Gương điển hình

Bàn tay đắp bồi trên mảnh đất phù sa

Cập nhật lúc 08:49 05/05/2017
Trên mỗi vùng đất mình đi qua, linh mục Anphongsô Khuất Đăng Tôn - chánh xứ Cai Lậy (Giáo phận Mỹ Tho) đều dày công vun đắp cho đời sống người dân và cuộc sống đức tin của họ. Trong lòng của giáo dân, cha là một vị mục tử gần gũi, giản dị, đầy lửa phục vụ và luôn hết mình vì đàn chiên nơi vùng quê nghèo khó.
Bàn tay đắp bồi trên mảnh đất phù sa

 

1.

 Sau khi thụ phong linh mục vào năm 1988, cha Tôn nhận bài sai về giáo xứ Ngũ Hiệp (Giáo phận Mỹ Tho). Vùng này khi ấy còn vô vàn khó khăn. Người dân đa số sống bằng nghề nông, vịn vào cây lúa làm kế sinh nhai. Họ không có điện thắp sáng, thiếu nước sinh hoạt hằng ngày, đường sá khó đi, phương tiện di chuyển thiếu thốn, đời sống vì thế vất vả trăm bề. Nỗi cơ cực của người dân quê nghèo lúc bấy giờ trở thành mối bận tâm khôn nguôi của vị mục tử. Canh cánh chuyện vực dậy đời sống dân nghèo, cha từng ngày giúp đỡ, gỡ rối cho họ trong từng chuyện một. Ngài đến thăm các gia đình, hỗ trợ tiền cũng như liên hệ để chạy đường dây diện. Chẳng mấy chốc, nhà xứ Ngũ Hiệp đã thoát khỏi cảnh leo lét đèn dầu, đèn điện mù mờ từ bình ắc-quy mỗi tối. Những khúc đường trồi sụt, mùa mưa lầy lội khó đi cũng được cha kêu gọi làm lại cho bằng phẳng. Trong các chuyến đi thăm dân, biết được nhà nào lâm cảnh khó, vị mục tử đều tận tình giúp họ vượt qua bằng cả vật chất và những lời động viên. Nhiều gia đình trong vùng đã được cha trợ giúp cất lại nếp nhà mới thay cho căn nhà cũ ọp ẹp, xiêu vẹo.

Thánh đường giáo xứ Cai Lậy

Dân đã nghèo, điều kiện vật chất nơi giáo xứ cũng không khá hơn là mấy. Ngày về nhận xứ, cha Tôn không khỏi nao lòng khi nhìn thấy ngôi nhà xứ lợp bằng mái lá với bức tường bao quanh đầy những vết nứt nẻ, còn thánh đường thì đã quá cũ. Được biết ngôi nhà thờ dựng lên từ năm 1916 nên đã bị hư hại khá nhiều qua thời gian. Cứ mỗi lần lễ lớn có giáo dân tập trung đông, cha lại nhờ các ông trong Ban mục vụ lên trần nhà thờ để kiểm tra vì sợ sẽ gây ra tai nạn. Khoảng năm 1989, ngài cho xây dựng lại nhà thờ. Trong gần 4 năm thi công ngôi thánh đường, cha luôn sát cánh cùng giáo dân. Đường sá bấy giờ khó vận chuyển, may mà trước nhà thờ có con sông nên vật liệu xây dựng đều được vận chuyển bằng đường thủy. Người xứ Ngũ Hiệp không bao giờ quên được hình ảnh ông cha sở lưng đẫm mồ hôi, xắn tay áo cùng họ chuyển dần vật liệu từ bờ sông vào nhà thờ rồi lại quay ra xúc cát, trộn hồ, đắp từng viên gạch cùng dân xây mới lại thánh đường. Chính những giờ phút lao động, chia sẻ khó khăn trong buổi đầu gầy dựng mà dân ở đây càng thêm quý, thêm thương người mục tử không ngại khó của họ. Ông Giuse Huỳnh Kim Xê, người tham gia vào việc xây nhà thờ khi ấy kể lại: “Dân thương cha, thành ra họ trọng tiếng nói của ngài lắm. Lúc xây nhà thờ Ngũ Hiệp, hễ cha kêu mọi người mai lên nhà thờ cùng làm là y như rằng hôm sau đông đủ già trẻ lớn bé quy tụ lại, mỗi người hăng hái giúp một tay vào việc chung”.

Năm 2000, cha Tôn cho xây dựng nhà thờ giáo điểm Long Quới, nằm cách Ngũ Hiệp khoảng 4 cây số. Trước đây, khi chưa có nhà nguyện, giáo dân thường tập trung lại rồi cùng nhau đi xuồng đến Ngũ Hiệp tham dự thánh lễ. Khi có nhà nguyện, cha đến thường xuyên hơn. Trong thời gian là chánh xứ Ngũ Hiệp, ngài còn phụ trách giáo xứ Tân Phong. Mỗi thứ 7, cha lại đi ghe cả tiếng đồng hồ đến đó để dâng lễ. Có lần vào mùa gió chướng, sóng nước ào tới làm chiếc ghe nhỏ suýt nữa chìm. Người mục tử không vì vậy mà nao núng, ngài gạt đi nỗi vất vả để rồi lại như con thoi từ Ngũ Hiệp sang Tân Phong, đến Long Quới rồi lại vòng về Ngũ Hiệp trong suốt một thời gian dài.

2.

 Cha Tôn là người gốc GP Hưng Hóa nhưng được sinh ra ở Vũng Tàu (vì khoảng năm 1930 ông bà cố di cư đến đây). Hồi tưởng lại quá khứ, cha kể những năm học tiểu học, các dì phước ở trường hay nói: “Ráng học cho giỏi để sau này đi tu nha con!”. Lúc ấy, cậu bé mới chừng 9, 10 tuổi đầu, chưa hiểu thế nào là đi tu, thế nào là phục vụ hy sinh,  nhưng trong tâm trí đã dần cảm mến nét uy nghiêm pha lẫn hiền từ của những linh mục mà mình từng tiếp xúc. Ngài kể: “Năm 1963, tôi xuống Mỹ Tho học trung học rồi vào Tiểu Chủng viện. Bắt đầu từ lúc ấy, tôi mới cảm nhận sâu sắc hơn con đường đã chọn lựa qua từng bước mình điSau khi hoàn tất các chương trình học, được thụ phong rồi được bài sai về Ngũ Hiệp, vì là xứ đầu tiên nên còn khá nhiều bỡ ngỡ. Chính lòng đạo của giáo dân nơi đây đã nâng đỡ tôi rất nhiều trong phục vụ”. Bằng mối liên kết bền chặt với giáo dân ấy, khi thuyên chuyển về xứ Cai Lậy năm 2005, cha lại tiếp tục hăng say phục vụ. Nhận thấy nhà thờ đã xuống cấp, ngài quyết định xây dựng lại mới. Ngôi thánh đường hoàn thành và được cung hiến vào ngày 8.12.2012. Bên cạnh chăm lo về cơ sở vật chất, cha cũng lưu tâm đến việc củng cố lại các ban, đoàn thể của giáo xứ, đặc biệt lưu tâm đến đời sống của giáo dân. Mỗi tuần, ngài tổ chức đi thăm các gia đình trong vùng để nắm được những khó khăn họ đang vấp phải, từ đó có cách giúp đỡ phù hợp. Đối với người già, người bệnh, cha tổ chức cho họ một thánh lễ riêng vào mỗi thứ 5 đầu tháng. Sau lễ thường sẽ có một bữa cơm để mọi người cùng ăn với nhau. Về sau, thấy điều này hơi bất tiện vì nhiều người bệnh, cụ già khi ăn phải có con cháu kèm nên cha thay bằng những phần quà, phần bánh để họ có thể mang về nhà.

Nhà thờ Cai Lậy nằm ngay trên quốc lộ, dân quanh vùng đến từ nhiều xứ sở. Khi thấy đời sống của họ ngày một đi lên, cha vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì họ dần thoát xa cái nghèo, lo vì sống trong đầy đủ vật chất, nhiều trò cám dỗ giải trí, họ dễ dàng nguội lạnh việc đạo. Cha tổ chức nhiều buổi tĩnh tâm, mời các linh mục đến nói chuyện với giáo dân, đặc biệt là người trẻ về đức tin, cách đối nhân xử thế, về hôn nhân gia đình. Trước Giáng Sinh, Phục Sinh hay mùa Chay, cha cũng thường tập hợp các bạn trẻ lại rồi cùng ngồi lại bên nhau trò chuyện, nhắc nhở. Sự tận tâm, ân cần của ông cố làm những con chiên càng thêm gắn bó với ngôi nhà chung của mình.

Qua bao năm tháng phục vụ, tuổi đời thêm chồng chất nhưng tinh thần phục vụ nơi người mục tử vẫn hăng say. Vùng đất miền Tây có những con sông hiền hòa, luôn chở nặng phù sa vun đắp cho đất đai cây cối thêm xanh tươi. Cha Tôn cũng như những khúc sông chuyên chở tình thương bồi đắp cho đời sống dân nghèo nơi từng xứ đạo ngài đã trải qua.

THIÊN LÝ

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Thông tin khác:
Cha Piô ”Năm dấu Thánh” (04/05/2017)
Người mục tử có tấm lòng của một người mẹ (03/05/2017)
Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874) Tinh hoa Công giáo ái quốc (19/04/2017)
Thánh Gioan Maria Vianney (17/04/2017)
Thánh Clemente Hofbauer (14/04/2017)
Chuyện ông gia ngồi canh tàu lửa (11/04/2017)
Nữ tu bác sĩ Mariana Koonce phục vụ người nghèo Appalachian, Tennessee (29/03/2017)
Nghĩa Sinh Sài Gòn, Phước Tuy và Phan Thiết giúp 10 giếng nước sạch cho đồng bào nghèo tại Cù lao Hậu Bôi (Sóc Trăng) (28/03/2017)
Thánh Clemente Giáo hoàng Tử đạo (27/03/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log