Suy tư - Chia sẻ

Chúa đã sống lại thật!

Cập nhật lúc 15:03 20/04/2018
Cái chết dữ dằn và ô nhục của Chúa Giêsu trên Thập giá xem ra kết thúc mọi sự. Điều này được xem như là một Đức Giêsu trần thế đã chấm dứt không còn hiện hữu trên trần gian này nữa, nhưng hiểu theo nghĩa của niềm tin thì Đức Giêsu hứa luôn ở cùng chúng ta đến ngày tận thế (x. Mt 28,20).
Như vậy, cái chết của Đức Giêsu chấm dứt trên Thập giá thì mọi sự như đã an bài, ngay cả các môn đệ của Người hầu như đã đóng lại niềm hy vọng nơi Thầy của mình, biết bao nhiêu năm cùng sống và ăn ở với Người, thì nay Người chết rồi các môn đệ tỏ ra bơ phờ không nơi nương tựa, không tìm ra lỗi thoát cho tương lai, nếu trở về gia đình thì bị người đời chê bai, khinh bỉ, xấu hổ, và giờ biết đi đâu về đâu. 

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được những đau khổ ở đời những mất mát của người thân trong gia đình đã làm cho chúng ta buồn chán và thất vọng, những hy vọng đã bị dập tắt, những bóng tối bao phủ quanh người. Đó là những thứ mà ở trần gian này thường gặp nơi cuộc sống của từng con người. Tuy nhiên, trong những lúc bị bóng đen che phủ thì có một ánh sáng mà chúng ta chưa tìm thấy hay chúng ta chưa nhận ra, đó là ánh sáng của đức tin, ánh sáng của một tia hy vọng mới. Cho nên, cái chết của Đức Giêsu không phải là chấm dứt nhưng là mở lối cho chúng ta vào hưởng sự sống đời đời đó là ánh sáng Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Vậy, căn cứ vào đâu mà chúng ta biết được Đức Giêsu Phục sinh? Đó là ngôi mộ trống và các nhân chứng.

Ngôi mộ trống

Phải chăng Đức Giêsu Phục sinh được căn cứ nơi ngôi mộ trống? Đây là một bằng chứng cụ thể để chứng minh cho việc Đức Giêsu đã Phục sinh, nghĩa là ngôi mộ mà trước đây Đức Giêsu được mai táng ở đó thì nay đã không còn xác của Người nữa nhưng chỉ còn ngôi mộ trống không mà thôi. Người ta không thể tìm ra xác ướp của Đức Giêsu hay một vài vết tích, vài mảnh rơi rớt của thi hài, mà lại khẳng định về sự phục sinh được. Bởi vì Phục sinh không phải là một hiện tượng thiêng liêng nào đó chỉ liên hệ tới phần hồn, nhưng là Phục sinh được đặt lên toàn thể con người là thân xác và linh hồn, do đó Đức Giêsu đã phục hồi sự sống cả hồn lẫn xác. Tác giả Tin Mừng thuật lại: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ” (Ga 20,1). Như vậy, ngôi mộ trống, mà người thấy đầu tiên lại là một phụ nữ chứ không phải là các môn sinh của Đức Giêsu. Người phụ nữ đó chính là Maria Mácđala, người được Đức Giêsu trừ bảy quỷ, và là người yêu mến Đức Giêsu nhiều, và cũng là người loan báo Tin Mừng phục sinh của Đức Giêsu đầu tiên. 

Dĩ nhiên, ngôi mộ trống thực sự không phải là bằng chứng cho cuộc Phục sinh, tác giả Tin Mừng cho rằng bà Maria Mácđala đã thấy mộ trống và cho rằng ai đó đã lấy xác của Đức Giêsu đem cất giấu nơi khác. Lúc này bà Maria Mácđala chưa hiểu được lời nói của Đức Giêsu năm xưa khi Người loan báo cái chết của Người và sau ba ngày Người sẽ chỗi dậy đúng như lời Kinh Thánh (x. 1Cr 15,4). Như vậy, phục sinh của Đức Giêsu chính là để Người thực hiện lời hứa của Người “sau ba ngày sẽ sống lại” đúng như lời Kinh Thánh. Như vậy, Đức Giêsu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết đem lại cho nhân loại niềm vui là ơn cứu độ. Đức Giêsu đã chết và Phục sinh chính là để làm Chúa của kẻ sống và kẻ chết (x. Rm 14,9). Cho nên, ngôi mộ trống để lấy cớ để nói lên rằng Đức Giêsu không còn trong mộ nữa thì đương nhiên Người đã Phục sinh để lại ngôi mộ trống như một sự kiện làm minh chứng.

Các nhân chứng phục sinh

Vậy nhiệm vụ của các chứng nhân được thấy Chúa phục sinh là phải loan báo cho những người khác biết việc Đức Giêsu đã Phục sinh vinh hiển. Thánh Phaolô tuyên bố rằng: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu, vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1Cr 15,20-2). Lời chứng đã mặc một hình thức cụ thể để đến với nhân loại, đó là lời rao giảng hay còn gọi là keryma dành cho các tông đồ. Chính vì để rao truyền Tin Mừng cho toàn thế giới mà các tông đồ được thiết lập nên chứng nhân của Chúa Giêsu (x. Cv 1,8). Cho nên, các ngài phải long trọng chứng thực trước mặt mọi người về tất cả những sự kiện đã xảy ra. Vì vậy, thánh Phao lô cũng cho thấy trách nhiệm cũng như bổn phận của ngài là rao giảng Tin Mừng cho người khác, do đó ngài mới nói rằng: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm” (1Cr 9,16). Các Tông đồ lấy Lời Chúa như một đối tượng cần thiết để suy gẫm cũng như cốt lõi của sự sống cho họ cũng như cho mọi người, vì Lời Chúa như một chúc thư tình yêu của Chúa gửi đến cho mọi người.

PHÊRÔ TRƯƠNG VĂN VỊNH
Thông tin khác:
Dư âm thánh lễ an táng Đức cố TGM Phaolô (19/04/2018)
Niềm hy vọng của Chúng ta (11/04/2018)
Bức tâm thư của Chúa gửi cho tôi (09/04/2018)
Chúa là Đấng giàu lòng THƯƠNG XÓT (04/04/2018)
Qùa tặng cao quý của LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA (03/04/2018)
Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự (29/03/2018)
Ngày tết sống với Tin Mừng (27/03/2018)
Vinh quang qua cuộc khổ giá (22/03/2018)
Hiền lành và khiêm nhường là dấu chỉ thuộc về Chúa (19/03/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log