Gương điển hình

Nơi nào khó, nơi đó có dáng hình người mục tử

Cập nhật lúc 08:57 30/11/2017
Là giám đốc Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre kiêm chánh xứ Giồng Trôm (giáo phận Vĩnh Long), linh mục Đaminh Nguyễn Hữu Trung đang từng ngày dốc sức phục vụ, góp phần vun xới cho vườn nho của Chúa ngày thêm tốt tươi.

Từng bước thắp lửa nhiệt thành

Quê ở Hải Dương, từ năm 6 tuổi, cha Trung đã là cậu bé mồ côi cha mẹ. Ngày tháng sống với người chị ruột khi bên mình không còn sự chở che của phụ mẫu đã rèn cho cha đức tính tự lập, hy sinh, chịu thương chịu khó. Ðể rồi trong những lần lui tới nhà thờ, tiếp xúc với các linh mục, mong muốn được sống đời tận hiến đã dần nảy nở trong cha lúc nào không hay biết. Cha Trung đăng ký vào dòng Chúa Cứu Thế và sau một khoảng thời gian dài tu học, năm 1997, ngài lãnh tác vụ linh mục.

Sau khi được thụ phong, cha nhận bài sai về cộng đoàn của dòng ở Vũng Tàu. Bên cạnh việc xây dựng các cơ sở vật chất nơi đây, cha thường xuyên đi giảng tĩnh tâm, đến dâng lễ và dạy giáo lý cho những giáo xứ trong vùng. Cha cũng có 2 năm về Cần Giờ (TPHCM) lo việc xây dựng nhà thờ giáo điểm An Thới Ðông (giáo xứ Cần Thạnh, TGP.TPHCM). Năm 2015, cha được cắt đặt làm chánh xứ Giồng Trôm. Từ đây, nhật ký đời phục vụ của vị mục tử bước thêm một trang mới, đầy thử thách nhưng cũng để lại nhiều dấu ấn thân thương.

Mỗi ngày lễ lớn ở TTHH, cha điều tất bật trong mọi việc

Giồng Trôm là một họ đạo gồm chừng 300 giáo hữu. Dân vùng này có một đặc điểm là người trẻ thường hết lớp 12 thì khăn gói lên Sài Gòn học hoặc xin việc làm rồi định cư ở lại. Một số người sang Hàn Quốc hoặc Nhật Bản lao động, hết hạn hợp đồng lại tính đường đi làm ăn nơi khác, đến tuổi nghỉ hưu mới quay về quê nhà. Nhân lực giáo xứ vốn ít, vì lý do này mà ngày càng thêm cạn kiệt. Ngoài thánh lễ, ở họ đạo hầu như hiếm thấy một sinh hoạt nào để gắn kết các thành phần giáo dân trong xứ.

Nhìn thấy được khó khăn đó, vị chủ chăn luôn đau đáu trong lòng niềm mong mỏi vực dậy họ đạo. Ngài bắt đầu bắt tay vào gầy dựng, đi từ việc đào tạo nhân lực. Cha Trung luôn để ý mời gọi giáo dân có lòng nhiệt thành tham gia việc nhà thờ. Nhờ có sự dẫn dắt, nâng đỡ của cha, ban quới chức dần đi vào quy củ, hoạt động nề nếp trở lại. Mỗi tháng, cha họp mặt các thành viên trong ban lại một lần để trao đổi. Bên cạnh đó, ngài cũng kiên nhẫn hướng dẫn để mọi người có thể làm việc hiệu quả hơn. “Tôi thường đùa, họp như vầy, tôi sẽ ‘rủa’ tới chừng nào mấy ông khá lên thì thôi”, cha hóm hỉnh. Dù hiện tại nhân lực không có nhiều, nguồn quỹ ở xứ cũng rất hạn chế, nhưng cứ đến mỗi dịp lễ tết, cha đều gói ghém tổ chức những buổi vui chơi, sinh hoạt trong khuôn viên chật hẹp của giáo xứ. “Hồi Tết năm trước, cha làm hội chợ ẩm thực vui lắm. Xứ em không gian nhỏ xíu mà cha sắp xếp sao được 17 gian hàng ăn uống. Bữa đó dân kéo tới đông nên nhà thờ rất xôm tụ. Sinh hoạt kiểu này em biết ở các xứ khác cũng bình thường nhưng đối với xứ em mà nói là cả một sự nỗ lực, bởi ở đây còn thiếu thốn đủ thứ”, bạn Trần Công Hội, giới trẻ xứ Giồng Trôm chia sẻ. Ðối với riêng người trẻ đang giúp xứ, những lần sinh hoạt như vậy tạo cho họ cơ hội để học cách tổ chức, lên kế hoạch làm việcCòn đối với giáo dân, đây là dịp để họ cùng nhau quy tụ lại, hàn gắn những đứt gãy, nếu có.

Thánh lễ “ba không”

Tiếp xúc với cha, có thể dễ dàng nhận thấy ở ngài có một nét giản dị làm người đối diện cảm thấy dễ chịu. Cha không câu nệ tiểu tiết với giáo dân, trái lại luôn tạo cảm giác thoải mái, làm sao để họ không còn khoảng cách với vị chủ chăn của mình. Cha chia sẻ: “Biết người miền Tây thích uống rượu, nhưng không phải mình cứ can ngăn, khuyên bảo là được đâu. Họ thành nếp rồi. Mỗi lần tôi đi thăm cũng phải ráng uống với họ một hai ly, vậy mới có thể gần gũi hơn để còn được đồng hành với họ trong quãng thời gian dài về sau”. Sát cánh với dân, cha tìm hiểu được hoàn cảnh của họ để từ đó nảy ra nhiều cách tương trợ. Những phần quà cho người neo đơn hằng tháng, học bổng cho học sinh nghèo hay chuyến đi chơi xa cho giáo dân xứ đạo vùng quê..., chính là tấm lòng của vị mục tử, chắt chiu từng điều tốt lành dành trọn cho đàn chiên của mình.

Ngày được bài sai về Giồng Trôm, cha Trung cũng đồng thời nhận quản lý Trung tâm Hành hương Ðức Mẹ La Mã (giáo phận Vĩnh Long) và có vài tháng kiêm nhiệm luôn nhà thờ La Mã. Cũng là một họ đạo thưa dân, các đời cha sở lại không ở tại nhà thờ (mà ở họ lẻ) nên việc quy tụ bà con tại La Mã tương đối khó. Theo lời giáo dân nơi đây kể lại, thánh lễ La Mã khi đó rất ít người tham dự, đôi khi chỉ có một nữ tu. Ấy vậy mà cha Trung vẫn đều dặn đến dâng lễ với tâm niệm: “Một thánh lễ không người đọc sách, không ca đoàn, không người tham dự vẫn có thể dâng được!”. Mỗi ngày, cha luôn tất bật để chu toàn các giờ lễ san sát nhau. Dân trong vùng đã quá quen với cảnh cha như con thoi, chạy đi chạy lại giữa hai giáo xứ La Mã và Giồng Trôm, cách nhau khoảng 10 cây số để cử hành thánh lễ. Người ta thường đùa với nhau, có khi ông cha chạy 100... cây chuối trên giờ mới kịp lễ bởi nhiều lúc các đoàn khách hành hương cũng nhờ cha dâng lễ riêng bên La Mã.

Giáo xứ Giồng Trôm dù thiếu nhân lực, khuôn viên nhỏ, nhưng cha vẫn gói ghém tổ chức những sinh hoạt chung nối kết giáo dân

Hiếm khi nào bắt gặp hình ảnh cha với phong thái ung dung, thảnh thơi. Bởi mỗi một việc, dù là nhỏ nhất ở giáo xứ hay nơi Trung tâm Hành hương đều có bàn tay của ngài góp vào. Từ đi đường dây điện nhà thờ cho đến leo giàn giáo chuẩn bị lễ đài khi Trung tâm có đại lễ, cha đều không ngại xắn tay áo làm nhiệt tình. Có mặt trong ngày lễ kỷ niệm 67 năm Mẹ Lộ Hình, chúng tôi càng thêm trân quý tấm lòng lo lắng bao quát cho mọi sự của vị mục tử này. Ngài ở nhà xứ, vừa nghe điện thoại vừa tự tay lấy nước đãi khách, thoắt một cái đã ở ngoài cổng “làm lơ” để hướng dẫn đoàn xe hành hương vào bãi đỗ, hay lom khom dọn dẹp hàng ghế bị người ta xô lệch. Với trọng trách quản nhiệm Trung tâm Hành hương, cha từng bước cải tạo khuôn viên, xây thêm khán đài, hệ thống nhà vệ sinh... Khi người phương xa đến viếng Mẹ, cha còn chuẩn bị xe trung chuyển đưa họ vào, tặng họ những trái dừa ngọt mát như một món quà nhỏ của vùng đất Bến Tre. Nhờ sự lèo lái của cha, qua mỗi năm khách thập phương kéo đến càng đông hơn. Xưa, mỗi dịp lễ lớn, trung tâm thu hút khoảng 2.000 - 3.000 người tham dự thì nay con số đã lên đến 5.000.

Hỏi về những trăn trở của cha trong đường hướng phục vụ sắp tới, ngài cho biết: “Giờ tôi chỉ mong sửa được con đường để khách hành hương đến với Mẹ không còn quá khó khăn. Kế đến cũng ấp ủ làm một dãy ki-ốt, gom những người bán hàng xung quanh trung tâm về một chỗ để cho trật tự hơn. Tuy biết còn nhiều điều khó khăn đấy nhưng mình cứ tin và nhờ cậy lời cầu nguyện của anh chị em”.

Thiên Lý
Nguồn cgvdt.vn

Thông tin khác:
Nửa thế kỷ rong ruổi nơi bản làng (29/11/2017)
Vị mục tử và gia nghiệp Chúa trao (28/11/2017)
Nhóm Trái Tim yêu thương thực thi bác ái (20/11/2017)
Những nữ tu mặc áo blouse (15/11/2017)
Mái ấm Nhân Ái - "phép màu" của tình yêu thương (15/11/2017)
Giáo xứ Hoàng Mai: Chăm sóc quý cụ cao niên (14/11/2017)
Mái Ấm Thiên Ân: Nơi nương náu của các cụ già (10/11/2017)
Vị tử đạo tiên khởi thời hiện đại của Công giáo Ấn Độ (09/11/2017)
Khám bệnh từ thiện tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Mỹ Tho (08/11/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log