Gương điển hình

Ấp ủ phận người nơi vùng đất sông Hàn

Cập nhật lúc 14:36 18/07/2017
Tọa lạc tại số 121 Phan Tứ, Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng, hơn 25 năm qua, Trường chuyên biệt Thanh Tâm do Tỉnh dòng Phaolô Đà Nẵng phụ trách là một trong những địa chỉ tin cậy cho các gia đình có trẻ khuyết tật. Nơi đây, biết bao trường hợp kém may mắn đã được chăm lo chu đáo trong vòng tay tận tình của các nữ tu.
Ấp ủ phận người nơi vùng đất sông Hàn
Ấp ủ phận người nơi vùng đất sông Hàn

Với mong ước chung tay cùng cộng đồng đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những trẻ em khuyết tật, mô hình giáo dục và chăm sóc sức khỏe đặc biệt tại trường Thanh Tâm là điểm tựa của nhiều hoàn cảnh. Tại đây, các em được hỗ trợ hầu hết các khâu, từ việc thực hiện liệu pháp can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập đến dạy nghề, hướng nghiệp. Chất lượng đầu tư ngày càng nâng cao.

Các "ca sĩ nhí" thoải mái ca hát

1.Ngược dòng thời gian về những năm đầu của thập niên 90, khi điều kiện y tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đối với trẻ em tự kỷ, chuyện chăm sóc sức khỏe, giúp hòa nhập với cộng đồng là vấn đề vô cùng trở ngại. Gia đình không may có trẻ em khiếm thính, bại não, việc điều trị dường như là một bài toán khó. Tháng 9.1990, các nữ tu đã mở lớp học đầu tiên với vỏn vẹn 2 phòng nhỏ, nhận nuôi dạy 14 em khuyết tật từ các gia đình nghèo. Nữ tu Anne Nguyễn Thị Tuyết Lan, hiệu trưởng của trường cho biết: “Nhìn thấy những phụ huynh lao khổ, vừa chật vật mưu sinh vừa lo toan cho trẻ tật nguyền, nhà dòng muốn chung sức một phần. Ngày ấy, cùng với mong muốn cộng tác trong chương trình Vì trẻ em khuyết tật, chúng tôi đã tìm cách mở thêm phòng học, nhận các bé về. Từ năm 1999 đến 2002, cơ sở nhận về 140 trẻ với nhiều dạng khuyết tật để chăm sóc”.  Những gia đình không thể gởi bé đến trường, các nữ tu cũng không ngại lặn lội đến từng nhà tư vấn, hỗ trợ phụ huynh. Ngày 1.10.2009, Tỉnh dòng Phaolô Đà Nẵng đã bắt đầu đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi trường hiện tại.  Đến tháng 7.2010, trường đi vào hoạt động. Theo thời gian, số lượng trẻ đến điều trị ngày một tăng. Trong đó, không ít em sau này hòa nhập tốt, lập nghiệp như bao người bình thường.

Năm học vừa qua, các nữ tu Phaolô phục vụ cho tất cả 271 học viên thuộc các độ tuổi khác nhau, thuộc địa bàn thành phố Đà Nẵng và các vùng lân cận. Trường có 5 khối nhà dành cho 13 lớp học và các phòng vận động, vật lý trị liệu, phòng âm nhạc trị liệu, nghệ thuật trị liệu, phòng nội trú, và khu nhà ăn riêng biệt. Tất cả được bao quanh bởi những khoảng sân chơi rộng rãi, thoáng mát. Chương trình giảng dạy và điều trị có sự cộng tác của các chuyên gia tâm lý, xã hội học, các bác sĩ chuyên khoa. Trong dạy học văn hóa, các em học sinh khiếm thính được hỗ trợ theo mô hình đặc biệt dành cho người khuyết tật để có thể phát triển hết khả năng. Ban giám hiệu còn sắp xếp để các giáo viên hướng dẫn luôn theo sát mỗi em, là chỗ dựa tinh thần nâng đỡ các bé. Ngôi trường này như một gia đình, đầy ấm áp và thân thiện. Vì thế, các học viên càng vơi dần sự tự ti mặc cảm, mạnh dạn hòa đồng với nhau. 

Học viên hăng say với nghề làm bánh

2. Ngoài việc học tập các môn văn hóa, học sinh tại trung tâm còn tham dự các tiết học ngoại khóa, nhằm phát hiện năng khiếu và kích thích tư duy của các em. Nhìn vườn rau xanh ươm trong khuôn viên ngôi trường, một nữ tu phục vụ tại đây chia sẻ: “Trong các giờ sinh hoạt tập thể, bên cạnh tổ chức các trò chơi giải trí, chúng tôi còn hướng dẫn các em chăm sóc rau, làm các việc nhẹ nhàng như nhổ cỏ dại, tưới nước. Một cách vừa để các bé lao động, thư giãn vừa mang tính giáo dục”.

Điều quan trọng góp phần nên sự thành công của ngôi trường chuyên biệt này là việc đầu tư phát triển có chiều sâu. Trong khi một số cơ sở điều trị chỉ dừng lại ở việc chăm sóc y tế, phục hồi chức năng để các em quay về với gia đình thì ở Thanh Tâm, việc đào tạo nghề, hướng nghiệp được chú ý cách đặc biệt. Hơn thế, ban giám hiệu trường cũng mở các cơ sở kinh doanh để các em sau khi hoàn thành khóa học đến làm việc và có thu nhập. Ngay đối diện các phòng học, nhà ăn là một quán cà phê nhỏ bán các thức uống và ăn nhẹ được mở ra từ nhiều năm nay do chính các em phục vụ. Lương mỗi nhân viên phổ biến trong khoảng từ 2 - 4 triệu đồng/ tháng, tùy theo công việc. Hiện tại, trường đang giảng dạy cho các học viên 5 ngành nghề chính: làm bánh, massage, may quần áo, làm vườn và thiết kế đồ họa. Em Lê Tấn Tài, một thợ làm bánh tại đây khoe: “Em học nghề được 5 năm và sống với các dì từ nhỏ. Em yêu thích công việc này và yêu mến các dì”. Từng tiếng, từng tiếng nói của Tài là bằng chứng cho sự nỗ lực bao năm để vượt lên thử thách. Nữ tu Tuyết Lan cho biết, sinh ra trong gia đình có 5 thành viên, Tài bị chậm phát triển và ngay từ lúc 3 tuổi đã được gia đình gởi vào dòng để điều trị can thiệp sớm. Hằng ngày, em làm việc tại đây, đến cuối tuần về với gia đình. Giống như Tài, Huỳnh Thị Kiều Oanh cũng là một thợ làm bánh “xuất sắc” của trường. Từ nhỏ em đã chậm phát triển, học trước quên sau lại rất tự ti, nhút nhát vậy mà đến nay có thể mạnh dạn giao tiếp với mọi người và thạo việc. “Em thích nhất là học làm bánh mì và học toán”, Oanh nói. Khi được hỏi cảm nghĩ của bản thân về các nữ tu thì Oanh vội đáp: “Các dì yêu mến em, em cũng thương mến các dì!”. Thật chân tình và dễ thương!

Hưởng ứng ngày thế giới nhận thức về tự kỷ 2.4

Mỗi năm, có từ 4 đến 10 học viên các lớp nghề được ra trường, tùy vào năng lực học tập của các em. Xây dựng mô hình thành công, trường khuyết tật Thanh Tâm còn thực hiện chuỗi dự án “Phát triển chuỗi giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng” trên một số khu vực quận huyện thuộc Đà Nẵng và Quảng Nam từ nhiều năm nay. Dự án hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật cho giáo viên tại các trường tiểu học, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như các kiến thức, kỹ năng về giáo dục hòa nhập.

Với các học viên, ngôi trường Thanh Tâm này không chỉ đơn giản là một nơi để điều trị, khi đã phục hồi thì rời đi mà còn là một gia đình đượm thắm yêu thương. Bất kể lúc nào các em cũng đều có thể quay về sinh hoạt, nối kết với nhau. Và, trong những chặng hành trình đó, luôn có bóng dáng các nữ tu âm thầm dõi theo.

ANH NGUYÊN

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Thông tin khác:
Song thân của Đức Maria (17/07/2017)
Trưởng ban Công tác Mặt trận của "khu phố nghĩa tình" (17/07/2017)
"Chàng mũ đỏ" hát trong mưa (13/07/2017)
Phó tế, tử đạo, thánh Laurenso (12/07/2017)
Những ẩn ức về cái đẹp (05/07/2017)
Nguyễn Vĩnh Long - "Ông dân vận" được dân mến yêu giữa đại ngàn (03/07/2017)
Từ bỏ cuộc sống giàu sang, cựu ngôi sao Manchester United chính thức trở thành… linh mục (30/06/2017)
Tài sáng chế của người nông dân Công giáo (29/06/2017)
Thánh Gioan Bosco (27/06/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log