Suy tư - Chia sẻ

Hành trình hoán cải

Cập nhật lúc 12:05 20/02/2015
Mùa Chay không đơn thuần là một thời gian của thinh lặng nội tâm. Nó còn là thời gian của cuộc chiến đấu thiêng liêng, chiến đấu với Stan, thế gian, với tội lỗi.
Phụng vụ đầu tiên của Mùa Chay này khai sáng cho chúng ta bước vào cuộc hành trình hoán cải của đời sống nội tâm, Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta cùng đi với Chúa Giêsu như khi Ngài tiến lên Giêrusalem. Điều đó cho thấy lộ trình thiêng liêng của những người tin và cũng làm lộ ra thái độ cứng lòng tin của con người sẽ làm họ xa cách Thiên Chúa. Đối với những ai đang tiến bước trên cuộc hành trình đức tin, mùa thống hối này dẫn đưa chúng ta đến sự Phục sinh, cho phép chúng ta tái khẳng định sự chọn lựa của mình, thanh tẩy bằng việc nhận ra những yếu đuối, thiếu sót, lầm lỗi của mình và hiểu biết kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Mùa Chay không đơn thuần là một thời gian của thinh lặng nội tâm. Nó còn là thời gian của cuộc chiến đấu thiêng liêng, chiến đấu với Stan, thế gian, với tội lỗi. Chính vì tội lỗi đã đưa con người tới chỗ diệt vong, do đó chúng ta phải chiến đấu quyết liệt và nghiêm túc để tinh thần con người không bị sa ngã trong tội lỗi. Lộ trình hoán cải của Mùa Chay sẽ dẫn đưa cuộc sống chúng ta tới niềm vui Phục sinh. Tuy nhiên, cũng tùy vào mức độ chúng ta có sẵn sàng mở lòng ra để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa không, hay chúng ta vẫn còn thờ ơ nguội lạnh với Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc chúng ta? Bởi thế, chúng ta có thời gian lắng đọng, hồi tâm để nghe tiếng nói của Chúa qua lương tâm mách bảo và từ đó chúng ta khiêm tốn đón nhận những sai phạm của mình đối với Chúa và đối với anh chị em và mọi người.
Đoạn sách Sáng thế hôm nay cho chúng ta thấy cơn đại hồng thủy và sứ mạng của Chúa. Tác giả Kinh Thánh đã hình dung Thiên Chúa, một cách hiển nhiên, như đã bị loại khỏi cuộc chơi. Thiên Chúa luôn ở trong niềm hạnh phúc không biến động của Ngài, còn nhân loại thì tùng phục Ngài vô điều kiện, họ chỉ biết tuân thủ các luật lệ của Ngài, dưới một sự phán xét ghê sợ nhất. Điều đó Thiên Chúa như muốn thử thách nhân loại trong một cơn cuồng phong như thế để cho nhân loại giác ngộ về một tình trạng cứng lòng tin hoặc cố chấp của mình. Và cuối cùng, chúng ta biết, Thiên Chúa không để cho nhân loại đau khổ quá mức nhưng là để nhắc nhở sự hoán cải của chúng ta. Nhờ bàn tay của Thiên Chúa quá dài và rộng lớn nên đã cứu lấy nhân loại một cách dễ dàng và đầy yêu thương, cũng vì yêu thương  nhân loại mà Ngài đành phải chấp nhận thân phận hẩm hiu của mình trong hoang địa thanh vắng.
Trong hoang địa hoang vắng tác giả Mácco kể lại trong những trang đầu tiên của Tin Mừng: “Sau khi Đức Giêsu chịu phép Rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13). Đức Giêsu bắt đầu cuộc chiến của Ngài với ma quỷ trong hoang địa. Một mình Đức Giêsu sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều tình huống mưu mẹo của ma quỷ đem đến để bắt Ngài theo ý muốn của ma quỷ. Những thứ ma quỷ cho xuất hiện trước mặt Đức Giêsu thì Ngài coi như đó là như rơm rác, xét về khía cạnh quyền năng của Ngài thì không có gì mà Ngài không thể không làm được. Ngài chỉ vâng phục Thiên Chúa chứ không vâng phục theo ma quỷ. Vâng phục Chúa Cha để xuống thế cứu độ loài người, để cho loài người được hưởng hạnh phúc và tham dự vào phần vinh phúc với Ngài.
Chịu phép Rửa là chấp nhận dìm mình trong nước. Khi Đức Kitô chấp nhận phép Rửa của ông Gioan chính là người chấp nhận thân phận con người, với tất cả sự hàm hồ của nó cũng như tất cả khổ đau và cái chết ở cuối đường đời. Nhưng không có sự chọn lựa nào mà không gặp khó khăn và cũng không có sự dấn thân nào lại không bị thử thách. Bởi đó, không có dấn thân thì sẽ chẳng còn có ý nghĩa là một cuộc dấn thân tuyệt đối và trọn vẹn. Vì thế, bốn mươi đêm ngày trong sa mạc đối với Đức Giêsu là bốn mươi ngày bị cám dỗ thử thách, bốn mươi đêm này chiến đấu một mình Ngài với ma quỷ.
Hình ảnh Đức Giêsu chịu phép Rửa, nghĩa là Người đã ý thức chấp nhận và thực sự dấn thân vào sứ mệnh cứu nhân độ thế và cuối cùng là cái chết, biến cái chết của mình thành lễ Vượt Qua đem lại ơn cứu độ vĩnh viễn cho nhân loại, mở ra cho nhân loại niềm hy vọng Phục sinh và cuộc sống bất tử. Đối với nhân loại chúng ta, thánh Phaolô nhắn nhủ rằng: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết cua Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cũng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được cõi sống lại từ chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).
Đức Giêsu vào hoang địa để thể hiện tình yêu nhân loại trong sự cô đơn lẻ loi, Ngài yêu nhân loại trong hoang vắng và đen tối của hoang địa, yêu một cách thầm lặng kín đáo đến nỗi Ngài nhịn ăn để cầu nguyện cho nhân loại. Chính vì vậy, Ngài căn dặn chúng ta hãy sám hối và tin vào Tin Mừng vì Nước Trời đã đến gần. Đức Giêsu đã gián tiếp lên tiếng về điều đó: khi Ngài bị chịu đau khổ, khi Ngài chịu đánh đòn, khi Ngài bị tấn công vì cách Ngài hành xử với tội nhân (Lc 15:2), Ngài kể cho dụ ngôn về người con hoang đàng, xa nhà (Lc 15:11-32). Như thế, Đức Giêsu xác định hoạt động của Ngài chính là Tình Yêu của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Chính trong Ngài và qua Ngài mà tình yêu cùng lòng thương xót của Thiên Chúa trở thành hiện thực tại đây và giờ này.
Như thế, chính Đức Giêsu khiêm nhường chịu hạ mình xuống để cho ông Gioan làm phép Rửa. Cũng từ đó, dòng sông Giođan Đức Giêsu đã khơi nguồn mạch sự sống mới cho nhân loại, để ai tin và chịu phép Rửa thì được sạch tội và được sống muôn đời.Thánh Phêrô cũng cho thấy: “Những người được cứu thoát nhờ nước” (1Pr 3,20). Cũng nhờ nước nơi khơi nguồn là Đức Giêsu làm cho những người thuở xưa trong tàu của ông Nôê đã được cứu sống. “Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép Rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô” (1Pr 3,21). Như thế, chúng ta được Thiên Chúa dưỡng nuôi trong bàn tay yêu thương, trong tình yêu bao la vô biên của Ngài, Ngài dìm chúng ta trong dòng nước yêu thương, nguồn suối dạt dào của sự sống. Sự sống đó chúng ta không còn phải sống trong tội lỗi nữa mà sống trong Đức Kitô.
Tu sĩ Trương văn Vịnh
Thông tin khác:
Nước trời là nơi tình yêu hiện diện (14/02/2015)
Tình yêu chữa lành mọi căn bệnh (06/02/2015)
Hãy lắng nghe lời Chúa (30/01/2015)
Can đảm theo Chúa (23/01/2015)
Vai trò của người tin vào Chúa (16/01/2015)
Những người Công giáo ly dị và tái hôn một năm được xưng tội rước lễ một lần? (16/01/2015)
Được Làm Con Cái Của Cha Nhờ Phép Rửa (09/01/2015)
Biến đổi nhờ gặp gỡ Đức Ki tô (02/01/2015)
Thánh Gia- mẫu gương cho mỗi gia đình (27/12/2014)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log