Suy tư - Chia sẻ

Cùng với Đức Kitô ta lên núi

Cập nhật lúc 11:00 16/03/2017
Mùa Chay không chỉ là thời gian để cho chúng ta sám hối ăn năn mà còn nhắc nhớ mỗi người chúng ta là thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, cũng như cuộc sống ở đời này là một cuộc sống tạm bợ mong manh và chóng tàn.
Cùng với Đức Kitô ta lên núi
Cùng với Đức Kitô ta lên núi
        Mùa Chay mang mầu tím và ảm đạm như là nhắc nhở cho mỗi người chúng ta biết là hãy bước theo Chúa Giêsu trên đường khổ nạn và Phục sinh với Ngài. Vậy, để bước theo con đường Thập giá đau khổ của Ngài để đạt tới vinh quang thì chúng ta phải làm gì? Đó là ý nghĩa của bài đọc 1 sách Sáng thế cũng như bài Tin Mừng mà thánh Mátthêu muốn nói hôm nay.

        Ở bài đọc 1 sách Sáng thế cho ta thấy được rằng, tin có nghĩa là hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa và sẵn sàng bước vào một cuộc phưu lưu mạo hiểm với Ngài. Một mẫu gương sống động để cho tất cả mỗi người noi theo đó là hình ảnh cụ Abraham, ông đã tín thác một cách trọn vẹn nơi Thiên Chúa, Abraham đã tin vào các lời Ngài hứa và tương lai mà Thiên Chúa hoạch định ra cho ông. Chính thái độ ký thác hoàn toàn này mà làm cho Abraham thành mẫu gương và là cha của những người tin.

        Tin như tổ phụ Abraham nghĩa là tín thác bước đi theo chương trình của Thiên Chúa. Tin có nghĩa là sẵn sàng ra khỏi môi trường sống đảm bảo, ra khỏi những thói quen, kiểu cách sống qui ước của loài người. Tin có nghĩa là đưa tay ra nắm chặt lấy bàn tay của Thiên Chúa để cho Ngài hướng dẫn và dấn bước đi theo Ngài. Một khi chúng ta đã tin vào Thiên Chúa một cách thực sự thì dù gặp khó khăn, phong ba bão táp thì chúng ta vẫn bước đi trên con đường đó một cách hiên ngang không sợ hãi gì. Vì vậy, mỗi người chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc đời của mình, để rồi Ngài dìu dắt và hướng dẫn chúng ta mỗi ngày. Đó cũng là ý nghĩa của bài Tin Mừng mà thánh Mátthêu trình thuật Chúa Giêsu biến hình trên núi.

        Trong cuộc đời của mỗi người ai cũng có một lần kinh nghiệm leo núi. Để chinh phục một ngọn núi cao mà ta muốn đạt tới không dễ chút nào, hành trình chúng ta leo núi gặp rất nhiều khó khăn và thử thách thậm chí có người phải hy sinh. Nhưng một khi chúng ta chinh phục được ngọn núi đó rồi thì ta luôn tươi vui, hạnh phúc, lòng chúng ta nhẹ nhàng không chút nặng nề về thể xác và con người của chúng ta thay đổi một cách hoàn toàn mới mẻ…

        Đó cũng là ý nghĩa của bài Tin Mừng mà thánh Mátthêu diễn tả Đức Giêsu đem ba môn đệ của mình lên núi cao.

        Trong Thánh Kinh cũng như trong hầu hết các tôn giáo, núi thường được xem là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa thần linh và con người. Những mạc khải quan trọng trong Thánh Kinh đều diễn ra trên núi. Môsê đã được kêu mời lên núi Sinai để gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận lề luật cho dân riêng. Elia đã ròng rã 40 ngày đêm lên núi Horeb để gặp gỡ Thiên Chúa. Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện với Chúa Cha. Chúa Giêsu lên núi giảng dạy về các mối phúc.

        Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cũng nói đến việc Chúa Giêsu đưa ba môn đệ lên núi với Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem: Tại sao Chúa Giêsu lại đưa ba môn đệ lên núi với Chúa? Cuộc lên núi này có ý nghĩa gì đối với các môn đệ và có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta hôm nay?

        Khi Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết Ngài phải lên Giêrusalem để chịu thương khó và chịu chết, các môn đệ cảm thấy tâm hồn xao xuyến. Các ông nghĩ không lẽ cuộc đời của Thầy mình lại kết thúc một cách bi đát như thế? Đã bao lần các môn đệ mơ tưởng một ngày nào đó được ngồi bên tả bên hữu thầy mình, lẽ nào giấc mơ đó lại sớm tan thành mây khói? Nếu Chúa Giêsu mà còn phải chịu số phận oan nghiệt như thế thì số phận các ông rồi sẽ ra như thế nào đây? Không thể chấp nhận viễn cảnh đen tối ấy, ông Phêrô kéo riêng Chúa Giêsu ra và lên tiếng trách móc, tìm cách ngăn cản Ngài đừng chấp nhận con đường đau thương ấy (Mc 8,32).

        Để củng cố tinh thần các môn đệ đang sa sút trước tin chẳng lành vừa loan báo, tám ngày sau, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình lên núi cao để cầu nguyện.

        Ba môn đệ đã được đưa lên núi với Chúa. Một khi đã leo lên trên đó, các ông được đi vào một thế giới khác xem ra vừa kỳ diệu vừa lạ lùng, một thế giới biến đổi ý nghĩa đời họ.

        Từ trên núi, Chúa Giêsu đã tỏ vinh quang của Người cho các môn đệ. Từ trên núi, Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nhận ra được Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc nhân loại. Người phải đón nhận đau khổ và cái chết sắp trải qua tại Giêrusalem. Và các ông cũng phải vác Thập giá mình mà theo Người, phải vâng nghe lời Người. Từ trên núi, các môn đệ đã thấy vinh quang của Chúa như một lời hứa được thực hiện, như thành tựu của một sứ mệnh, như đích điểm của một con đường, con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.

        Nhưng tiếp đó, họ phải xuống núi trở về với cuộc sống thường ngày. Người ta không lên núi để ở lại đó mà là để nhìn rõ hơn con đường phải đi. Đối với Chúa Giêsu, con đường đó là đau khổ và cái chết đang chờ đợi Người và Người đã xuống núi để giáp mặt với đời, để tiếp tục hành trình qua đau khổ, Thập giá đến vinh quang. Từ trên núi, Chúa Giêsu cũng muốn đưa các môn đệ xuống núi trở lại với đời thường, trở lại gian lao, thử thách đang chờ họ.

        Các môn đệ đã được hé mở cho thấy Thầy mình chính là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu độ trần gian. Từ những người coi khổ nạn Thập giá là cớ gây vấp phạm, giờ đây lại có một cái nhìn khác hoàn toàn các môn đệ đã nhận ra khổ nạn Thập giá là con đường phải đi qua để đến được vinh quang.Có thể nói rằng, cuộc lên núi với Chúa của các môn đệ đã thực sự biến đổi ý nghĩa cuộc đời của các ông. Còn mỗi người chúng ta thì sao? Cuộc lên núi với Chúa có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta?

        Lời Chúa của Chúa nhật II Mùa Chay tuần này, mời gọi mỗi người chúng ta là hãy vững tin vào Thiên Chúa, để Ngài dẫn dắt chúng ta trong cuộc đời. Con người thì luôn luôn yếu đuối và dễ sa ngã. Chúa cũng mời gọi chúng ta lên núi với Ngài, để gặp gỡ Chúa, sống với Chúa và để Chúa củng cố đức tin cho chúng ta.

        Ước mong mỗi thánh lễ Chúa nhật trong Mùa Chay là một cuộc biến đổi con người thực sự. Để nhờ đó, chúng ta có đủ sức mạnh và vững tin dấn bước vào đời, chấp nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan, chấp nhận vác Thập giá mà không bỏ cuộc, chấp nhận bước theo Chúa trên con đường qua tử nạn - Thập giá, để đến Phục sinh - vinh hiển.

 
Tu sĩ Phêrô Đậu Văn Hương
Thông tin khác:
Những cám dỗ ngày nay (14/03/2017)
Gần gũi với thánh Giuse (13/03/2017)
Chọn Chúa là tình yêu làm gia nghiệp (09/03/2017)
Hạt nắng vô tư trên những Cành Thông vi vu (08/03/2017)
Tâm tình của người cha thiêng liêng VỚI ĐỨC CHA GIUSE VŨ DUY THỐNG (08/03/2017)
Chúa gọi trong đêm tối (08/03/2017)
Lạy Chúa Giêsu Kitô giàu lòng thương xót (06/03/2017)
Như Hạc hoài hương (03/03/2017)
Thánh thiện bằng tình yêu Chúa (02/03/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log