Suy tư - Chia sẻ

Chính các con hãy cho họ ăn

Cập nhật lúc 10:33 18/08/2017
Trên thế giới hôm nay đang xảy ra hai sự kiện rất thời sự, nhưng cũng rất bi thảm và chua cay.
“Chính các con hãy cho họ ăn” (Mt 14,16b).
“Chính các con hãy cho họ ăn” (Mt 14,16b).
       Đó là cảnh một số người quá dư thừa tiền của, ăn uống tổ chức linh đình, tiêu pha phung phí. Và bên cạnh đó có một thảm cảnh trái ngược khác: đó là hàng triệu con người đang thiếu ăn hay không có gì để ăn. Sự nghèo đói là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn con người rơi vào. Tuy nhiên, bên cạnh sự nghèo đói về cơm bánh, thế giới còn đối diện với “cơn đói” đáng sợ hơn là nghèo đói về tâm linh, nghèo đói về tình thương và lòng bác ái.

       Trong sách ngôn sứ Isaia Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy chăm chú lắng nghe Người. Giống như rượu và sữa, Lời Người chính là thức ăn ngon, là “cao lương mỹ vị” đem lại sự sống cho chúng ta. Người tha thiết mời hết thảy chúng ta hãy đến, “dầu không có tiền bạc, cứ đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1b). Còn thánh Phaolô trong thư gửi cộng đoàn Rôma, ngài đã quả quyết với chúng ta chân lý sau đây: “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39). Tin Mừng thánh Mátthêu cho chúng ta thấy được hình ảnh của một vị Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Ngài đã rao giảng cho dân và khi thấy dân chúng theo Ngài, Ngài chạnh lòng thương và lo lắng cho họ, cả về vật chất: “Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14,14). 

       Ngài chạnh lòng thương. Một nét đặc biệt của Chúa Giêsu mà thánh Mátthêu đã ghi nhận. Ngài không như chúng ta. Ngài nhìn và cái nhìn của Ngài thấu suốt không những dáng vẻ bên ngoài, Ngài thấu suốt tự tâm can. Ngài thấy rõ nỗi khát khao bần cùng của chúng ta. Chúng ta tưởng mình đã đầy đủ khi tiền bạc đầy túi hay lương thực đầy nhà. Không, chúng ta luôn khắc khoải chờ mong một cái gì mà chúng ta chưa tìm thấy. Chúng ta đang cần hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật không tan biến theo thời gian, không lệ thuộc vào sức khỏe hay những điều kiện xã hội. Tất cả những cử chỉ ân cần và chăm sóc của Chúa Giêsu khi Người làm cho bánh và cá hóa ra nhiều đều là những cách biểu lộ một tình yêu vô cùng lớn lao, tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta thử nhìn đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu mà xem. Họ đi bộ một quãng đường dài, băng qua những ngọn đồi cao, không quản mệt nhọc đi tìm Chúa Giêsu, vì họ biết Người yêu thương họ. Gặp được Chúa Giêsu là gặp được lòng thương xót và tình yêu của chính Thiên Chúa! Phải ở lại nơi hoang vắng, dù trời đã muộn, lương thực đem theo đã cạn… Nhưng tất cả những trở ngại này cũng không thể tách được họ khỏi tình yêu của Chúa Giêsu, bởi vì Người đã yêu thương đến với họ trước. Rồi khi gặp lại họ, Chúa Giêsu lập tức chạnh lòng thương và sẵn sàng chữa lành không những thân xác mà cả linh hồn họ nữa. Cho nên tình yêu của Chúa Giêsu ràng buộc chúng ta với Người, để dù gặp gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo, không gì ngăn cản được Chúa yêu thương chúng ta.

       Trong thế giới hôm nay, cứ khoảng sáu người thì lại có một người đói, sống trong những điều kiện tồi tệ, thiếu thốn tất cả. Đang lúc những người giàu có phung phí xa hoa một cách thản nhiên và lấy làm hãnh diện vì mình có tiền để phung phí. Chúng ta đang khao khát. Đừng tưởng rằng vật chất sẽ bảo đảm cho tương lai, tiền bạc là hạnh phúc. Tất cả đang nằm trong đe dọa liên miên. Không có gì vững chắc. Chúng ta thật đáng thương. Chúa Giêsu chạnh lòng thương là phải. Ngài vẫn hằng yêu thương chúng ta. Tình thương của Ngài vẫn tràn đầy, nhưng không mấy người đã nhìn thấy. Chúa Giêsu biết rằng Ngài không mãi có mặt ở trần gian này và công việc của Ngài phải được tiếp tục cho đến tận thế, Ngài đã chọn những người cộng tác, những người bạn có thể tiếp tục công việc của Ngài: Hãy cho họ ăn đi. Họ không chỉ cho người ta ăn bánh mà còn phải nuôi người ta bằng Lời Hằng Sống, một thứ lương thực hết sức cần thiết cho tâm hồn. Hãy cho họ ăn đi, lệnh truyền này sẽ được tiếp nối với một lệnh truyền khác tương tự: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Từ đó, qua bao nhiêu thế hệ vẫn được dưỡng nuôi và hạt giống Tin Mừng được gieo vãi khắp nơi. Ngày nay, đối với mỗi người chúng ta thì sao?

       Ngày nay, Chúa cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy góp phần nhỏ bé và hết sức âm thầm của mình cho anh em đồng loại, đặc biệt cho những người nghèo chung quanh chúng ta. Chúa đợi chờ chúng ta một chút tế nhị, một chút tình thương và lòng bác ái, luôn mở rộng đôi tai để lắng nghe được tiếng khóc than của nhũng người đau khổ bất hạnh, luôn dang rộng cánh tay để biết chia sẻ những gì mình có cho người khác. Chắc chắn, qua cử chỉ bác ái, qua tình thương của chúng ta đối với những người nghèo, những người gặp khó khăn, nhiều người sẽ nhận ra bộ mặt đầy nhân từ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

       Vâng, những người nghèo sẽ không đáng chết vì thế giới còn biết bao nước giàu, thế giới còn biết bao lương thực, tài nguyên chưa được phân phối đồng đều. Tin Mừng cho thấy, người phú hộ giàu có đâu có biết chạnh thương người nghèo Lazarô ăn xin.Thế giới còn nhan nhản những người giàu ăn không hết, của cải không biết bỏ đâu, nhưng họ không biết cho đi, chia sẻ và làm việc từ thiện. Nhiều nước giàu đã đem lương thực đổ ra biển vì sợ quá hạn sử dụng. Thế giới quả không thiếu lương thực nhưng chỉ thiếu những người biết chạnh lòng thương. Lương thực rất cần thiết để sống nhưng con người rất cần tình thương để tồn tại. Chúa Giêsu đã thấu hiểu điều đó, nên Ngài đã truyền lệnh cho các môn đệ: “Chính các con hãy cho họ ăn”(Mt 14,16b)...

 
Px. Đức Nguyễn
Thông tin khác:
Niềm vui và niềm hy vọng của tôi (10/08/2017)
Ơn khôn ngoan (09/08/2017)
Trung tín và khôn ngoan (08/08/2017)
Đấng yêu thương và công bình (04/08/2017)
Sứ điệp sám hối từ Fatima, những tiếng vang thống thiết (03/08/2017)
Hạt giống cần có người gieo (01/08/2017)
Khiêm nhường: Con đường dẫn đến cứu độ (31/07/2017)
Hòa bình trong đời sống (26/07/2017)
KHIÊM NHƯỜNG: Con đường dẫn đến cứu độ (24/07/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log