Suy tư - Chia sẻ

Thương xót như Chúa cha

Cập nhật lúc 14:58 21/09/2016
Ngày 8/12/2015, Giáo hội long trọng khai mạc năm thánh ngoại thường về Lòng Chúa Thương Xót với khẩu hiệu “Thương Xót Như Chúa Cha”.

     Vậy Thương xót như Chúa Cha là như thế nào? Qua các dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy đó là Lòng Thương Xót mà Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, luôn đi bước trước kiếm tìm tội nhân và không mỏi mệt để tha thứ cho tội nhân, đặc biệt là sự tha thứ tràn đầy niềm vui.

     Từ trong Cựu Ước, sách Xuất hành cho chúng ta thấy Thiên Chúa luôn yêu thương dân tộc Ixraen, dân riêng của Ngài. Dù rằng đó là một dân tộc cứng đầu cứng cổ, một dân tộc rất nhiều lần phản bội lại giao ước tình yêu với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã có lần nổi giận, đe dọa nhưng rồi lại tha thứ và thương xót. Lòng thương xót ấy được thánh Luca diễn tả cách hoàn hảo qua các dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay, đặc biệt là dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Dụ ngôn được xem như là kiệt tác của Tin Mừng Luca.

    Chúa Giêsu đã kể các dụ ngôn này trong bối cảnh là Ngài đang bị những người Phêrisêu và kinh sư xầm xì vì Ngài đón tiếp người tội lỗi và ăn uống với chúng (Lc 15,2). Hình ảnh người tội lỗi được Chúa Giêsu khắc họa như hình ảnh của con chiên bị lạc hay đồng tiền bị đánh mất trong hai dụ ngôn đầu. Rõ nét nhất là hình ảnh của hai người con lầm lạc, tội lỗi trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”.

    Người con thứ trong dụ ngôn được thánh Luca tường thuật lại là hình ảnh người con hoang đàng, tội lỗi. Anh đòi người cha chia tài sản cho riêng mình, lấy hết phần tài sản cha chia rồi quyết định ra đi, cắt đứt mối tương quan với gia đình. Một sự ra đi trong tự do. Anh ta đã ăn chơi trác táng, hưởng thụ của cải cách phóng túng trong tự do của anh. Rồi cuộc chơi kết thúc và không may cho anh là một nạn đói ập đến nơi anh đang sống. Giờ đây anh phải trả giá cho sự ăn chơi phóng túng của mình. Anh cảm thấy đói và phải xin chăn heo thuê cho một người dân ngoại trong vùng. Thánh Luca kể lại một chi tiết thật bi thảm và trớ trêu, là khi đói quá “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (Lc 15,16). Vì heo là con vật dơ bẩn, ô uế nên theo luật Môsê thì người Do thái không được chăn nuôi heo (x. Lv 11,3-8), vậy mà anh ta ao ước ăn thức ăn của heo.

     Sự tự do, món quà giá trị nhất Thiên Chúa ban tặng cho con người, nhưng người con thứ sử dụng không có khuôn phép nên đã làm anh ta đánh mất nhân phẩm làm người của mình. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, người con thứ đã hồi tâm để bắt đầu một cuộc trở về. Thánh Luca diễn tả sự trở về của người con thứ là vì cái bụng, vì đói nên chỉ mong được trở về làm công cho cha thôi. Đó cũng là hình ảnh của con người chúng ta. Chúng ta dùng tự do Thiên Chúa ban để từ bỏ Thiên Chúa, từ bỏ Giáo hội, từ bỏ anh em… đến một biến cố nào đó nguy hiểm chúng ta mới lê bước trở về. Một sự trở về chưa trọn vẹn.

    Dù là một cuộc trở về chưa trọn vẹn nhưng lòng thương xót của người cha làm cho người con hoang đàng phải bất ngờ. Lòng thương xót ấy làm cho người cha hằng ngày vẫn nhung nhớ, khắc khoải và chờ đợi người con trở về. Quả thật, thánh Luca cho chúng ta biết khi người con hoang đàng trở về và đang ở đằng xa thì người cha đã trông thấy, chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ và hôn lấy hôn để (Lc 15,20). Chỉ mong trở về để làm công cho cha nhưng lòng thương xót và tha thứ của người cha đã khôi phục lại nhân phẩm làm con và làm người của người con. Lòng thương xót ấy đã đụng chạm trực tiếp vào trong tâm hồn của người con thứ.

     Hình ảnh của người cha đó không ai khác chính là Thiên Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện một cách tuyệt hảo nơi Chúa Giêsu. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa ngàn trùng cao cả nhưng đã đến thế gian làm người, chia sẻ thân phận, kiếp người tội lỗi với chúng ta. Ngài đến mặc khải Mầu nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta. Một tình yêu trao ban nhưng không. Ngài chạnh lòng thương tới người nghèo, người đói khổ lầm than… Hơn thế nữa, Ngài còn đi bước trước đến với những người thu thuế, người tội lỗi và những người bị xã hội loại bỏ để đem niềm vui Tin Mừng, niềm vui cứu độ cho họ.

     Cuộc trở về nào cũng có những khó khăn, thử thách và người con hoang đàng cũng vậy. Thử thách lớn nhất của người con thứ lại là lòng ích kỷ của người con cả, anh trai mình. Lòng ích kỷ của người anh đã ghen tỵ với lòng thương xót của cha dành cho đứa con hoang đàng mà anh từ chối nhận là em mình “Còn thằng con cha đó…” (Lc 15,30). Cũng chính lòng ích kỷ ấy, người con cả để lộ căn tính thật của mình là ở với cha nhưng tấm lòng cách xa cha. Anh sống với cha với tương quan “chủ-tớ” là người hầu hạ, người làm công cho cha (Lc 15,29). Xét theo “luật công bằng” có lẽ người con cả có phần đúng nhưng tiếc thay lề luật ấy còn thiếu đi một chút tình thương và lòng bác ái.

    Hình ảnh của người con cả ấy cũng chính là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Đôi khi chúng ta tự hào là linh mục, tu sĩ, hội đồng giáo xứ, giáo lý viên… siêng đến nhà thờ, đọc kinh, làm từ thiện, sống gần Thiên Chúa. Thế nhưng lòng lại đầy sự xét đoán, đố kỵ, ghen ghét… làm chúng ta xa Chúa. Hơn một lần trong cuộc sống, chúng ta nói với anh chị em mình lời chua chát, nhìn anh chị em mình bằng ánh mắt “hình viên đạn” và sống với anh chị em mình với lòng thù nghịch.

     Thiên Chúa, qua nhân tính của Chúa Giêsu, đã mặc khải cho con người thấy một lòng thương xót không có giới hạn. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư Misericordiae Vultus đã nói: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ luôn luôn lớn hơn bất kỳ tội lỗi nào, và không ai có thể đặt ra giới hạn cho tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ” (Số 4). Lòng Thương Xót là cầu nối giữa con người với Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy của Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi chúng ta “Xin chung vui với tôi”. Niềm vui của Thiên Chúa không gì khác hơn là chia sẻ tình yêu với Ngài. Ước gì Năm Thánh Lòng Thương Xót là dịp thuận tiện giúp chúng ta hồi tâm để nhận ra sự yếu đuối, mỏng giòn, tội lỗi của mình. Từ đó chúng ta cùng nhau thực hiện cuộc trở về với tình yêu của Thiên Chúa như chính người con hoang đàng trong dụ ngôn. Trở về với Thiên Chúa là tuân giữ lề luật của Ngài, là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
.
Phêrô Trần Thanh Sơn
 
Thông tin khác:
Học để biết ra đi (15/09/2016)
Điều kiện để trở nên môn đệ Đức Kitô (14/09/2016)
Cầu xin bình an cho quê hương yêu dấu (08/09/2016)
Tôi đã được Chúa cứu (29/08/2016)
Nhìn lên trời, để biết sống cuộc đời trần thế (22/08/2016)
Để có bình an của Chúa (18/08/2016)
Được an ủi nâng đỡ (15/08/2016)
Ai là người quản lý trung tín và khôn ngoan (11/08/2016)
Tôi thấy trời mở ra (08/08/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log