Suy tư - Chia sẻ

Cội nguồn tình yêu

Cập nhật lúc 08:29 15/06/2017
​Mừng lễ Chúa nhật X thường niên mời gọi mỗi chúng ta cùng chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Thiên Chúa Ba Ngôi là thuật ngữ chỉ một Thiên Chúa duy nhất, mà Ba Ngôi đồng bản thể. Như vậy, Ba Ngôi Vị chỉ là một Thiên Chúa trong một bản thể duy nhất mà không thể phân chia. Hội Thánh sơ khai đã tuyên xưng và cử hành mầu nhiệm này trong phụng vụ và xuyên suốt lịch sử Hội Thánh đã tìm nhiều cách hiểu và diễn tả mầu nhiệm cao siêu này.

Trong dân Ixraen, Thiên Chúa được gọi là “Cha”, vì là Đấng tạo dựng trần gian (x. Đnl 32,6), là Đấng đã lập ra Giao ước và ban lề luật cho dân: “Ixraen là con đầu lòng của Ta” (Xh 4,22). Ngài cũng được gọi là Cha của vua Ixraen (x. 2Sm 7,14) và của những người nghèo theo nghĩa Thánh Kinh mà Vịnh Gia đã quảng diễn “Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng bênh đỡ quả phụ...” (x. Tv 68,6). Trong Kinh Tin Kính, Hội Thánh tuyên tín Chúa Cha là Đấng sinh ra Chúa Con từ trước muôn đời, Đấng cùng bản thể với Ngài.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, được sinh ra làm người (x. Lc 1,35), hoàn toàn giống con người, ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4,15). Người đã đến để loan báo và khai mở Nước Trời, đã chịu khổ hình, chịu mai táng, ngày thứ ba Người sống lại, được lên trời ngự bên hữu Chúa Cha và sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết vào ngày tận thế.
Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể, được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Kinh dùng các hình ảnh như nước, lửa, sự xức dầu, áng mây và ánh sáng, dấu ấn, chim bồ câu... để biểu trưng cho các hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần cũng là một sức mạnh chuyển đổi trái tim cộng đoàn Giáo hội, để cộng đoàn trở thành chứng nhân cho tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn làm cho nhân loại trở thành một gia đình duy nhất trong Con của Người.

Vào bài đọc 1 trích từ sách Xuất hành, trong đoạn này tác giả nói lên Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết Ngài là một Thiên Chúa giàu tình thương: Chính Thiên Chúa đã giải thoát Ixraen khỏi ách nô lệ. Nhưng họ lại phản bội Ngài đi thờ lạy tượng bò vàng. Môsê đã tha thiết nài xin Thiên Chúa tha thứ cho họ. Đáp lại, Thiên Chúa nói Ngài là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu ân nghĩa và thành tín”.

Vào bài Tin Mừng ta thấy được lặp lại ý tưởng của bài đọc Cựu Ước, nhưng cho biết cụ thể hơn: Thiên Chúa đã tỏ ra Ngài là Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã ban Người Con duy nhất của Ngài cho thế gian, để ai tin vào Người Con ấy thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu vĩnh cửu, cử chỉ yêu thương tột đỉnh không thể lay chuyển được. Thiên Chúa trao cho nhân loại tình yêu mà Ngài đã yêu con một duy nhất của Ngài và làm cho chúng ta có khả năng yêu Ngài bằng một tình yêu mà Con Ngài đáp trả và trao lại cho Ngài. Thiên Chúa trao ban cho ta tình yêu liên kết Cha và Con, tình yêu ấy là Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa.

Thánh Phaolô kết thúc lá thư Côrintô bằng những lời dặn dò, thăm hỏi cùng với lời chúc và mời gọi các tín hữu hãy đạt niềm tin vào Thiên Chúa: Kitô hữu hãy vui mừng và sống hòa thuận thương yêu nhau, bởi vì họ được Thiên Chúa yêu thương và ban cho dư đầy ân sủng. Chúng ta luôn dõi theo lời mời gọi của thánh nhân là hãy luôn vui mừng và gắng nên hoàn thiện, để đời sống chúng ta luôn vui tươi và tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa ngang qua mọi biến cố trong đời chúng ta.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo hội nhắc nhở chúng ta xác tín và đặt niềm hi vọng vào Thiên Chúa là nguồn tình yêu, đồng thời mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất ngay trong mọi hoàn cảnh. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã tuôn tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của mỗi tín hữu cũng vậy, phải mở rộng tâm hồn cho hết thảy mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất. Xin cho mỗi chúng ta luôn ý thức sứ mạng chính yếu của chúng ta là trở thành chứng nhân của Chúa, nêu gương cho người khác qua cuộc sống, lời nói, hành vi của mình. Với thái độ nhẫn nại, kiên trung và can đảm trước những người không đón nhận và thậm chí công khai chống lại Thiên Chúa.

 
Võ Quí An
 
Thông tin khác:
Những thay cho mà Chúa muốn (14/06/2017)
Hãy giao rảng Lời Chúa đến với muôn dân (12/06/2017)
Thánh Thần nguồn ơn đổi mới (10/06/2017)
Cha khát (08/06/2017)
Tôi cảm tạ Chúa một cách đặc biệt vì đức tin (05/06/2017)
Được sống mãi trong đức tin (02/06/2017)
Cảm nhận Thiên Chúa theo hình ảnh Mẹ Fatima (01/06/2017)
Sống ngưỡng vọng nước trời (25/05/2017)
Trái tim Chúa Giêsu đã dạy tôi (24/05/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log