Gương điển hình

Chuyện của những chàng trai cắm hoa nhà thờ

Cập nhật lúc 10:26 08/06/2017
Tại một số giáo xứ, việc cắm hoa trang trí nhà thờ, bên cạnh các nữ tu hay chị em của các hội đoàn đảm nhận, cánh đàn ông cũng tham gia nhiệt tình.
Chuyện của những chàng trai cắm hoa nhà thờ
Chuyện của những chàng trai cắm hoa nhà thờ

Có nơi vì thiếu thốn nguồn nhân lực, nhưng có chỗ do sự sắp xếp cố tình để các anh thấu hiểu và sẻ chia với chị em phụ nữ. Và, cũng không ít trường hợp, cơ duyên đến từ những niềm đam mê. Võ Tuấn Anh, họ đạo Bò Ót, GP Long Xuyên cho biết, từng có thời gian cắm hoa cùng các nữ tu giúp xứ suốt 6 năm, bắt đầu từ lúc mới 15 tuổi: “Thoạt đầu chỉ là cắm cho vui, phụ các dì sau những buổi đi học về, lâu dần trở thành thói quen và chẳng nhớ từ lúc nào bản thân mình đã rất yêu thích”. Anh bạn trẻ này thường trổ tài cắm hoa vào các dịp lễ lớn, khi nhà thờ cần có sự trang hoàng trang trọng hơn ngày thường, các bình hoa cũng phải làm sao cho công phu hơn. Nhiều lúc, Tuấn Anh làm việc này suốt cả ngày vẫn không cảm thấy mệt. “Vui nhất là khi nhìn thấy sản phẩm hoàn thành. Bình hoa kết dệt bằng nhiều chi tiết, hoa chính, hoa phụ, lá, cành…, như những tâm tình của mình gởi vào đó dâng lên Thiên Chúa”, Tuấn Anh nói. Bây giờ, khi tay nghề đã giỏi, thi thoảng anh còn phụ các quầy bán hoa, tìm thêm thu nhập. Với Tuấn Anh, giữa cắm hoa cho quầy và cho nhà thờ có nhiều nét khác biệt: “Kinh doanh hoa, làm sản phẩm cho khách tất nhiên cần phải chu đáo, cẩn thận, sản phẩm phải bắt mắt, sáng tạo. Cắm hoa cho nhà thờ tưởng đơn giản song còn phải đầu tư hơn nhiều lần, bởi đó là tất cả  ý nguyện, kính thờ… đối với Chúa – Mẹ…”.

Là một thành viên tích cực trong ca đoàn thiếu nhi nhà thờ Mai Phốp - GP Vĩnh Long, Bùi Thiên Quốc cho biết mình đã tham gia cùng với các bạn tại xứ đạo chưng hoa nhiều năm nay, dù trong nhóm có cả nữ, song những bạn nam cũng rất nhiệt tình. Quốc cho rằng thay vì thời gian rảnh dùng để giải trí, chơi game thì tại sao lại không góp phần của mình phục vụ cho nhà thờ, cho mọi người: “Em không dám nhận mình cắm hoa đẹp, nhưng mỗi bình hoa đều chất đầy tâm huyết của em. Và cả các bạn trong nhóm cũng thế, đó là niềm vui mà chúng em luôn trân trọng”. Chàng thanh niên đang học lớp 12 này còn dành nhiều công sức để nghiên cứu về các phương pháp cắm hoa bằng cách mua sách hướng dẫn về đọc, rồi học hỏi những thế hệ đi trước, nhất là ở các nữ tu. Việc chơi thân với các chị em, để sẻ chia kinh nghiệm cũng là một cách học hiệu quả. “Một lần, vừa cắt hoa hồng vừa đùa cợt với các bạn, vô tình em bấm kéo nhầm vào tay, thế là chảy máu. Nhiều lúc hoàn thành xong, nhìn lại tay mình lấm lem, trầy xước, vậy mà ai nấy đều vui vẻ, không kêu ca gì, bởi một phần vì quen, phần do em nghĩ mình chỉ hy sinh chút sức lực nhỏ nhoi thì chẳng là gì so với những ơn huệ Chúa ban”, Thiên Quốc tâm sự. Sau mỗi lần “bày trận” xong, việc quét nhà thờ, thu dọn hoa lá vụn, chuyện trò với các bạn rồi bình phẩm, khen chê nhau cũng là sự thú vị. “Thường thì con gái hay đảm đang việc quét dọn, nhưng không có nghĩa là các bạn nam không làm được. Chúng em vẫn làm tốt đấy thôi!”, Quốc vui vẻ. Để gắn bó lâu dài với việc nhà đạo, với mỗi người có khi là cái duyên, riêng với phái nam, có khi còn vì sở thích. Bởi ngày nay, tại nhiều xứ đạo, thanh niên đã rủ nhau đi lập nghiệp ở nơi xa, phần còn lại thì bận học hành, dường như chẳng còn thời gian quan tâm đến việc chung.

Bùi Thiên Quốc (X) và các bạn đang "trổ tài" tại giáo xứ Mai Phốp

Hoàn thành một bình hoa chưng trong nhà thờ là điều không quá khó, nhưng cũng chẳng hề dễ dàng. Người cắm hoa chỉ cần lơ là, thiếu cẩn trọng ở một tiểu tiết nào đó có thể sẽ phá vỡ vẻ đẹp của tổng thể. Đó là nhận định của anh Nguyễn Hữu Thịnh, giáo xứ Tân Quới, GP Vĩnh Long. Đối với anh, cắm hoa phục vụ cho mọi người là việc làm đòi hỏi sự nghiêm túc. Mỗi bình hoa là kết quả của cả một công trình miệt mài, nhiệt huyết và đầy sáng tạo. Từng có thời gian gắn bó tại nhà thờ Tân Quới suốt 4 năm, từ khi còn học phổ thông, mãi đến bây giờ, Thịnh vẫn cắm hoa tại những nơi mình đến sinh hoạt. Anh cảm nhận: “Việc cộng tác với các nữ tu trong xứ đạo phục vụ cộng đoàn còn là một phương cách hữu hiệu làm gia tăng lòng yêu mến của bản thân đối với Chúa, với tha nhân”. Hiện tại, anh đang học tập và làm việc tại Cần Thơ, và là thành viên đắc lực của nhóm cắm hoa nhà thờ An Hòa (GP Cần Thơ). Với chàng trai này, trong việc cắm hoa, khâu quan trọng nhất là việc chọn hoa, mua hoa: “Hoa phải vừa đẹp, vừa tươi, không có dấu hiệu bị giập úa. Cánh hoa rất mong manh, ngay cả cầm trên tay cũng phải rất nhẹ nhàng. Thi thoảng ra chợ xem hoa, lựa hoa, được mấy chị bán hàng trêu ghẹo, hỏi han cũng thấy vui vui!”. Bạn trẻ Phan Tuấn Anh, cũng là thành viên nhóm cắm hoa nhà thờ An Hòa lại chia sẻ trải nghiệm: “Cắm hoa là việc mà phần đông đều nghĩ chỉ dành cho các bạn nữ, bởi phải cẩn thận, từ tốn, nhưng với tôi, chỉ cần thật sự yêu thích là được, tất nhiên cũng phải có chút năng khiếu và óc sáng tạo”.

Nguyễn Hữu Thịnh (phải) thành viên đắc lực của nhóm cắm hoa nhà thờ An Hòa

Ngoài việc mua hoa nơi các chợ, để tiết kiệm kinh phí cho họ đạo, người cắm còn phải tự mình tìm kiếm. Nhiều nhà thờ ở quê trồng hoa phục vụ cho nhu cầu họ đạo, thậm chí trước nhà các nữ tu còn có một khu vườn riêng đầy màu sắc. Những sản phẩm “cây nhà lá vườn” được chọn lọc, chỉ cần đẹp, sạch. Thông thường, ít người cắm hoa tại nhà thờ được học qua trường lớp. Với các anh, các chú, thì việc đến lớp học cắm hoa còn hy hữu hơn. Anh Vũ Hoàng Minh Hải (38 tuổi), đang sinh sống tại TPHCM đã có 26 năm gắn bó với những bình hoa trên cung thánh. Dầu bận rộn với công việc hằng ngày nhưng anh vẫn dành thời gian đến nhà thờ chưng hoa. “Mình chưa học qua bất kỳ trường lớp cắm hoa nào, song lại rất đam mê môn nghệ thuật này. Chúa ban cho khả năng thì phục vụ lại mọi người. Còn đẹp hay không thì tùy mỗi người nhận định, chỉ cần dành trọn tâm sức là được”, anh tiết lộ. Hiện tại, người đàn ông này phục vụ nơi cộng đoàn xứ Khiết Tâm và thi thoảng lại “lấn sân” sang cả xứ Phú Hạnh (TGP.TPHCM). Cứ đến ngày cận lễ, anh vẫn tự mình đến các chợ mua hoa về cắm, phổ biến là chợ hoa Hồ Thị Kỷ hoặc chợ Thủ Đức.

Bây giờ, việc trao đổi kinh nghiệm cắm hoa trở nên dễ dàng. Sau mỗi “công trình”, các chàng thường chụp ảnh đăng lên facebook, hoặc chia sẻ vào nhóm cắm hoa để các thành viên dễ dàng học hỏi lẫn nhau. Trên trang mạng xã hội, chỉ cần tìm kiếm các cụm từ “cắm hoa nhà thờ” hay “nghệ thuật cắm hoa phụng vụ”, sẽ thấy hàng loạt nhóm, với quy mô lớn bé hiện ra, ở khắp các giáo phận, giáo xứ. Chị Đan Thùy, giáo dân xứ Minh Thạnh, GP Phú Cường nhận xét, đây là cách hay để các bạn nam yêu mến nghệ thuật cắm hoa giúp nhau học hỏi. Mỗi lượt bình luận, dù là lời khen hay góp ý, cũng khích lệ tinh thần. Nhờ vậy, các anh cũng chẳng còn ngại ngùng, lại thi nhau “trổ tài” để mọi người cùng chiêm ngắm.

ANH NGUYÊN

Thông tin khác:
Nhạc sĩ Thuận Yến “Cuộc chia tay hoàn hôn mỹ mãn” (05/06/2017)
Người khai sáng Công đồng Vantican II (02/06/2017)
Trong lòng người Việt, Đức Hồng Y Thuận đã là một vị thánh (02/06/2017)
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sống trọn đời như một sĩ phu yêu nước (01/06/2017)
Hai trẻ thánh ở Fatima (24/05/2017)
Một linh mục Việt Nam nhận bằng Tiến sĩ Kỷ lục thế giới (22/05/2017)
Người đi đường khó... (22/05/2017)
Thánh nữ Faustina Kawalska (18/05/2017)
Thánh Giêrađô Majella (10/05/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log