Gương điển hình

Lịch sử vang lên trong những giai điệu đẹp

Cập nhật lúc 10:06 23/08/2017
Tôi có vinh dự được gặp nhạc sĩ Phaolô Nguyễn Văn Quỳ vào một chiều hè, trong căn nhà cổ của ông trên phố Tạ Quang Bích, một con phố đẹp với những giàn hoa giấy đầy sinh động, ngôi nhà nơi ông đang sinh sống nằm tĩnh lặng trong lòng phố cổ Hà Nội, một ngôi nhà gắn với nhiều kỷ niệm tuổi thơ ông.
      Phía bên trong ngôi nhà, một Hà Nội mộc mạc, đơn sơ được tái hiện rõ nét, với bộ bàn ghế xưa, bình hoa tươi thắm, cùng với nhiều kỷ vật gắn bó một đời cùng ông, được ông hết mực nâng niu, gìn giữ và trân trọng. Có lẽ, cũng giống như con phố, như ngôi nhà mà ông đang sống, cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Quỳ thật lặng lẽ mà yên bình…Từ ánh nhìn đầu tiên khi gặp ông, tôi thoáng thấy hình bóng người cha già đang ở quê nhà của mình, dáng người hao gầy, đôi mắt to, vầng trán cao và làn da trắng… cảm giác ấy khiến tôi thấy sự thân thương, gần gũi khi được trò chuyện cùng với ông. 

      Nhạc sĩ Phaolô Nguyễn Văn Quỳ (còn có bút danh Đỗ Quyên), sinh ngày mùng 2/1/1925, ông sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất Hà Nội, được chứng kiến tất cả những đổi thay, thăng trầm về cả cảnh sắc lẫn con người Hà Nội. Hà Nội là một phần trong ông, như một bản sonata tuyệt vời, như chính cuộc đời của ông… 

      Ít ai biết rằng, cuộc đời của người nhạc sĩ tài năng ấy trải qua biết bao gian truân, biến cố. Là cả một sự đấu tranh, nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ, mới có được một Nguyễn Văn Quỳ thành công như ngày nay người đời nhìn thấy.Khi ông lên 5 tuổi thì mẹ mất, 13 tuổi thì cha của ông cũng qua đời, ông phải sống cùng mẹ kế. Với số tiền người cha quá cố để lại, ông theo học đến khi đỗ bằng Cao đẳng Tiểu học (Diplôme) thì hết. Trong hoàn cảnh khó khăn khi ấy, ông luôn tự nhủ với mình rằng phải biết vươn lên khỏi nghịch cảnh, kiếm tiền để tiếp tục học tập và theo đuổi niềm đam mê của mình với âm nhạc.

      Ông được thừa hưởng niềm say mê âm nhạc dân tộc từ người cha, từ năm lên 4 ông đã bắt đầu được nghe nhạc dân tộc. Vào cuối những năm 30, đầu thế kỷ XX, cha của ông thường cùng với bạn bè, hòa những bài nhạc dân tộc như Hành vân, Lưu thủy, Cổ bản, Kim tiền… Với sự dẫn dắt và định hướng âm nhạc một cách rất riêng của người cha,  ngày từ tấm bé Nguyễn Văn Quỳ đã thấm đẫm âm nhạc dân tộc Việt Nam. Điều đó góp phần xây dựng thẩm mĩ âm nhạc trong con người ông, là nền tảng cho sự phát triển khả năng âm nhạc của ông về sau này.

      Được đứng trong dàn đồng ca tại Nhà thờ Lớn

      Một năm trước khi cha ông qua đời, đã gửi gắm ông vào học trường dòng (Ecole Puginier), ông được chọn vào ban đồng ca học sinh để hàng tuần hát tại Nhà thờ Lớn, với những tác phẩm nổi tiếng từ thời cổ điển châu Âu: Bach, Hanedel, Mozart, Haydn, Beethoven… Ông tham gia ca hát rất tích cực, dâng tiếng đàn, tiếng hát như chính hơi thở của mình cho Thiên Chúa, đồng thời đây cũng là khoảng thời gian, giúp ông được thực hành, tôi luyện khả năng âm nhạc của mình với những bài thánh nhạc kinh điển. Ký ức tuổi thơ ông là sự hòa trộn giữa âm nhạc dân tộc tinh túy của Việt Nam và âm nhạc bác học. Điều này lý giải, vì sao những sáng tác của nhạc sĩ sau này, lại là sự kết hợp nhuần nhuyễn hai luồng âm nhạc truyền thống của Việt Nam và âm nhạc bác học phương Tây. Ông đã tạo ra một sự kết hợp ngôn ngữ âm nhạc hoàn toàn mới lạ, mà nhiều nhạc sĩ đã phải công nhận, đó là một sự kết hợp tuyệt vời nhất.

      Sinh ra trong thời chiến, chàng thanh niên Công giáo Phaolô Nguyễn Văn Quỳ đi theo cách mạng từ năm 16 tuổi.Gác bút nghiên, ông sôi nổi tham gia hoạt động kháng chiến.Ông kể: “Trước Cách mạng tháng 8, năm 1941, tôi đã tham gia phát tán truyền đơn và các bản tin để tuyên truyền cho cách mạng, rồi bán bản in bài Đoàn quân Việt Minh đi (sau đổi thành bài Tiến quân ca), của nhạc sĩ Văn Cao với giá 3 đồng Đông Dương, cho bản in bằng thạch màu tím, và 5 đồng Đông Dương, cho bản in được tô thêm vàng, để lấy tiền gây quỹ cho phong trào thanh niên cách mạng thành Hoàng Diệu”.

      Lịch sử vang lên trong những giai điệu đẹp

      Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ chia sẻ: “Hàng năm cứ đến ngày giải phóng Thủ đô, tôi như được sống lại cái thời khắc lịch sử đó, như con chim được bay khỏi lồng với cảm xúc phấn khởi, cảm động và vui sướng. Đó cũng chính là cảm xúc của nhiều người dân Hà Nội chúng tôi. Tôi nhớ lại lúc chúng tôi hơn 200 người, vừa đàn vừa hát chào mừng quân đội, và mọi người đều có một niềm vui mừng lan truyền sang cho nhau. Ngày giải phóng Thủ đô đã qua nhưng còn in hằn trong chúng tôi lâu dài mãi về sau, không gì có thể diễn tả được nỗi vui sướng, hân hoan ấy.Nhiều người trong chúng tôi còn bật khóc trong niềm vui sướng”.

      Trong những thước phim tư liệu quý giá,về ngày giải phóng Thủ đô “Việt Nam ngày thắng lợi”, do nhạc sĩ Cácmen (thuộc Liên Xô cũ) ghi lại, chúng ta bắt gặp hình ảnh một người thanh niên trong bộ vest trắng, miệng hát vang “Hoàn hô các anh về đây giải phóng Thủ đô” tay đệm đàn ghi ta , đó chính là người nhạc sĩ người Công giáo Phaolô Nguyễn Văn Quỳ. Ông đã sáng tác hai ca khúc, để chào đón đại quân chiến thắng trở về, đó là ca khúc “Hà Nội giải phóng”(được đăng trên báo Tiền phong, in màu, tại bìa 4 - số bí mật cuối cùng còn trang nhất là hình ảnh Hồ Chủ tịch) và “Hoan hô bộ đội giải phóng Thủ đô”; sau ngày giải phóng Thủ đô, một số bài hát ông sáng tác trong thời kỳ này đã được biểu diễn ở Đại hội Văn công Toàn quốc và ông đã được tặng Huy hiệu Bác Hồ.

      Ông kể: “Tại ngôi nhà số 13 đường Phạm Phú Thứ, sau đổi thành đường Nguyễn Quang Bích, tôi tổ chức phổ biến các ca khúc cách mạng cho 5 tổ, mỗi tổ 5 người, rồi mỗi người lại đi dạy cho 4-5 người khác, trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc nội thành, để chào mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Sáng sớm ngày 10/10, chúng tôi tập hợp được hơn 200 người, là thanh niên và học sinh kháng chiến nội thành, với lá quốc kỳ lớn đi đầu, tiến về quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (phía đông bắc quận Hoàn Kiếm) để chào đón đại quân”. 

      Người ta gọi ông là làm “cách mạng Hồ Gươm”. Nhưng ít ai biết được rằng, thanh niên phố cổ Hà Nội ngày đó hoạt động cách mạng nội thành luôn có những hiểm nguy rình rập. “Khi đó, quân phát xít tuần tra ráo riết, chúng bất chợt giăng dây ở hai đầu đường, những người đi lại bị chặn ở giữa rồi lục lọi, khám xét từng người một bắt được ai có truyền đơn trong người, chúng liền bắt đặt tay lên cột điện và chặt phăng đi để răn đe, hoặc đưa về nhà Tiền (Cống Vị) tra tấn rất tàn ác “Người ta hay gọi chúng tôi là trẻ con láu cá. Vì khi biết quân phát xít tuần tra chúng tôi liền nghĩ ra mẹo cuộn truyền đơn cho nhỏ lại, rồi bỏ vào cọc yên xe đạp, đi đến đâu cần, chúng tôi mới lấy dây thép, cuộn vòng vèo ở đầy để lôi những bản tin, truyền đơn kể về những thắng lợi của cách mạng, của Việt Minh” – Ông chia sẻ.

      Dù có nhiều hoạt động, và đóng góp khác nhau cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Thế nhưng, những đóng góp đáng kể nhất của người thanh niên Công giáo, nhà soạn nhạc - nhạc sĩ, Phaolô Nguyễn Văn Quỳ cho cách mạng, vẫn chính là âm nhạc, mang khả năng âm nhạc của mình làm vũ khí sắc bén góp sức cho cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, những sáng tác của ông đã kịp thời động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông hăng hái tham gia văn nghệ kháng chiến tại khu 3, khu 4, là những vị trí hết sức trọng yếu của cuộc kháng chiến, ông tìm được niềm vui, yêu đời, yêu dân tộc trong âm nhạc, để tiếp bước cho làn sóng cách mạng hồi bấy giờ.

      Gia sản quý giá nhất của ông chính là 9 bản sonata được viết riêng cho violon và piano. Ông dành 40 năm cho 9 bản sonata (quá trình sáng tác kéo dài từ năm 1963 - 2013), ông coi vĩ cầm là vua của các loại nhạc cụ vì luôn diễn xuất sắc nhất nội tâm và tư tưởng của con người. Điều vô cùng đặc biệt là trong quá trình sáng tác của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ chưa hề sử dụng một cây violin nào, mặc dù những bản sonata của ông được viết riêng cho violin và piano, ông chia sẻ: “Khi ngồi vào viết sonata, tôi chỉ có phím dương cầm kề bên, còn tất cả chỉ là hình dung và tưởng tượng, nhất là thế giới trừu tượng của kỹ thuật vĩ cầm, tôi nhắm mắt lại rồi phiêu du theo cảm hứng”.

      Ludwig Van Beethoven có 10 bản sonata và được coi là thiên tài âm nhạc, người dân Đức coi Beethoven là đỉnh cao của đất nước mình, thì Beethoven Vietnamese cũng có tới 9 bản và cho đến nay, trên thế giới không có nhà soạn nhạc nào viết đến 9 bản sonata cho violin và piano. Kênh truyền hình Đức khi sang Việt Nam làm phóng sự về ông, trong chương trình “Glodal 3000 - 3000 sự kiện của trái đất” cũng đã gọi ông là Beethoven của Việt Nam. Tên tuổi của ông đã được ghi vào từ điển bách khoa mở (Wikipedia).

      Xin mượn lời nhận xét của Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là tấm gương về lao động sáng tạo, là tấm gương về tình yêu với nghệ thuật âm nhạc. Ông là một nghệ sĩ lớn với nghĩa viết hoa. Giới nghệ sĩ Việt Nam ghi nhận cống hiến của ông suốt đời vì âm nhạc dân tộc”!

 
ĐỖ HOA
Thông tin khác:
Trưởng Ban công tác Mặt trận Thạch Ái: Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện khi bình xét hộ nghèo. (18/08/2017)
Chỉ mong như thân lúa miến (11/08/2017)
Thánh Sanchez del Rio (11/08/2017)
Gần 30 năm sửa xe miễn phí (10/08/2017)
Người thương binh hỏng mắt chiến đấu ở "đồi không tên" (10/08/2017)
Ông Lò Thanh Dọn, cây "Đại thụ" bên dòng Nậm Khênh (08/08/2017)
Thánh Monica (04/08/2017)
Ông Ngô Nhơn, người cán bộ Mặt trận gương mẫu, nhiệt tình (03/08/2017)
Ông Nguyễn Minh Chờ - Trưởng ban công tác Mặt trận tận tâm với công việc (01/08/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log