Gương điển hình

Nửa thế kỷ rong ruổi nơi bản làng

Cập nhật lúc 15:34 14/10/2019
Chịu chức năm 27 tuổi, tới nay tròn 45 năm linh mục, là cũng ngần ấy thời gian, cha Phaolô Lê Đức Huân luôn thao thức cùng anh em dân tộc thiểu số.

Giờ đây, khi đôi chân đã mỏi, cha lại được giao nhiệm vụ Ðại diện Giám mục đặc trách công tác người dân tộc thiểu số -  hơn 137.000 người, chiếm khoảng 1/3 số giáo dân giáo phận Ðà Lạt.

Tiếp bước nghĩa phụ

Vừa đặt chân tới Ðà Lạt, chúng tôi vội nhấc máy xin cha một cuộc hẹn, bởi với vị mục tử vốn ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà thì hẹn trước vẫn là… chắc nhất. Với vị linh mục có ánh mắt thật hiền này thì người dân tộc luôn hiện diện trong tâm trí, là ưu tiên trong hoạt động mục vụ. Bằng lối kể chuyện pha chút dí dỏm, cha dẫn chúng tôi quay ngược thời gian, về ngày còn là cậu nhóc luôn theo linh mục - nghĩa phụ Laurensô Phạm Giáo Hóa (1919-2012, cánh chim đầu đàn trong việc truyền giáo cho người dân tộc tại giáo phận Ðà Lạt) rảo khắp các bản làng.

Mỗi kỳ nghỉ hè ở Tiểu chủng viện (Bảo Lộc),  cậu thiếu niên Lê Ðức Huân lại xin đi theo cha Laurensô. Trên chiếc xe máy, hai cha con đi từ nơi này đến điểm nọ. “Ngày đó đường vào buôn làng chỉ là đường mòn, dốc đá gồ ghề, ngồi sau xe tôi bị té hoài. Có những lần hai cha con phải đi cả tuần lễ mới quay về, hành trang chỉ vài bộ đồ cùng chút ít lương thực, ai cho gì ăn nấy, ban đêm ngang đâu ngủ đó. Tuổi trẻ, lại chịu khổ cực, ngày đầu truyền giáo có lúc tôi tự hỏi đi tu mà khổ như vậy nên chăng tiếp tục hay dừng lại? Nhưng rồi cha Laurensô đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Trên xe, vừa cầm lái ngài vừa nói về tính đơn sơ, thật thà, cùng đời sống giản dị của bà con. Lúc đó, dù tôi chỉ ậm ừ để cha bớt cô đơn trên những cung đường gian nan, nhưng thật ra trong lòng đã cảm nhận được người dân tộc họ tốt đẹp làm sao. Cứ thế tình yêu ấy lớn dần theo năm tháng, rồi sau này nhiều hôm không gặp họ thì không chịu được”, cha nhớ lại.

Trao bằng hiệp sĩ cho giáo dân dân tộc trong những ngày đầu cha mới về Tân Rai

Cha kể, quãng thời gian ở với nghĩa phụ đã học hỏi được nhiều điều, trong đó có ba điều lớn nhất, cũng là nguồn động lực cho sứ vụ sau này. Trước hết, truyền giáo là phải đi ra, đến với bà con chứ không thể ngồi một chỗ chờ người khác tới. Kế đến, truyền giáo phải có lòng yêu mến nơi mình đến, nơi con người mình tiếp xúc và hãy sống đơn sơ như chính họ. Sau cùng, dù đi nhiều, nhưng mỗi ngày cha Laurensô dành rất nhiều thời gian cầu nguyện bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Cầu nguyện vừa là động lực, vừa tiếp thêm sức mạnh. Có lắng đọng tâm hồn bên Chúa Giêsu thì mới đi và giới thiệu Ngài cho người khác.

Cũng từ những mùa hè rong ruổi đó nên sau khi lên Ðại Chủng viện, vào thời điểm đó, các chủng sinh có thể xin gia nhập vào bất kỳ giáo phận nào,  và cha chọn Ðà Lạt để gắn bó đời tu.

“Ông cha nói nó ưng cái bụng”

Năm 1972, cha chịu chức linh mục, sau một năm thì nhận bài sai về coi sóc giáo điểm truyền giáo Tân Rai. Nơi này khi ấy, ngoài 2.000 người K’Ho bản địa, có khoảng 12.000 người S’tiêng từ Bình Phước mới đến định cư, tạo thành một cộng đoàn rộng lớn. Tới nhận giáo sở không kèn không trống, chào đón cha chỉ là ngôi nhà nguyện tan hoang do chiến tranh. Tối đó, giấc ngủ đầu tiên đời mục tử là trên tấm ván đặt vội xuống nền nhà.

Ngôi nhà thờ B'Sumrắc mang đường nét dân tộc được cha xây dựng ngày còn ở Tân Hà

Với chiếc xe đạp cà tàng, hằng ngày “ông cố trẻ” rảo bước vào các bản làng heo hút để thăm hỏi và sống cùng bà con. Bằng sự chân thành và đơn sơ của mình, cha cắt nghĩa dần dà để họ biết bỏ đi những hủ tục trong đời sống. Thấy “ông cha nói nó ưng cái bụng”, nhiều người đã mau mắn làm theo, và ngày càng thêm thiện cảm với đạo Chúa. 21 năm sống ở Tân Rai, cha đã rửa tội cho hàng trăm người, biến giáo sở ban đầu trở thành xứ đạo hơn 3.000 giáo dân người dân tộc.

Rời Tân Rai, cha về nhận xứ Tân Hà có 6.000 người Kinh, bên cạnh là giáo họ B’Sumrăc trên 1.500 người K’Ho. Vẫn là những chuyến viếng thăm không ngừng nghỉ, cùng phần quà bác ái lần lượt trao đến tay nhiều người.

Năm 2005, chủ chăn giáo phận gọi cha về coi sóc xứ Chánh tòa, kiêm Tổng Ðại diện GP. Ðà Lạt. Phải bỏ núi về phố, bỏ đi quần áo thổ cẩm để mang lên mình áo sơ mi, quần tây, còn nhiều luyến tiếc với những dự định đang dang dở, nhưng biết giáo phận cần nên cha toàn tâm vâng lời bề trên. Nhận sở mới, phương hướng mục vụ cũng được cha thay đổi nhằm thích ứng nơi một họ đạo phố xá sầm uất.

 
 

Trong vai trò Ðại diện giám mục cho người dân tộc thiểu số, cha tự nhận mình là chiếc gạch nối giữa các vị chủ chăn với bà con người Thượng, từ đó móc nối tất cả những gì “là dân tộc thiểu số” ở giáo phận để tạo thành một tổ chức lớn mạnh nhằm mục đích thăng tiến đời sống của họ. Mong muốn lớn nhất của cha là làm sao giữ gìn nét bản sắc văn hóa của các cộng đồng thiểu số bằng nhiều cách như xuất bản tự điển Việt - K’Ho, Việt - Churu, Việt - Lạch; dịch các bản văn phụng vụ ra tiếng dân tộc, khuyến khích các cha đang phục vụ ở xứ cao nguyên phải học, nói và dâng lễ bằng thứ tiếng của họ…

Trong câu chuyện, nhiều khi cha vẫn cảm thấy tiếc vì không có diễm phúc gắn bó trọn đời mục tử với bản làng. Tuy nhiên tình yêu thương nơi cha vẫn luôn cháy bỏng, trong vai trò cha giáo chủng viện Minh Hòa dạy bộ môn tiếng dân tộc thiểu số và văn hóa dân tộc thiểu số, ngài truyền ngọn lửa nhiệt huyết của mình cho các chủng sinh, để các linh mục tương lai sẽ hết lòng với những anh em miền Thượng.

ÐÌNH QUÝ
(nguồn: cgvdt)

Thông tin khác:
Một chuyện về mẹ Têrêsa (09/10/2019)
Thành công với nghề sản xuất kinh doanh các mặt hàng gia dụng (07/10/2019)
Tình người trong công tác cứu trợ người dân vùng lũ lụt (04/10/2019)
Đời thường của phi công anh hùng "BẢY RUỘNG" (01/10/2019)
Phiên chợ 0 đồng ấm áp tình thương ở Sài Thành (30/09/2019)
Giáo xứ Fatima với mô hình tuyến đường, cổng rào sáng – xanh – sạch đẹp và an toàn (26/09/2019)
Cuộc đời ngắn ngủi nhưng thánh thiện của Nicola Perin (24/09/2019)
Cuộc đời của chân phước Maria Guadalupe (18/09/2019)
Thầy giáo làng vẫn say mê với công tác "đền ơn đáp nghĩa" (17/09/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log