Suy tư - Chia sẻ

Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự

Cập nhật lúc 15:53 29/03/2018
Từ trong Cựu Ước, con người đã có khát vọng xây dựng những ngôi đền thờ xứng hợp cho Thiên Chúa ngự.
Điều này càng được thể hiện cách rõ ràng hơn trong đời sống đạo của người Kitô hữu Việt Nam chúng ta ngày nay, khi càng ngày càng có nhiều nhà thờ to lớn được xây dựng lên. Tuy nhiên, đôi khi việc xây dựng đền thờ vật chất to lớn đó chỉ dừng lại ở vẻ bên ngoài mà chưa đi đến với việc xây dựng đền thờ nơi tâm hồn trong mỗi người chúng ta; hay việc sử dụng đền thờ chỉ vì một mục đích nào đó mà chưa phù hợp với mục đích tối hậu như Thiên Chúa muốn. Lời Chúa của Chúa nhật III Mùa Chay hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết, việc xây dựng đền thờ vật chất luôn đi kèm với việc xây dựng đền thờ nơi tâm hồn, và sử dụng chúng duy chỉ để tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa, chứ không nhằm mục đích nào khác hơn.

Sách Xuất hành trong bài đọc 1, tường thuật lại cho chúng ta thấy Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống và duy nhất, đã giải thoát dân Ixraen khỏi cảnh tôi đòi, nô lệ. Sau đó, qua ông Môsê, Ngài còn ban cho họ lề luật để họ được trở nên những con người tự do, một đất nước tự do, hạnh phúc. Đồng thời, Thiên Chúa cũng muốn, trong sự tự do đó, con người phải nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Thánh nên con người phải tôn thờ và phụng sự duy chỉ một mình Ngài mà thôi (x. Xh 20,2-4).

Ấy thế mà, trong Tin Mừng của Chúa nhật III Mùa Chay hôm nay, thánh Gioan tường thuật lại cho chúng ta thấy một khung cảnh rất ồn ào và hỗn độn nơi đền thờ Giêrusalem, trong ngày gần đến lễ vượt qua. Khi thấy cảnh tượng đó, Chúa Giêsu đã phải nổi giận và lấy dây làm roi để xua đuổi những người buôn bán và đổi tiền (x. Ga 2,15). Tuy nhiên, trở về với bối cảnh và xã hội lúc bấy giờ, đền thờ Giêrusalem được chia thành nhiều cấp bậc, tầng lớp khác nhau. Sân trong cùng chỉ dành cho hàng tư tế, kế tiếp là sân dành cho đàn ông Dothái, kế tiếp nữa là sân dành cho đàn bà và ngoài cùng mới là sân dành cho dân ngoại. Như thế, việc buôn bán và đổi tiền chỉ có thể xảy ra nơi sân ngoài cùng dành cho dân ngoại. Hơn nữa, xét theo một góc độ nào đó, việc buôn bán và đổi tiền lại là việc cần thiết và thuận tiện cho những người hành hương về đền thánh. Người Dothái không thể mang theo lễ vật như chiên, bò, bồ câu... trên quảng đường xa xôi trở về đền thờ được; thế nên, việc buôn bán các con vật để làm lễ vật ngay trước của đền thờ là thuận tiện cho họ. Cũng vậy, trong cuộc sống hằng ngày, người Dothái phải dùng tiền của đế quốc Rôma, nhưng khi dâng cúng đền thờ thì lại là tiền của Dothái; cho nên, việc đổi tiền ở đây cũng là cần thiết. Như vậy, tại sao Chúa Giêsu lại nổi giận với người buôn bán và đổi tiền?

Chúng ta cần hiểu rõ hơn ý nghĩa và mục đích của những người buôn bán và đổi tiền này. Ở đây, hành động buôn bán và đổi chát không chỉ dừng lại ở một nhu cầu cần thiết, mà là đã biến tấu thành một dịch vụ kinh doanh nhằm mục đích làm lợi cho một số con người, một số thành phần hay phe nhóm; cụ thể hơn, ở đây, có lẽ là hàng tư tế đền thờ. Như thế, đền thờ ban đầu vốn là nơi tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa thì nay đã trở thành nơi làm ăn, kinh doanh cho một số thành phần. Họ không còn tôn thờ một mình Thiên Chúa duy nhất nữa, mà tôn thờ nhiều thần khác như: thần tiền bạc, thần danh vọng, chức quyền... Trở về với giao ước thuở ban đầu thì dân Dothái đã vi phạm giao ước họ đã ký với Thiên Chúa. Hơn thế nữa, họ còn lợi dụng đền thờ Thiên Chúa để làm lợi cho chính mình.

Ngày nay, khi đời sống vật chất của chúng ta ngày càng được cải thiện hơn, thì cũng có nhiều đền thờ được xây dựng rộng lớn và tráng lệ hơn. Tuy nhiên, đôi khi việc xây dựng đó chưa nhằm đến mục đích để là nơi gặp gỡ, tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa; mà chỉ thuần túy là một công trình kiến trúc để khoa trương, cạnh tranh hay một mục đích nào đó khác. Đôi khi chúng ta xây dựng lên những ngôi đền thờ rộng lớn nhưng lại không thường xuyên đi đến để tham dự các bí tích, các thánh lễ hay gặp gỡ Chúa ở đó. Nói như thế không phải chúng ta cực đoan, chỉ trích những đóng góp cho việc xây dựng đền thờ của Thiên Chúa, mà là ngược lại mời gọi chúng ta cùng nhau xây dựng ngôi đền thờ xứng hợp là nơi Thiên Chúa ngự với một tâm hồn yêu mến. Điều đó được thể hiện qua việc chúng ta quảng đại cho Thiên Chúa. Quảng đại trong việc đóng góp xây dựng đền thờ để Thiên Chúa ngự, quảng đại trong việc dành thời gian để đến gặp gỡ, tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa. Đó sẽ là nơi chúng ta khát khao tìm đến mỗi ngày, là nơi chúng ta được gặp gỡ chính Chúa Giêsu đền thờ đích thực không bao giờ hư nát của Thiên Chúa. Qua Chúa Giêsu, chúng ta gặp gỡ khuôn mặt đầy xót thương của Thiên Chúa là Cha. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa là Cha nhìn thấy cõi lòng khát khao yêu mến và quảng đại của chúng ta.

Ước gì mỗi người chúng ta biết đóng góp phần của mình để xây dựng và sử dụng những ngôi đền thờ chung, là những ngôi đền thờ vật chất cách xứng hợp. Đồng thời, chúng ta cũng biết xây dựng tâm hồn chúng ta, là những ngôi đền thờ riêng nơi mỗi người. Qua đó, xứng hợp là những nơi Thiên Chúa ngự và là nơi dẫn đưa chúng ta đến với “ngôi đền thờ” trọn vẹn và tuyệt hảo nhất là Chúa Giêsu, là ngôi đền thờ đích thực, đền thờ không bao giờ hư nát.
 
Phêrô Trần Thanh Sơn
Thông tin khác:
Ngày tết sống với Tin Mừng (27/03/2018)
Vinh quang qua cuộc khổ giá (22/03/2018)
Hiền lành và khiêm nhường là dấu chỉ thuộc về Chúa (19/03/2018)
Sám hỗi là can đảm và khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm (07/03/2018)
Tạ ơn Chúa, vì biết kính sợ Thiên Chúa (06/03/2018)
Tình yêu là sự hiện diện của Đức Chúa Trời tại thế (05/03/2018)
Khao khát Chúa (02/03/2018)
Sống đức tin trong tuổi già đau yếu (26/02/2018)
Nguồn năng lượng cho các hoạt động (23/02/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log