mục André Jacques phụ phong, linh mục Antôn Nguyễn Văn Thành và Giuse Trần Xuân Tiếu phụ giúp lễ. Số người tham dự chỉ có chừng 100 người, phần đông là các linh mục và các chủng sinh, một số nữ tu và giáo dân. Buổi lễ đã diễn ra trong bầu khí trầm lắng, không kèn không trống, không đàn hát, không rước kiệu, không quay phim, không tiệc tùng, không diễn văn chúc mừng. Có lẽ ít có một lễ tấn phong Giám mục nào lại đơn giản đến vậy. Nhớ đến ngày lễ tấn phong có một không hai của các Đức Giám mục vào thời điểm trưa 30/4, Đức cha chia sẻ: “Thánh lễ kỷ niệm 40 năm Giám mục của tôi là một hồng ân lớn lao Chúa ban cho tôi. Hồng ân lớn lao, vì qua lễ thụ phong Giám mục trưa ngày 30/4/1975, tôi nhận ra sự Chúa sai tôi vào lịch sử Việt Nam, ngay trong giờ phút Quê hương bước sang một giai đoạn mới, là một ơn đặc biệt.

Hồng ân lớn lao, vì khi nhận ra sự trùng hợp lịch sử đó là do ý Chúa, tôi đã cùng với nhiều người, góp phần vào việc xây dựng sự hòa hợp, sự yêu thương trên Quê hương Việt Nam yêu dấu. Thực vậy, giai đoạn lịch sử 40 năm qua đã có nhiều chuyển biến phức tạp, trong xã hội, trong Giáo hội, và trong chính bản thân tôi.

Chúa dạy tôi là không nên và không thể tránh được những chuyển biến phức tạp đó, nhưng hãy nhìn chúng như một thực tế mà Chúa sai tôi vào, để sống mầu nhiệm nhập thể. (Bài giảng nhân kỷ niệm 40 năm thụ phong Giám mục ngày 30/4/2015).

... Tinh thần hòa hợp dân tộc

Có một chuyện mà không nhiều người được biết về thời gian giáo phận Saigon - Thành phố Hồ Chí Minh cần có người phụ giúp cho Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình. Đức cha Gioan Baotixita kể lại:

Khi qua Rôma đem Thư chung 1980 và lưu lại tại đó, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình nói với tôi: “Tòa Thánh có dự định đưa Đức cha về Sài Gòn làm phụ tá, dự phòng cho tương lai phức tạp. Sau một thời gian cân nhắc, tôi đã trình với Tòa Thánh là theo tôi dự kiến đó không thích hợp. Vì lý do sức khỏe, Đức cha nên ở lại Long Xuyên. Vừa sẽ có lợi cho Hội Thánh, vừa sẽ có lợi cho tất cả Đất nước. Tòa Thánh đã đồng ý rút lại dự định” (“Một trang sử mới”, trang 25). Vậy là Đức cha đã từng được Tòa Thánh chọn làm người phụ tá cho Đức Tổng Giám mục Phaoô Nguyễn Văn Bình nhưng sự việc không thành.

Ngày 30/12/1997, Đức Giám mục phó Gioan Baotixita Bùi Tuần kế nhiệm Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Giám mục Chánh tòa giáo phận Long Xuyên.

Ngày 02/10/2003, ngài được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II chấp nhận đơn từ nhiệm. Đức cha nghỉ hưu tại Tòa Giám mục Long Xuyên. Đức Giám mục phó Long Xuyên Giuse Trần Xuân Tiếu kế vị ngài.

Suốt 41 năm là Giám mục, trong đó 6 năm là Giám mục chánh tòa, ngài là một trong hai vị Giám mục còn lại trong số các vị trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, là tác giả Thư chung 1980 (là ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám mục giáo phận Nha Trang) đã đề ra đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam là: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Suốt những năm còn làm mục vụ tại giáo phận Long Xuyên hay có dịp đi bất cứ nơi nào trên đất nước, Đức cha luôn đau đáu trong tim mình tinh thần ấy, một niềm tin vào sự hòa hợp giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, với những người không theo Công giáo. Trong bài trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Thanh Long, báo Công giáo và Dân tộc số 1654 ngày 25/4/2008, nhân 33 năm Ngày Giải phóng miền Nam, ngài cho biết: “Hôm nay, nhìn vào bộ mặt Giáo hội miền Nam (GHMN ) như tôi vừa trình bày, tôi vui mừng và hy vọng. Bởi vì tôi thấy: Chúng ta đồng hành với dân tộc và đã được chính Chúa đồng hành với chúng ta. Đồng hành và dấn thân như thế vừa là làm chứng, vừa nêu gương sáng, cũng là vừa đối thoại có bản lãnh, đôi khi cũng là một cách đấu tranh có hiệu quả..

...Tôi cũng đặc biệt nhớ tới các anh chị em ngoài Công giáo đã chấp nhận chúng tôi trong tinh thần bao dung, tương thân tương ái. Và họ đã và đang nhìn nhận GHMN có một vị trí đáng trân trọng giữa lòng dân tộc. Tôi cho rằng nhờ thái độ cảm thông đó của anh chị em ngoài Công giáo mà GHMN thấy mình được đón nhận để tin tưởng sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và thực hiện sứ mệnh phục vụ hạnh phúc của đồng bào. Và chính sự đón nhận đó đã và đang giúp GHMN nhận thức được những gì là nguy cơ xa rời Dân tộc, kể cả nhận thức được những mầm mống phá hoại, lắm khi từ chính trong nội bộ, mà mầm mống phá hoại nguy hiểm nhất chính là thái độ tự mãn xa rời Đức Kitô, để GHMN luôn khiêm tốn và trung thành với Đức Kitô, để được Chúa ở cùng. Xin cảm tạ, xin tha thứ và xin cầu nguyện”. 

... Một nhà văn, nhà báo luôn đi sát với thời cuộc

Ngoài trách vụ Giám mục, Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần còn được biết đến như một nhà văn, nhà báo với nhiều tác phẩm được đăng và xuất bản.
 
Tác phẩm nổi bật là bộ sách “Thao Thức”. Bộ này được ra mắt vào ngày 30/4/2007. Đây là một bộ sách được tuyển chọn từ các bài viết của Giám mục trong cả một quãng thời gian dài. Bộ sách dày hơn 2.500 trang, do Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, gồm 5 tập. Chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ trong ngày ra mắt, số lượng đăng ký mua sách đã lên tới 1.150 bộ. Trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã điện thoại và cũng nhã ý muốn đọc bộ sách này.
 
Hôm phát hành bộ sách, trả lời câu hỏi: Điều gì khiến Đức cha thao thức nhất? Đức Giám mục Bùi Tuần bảo: “Làm sao có sự hòa hợp trong đất nước, trong Công giáo, đó là điều tôi tha thiết nhất. Làm sao dân tộc mình hòa hợp nhau, thương yêu thật sự. Là bởi bản tính người Việt mình cũng có khi hay có sự chia rẽ, ngôi thứ không chan hòa...
Đất nước ta tiềm năng lớn. Làm sao cho nông thôn đừng quá nghèo. Lứa trẻ đừng đánh mất bản thân. Giới trẻ phải có trình độ suy nghĩ nhiều hơn. Đừng quá vay mượn của người khác...” (SGGP online 15/5/1997).

Khoảng trong những năm 80, Đức cha đã ra Hà Nội tìm đến nhạc sĩ Văn Cao và ngài chia sẻ do thấy Văn Cao cùng cảnh ngộ nghèo khó giống mình, ngài cũng chia sẻ thêm là ông thích bài Đàn chim Việt và bài Thiên Thai và rất xúc động khi nghe những bài này. Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu còn cho biết: sau lần Đức Giám mục Bùi Tuần tìm gặp Văn Cao, do không vào Nam và Văn Cao muốn đáp lễ, đã đến thăm Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng ở Hà Nội. Một lần khác, ngài cũng đến gặp gỡ nhà văn Võ Hồng.

Nhận xét về vị Giám mục tiền nhiệm của mình, Đức cha Trần Xuân Tiếu, Giám mục giáo phận Long Xuyên cho biết: “Con người Giám mục nơi ngài hội tụ nhiều khuôn mặt làm nên một con người đáng cho chúng ta phải khâm phục. Ngài là một nhà giáo uyên bác, nhà đạo đức có nền tảng nội tâm sâu sắc, nhà văn với tư tưởng thâm sâu với lối hành văn nhẹ nhàng lôi cuốn không thể lẫn lộn với ai khác, một nhà báo luôn đi sát với thời cuộc, một nhà tiên tri...” (SGGP online 15/5/97)

Một vị Giám mục hết lòng tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, trung thành với Giáo hội và gắn bó với quê hương đất nước, Đức cha đã từng nhiều lần được các Đức Giáo hoàng tiếp kiến riêng mỗi lần sang Rôma, đặc biệt đã được Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời dùng cơm riêng. Tại Việt Nam, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhiều vị lãnh đạo Trung ương trong những chuyến về thăm và làm việc với tỉnh Long Xuyên thường ghé thăm ngài. Đức cha đã để lại cho các vị lãnh đạo Nhà nước một mối thiện cảm chân tình đối với một vị Giám mục “Đạo cao, Đức trọng”.

Mừng đại thọ cửu tuần của Đức cha GB. Bùi Tuần, xin kính chúc ngài luôn tràn đầy thánh ân của Thiên Chúa để mãi mãi là tấm gương sáng cho người tín hữu Việt Nam đang “Sống niềm tin Đức Kitô giữa dân mình”.

 
FX. Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Đưa niềm vuiđến với người nghèo (23/01/2017)
Đỗ Chí: Một nhà báo đi qua hai cuộc chiến (03/01/2017)
Nhạc sĩ Văn Ký và lời nguyện Giáng sinh (28/12/2016)
Ấm áp không phải là ngồi bên đống lửa - Ấm áp là khi bạn trao đi yêu thương (14/12/2016)
Người Trưởng ban hết lòng vì công việc (01/12/2016)
Vị mục tử gần dân (30/11/2016)
400 người được khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí (14/11/2016)
Ngôi trường mang tên vị Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam (04/10/2016)
Từ nông dân nghèo đến Giám đốc Hợp tác xã kiểu mới (19/09/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log