Suy tư - Chia sẻ

Nguồn sống Phục Sinh

Cập nhật lúc 10:19 17/04/2014
Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì Nguồn Sống mới mà Ngài đã ban qua Đức Giêsu Kitô Phục sinh. Nguồn sống Phục sinh đã làm thay đổi đời sống của các môn đệ một cách xác tín. Chúng ta đón nhận nguồn sống Phục Sinh không chỉ bằng lời nói, nhưng là bằng hành động và tâm tình tín thác vào Đức Kitô.
Mầu nhiệm Đức Kitô Phục sinh đã trao ban Chúa Thánh Thần, quyền xoá tội và sứ mạng làm chứng không những cho các Tông đồ mà còn cho tất cả chúng ta. Nguồn sống Phục sinh đã làm thay đổi đời sống của các môn đệ một cách xác tín. Chúng ta đón nhận nguồn sống Phục Sinh không chỉ bằng lời nói, nhưng là bằng hành động và tâm tình tín thác vào Đức Kitô. 

 
Thánh Phêrô trong bài đọc một, là người môn đệ chứng nhân của mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục sinh. Ngài đã làm chứng cho những người ngoại đạo và mời gọi họ trở về với Chúa. Phêrô đã phải làm chứng cho những người ngoại ấy về Chúa Giêsu, một con người đã nhiều lần đảo lộn mọi sự hiểu biết của ông về một vị Thiên Chúa toàn năng. Có lúc Phêrô đã nhìn ra chân tính của Đức Giêsu: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Nhưng cũng liền sau đó ông đã thấy bản thân đang còn đầy tính Satan khi Đức Giêsu nói: "Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16,23). Thế mà, Đức Giêsu vẫn yêu thương và đặt ngài làm nền tảng cho Giáo hội. 
Thế nhưng, chưa có lần cảm xúc, chứng kiến và sự hiểu biết nào làm đảo lộn đến tan tành nhận thức của ông ! lần này rõ ràng ông đã chứng kiến cái chết ô nhục của Thầy mình. Thế mà, Thầy của mình đã sống lại…
Qua bài Tin Mừng, chúng ta thấy được một nỗi lòng thao thức, nhớ thương người đã mất, những người phụ nữ từ buổi sáng sớm Phục sinh, đều chỉ có ý định đi tìm một người thân yêu đã chết, với tâm tình tiếc nuối thương khóc cho một người đã ra đi vĩnh viễn. Họ muốn tìm một sự hiện diện vật chất, cho dù chỉ còn là vết tích của một tình người đã qua đời. 
Họ chỉ tìm được sự trống vắng, một ngôi mộ trống. Và họ được nghe cảnh báo từ các thiên thần: "Này các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,5). Tin Mừng Luca còn ghi rõ hơn “Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: "Sao các bà lại tìm Người sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24,5-6). 
Phải chăng cũng chính vì còn mãi sự nuối tiếc với hình ảnh và cung cách cũ xưa về người Thầy của mình, không còn thích hợp với cuộc sống hoàn toàn mới lạ của Thầy, giờ này đã thật sự đi vào thế giới thần thiêng của Thượng đế. Cô Maria Madalena, mặc dù đứng kề bên Ngài, nghe Người nói, mà vẫn cứ coi Ngài như một bác làm  làm vườn xa lạ. 
Rõ ràng Gioan, cũng như Luca trong câu chuyện hai môn đệ trên đường trở về làng Emmau hay chuyện Chúa hiện ra với mười một Tông đồ. Các ông cần phải đổi mới lối nhìn và phương thức tiếp xúc thì mới có thể nhận ra Đấng Phục sinh vẫn đang hiện diện một cách sống động. 
Vừa thấy tảng đá lấp mồ được đem đi khỏi vị trí, có lẽ chưa kịp nhìn vào mộ, cô Maria đã xúc động và chỉ có thể cho là xác chết đã bị lấy đi rồi! đối tượng mà cô kính viếng và tỏ lòng yêu mến đã bị “mất” rồi. Trong cơn hốt hoảng chạy về báo tin cho các môn đệ biết. 
Nghe tin động trời như vậy, Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu yêu quý cùng ra mộ. Có thể hai ông không khỏi bị ảnh hưởng vì một lối trình bày của cô Maria : "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." (Ga 20,2). Phêrô và Gioan chạy tới xem Chúa. Cả hai cùng chạy nhưng Gioan chạy nhanh hơn Phêrô vì ông chính là người Đức Giêsu thương mến. Ông đã cận kề với Đức Giêsu trong bàn tiệc ly, đã đứng gần bên Mẹ Maria dưới chân thập giá… Mối liên hệ thiêng liêng ấy đã làm cho ông nhận ra Đức Kitô đã Phục sinh.
Qua đó, bài đọc hai cũng đã nói lên một tư tưởng sai lầm đang gieo rắc và bắt đầu gây ảnh hưởng bởi một thứ luân lý lừa gạt, trống rỗng, đó là thà dựa trên truyền thống của loài người và những yếu tố thế gian chứ không theo Đức Kitô. Luân lý này đã ép buộc những tín hữu chỉ biết quan tâm tới đồ ăn thức uống, hay những nghi thức lễ lạc…
Thánh Phaolô đã mời gọi Giáo đoàn hãy đề cao cảnh giác, và đặt cơ sở của mọi suy nghĩ hành động và lựa chọn của mình trên nền tảng vững chắc là chính Đức Giêsu Kitô Phục sinh vì “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,13-14). Người tín hữu đã được đem qua một tình trạng mới, khác hẳn cho đến khi: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Và “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). 
Vì thế, một nguồn sống mới từ ơn Phục sinh của Đức Kitô đã được ban cho chúng ta. Để trở thành nguồn sống cho con người, Ngài đã phải chon lựa một lối hy sinh bằng con đường thập giá và đây là tiền đề của Phục sinh. Ân huệ Phục sinh của Đức Kitô đã được ban cho chúng ta. Thế nhưng, đôi khi chúng ta chỉ muốn hưởng thụ ân huệ đó, mà không đi theo đường lối của Ngài. Nếu chúng ta chọn lựa một lối sống như thế thì cuộc sống sẽ không có ý nghĩa gì. Cho nên, chúng ta là những phần tử mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô. Chúng ta cũng sẽ được sống lại hiển vinh cùng với Đức Kitô sau khi đã vác thánh giá mình mà đi theo Người ở đời này !
  Tu sĩ  Phêrô Thập Tự Ân 
Thông tin khác:
Chúa nhật V mùa Chay năm A: Đức Kitô, Đấng ban sự sống (05/04/2014)
Chúa nhật IV mùa chay, năm A: Ánh sáng của Chúa Ki tô (29/03/2014)
Chúa nhật III Mùa Chay A: Nước hằng sống (22/03/2014)
Chúa nhật II Mùa chay năm A: Vinh quang Chúa Giêsu (15/03/2014)
Chúa nhật I Mùa Chay năm A: Vào sa mạc với Chúa (08/03/2014)
Thứ Tư Lễ Tro: Hãy sám hối và trở về cùng Thiên Chúa. (04/03/2014)
Đức Thánh Cha nói về phụ nữ (04/03/2014)
Chúa nhật VIII mùa thường niên: Tình thương cứu độ của Thiên Chúa (01/03/2014)
Thư gửi các gia đình của Đức Thánh Cha (27/02/2014)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log