Gương điển hình

Người đi gieo hạt ở Doi Lầu

Cập nhật lúc 16:14 23/05/2018
Với trang phục yêu thích là quần jean, áo thun và vẻ bề ngoài hơi “bụi bặm”, linh mục Giuse Nguyễn Văn Khiêm, hiện đang phụ trách giáo điểm Chúa Chiên Lành, Cần Giờ nhận rằng mình không giống lắm với hình ảnh một vị mục tử chỉn chu, mực thước…
Người đi gieo hạt ở Doi Lầu

Ngay cả ơn gọi làm linh mục của cha cũng có chút đặc biệt. Thế nhưng, kể từ ngày đi theo Chúa, cha Khiêm luôn âm thầm dốc sức phục vụ, như bao chủ chăn khác, bởi một lẽ giản đơn là: Chúa đã chọn ngài.

 

Bỏ kinh doanh, chọn đời sống tu trì

Mối duyên với việc kinh doanh đến ngay từ hồi cha Khiêm còn là một cậu bé. Lúc học cấp 2, vào mùa hè, cha nhớ bà cố hay mua mấy món bánh trái lặt vặt về bán. Thế là trong khi bạn bè dành thời gian nghỉ hè để vui chơi, cha lại ở nhà phụ mẹ bán hàng. Trưởng thành, cha chọn theo nghề kinh doanh, ban đầu bán thức ăn cho gia súc, về sau đổi sang bán tạp hóa. Thời gian này, có nhóm bạn trẻ Công giáo đến xin cha ủng hộ quỹ thiện nguyện. Tìm hiểu công việc của họ, lòng cha bắt đầu nhen lên niềm cảm mến nhiệt huyết phục vụ nơi những thanh niên kia. Cha quen biết và giúp một vị linh mục cũng chuyên lo về bác ái ở hạt Xóm Mới (TGP.TPHCM). Trong những lần gặp gỡ, vị linh mục này thường gợi ý đi tu nhưng cha Khiêm đều từ chối vì nghĩ mình không phù hợp. Nhưng rồi, với lời đề nghị tiếp theo là “hãy tìm hiểu thử xem”, cha đã bắt đầu nghiêm túc tìm đến ơn gọi. Hai năm sau, cha quyết định dừng việc kinh doanh để đi tu. Bước vào một hành trình mới, người tu sĩ vấp phải rất nhiều khó khăn. Cha kể lại: “Khi tôi báo tin đi tu, ông bà cố rất lo lắng. Vì tôi làm ăn bên ngoài đã lâu, công việc lại đang thuận lợi và hơn hết, ông bà vẫn sợ tôi không theo nổi, sẽ trở thành gánh nặng cho Giáo hội. Thời điểm đó tôi đã gần 30 tuổi, đi khắp các nhà dòng đều không được nhận vì đã quá tuổi, may sao, bên Chủng viện Thánh Giuse SàiGòn nới số tuổi ra nên tôi đủ điều kiện. Tôi đăng ký vào tìm hiểu mất 8 năm, học chủng viện 6 năm, sau đó thực tập 2 năm và đến năm 2013 thì được thụ phong linh mục”.

Vị mục tử giáo điểm trong lúc đang xây dựng

Sau khi lãnh tác vụ, cha Khiêm về làm phó xứ Xóm Chiếu (TGP.TPHCM), phụ trách mảng giáo lý hôn nhân và tân tòng. Năm năm gắn bó ở nơi đây, vị mục tử luôn cố gắng bồi đắp đức tin cho người trẻ hết sức có thể. Mỗi năm, ngoài hai khóa giáo lý đã có, cha sẵn sàng mở thêm khi giáo dân cần, dù chỉ có một người học vẫn đứng lớp. Ngài thường giữ liên lạc với các bạn để tiếp tục nâng đỡ về đời sống đạo cho họ sau này.

 

Tạo lòng cảm mến

Năm 2016, cha Khiêm nhận được bài sai coi sóc Doi Lầu, một điểm truyền giáo thuộc xã An Thới Đông (Cần Giờ). Cha bắt tay ngay vào xây dựng thánh đường và nhà sinh hoạt. Thời điểm đó, khu đất bây giờ của nhà thờ chỉ có một nhà nguyện nhỏ. Không có chỗ nghỉ ngơi nên khi làm công trình này, cha phải chạy đi chạy lại giữa hai nơi. Sáng sớm đến Doi Lầu làm việc, chiều tối lại quay về Xóm Chiếu. Việc xây dựng một công trình trên vùng đất lầy, trũng, thiếu thốn điều kiện vật chất không phải là một điều dễ dàng. Đến mùa khô, cái nắng khắc nghiệt nơi vùng ngập mặn càng làm tăng thêm nỗi vất vả cho người chủ chăn. Vậy mà sau hơn một năm nỗ lực, thánh đường rồi cũng hoàn tất và được đặt tên là Chúa Chiên Lành.

Vào lễ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam năm 2009, cha G.B Hoàng Minh Ðức - dòng Chúa Cứu Thế - đã dâng thánh lễ đầu tiên tại ngôi nhà của một người nuôi tôm thuộc ấp Doi Lầu. Tháng 4.2010, nhóm Legio của giáo xứ Lam Sơn đã đến nâng cấp nhà nguyện từ nhà lá thành nhà tường và mái thay bằng tôn. Từ năm 2013 - 2015, cha Giuse Nguyễn Bá Long - đặc trách giáo điểm An Thới Ðông kiêm Doi Lầu. Năm 2015 - 2016, cha Giuse Lê Chiếu là linh mục chăm lo kế tiếp. Ðến tháng 10.2016, giáo điểm Doi Lầu được các cha dòng Chúa Cứu Thế trao lại cho TGP.TPHCM.

Có nơi chốn khang trang rồi, vị mục tử tiếp tục đối diện với thách đố làm sao để quy tụ được bà con. Dân ở đây rất nghèo, họ sống lây lất bằng nghề mò cua, bắt ốc hoặc ai thuê gì làm nấy. Người trẻ thì thường rời đi, tìm đến các khu công nghiệp để làm ăn nên trong vùng chỉ toàn người già và con trẻ. Khi cha đến, giáo dân chưa được 20 người. Mỗi thánh lễ chỉ có từ 5-10 người tham dự. Đất nghèo, gánh mưu sinh quá nặng, cả ngày phải bươn chải, họ còn đâu thời gian, tâm sức mà đến Nhà Chúa? Hiểu được, cha lần lượt thăm từng nhà, kiên nhẫn mời gọi họ đến nhà thờ đi lễ. Thấy ông cha sống giữa dân, hăng say làm việc, nhiều người bên lương có cảm tình với đạo rồi cũng thường đến nhà thờ. Cha hướng dẫn cặn kẽ mọi chuyện cho họ, kể cả những câu đối đáp lễ, kinh hay bài hát đều được chiếu lên màn hình để bà con đọc theo. Ông Tôma Trần Văn Tợ, một tân tòng nói về người chủ chăn của mình: “Cha rất năng động và tháo vát. Thấy ngài lúc nào cũng bận rộn, phải đảm đương nhiều việc nên tôi luôn cố gắng giúp được gì thì góp sức giúp ngài. Cái gì con chiên không biết, ngài cũng hết lòng chỉ để chúng tôi thạo việc hơn. Chính vì sự nhiệt tình và quan tâm này mà người dân trong vùng quý ông cha, hay lui tới nhà thờ giúp. Tuy vậy, nhân sự vẫn còn thưa thớt lắm”. Bởi ít người, nhân sự giúp xứ vẫn chưa có nên mình cha kiêm nhiệm rất nhiều thứ. Nhiều lần đang dâng lễ, loa bị hú, vậy là cha tự đi chỉnh âm thanh rồi trở lại làm lễ. Kể cả những lúc điện nhà thờ trục trặc, cha cũng đóng vai thợ điện, mày mò sửa chữa. “Cái gì đơn giản thì mình sửa được, chứ ‘căng’ quá cũng phải rước thợ Sài Gòn tới”, ngài hóm hỉnh. Cứ đầu hoặc cuối tuần, ông cha lại “phi” chiếc xe gắn máy cũ về Sài Gòn đi chợ mua thực phẩm, đồ dùng, hoa... để dự trữ. Hiện tại, giáo điểm có chừng 150 người, trong đó, khoảng 70% chưa được rửa tội, chỉ là cảm mến đạo nên lui tới. Các ngày trong tuần, nơi khuôn viên nhà thờ lúc nào cũng nhộn nhịp bởi có lũ trẻ con các gia đình ngoài Công giáo đến chơi. Bé Phạm Khang, nhà gần giáo xứ hồn nhiên khoe: “Đi học về là con chạy ra đây chơi với mấy bạn, con được ông cố cho bánh nữa. Ở đây có ông với dì thương nên con thấy vui!”. Ngay cả đến tháng Đức Mẹ, nhóm trẻ con dâng hoa cũng toàn người ngoại đạo. Vậy mà em nào cũng nghiêm trang, thành thục, vừa múa miệng lại còn vừa hát theo bài ca mừng kính Mẹ.

Nhà nguyện Chúa Chiên Lành tạo giáo điểm Doi Lầu

Biết dân phải vất vả mưu sinh, cha đã luôn tìm cách giúp cho họ, không chỉ bằng những phần quà trong dịp lễ tết hay giúp dựng nhà cửa thôi mà còn là những phương án dài lâu. Từ khi xây xong nhà thờ, cha đã tổ chức cho các em những buổi học sau mỗi thánh lễ chiều (nữ tu dòng MTG Chợ Quán đang giúp ở đây phụ trách dạy kèm) và thường xuyên tặng sách vở, dụng cụ học tập cho bọn trẻ. Để khuyến khích, cha tài trợ học phí cho năm em sinh viên, hiện đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học ở Sài Gòn. Ngài cũng nhận nuôi một vài em có hoàn cảnh khó khăn, vừa là cho các em chốn nương tựa, vừa để đào tạo cho giáo điểm có thêm nhân lực.

Trên vùng đất còn quá nhiều gian nan này, trong tương lai, người mục tử chắc hẳn sẽ còn đối mặt với không ít khó khăn. Thế nhưng với cha Khiêm, những nỗi lo toan dường như chỉ làm ngài thêm thương mảnh đất nghèo và quyết tâm mở lối để người dân sớm tìm đến bên Chúa. 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc

Thông tin khác:
Giáo dân tốt cũng là công dân tốt (09/05/2018)
Thần đồng William Maillis (08/05/2018)
Vị tướng bản lĩnh và khiêm nhường (08/05/2018)
Mái ấm của những trẻ khuyết tật và thiểu năng trí tuệ (04/05/2018)
Thánh cả Giuse là vị thánh rất đặc biệt (02/05/2018)
Điểm tựa đức tin cho đàn chiên nơi phố biển (18/04/2018)
Suy tôn anh hùng (16/04/2018)
Hành động bằng cả trái tim (11/04/2018)
Ba nữ anh hùng nhỏ và ba nhà thơ lớn (09/04/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log