Gương điển hình

Tình yêu với công việc dịch văn học

Cập nhật lúc 13:19 10/06/2017
Đời sống văn học dịch trong nước những năm gần đây có thể nói là nhiễu loạn.
Tác phẩm được dịch rất nhiều. Thoạt nhìn có vẻ chúng ta đang có một đội ngũ dịch giả hùng hậu. Nhưng trông vào chất lượng các bản dịch, những người yêu văn học gặp phải trạng thái thất vọng ê chề. Nhiều tác phẩm có giá trị trên thế giới, qua bàn tay “nhào nặn” của một số dịch giả đã trở thành một sự “đánh đố” bạn đọc trong nước, khiến cho họ không thể nào tiếp cận một cách chuẩn xác với tinh thần của tác phẩm. Mới đây nhất có thể kể đến trường hợp bản dịch tiểu thuyết “Mật mã Di Vinci” của nhà văn Dan Brown được giới phê bình gọi là một “thảm hoạ dịch thuật”. Chúng ta đang thiếu những dịch giả đủ tài năng, nhiệt tình, cẩn trọng để có thể mang đến những cơ may cho độc giả được thưởng thức những tác phẩm văn chương thế giới một cách đầy đủ và viên mãn nhất.
 
Trịnh Lữ, trong sự cảm nhận của nhiều độc giả yêu văn chương và nhiều đồng nghiệp, là một dịch giả có tinh thần “tử vì đạo”. Khi tôi đến gặp ông, tôi đã đọc và yêu mến một số tác phẩm được ông chuyển thể, như Cuộc đời của Pi của Yann Martel (dành giải thưởng dịch thuật Hội nhà văn Hà Nội năm 2004), Con nhân mã ở trong vườn của nhà văn Moacyr Scliar người Brazil, tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ đương đại, Tuyển tập truyện ngắn Úc hay tập phóng sự nhiều người biết đến Bí mật chôn vùi sự thật tàn bạo của nhóm các phóng viên tờ Blade giành giải Pulitzer năm 2004 điều tra về tội ác của một đơn vị lính Mỹ thảm sát dân thường trong chiến tranh Việt Nam...Có thể nhận thấy rất rõ trong từng câu từng chữ của từng cuốn sách, dịch giả Trịnh Lữ đã dành nhiều tâm huyết và công sức của mình để chuyển tải tốt nhất tinh thần của từng tác phẩm. Cảm giác bực mình thường có khi đọc một số bản dịch của một vài dịch giả khác bởi sự rườm rà, cẩu thả, qua quýt không hề xuất hiện. Đọc những bản dịch của Trịnh Lữ, ta có cảm giác như mình đang được thưởng thức một món ăn ngon, đầy đủ hương vị.
Từng theo học ngành Mỏ -Địa chất nhưng Trịnh Lữ lại có nhiều năm làm phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông từng dịch và thuyết minh cho bộ phim tài liệu Mỹ 13 tập về chiến tranh Việt Nam có nhan đề: “Một thiên lịch sử bằng truyền hình”. Nhờ vốn liếng tiếng Anh giàu có được người cha tài hoa của mình trang bị cho từ nhỏ, Trịnh Lữ đã đi nhiều nơi trên thế giới trong vai trò một nhà báo. Công việc làm báo đã cho ông một vốn sống dồi dào, sự hiểu biết phong phú về nhiều nền văn hoá khác. Năm 1987 Trịnh Lữ cùng gia đình tới sống tại Mỹ. Ông làm việc cho Quỹ dân số của Liên hợp quốc. Ông đã theo học ngành truyền thông tại trường Đại học Cornell. Sau 15 năm bôn ba ở xứ người, Trịnh Lữ trở lại Việt Nam và bắt đầu tham gia công tác dịch thuật. Ông cũng vẫn tiếp tục làm việc cho tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam và Phòng thương mại Việt- Mỹ.
Có một câu hỏi thường được đặt ra là, với một người làm công tác dịch thuật thì việc thông thạo ngoại ngữ có phải là yếu tố quan trọng nhất không. Vì thực tế, trong rất nhiều người thông thạo ngoại ngữ chỉ có một số rất ít trở thành dịch giả. Và trở thành dịch giả uy tín lại càng ít hơn nữa. Câu trả lời là, một người giỏi ngoại ngữ đến đâu họ cũng sẽ không bao giờ chuyển ngữ được một tác phẩm văn học thực sự, nếu họ không có tâm hồn và trái tim của nhà văn. Trong quan niệm của Trịnh Lữ thì dịch một cuốn sách văn học tức là viết lại tác phẩm ấy bằng tiếng Việt. Người dịch phải đứng ngang hàng với tác giả. Anh ta phải xúc động trước văn bản tác phẩm, xúc động trước lối nói, âm thanh, vẻ đẹp của từng con chữ khi nó vang lên trong tác phẩm. Dịch là một công việc khổ cực. Một nhà văn khi sáng tạo, họ có tự do của riêng mình, họ được viết bằng tiếng mẹ đẻ. Còn người dịch thì không. Người dịch luôn luôn bị lệ thuộc vào tác phẩm. Họ chỉ có thể dành được tự do trong một khuôn khổ là làm cách nào để giúp bạn đọc hiểu đúng nhất, hay nhất, chính xác nhất tinh thần của tác phẩm.
Chính vì vậy mà đức tính cẩn trọng được Trịnh Lữ đặt lên hàng đầu, trong dịch thuật. Ông không chịu nổi sự vội vàng, qua quýt. Ông cẩn thận đến mức sốt ruột. Nhiều khi chỉ một chữ, để có được sự chuẩn xác và yên tâm, ông phải mất cả buổi để tra cứu, tìm hiểu. Một ví dụ về sự dụng công của Trịnh Lữ, ấy là khi ông dịch cuốn sách “Hội hoạ Trung Hoa” qua lời của các vĩ nhân của Lâm Ngữ Đường, cuốn sách quan trọng bậc nhất cho những ai muốn tìm hiểu về hội hoạ. Ông vừa dịch vừa học, vừa dành thời gian hỏi han, chú giải những thành ngữ, thuật ngữ. Dịch đi dịch lại hàng chục lần ông vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Cuốn sách của ông rất dài về phần chú giải, đến nỗi nhiều người bảo là dịch giả khoe kiến thức. Nhưng, Trịnh Lữ luôn muốn rằng độc giả của ông có quyền được hiểu một cách cặn kẽ nhất, thấu đáo nhất mỗi từ mỗi chữ trong cuốn sách. Ông sợ cảm giác mông lung, ngây ngô, khó hiểu mà một bản dịch để lại trong lòng độc giả. Nó sẽ là cội nguồn của những sai lệch. Và như thế có nghĩa là công việc của một dịch giả đúng nghĩa chưa được hoàn thành.
Là người sống ở nước ngoài đã nhiều năm, Trịnh Lữ nhận ra một điều rằng, sự trải nghiệm của một dịch giả là vô cùng quan trọng. Dù cho anh có giỏi ngoại ngữ đến đâu, nhưng nếu anh không có khoảng thời gian sống trong vùng văn hoá của ngôn ngữ ấy, không gian văn hoá của ngôn ngữ ấy anh sẽ không thể nào hiểu được những “vỉa tầng” của nó. Thiếu sự “ngụp lặn” như vậy, khi chuyển tải ngôn ngữ anh chỉ chuyển được cái “vỏ” bên ngoài chứ không thể đi sâu vào những cái cốt lõi trong tinh thần tác phẩm. Dừng lại ở cái vỏ ngôn ngữ cũng có nghĩa là dừng lại ở sự hời hợt. Người đọc, vì thế, không có cơ hội hiểu hết vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp tư tưởng của tác phẩm. Sự trải nghiệm của người dịch cũng có ý nghĩa quan trọng và đặc biệt như là đối với người viết vậy.
Để có một bản dịch hay, quyến rũ, thậm chí là ám ảnh người đọc, ngoài những yếu tố kỹ thuật hết sức cần thiết, có thể nói Trịnh Lữ là một nghệ sĩ đích thực. Ông đã mang nguyên vẹn tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật của mình vào công việc dịch thuật của mình. Bằng cách ấy, ông giúp bạn đọc tiệm cận tác phẩm gần nhất và dễ dàng nhất, thông qua khả năng diễn đạt tiếng Việt dồi dào và chuẩn xác. Trịnh Lữ viết văn, làm thơ, vẽ tranh, chơi đàn piano và thiết kế nội thất...Trong con người ông, nghệ thuật là điều gì đó tự nhiên như cây cỏ. Ông thừa nhận mình đã được kế thừa điều đó từ người cha, hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc.
Trong câu chuyện của mình Trịnh Lữ thường hay kể về người cha với một niềm tự hào không giấu giếm. Hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã theo học trường mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu.Ông Hữu Ngọc từng mở xưởng thiết kế đồ gỗ  rồi mở trường dạy vẽ những năm 1950 của thế kỷ XX, là người thiết kế nội thất cho chiếc chuyên cơ AN 24 của Chính phủ cùng rất nhiều khách sạn du lịch, nhà nghỉ khác... Ông Hữu Ngọc có hai bà vợ sống rất thuận hoà trong một mái nhà. Người mẹ của Trịnh Lữ là hoạ sĩ vẽ tranh lụa nổi tiếng Nguyễn Thị Khang. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống như vậy, ngay từ nhỏ Trịnh Lữ đã được cha mẹ truyền cho ngọn lửa của tình yêu nghệ thuật. Cha ông đã mướn thầy về nhà dạy ông học đàn và ngoại ngữ. Ông Ngọc là một trí thức thức thời, bằng việc muốn các con học ngoại ngữ, ông mong muốn đó sẽ là một phương tiện giúp các con mở thêm nhiều cánh cửa mới trên con đường tìm hiểu về văn hoá  nhân loại. Trịnh Lữ cũng ảnh hưởng rất nhiều cách sống của cha, cách sống nương theo tự nhiên, như trời đất, cỏ cây, hoa lá... Trịnh Lữ bày tỏ: “Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Cha tôi là một nghệ sĩ về mọi mặt. Ông ảnh hưởng đạo Trang Tử, Khổng Tử, luôn thuận theo tự nhiên, không thích sự gò bó, đóng hộp. Tôi nghĩ truyền thống gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến tư chất của mỗi cá nhân. Tư chất của mỗi người sẽ là yếu tố quyết định đến việc họ lựa chọn con đường đi của mình. Tôi không tin vào số phận. Tôi thích câu nói của Aristos, đại ý, tính cách thế nào thì số phận thế ấy. Mọi việc trên đời đều do mình mà ra, không thể đổ lỗi cho điều gì cả”.
Trong ngôi nhà nhỏ của Trịnh Lữ trên phố Quán Thánh, khách tới thăm có thể được nhìn ngắm những bức tranh của ông. Những bức tranh sơn dầu được vẽ bằng bút pháp cổ điển theo phong cách của người cha Trịnh Hữu Ngọc, Trịnh Lữ cho người xem cảm nhận về sự nâng niu cuộc sống, sự trân trọng cái đẹp cũng như những suy tưởng của ông về kiếp đời. Lối bài trí ngôi nhà của ông cũng thể hiện một bàn tay nghệ sĩ tài hoa, ưa sự hài hoà của thiên nhiên, thích ẩn mình trong vẻ tự nhiên sẵn có, không phô trương, màu sắc.
Quay trở lại mối quan tâm ban đầu của tôi khi đến gặp Trịnh Lữ, là công việc dịch thuật. Ông có nhận xét rằng, chúng ta cần có một cách nhìn nghiêm túc hơn, khắt khe hơn về công tác dịch thuật. Để kiếm tiền, người ta có thể làm nhiều nghề khác. Còn dịch văn học trước hết phải là một tình yêu. Trịnh Lữ chỉ dịch những cuốn sách mà ông yêu mến. Ông cũng có một tham vọng là sẽ dịch lại một số tác phẩm văn học cổ điển thể giới bằng một ngôn ngữ Việt cổ, nhằm mang đến cho bạn đọc hình dung về một không gian văn học xưa cũ. Một sự cảm nhận thú vị trong thời buổi hiện đại.
Bình Nguyên Trang
Thông tin khác:
Chuyện của những chàng trai cắm hoa nhà thờ (08/06/2017)
Nhạc sĩ Thuận Yến “Cuộc chia tay hoàn hôn mỹ mãn” (05/06/2017)
Người khai sáng Công đồng Vantican II (02/06/2017)
Trong lòng người Việt, Đức Hồng Y Thuận đã là một vị thánh (02/06/2017)
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sống trọn đời như một sĩ phu yêu nước (01/06/2017)
Hai trẻ thánh ở Fatima (24/05/2017)
Một linh mục Việt Nam nhận bằng Tiến sĩ Kỷ lục thế giới (22/05/2017)
Người đi đường khó... (22/05/2017)
Thánh nữ Faustina Kawalska (18/05/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log