Gương điển hình

Bữa tiệc Đại Ngàn

Cập nhật lúc 15:21 09/10/2018
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đến với giáo dân vùng cao. Ảnh: CTV
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đến với giáo dân vùng cao. Ảnh: CTV
Cuối tháng 7/2017, trong cuộc họp mặt đầu tiên của anh em Hòa Bình tại Trung tâm mục vụ giáo phận Đà Nẵng, người anh em của gia đình, Đức cha Anphong, Giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa, đã loan báo một chuyến tham quan và hành hương vùng Tây Bắc, nhân dịp kỷ niệm 5 năm Giám mục (6/9/2013 - 6/9/2018). Chuyến đi như một bữa tiệc, và với tư cách 
là chủ tiệc, ngài đã mời tất cả anh chị em tham dự…
Khi hướng đến tương lai, nơi không còn đau khổ và sự chết, lúc chỉ có hạnh phúc bất diệt, người Kitô hữu thường nghĩ đến hình ảnh trong sách tiên tri Isaia: “Vào ngày ấy, trên núi này, Chúa các đạo binh sẽ dọn cho tất cả các dân một bữa tiệc đầy thịt béo. Trên núi này, Ngài sẽ cất chiếc khăn bao trùm muôn dân, và bức màn phủ trên mọi nước” (Is 25, 6a - 7). Đó là thực cảnh của tương lai, nhưng đã khởi sự với những hình ảnh tiên báo từ trong hiện tại.

Tưởng còn lâu lắm! Thế mà ngày ấy đã đến. Sáng ngày 4/9/2018, 31 anh chị em Hòa Bình từ khắp nơi đã tập trung tại sân bay Nội Bài, Hà Nội. Vào lúc 12g00, chiếc xe 35 chỗ đã lăn bánh, chở đoàn thực khách lên đường đi tham dự “Bữa tiệc của đại ngàn” mang tên Hòa Bình. Chuyến đi được ví như một bữa tiệc, bởi vì nó không bị bó hẹp theo nghĩa của một bữa ăn vật chất, mà còn mở ra trong không gian và thời gian, tới thế giới tinh thần và tâm linh, rồi chạm cả đến Đấng là Chân - Thiện - Mỹ. 

Để nhận xét một bữa tiệc ngon, người ta thường dựa vào 04 yếu tố: Chỗ ăn ngon, người ăn ngon, thời gian ăn ngon, và các món ăn ngon. Chúng ta cùng bước vào thưởng thức bữa tiệc đặc biệt này, cùng với những hình ảnh sống động trong “Nhật ký hành hương Tây Bắc” của anh Ngọc Hùng.

1. Chỗ ăn ngon

Bàn tiệc trải dài 1.400 km, và như một vòng tròn, nối các các tỉnh và thành phố Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Ninh Bình - Hà Nam - Hà Nội. Biên giới của bữa tiệc đã chạm đến những vùng cao, sâu và xa của miền thượng du Tây Bắc. Những ai đã từng nghe đất nước mình có rừng vàng, thì hôm nay đã được chứng kiến cảnh núi rừng hùng vĩ và đẹp mê hồn. Góc cạnh của bàn tiệc là con đường đèo dài hun hút, ôm dọc theo những dẫy núi, một bên, dốc đá chênh vênh, và một bên, vực sâu thăm thẳm; dưới đáy, những giòng sông con suối lững lờ, với những tên gọi tuy chưa thấy mà đã nghe: sông Lô, sông Chảy, sông Đà, sông Kỳ Cùng…và bên kia, lại rừng với núi chập trùng…Chỉ khi vào thành phố hoặc thị trấn, người ta mới thấy chút thung lũng hoặc đồng bằng. Dọc dài theo bàn tiệc, thực khách sẽ cảm nếm được những cụm cảnh hoang dã nên thơ. Đàng sau ngôi nhà thờ Cam Đường mới xây ở thành phố Lào Cai, rặng núi phíaTrung Quốc hiện rõ trong màn sương. Màn đêm xuống trên Sapa, bóng dáng ngôi thánh đường bằng đá vẫn rõ nét, hình ảnh không thể thiếu khi giới thiệu về thị trấn du lịch nổi tiếng này. Trên đường đến giáo họ Hầu Thào ở Lào Cai, dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn, có đỉnh Phanxipăng, nóc nhà của Việt Nam và Đông Dương, với dáng cao ngạo nghễ 3.143 m. Cách đó 12 km là Cổng Trời và Thác Bạc, rồi vượt đèo Ô Qui Hồ ở độ cao 2.000 km để xuống Lai Châu. Bên những khoảnh ruộng bậc thang xanh mướt, ngôi nhà nguyện Duy Phong nhỏ bé của giáo xứ Lai Châu thật khiêm tốn và hiền hòa. Cũng thế, nhà thờ mới xây trong thị xã Mường Lay, có màn che cung thánh, ghế phải xếp lên để tiếp đoàn. Thành phố Điện Biên hôm nay không còn chiến tranh, nhưng vẫn còn đó di tích của trận Điện Biên Phủ năm xưa đã đi vào sử sách: Đồi A1, Hầm De Castri, Hố bộc phá to như miệng núi lửa, bao quanh là thung lũng Mường Thanh. Nơi đây, tại ngôi nhà nguyện khang trang của giáo xứ Điện Biên, đã diễn ra thánh lễ long trọng và đầy cảm xúc, kỷ niệm 5 năm Giám mục của Đức cha Anphong, với hai ngôn ngữ Việt - H’mông. Bên dòng sông Mã, có ngôi giáo đường nằm khuất trong trị trấn lúc hoàng hôn. Trên cao nguyên Mộc Châu, bức tranh muôn mầu của những đồi chè xanh biếc xuất hiện ; và xa xa, là biên giới với nước bạn Lào. Dừng chân tại đỉnh đèo Pha Đin, du khách từ giã Sơn La để chào đón Hòa Bình… Xuôi về Ninh Bình, ngôi nhà thờ đá Phát Diệm luôn mở cửa đón khách hành hương. Đến Nho Quan, thăm Đan viện Châu Sơn, nơi bình an và tĩnh lặng của các đan sĩ. Nắng chiều dần buông, thánh lễ Chúa nhật trong Tiểu Vương cung thánh đường Sở Kiện sắp kết thúc…Và kìa! thành phố Hà Nội lại hiện ra khi bữa tiệc gần tàn. Một vòng tròn trĩnh của Bữa tiệc đại ngàn… 

2. Người ăn ngon

Được ngồi đồng bàn với những người thân thương, bữa tiệc bỗng trở nên thú vị. Trước hết, người chủ tiệc đóng vai trò quyết định bầu khí này. Điều đánh động mọi người, không chỉ là những điều kiện thuận lợi nhất mà Đức cha Anphong đã thu xếp cho chuyến đi của anh chị em, nhưng là những dấu ấn Đức cha đã đang để lại tại miền đất này. Khi chọn câu châm ngôn hướng dẫn sứ vụ Giám mục của mình, Đức cha đã đồng cảm với Đức Thánh Cha Phanxicô trong ý tưởng: “Mang vào mình mùi chiên”. Trong 5 năm thi hành sứ vụ Giám mục tại giáo phận vùng Tây Bắc này, Đức cha, người mục tử dấn thân, đã gần gũi, lăn lộn, với giáo dân, đặc biệt là những dân tộc thiểu số, còn khó nghèo trong cuộc sống đời, và nhiều khó khăn trong cuộc sống đạo. Mang vào mình mùi chiên của người kinh đã là khó, ôm vào lòng mùi của người dân tộc càng khó hơn. Ngài đã kể những câu chuyện vui nhưng dở khóc dở cười, khi đến và sống với những người dân tộc tại đây…Trong thánh lễ kỷ niệm 5 năm Giám mục, Đức cha đã nói rằng không ai ghét ngài, chỉ có thương và…thương thôi! Quả thật, để được như thế, ngài đã “phải” yêu thương và dấn thân, từ cái “dám” nơi con tim đến cái “dám” nơi hành động. Dọc dài trên chuyến đi, các cộng đoàn đã tiếp đón anh chị em rất tận tình. Đó chính là do ảnh hưởng của Đức cha. Bên cạnh Đức cha là các linh mục và tu sĩ đang bám trụ với con người và miền truyền giáo này. Khoảng cách di chuyển giữa các giáo xứ, giáo họ, giáo điểm thường rất xa nhau, 100, 200, 300 km là chuyện thường. Gặp gỡ các linh mục và tu sĩ nơi đây, ai cũng dễ nhận ra sự hăng hái dấn thân như rõ nét trên khuôn mặt và cuộc đời. Chưa hết, trong hành trình này, còn có những cuộc tiếp xúc với nhiều anh chị em giáo dân, trong ban chức việc, các đoàn thể… Tất cả đều nhiệt tình đón khách, vui mừng vì được khách viếng thăm, với tặng phẩm áo quần, và những học bổng cho người H’mông. Tuy vậy, hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ đặc biệt nơi bữa tiệc này là những anh chị em giáo dân người dân tộc. Trong số nhiều dân tộc của vùng Tây Bắc, dân tộc H’mông rất mẫn cảm với tôn giáo, nên đại đa số người dân tộc Công giáo là H’mông. Họ là những người chân chất, hồn nhiên và rất dễ thương. Nhiều em thiếu niên đã được ở trong các lưu xá tại giáo xứ Sapa, Điện Biên…để được theo học về kiến thức, nhân bản và đạo đức. Tương lai các em sẽ trở về bản làng để giúp cho bà con mình. Nhìn và nghe các em nghiêm trang đọc kinh hát lễ, phải nói như được chứng kiến các thiên thần xuống trần gian, với lời kinh trong trẻo và tiếng hát thanh thoát. Và qua họ, bóng dáng những vị thừa sai hiện về. Cách đây hàng trăm năm, khoảng cuối thế kỷ XIX, các linh mục thừa sai đầu tiên đã đến truyền giáo ở miền thượng du này qua ngả nước Lào. Và cũng từ đó, xuất hiện những người Kitô hữu H’mông đầu tiên… Đứng trầm tư tại hang đá Đức Mẹ sau nhà thờ Sapa, trước hai ngôi mộ cổ nằm khiêm tốn lặng lẽ, khách hành hương có thể hình dung lại công cuộc truyền giáo của tiền nhân, khi Viếng nơi an nghỉ cuối cùng của Đức cha Paul Marie Ramond Lộc, Giám mục tiên khởi giáo phận Thượng Đàng Ngoài (còn gọi là Đoài, tiền thân của giáo phận Hưng Hóa hôm nay)…Về nơi đây, lữ khách có thể gặp gỡ nhiều thế hệ nối tiếp nhau, làm nên lịch sử của công cuộc truyền giáo, với những chứng nhân hào hùng… 

3. Thời gian ăn ngon

Từ đầu tháng 7, từng đợt mưa lũ tràn về vùng Tây Bắc, gây những vụ sạt lở kinh hoàng, giao thông ách tắc, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bữa tiệc xuyên Tây Bắc khi lên lịch, không khỏi gây lo âu cho mọi người, nhất là ban tổ chức… Nhưng gần đến ngày khởi hành, thời tiết bỗng ổn định lạ thường. Trưa ngày 4/9, chuyến xe đi vào đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dưới bầu trời trong xanh và những tia nắng rực rỡ. Và cứ thế, thời tiết như mỉm cười với đoàn trong suốt hành trình, trừ một chút mưa nhẹ ở Sapa, và vài lần xe phải tạm dừng chờ thông đường. Trong thông báo về chuyến đi, ban tổ chức đề nghị mỗi người mang theo áo mưa, nhưng trong thực tế không ai phải dùng đến. Sau khi mọi người đã về lại nhà mình, cơn bão số 5 đã ập đến. Nhưng thời gian không chỉ liên quan tới thời tiết, mà còn là những lúc hạnh phúc vui tươi. Đó là những giây phút linh thiêng trong thánh lễ hàng ngày, được cử hành ở các nhà nguyện dọc dài vùng Tây Bắc. Đó là những lúc cùng nhau lần hạt Mân Côi trên đường đi. Đó là những lần gặp gỡ thân tình và hân hoan với anh chị em giáo dân khắp nơi, kinh cũng như H’mông…

4. Đồ ăn ngon

Khi đoàn đến trị trấn Sapa, thì trời vừa tối, và bụng đã đói. Bảng hiệu lấp lánh của các quán ăn như đập vào mắt, và cả…bao tử nữa. Tên những món ăn miền sơn cước nghe ngộ lạ: Thắng cố, Gà đồi, Lợn cắp nách…Trong những bữa ăn thịnh soạn tại các giáo xứ và giáo điểm, giáo dân đã đãi đoàn những món ăn đặc sản này, uống với rượu táo mèo. Ôi! Mê li!!!

Nhưng trên cả tuyệt vời! Đó là những của ăn thiêng liêng hàng ngày khi tham dự thánh lễ, qua Lời Chúa và Thánh Thể. Đó là của ăn tinh thần mà anh chị em trao cho nhau trong suốt cuộc hành trình, với những tiếng cười thoải mái, những tình tự được sẻ chia từ đáy lòng, những bài thơ, câu hát…Tất cả đã toát lên một tình huynh đệ ngập tràn hòa bình.

Khai mạc cho sinh hoạt trên xe, anh Tư Long đã yêu cầu mọi người hãy bỏ danh xưng “cha - con”, để chỉ còn “anh - em”. Để yêu cầu được thực thi nghiêm túc, anh Thi đã “gài bẫy” cho ai lơ đễnh: phạt 20.000đ cho một lần gọi cha hoặc xưng con. Nhiều người đã liên tiếp bị phạt. Thấy có lợi, anh Long bổ sung thêm: “Chữ cha nếu đụng vô tui, phạt phải tăng gấp đôi; nếu trúng chú Sơn hay chú Điệp thì phạt bình thường”. Ai cũng vui vẻ nộp phạt. Có người xin mua vé phạt nguyên ngày. Ngay ngày đầu, số tiền phạt đã lên đến trên 2 triệu…

Chị Ngọc đã khai pháo với câu đố: “Con gì ăn mà không uống? Con gì uống mà không ăn? Con gì vừa ăn vừa uống?”… Mỗi người đều lên tiếng để nói về cảm tưởng, cảm xúc, sự khám phá, nỗi bất ngờ, chuyện trong mơ, với những kết luận: - Tuyệt vời! - Tạ ơn Chúa! - Cám ơn anh Tư, và tất cả anh chị em! - Cám ơn chuyến đi! - Lần đầu tiên! - Thật không ngờ!...Nhiều người chia sẻ chuyện đời mình, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, rồi hát, đọc thơ, kể chuyện, mà nếu thuật lại hết, không biết khi nào mới xong!. Và cứ thế, những câu truyện và tiếng cười cứ nối tiếp nhau cho đến khi chia tay, mà vẫn chưa kết thúc được, đành hẹn lại lần sau!

Bữa tiệc nào rồi cũng tàn, của ăn đồ uống vật chất sẽ tiêu tan, nhưng hương vị của những món ăn tinh thần, qua hình mẫu của nhưng người đã và đang sống chứng nhân Tin Mừng tại đây, sẽ tồn tại và thúc bách chúng ta biến đổi cuộc đời, cho phù hợp với Tin Mừng hơn, tại miền xuôi, nơi chúng ta đang sống: 

- Trước cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, con người dễ cảm nhận sự hiện diện, gần gũi của Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Tiếng nói của Ngài dễ vang vọng, và chạm đến con tim người hơn!

- Cuộc sống giáo dân người Kinh và H’mông tại vùng Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn tích cực sống đạo. Còn giáo dân miền xuôi chúng ta, với thuận lợi hơn nhiều?

- Giáo dân H’mông không bị ảnh hưởng với cái “mùi” chung quanh, còn người miền xuôi dễ chạy theo cái “mùi thơm giả xác thịt”: tiền bạc, vật chất, hưởng thụ…? 

- “Mang vào mình mùi chiên”: Là thách thức tương quan của mục tử với đoàn chiên. Sự gần gũi của chúng ta với nhau, với những người chung quanh, đặc biệt là những người đang cần đến tình thương và sự đồng cảm.

Và còn nhiều cảm nhận khác, mà khi rời nơi đây, sẽ để lại dấu ấn cho những người đã một lần đi ngang qua…

Anh chị em Hòa Bình xin cảm tạ Thiên Chúa, cám ơn Đức cha Anphong, quí cha, quí sơ, quí chức việc, anh chị em kinh và H’mông, đã đón tiếp, đồng hành, tạo nên những kỷ niệm và ấn tượng sâu thẳm không bao giờ quên. Xin Chúa trả công vô cùng cho những người đã làm ơn làm phước cho chúng con. Amen.

Tưởng như chuyện tình cờ, nhưng mọi sự đều do Chúa quan phòng xếp đặt. Tin Mừng ngày 11/9, ngay sau chuyến đi: “Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện suốt đêm. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Ngài gọi là Tông đồ...” (cf Luca 6, 12 - 19). 

Chúa Giêsu đã đồng hành với anh chị em chúng ta trên núi trong những ngày qua, và hôm nay, khi xuống núi, Ngài cũng đã chọn gọi chúng ta, những môn đệ làm tông đồ cho thế giới hôm nay, đó là:
Hãy đi khắp chốn mà gieo Tin Mừng.
Nguyeãn Mai (ST)
Thông tin khác:
Caritas Phát Diệm: Trao tặng xe lăn đợt 2 cho người khuyết tật (05/10/2018)
Người đồng hành của chiên nghèo miền cao (04/10/2018)
Ông trùm hơn 40 năm phục vụ nhà Chúa (28/09/2018)
Một gia đình Công giáo với nhiều việc làm thật ý nghĩa (26/09/2018)
Vị linh mục cả đời “mua lại” những em bé bị nhiễm HIV (21/09/2018)
Bông hoa vô thường giữa lòng thủ đô (21/09/2018)
Những mô hình hay bảo vệ môi trường nơi xứ đạo ở Đồng Tháp (30/08/2018)
Thánh nữ đau tiên ở Châu Úc (30/08/2018)
Thương người như thể thương thân (30/08/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log