Suy tư - Chia sẻ

Điệp khúc trời cao

Cập nhật lúc 15:33 22/12/2017
 “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14). Ảnh: CTV
“Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14). Ảnh: CTV
Có một thông điệp từ ngoài hành tinh nhưng lại dành bản quyền cho trái đất, có một giai điệu trên không trung nhưng lại chuyển tải bằng âm thanh của loài người, có một điệp khúc đến từ trời cao nhưng sẽ mãi mãi sống động trong con tim nhân loại, đó là khúc hát của các Thiên Thần trong đêm Chúa Cứu Thế Giáng sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Điệp khúc được vang đi khắp trái đất, mọi thời đại, đặc biệt là dịp lễ Giáng sinh. Lễ Giáng sinh là ngày lễ của riêng Kitô giáo, nhưng nay đang dần trở thành thông điệp hòa bình cho toàn thế giới. Ban đầu điệp khúc trời cao thể hiện bằng âm thanh phụng vụ, từ giữa thế kỷ XIX xuất hiện những cánh thiệp Giáng sinh mang theo sứ điệp an bình, hạnh phúc để con người gửi tặng nhau. Những khung cảnh liên quan tới lễ Giáng sinh dần trở nên ấm áp, thân quen và như có hồn sống: 

Hang đá xuất hiện đầu tiên với thánh Phanxicô thành Assisi năm 1223 tại thành phố Greccio - Ý  là một khám phá tuyệt vời của thánh nhân làm bừng lên cảm xúc sâu xa khi chiêm ngắm nơi thiêng thánh có liên hệ đến cuộc đời Chúa Giêsu.

Đêm đông được thể hiện qua cây thông Noen xuất hiện từ thế kỷ XVI.

Ông già Noen (chỉ thánh Nicholas ở Thổ Nhĩ Kì thế kỷ thứ IV) hình ảnh ông già Noen đi trên xe tuần lộc chất đầy quà Noen lướt trên băng tuyết xuất hiện từ đầu thế kỷ XIX. 

Ánh sáng Noen tràn ngập không gian tôn giáo, ở nhiều nơi còn lan tỏa đến tận các công viên, đường phố…Ánh sáng đèn sao không chỉ nhắc nhớ ánh sao dẫn đường cho ba Đạo sĩ, nhưng quan trọng hơn là ý thức người tín hữu: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).

Dưới ánh sáng này, người Kitô hữu được thánh Phaolô cảnh tỉnh: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương” (Rm 13,13). Một lần nữa điệp khúc trời cao: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới thế cho người thiện tâm” lại vang lên. Noen cũng là ngày người ta dành sự cảm thông và sẻ chia chân thành với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh tật, già yếu…
 “Truyền thống Giáng sinh đối với người châu Âu trước hết là một dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu của mình với những người thân với bạn bè, hàng xóm.

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp. Trong đêm Giáng sinh, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của ông già Noen, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, yến tiệc, hát karaoke,... và đặc biệt là những người Công giáo thì chuẩn bị tham dự thánh lễ tại thánh đường giáo xứ hoặc giáo họ của mình. Người Việt Nam rất thích thú các ca khúc Giáng sinh” (1).

Trong chiều hướng tích cực, những sự kiện và tiến trình lịch sử trên đây sẽ càng làm sáng tỏ lời của ngôn sứ Isaia: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,3). Nhưng một thoáng trong tôi bỗng chen ngang một chi tiết mà đời tôi không thể quên được.

Hồi đó, tôi còn đi xe đạp để tới các xứ phụ cận dâng lễ. Cùng chiều với tôi, một chiếc xe đẩy rao bán hàng xén. Tôi chú ý tới cây Thánh giá treo lẫn giữa đồ trang sức đủ loại. Không cầm lòng được tôi dừng xe, chỉ cây Thánh giá hỏi anh bán hàng:

- Anh biết ảnh này có ý nghĩa gì không?

- Không - anh trả lời lạnh lùng.

- Không biết sao lại bán ở đây?

- Thấy người ta mua nhiều thì bán chứ sao? 

Câu trả lời vô trách nhiệm hằn lại trong tôi hai nỗi đau: Thương mại hóa và tục hóa của thánh!
Hơn ba chục năm qua rồi mà giờ đây khi hiện lên trước mắt tôi đủ loại thiệp Giáng sinh 2017 rực rỡ sắc màu, tôi vẫn còn man mác một niềm đau như ngày ấy, vì khó tìm thấy thiệp in cảnh hang đá có thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng Giêsu. Đã hẳn chỉ cần một cây thông Noen, một hình ông già Noen hoặc hình ảnh ba Đạo sĩ đi theo ánh sao lạ với dòng chữ Merry Christmas là đủ cho người ta cảm nhận về niềm vui Giáng sinh, nhưng không có Chúa Hài Đồng Giêsu thì chẳng khác gì hình thức mà không có nội dung. Nếu trở thành một ước lệ như thế thì thế giới chỉ cần vui chơi chứ không cần niềm vui ơn cứu độ! 

Ngay từ Noen (phiên âm tiếng Việt: Nô-en hoặc No-en)(2) cũng bị tục hóa khi tôi nghe một người lương dân thản nhiên phát ngôn: Chúng tôi gọi đó là ngày Nô-em chứ không phải là No-en! Tất nhiên đây chỉ là thiểu số dung tục, nhưng một quan niệm rộng rãi trong xã hội coi ngày Noen là một ngày lễ hội thì cũng là quan niệm một chiều đã phần nào bị ảnh hưởng tục hóa.

Ngược lại với những hiện tượng trên, trong một lần được tiếp xúc, tôi tâm đắc lời tâm sự của giáo sư Đặng Hanh Đệ, Trưởng khoa tim mạch - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: “Hồi còn nhỏ, tôi rất thích đến nhà thờ lớn Hà Nội đêm Giáng sinh để nghe hát bài thánh ca: “Nửa đêm mừng Chúa Giáng sinh ra chốn gian trần…” bài hát có một giai điệu gì thanh bình mà cuốn hút tâm hồn. Khi du học tại Mỹ, tôi cũng vẫn theo bác sĩ bạn người Mỹ để đến nhà thờ Công giáo dự lễ Giáng sinh, tôi tìm thấy trong đó một sự an bình cho tâm hồn”. Giáo sư đã có một cảm nghiệm tâm linh về ngày lễ Giáng sinh và cảm nhận trong ý thức về Điệp khúc trời cao: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đã trao ban quà tặng vô giá là sự sống đời đời cho con người. Qua Ngôi Lời Nhập Thể làm người, Thiên Chúa trao ban ơn cứu độ, giải thoát con người khỏi bóng tối tử thần, đưa họ vào hưởng ánh sáng vĩnh cửu. Đó là nhận thức đầy tính thần học của riêng người Kitô hữu. Nhưng sứ điệp bình an cho người thiện tâm dưới thế và hình ảnh của Hài Nhi bé thơ đầy sức sống, diễn tả tình yêu gia đình và hạnh phúc cuộc đời phải toát lên từ khung cảnh của lễ Giáng sinh mà ai cũng dễ dàng nhận thấy. Nó vượt trên mọi thú vui thế tục, sâu lắng trong tâm hồn và không chỉ dừng lại ở những hình ảnh và chữ viết.
Ước mong ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh với sứ điệp hòa bình thế giới, sứ điệp bảo vệ sự sống và điệp khúc thanh bình dành cho những tâm hồn thiện tâm ngày càng đi vào lòng thế giới, nhẹ nhàng và phổ quát như ngày Chúa Giáng sinh  đã đi vào lịch sử nhân loại tạo nên mốc điểm của thời gian cho công lịch toàn thế giới.
 
Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

------------------------------------
(1) (Link nguồn: ttps://vi.wikipedia.org/ wiki/Lễ_Giáng_sinh).
(2) Tiếng Pháp Noël, dạng cổ hơn là Naël, có gốc từ tiếng Latinh nātālis (diēs) có nghĩa là "(ngày) sinh".... Tuy nhiên, tài liệu ghi trong sách Phúc âm Mattheu nói rằng, tên gọi Noen xuất phát từ tước hiệu Emmanuel, tiếng Dothái có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas. Chữ Christ là tước hiệu của Chúa Giêsu, còn chữ Mas nghĩa là thánh lễ.
Thông tin khác:
Tin mừng tình yêu Chúa Giáng sinh (21/12/2017)
Cầu chúc bình an (20/12/2017)
Lạy Chúa, này con đây (19/12/2017)
Hãy dọn đường cho Đức Chúa (12/12/2017)
Xin Chúa ở lại với con (11/12/2017)
Truyền giáo là yêu thương người tật nguyền (08/12/2017)
Tản mạn chuyện nhà đạo: MÙA VỌNG,THỨC HAY NGỦ ? (07/12/2017)
Hãy trông chờ và tỉnh thức (06/12/2017)
Xin đừng bỏ rơi con (05/12/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log