Suy tư - Chia sẻ

Nhận ra Chúa và loan truyền về Chúa

Cập nhật lúc 09:06 12/05/2017
 Chúa nhật III Phục sinh, Giáo hội cho ta biết phương thế nhận ra Đức Giêsu Kitô đã Phục sinh.
      Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa đã bằng lòng chịu chết vì nhân loại để cứu chuộc những ai hết lòng tin vào Ngài. Cái chết của Ngài không vô nghĩa trái lại đã đánh thức tất cả những ai đang ngủ mê trong tội, trong sự ù lì, cứng lòng tin và nghi nan.
Nhận ra Chúa bằng niềm tin vào Kinh Thánh

       Trong Tin Mừng, thánh sử Luca thuật lại hai môn đệ bỏ về quê với lý do Đức Giêsu mà họ đi theo bao năm tháng nay đã bị đóng đinh chết trên Thập giá. Chính cái chết của Ngài đã làm họ chới với, sợ hãi, hoang mang vì giờ không biết bám víu vào đâu, bởi vị Thầy mà họ tin theo nay đã chết. Họ dường như mất hết tia hy vọng, họ bỏ những người trước đây cùng theo Đức Giêsu để về quê kiếm kế sinh nhai. Tuy các ông bỏ về quê nhưng lòng trí vẫn âu lo và thắc mắc không hiểu về biến cố đã xảy ra tại thành Giêrusalem. Các ông bàn tán trò chuyện với nhau trên đường đi: “họ trò chuyện với nhau về tất cả sự việc mới xảy ra” (Lc 24,14). Họ đi theo Đức Giêsu và được Ngài dạy dỗ nhưng lòng trí các ông không hiểu hết được những gì Đức Giêsu đã tiên báo là Ngài sẽ bị đóng đinh, sau ba ngày Ngài sống lại. Kinh Thánh thuật lại: “đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ” (Lc 24,15). Đức Giêsu hiện ra cùng đi với họ nhưng họ không nhận ra Ngài. Trong cuộc sống thường ngày, anh em, bạn hữu, người thân sẽ nhận ra nhau sau bao năm xa cách nhưng ở đây hai môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu, mặc dù trước khi Ngài bị bắt họ vẫn còn đi theo và ở gần với Ngài. Họ không nhận ra vì lý do mắt họ còn bị ngăn cản. Con mắt thể lý của họ vẫn còn sáng nhưng con mắt đức tin của họ đã bị che khuất, bởi lòng tin của họ đã vơi cạn hay nói cách khác cuộc sống niềm tin mạnh mẽ mà họ gắn bó với Ngài nay đã bị vụt tắt, nên khi gặp Ngài đã Phục sinh “mắt họ vẫn bị ngăn cản, không nhận ra Người” (Lc 24,16). Tuy nhiên, Đức Giêsu vẫn kiên nhẫn đồng hành với họ, khơi dậy lòng tin của họ bằng cách Ngài giải thích Kinh Thánh và lòng trí họ bừng cháy (x. Lc 24,32). Như vậy, để chúng ta nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống của ta thật không đơn giản, nếu ta không đủ niềm tin và thấu hiểu biết Kinh Thánh. Một khi hiểu biết được Kinh Thánh, ta sẽ dễ dàng hiểu biết về Chúa Giêsu Kitô và nhận ra Ngài nơi mỗi người, đặc biệt những người bất hạnh, khổ đau nhất trong xã hội; còn không hiểu biết Kinh Thánh ta sẽ không biết Ngài để nhận ra Ngài như lời của thánh Giêrônimô nói: Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô.


​       Nhận ra Chúa nơi Bí tích Thánh Thể 

​       Người Kitô hữu có thể nhận ra Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể, vì Ngài đã hiến thân chấp nhận trở nên Mình và Máu nơi bánh và rượu để nuôi sống đời sống tâm hồn người tín hữu qua việc họ rước lễ mỗi ngày. Như vậy, người tín hữu nhận biết Chúa cách dễ dàng khi họ đi tham dự thánh lễ sốt sắng và đầy lòng xác tín. Bí tích Thánh Thể chính là việc cử hành quen thuộc mà hết thảy những ai tin vào Đức Giêsu Kitô đều có thể nhận ra Ngài. Hai môn đệ trên đường Emmau cũng chỉ nhận biết Chúa Giêsu Phục sinh khi thấy Người bẻ bánh: “khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24, 30-31b). Cử chỉ Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng bẻ ra là hình ảnh và việc làm quen thuộc của Chúa Giêsu đối với hai môn đệ trên đường Emmau, nên khi thấy như thế mắt họ được mở ra và nhận biết Người. Điều này cho ta thấy, Bí tích Thánh Thể quan trọngcho mọi người Kitô hữu, vì đó vừa là lương thực thần thiêng nuôi sống tâm hồn vừa đồng thời nuôi dưỡng đời sống đức tin người tín hữu. Nơi Bí tích Thánh Thể, người tín hữu dễ dàng cảm nhận, tin và biết Chúa vì Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b). Quả vậy, người tín hữu muốn tìm gặp Chúa Giêsu Kitô thì siêng năng chạy đến với Bí tích Thánh Thể. Nơi đây con người sẽ kín múc được sức mạnh và nguồn sống vô biên. Nơi đây người Kitô hữu sẽ tìm được lẽ sống, nguồn bình an và vượt qua được mọi khó khăn thử thách, đồng thời tiếp nhận được nguồn ân sủng mới để từ đó cũng biết sống làm cho người khác được nhận biết Người.

​       Nhận biết Chúa qua lời chứng dấn thân loan truyền

​       Niềm vui được đong đầy và không vơi cạn là khi người tín hữu biết sống cho đi, biết làm chứng cho người khác nhận ra Chúa và sẵn sàng lên đường loan truyền về những gì mình đã thấy và được gặp. Đó là sự kiện của hai môn đệ trên đường Emmau và Nhóm Mười Một đã nhận biết Chúa Phục sinh. Một niềm vui trào dâng và phấn khởi đã khiến họ không thể không quay lại Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một để kể lại sự việc đã xảy ra và làm chứng về sự việc Đức Giêsu đã chết nay đã Phục sinh thật. Những người đã tin Chúa, nhưng niềm tin còn ngờ vực hay những người sắp tin Chúa sẽ được nhận biết Chúa Phục sinh khi họ biết tiếp nhận lời chứng của các Tông đồ và những chứng nhân khác. “Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phêrô đứng chung với nhóm Mười Một lớn tiếng nói với dân chúng rằng: “Thưa anh em miền Giuđê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giêrusalem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những điều tôi nói đây” (Cv 2,14). Sau khi tin nhận biết Chúa Giêsu đã Phục sinh, các Tông đồ đã mạnh dạn làm chứng và nói về Ngài. Các ông xác tín mạnh mẽ, không còn sợ hãi gì nữa mà một mực làm chứng: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32). Sức mạnh của Đức Kitô Phục sinh đã làm cho các Tông đồ - những người theo sát Ngài thay đổi hoàn toàn từ sự sợ hãi, nhát đảm trở nên mạnh mẽ, can trường vì họ đã đón nhận lấy ơn bình an và Thần Khí của Đức Giêsu làm các ông vững mạnh.

​       Ngày nay người tín hữu cũng cần bắt chước việc làm của các Tông đồ hay hai môn đệ trên đường Emmau. Khi ta nhận biết Chúa thì cũng mau mắn tìm mọi cách để nói về Chúa cho người khác biết. Cách làm chứng hữu hiệu nhất để mọi người nhận biết Chúa đó là thái độ sống của ta, công việc của ta làm cho người khác… Chính những điều này là cách ta làm chứng tuyệt vời nhất cho Chúa. “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1Pr 1,17b). Thật thế, tự bản chất của Giáo hội là truyền giáo, và thánh Phaolô nói: khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng. Có thể nói việc loan báo Tin Mừng cho người khác nhận biết Chúa là một nhiệm vụ của người tín hữu. Thiên Chúa ban cho mỗi người mỗi khả năng khác nhau để dùng những khả năng Chúa ban đó mà làm cho mọi người nhận biết Chúa nhờ ơn Thánh Linh trợ giúp.
 
Phêrô Hưng Quỳnh
Thông tin khác:
Từ vực sâu con kêu lên chúa (09/05/2017)
Chúng tôi đã thấy Chúa (05/05/2017)
Nhớ về đức Giáo hoàng bênêDictô XVI (03/05/2017)
Ý nghĩa và giá trị HÀNH VI NHÂN LINH (19/04/2017)
Khao khát Chúa (17/04/2017)
Thầy là sự sống lại và là sự sống (14/04/2017)
Sống với những ủi an của Mẹ Maria (10/04/2017)
Đức Giêsu ánh sáng cho thế gian (31/03/2017)
Chút tâm tình về lễ giỗ cha Phanxicô Trương Bửu Diệp (27/03/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log