Suy tư - Chia sẻ

Giao ước tình yêu

Cập nhật lúc 15:25 11/06/2018
Lễ chúa Ba Ngôi giúp chúng ta cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
Tình yêu ấy được thể hiện qua việc tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài. Phụng vụ lời Chúa trong Chúa nhật Mình Máu Chúa Kitô như nối dài tình Thiên Chúa dành cho con người. Nói đúng hơn, tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người được cụ thể hóa nơi chính Người Con yêu dấu. Tình yêu đó được Thiên Chúa thiết lập với con người ngang qua giao ước muôn đời được ký kết trên thập giá bằng máu của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống.

I. GIAO ƯỚC CŨ: HÌNH ẢNH TIÊN TRƯNG CỦA GIAO ƯỚC MỚI

Bài đọc 1 trong lễ Chúa Ba Ngôi nói cho chúng ta về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại qua dân Ixraen. Một dân cứng đầu cứng cổ và chẳng có gì nổi bật so với các dân chung quanh, nhưng lại được Thiên Chúa viếng thăm và gìn giữ. Một dân tộc được lắng nghe tiếng của Đức Chúa. Một dân được tách khỏi dân tộc khác để trở nên dân riêng của Thiên Chúa. Dĩ nhiên không phải họ xứng đáng cho bằng khởi đi từ Đức Chúa. Chính Thiên Chúa đi bước trước trong tình yêu. Và Thiên Chúa còn muốn tình yêu ấy được cụ thể hóa để dân cảm nghiệm sâu sắc tình yêu ấy bằng cách thiết lập giao ước với họ.

Bài đọc 1 thuật lại khung cảnh và nội dung của giao ước. Giao ước là thỏa thuận được ký kết song phương, giữa Đức Chúa và dân Ngài. Tuy là giao ước song phương nhưng chính Thiên Chúa là bên chủ động. Đã là giao ước đòi buộc đôi bên phải tuân giữ. Giao ước được ký kết giữa Đức Chúa và dân với nội dung: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3). Đối lại Đức Chúa sẽ gìn giữ và chăm lo cuộc sống của dân. Dường như hai bên đạt thỏa thuận cho việc ký kết giao ước, điều quan trọng là việc giữ lời đã cam kết. Nghi lễ cho việc ký giao ước được thực hiện theo cách thức của con người và Thiên Chúa chấp nhận, đó là: lập bàn thờ, dâng của lễ trên bàn thờ, lấy máu đổ vào chậu rảy trên dân và nửa kia rảy trên bàn thờ. Điều chúng ta cần lưu ý chính là hình ảnh máu. Máu trong giao ước này là máu của các con vật được sát tế để làm của lễ. Máu nói lên sự sống và chỉ Thiên Chúa mới có quyền trên sự sống. 

Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời nay khiêm cung thiết lập giao ước với chính thụ tạo. Việc Thiên Chúa ký kết giao ước với con người đồng nghĩa với việc nâng con người lên một nấc thang mới. Một nấc thang mà con người không thể hình dung được; nấc thang đó chính là việc: được nghe tiếng Đức Chúa, được đối thoại với Ngài. Và ngày nào con người tuân giữ giao ước ngày đó con người sẽ hạnh phúc như lời đã cam kết. Với Thiên Chúa, tình yêu không chấm dứt khi giao ước đổ vỡ nhưng càng yêu nhiều hơn với việc thiết lập giao ước mới. Giao ước cũ là hình ảnh tiên trưng của Giao ước mới, được thiết lập nơi Đức Kitô, Ngài là trung gian của Giao ước mới (bài đọc 2).

II. GIAO ƯỚC MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

Một trong những phẩm tính của Thiên Chúa chính là tính vĩnh cửu bởi Thiên Chúa không bao giờ thất hứa và lừa dối ai. Cho nên giao ước Xinai dù bị đổ vỡ bởi sự bất tuân của con người nhưng mang tính vĩnh cửu. Thiên Chúa không giũ bỏ con người sau khi bội ước, nhưng ký kết với con người bằng một giao ước mới. Giao ước được ký kết không phải bằng máu của con chiên, con bò nhưng bằng máu của con Chí Ái là Đức Giêsu Kitô. Giao ước đó thanh tẩy chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi và dẫn đưa con người về lại với tình trạng thánh thiện nguyên thủy, để chúng ta được trở nên là con Thiên Chúa và lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa (Dt 24,15).

Tin Mừng thánh Máccô thuật lại cho chúng ta khung cảnh và cách thức thiết lập Giao ước mới. Hằng năm người Do thái tưởng nhớ biến cố Vượt qua theo tục lệ đã truyền. Họ thường sát tế chiên để mừng đại lễ. Chiên sẽ bị sát tế để dâng lên Đức Chúa. Điều này nhắc nhớ con cái Israel nhớ lại giao ước năm xưa mà cha ông họ đã ký kết với Đức Chúa. Trong bối cảnh đó, các môn đệ cũng hòa vào dòng người Do thái muốn Đức Giêsu cử hành nghi lễ như bao người khác để nhớ về quá khứ: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu” (Mc 14,12). Các ông chưa hiểu điều thao thức nơi Đức Giêsu và việc Ngài sẽ làm. Chính Ngài sẽ thiết lập một Giao ước mới, giao ước đó được ký kết bằng máu của Ngài chứ không phải máu con chiên.
Thiên Chúa ký giao ước với con người không qua trung gian nơi một con người giới hạn nào khác nhưng qua chính Người Con dấu yêu của Thiên Chúa. Và chính Thiên Chúa trực tiếp ký kết. Việc ký kết không qua vị đại diện nhưng ký kết với tất cả mọi người để ai lãnh nhận phép Thánh Tẩy được thanh tẩy tội của mình trong máu con chiên (bài đọc 2). Tác giả Máccô thuật lại cách thức ký kết giao ước không giống như xưa. Trong bài đọc 1 nói cho chúng ta cách thức ký kết, cũng như những thứ cần thiết của buổi ký kết: chiên, bò làm của lễ, máu phải rảy trên dân và trên bàn thờ. Còn trong Giao ước mới của lễ không phải là chiên bò nhưng là chính thân thể Đức Kitô. Máu không còn là máu chiên bò nhưng chính là máu Con Thiên Chúa. Việc tuân giữ giao ước cũ sẽ được Đức Chúa gìn giữ. Trong Giao ước mới, Thiên Chúa trở nên của ăn nuôi sống con người. Trong Giao ước mới, con người không chỉ được giáp mặt mà còn đón nhận Ngài vào trong cuộc đời của mỗi người.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người năng đến với bí tích Thánh Thể để đón lấy nhựa sống từ Thiên Chúa. Đến với Thánh Thể chúng ta không phải đơn côi, ngược lại chúng ta sẽ cảm nhận hạnh phúc, lòng đầy hỷ hoan vì có Chúa ở cùng.

GIUSE TRẦN ÂN
Thông tin khác:
Màu nhiệm của tình yêu (08/06/2018)
Suốt năm tôi dâng hoa kính Đức Mẹ (07/06/2018)
Vai trò của Chúa Thánh Thần (05/06/2018)
Con người mới... (04/06/2018)
Gặp gỡ Thiên Chúa (31/05/2018)
Những người đăng giúp tôi sống đức tin (30/05/2018)
Xin vâng (14/05/2018)
Ở lại trong Đức Kitô (11/05/2018)
Yêu thương là một chuyến đi (09/05/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log