Suy tư - Chia sẻ

Thánh Gioan Baoticita và ơn sám hối

Cập nhật lúc 11:08 04/07/2018
1.
Thánh Gioan Baotixita được Chúa chọn làm người dọn đường cho Chúa Giêsu.
Người đã thực hiện trọng trách đó thế nào? Xin hết sức vắn tắt mà thưa: Người đã tập trung vào việc rao giảng sám hối.

2.
Sám hối, mà thánh Gioan Baotixita rao giảng, cốt yếu là để tẩy tội, xóa tội, tha tội.
Con người, mỗi khi phạm tội, đều làm cho linh hồn mình nên dơ bẩn. Dơ bẩn đó, nếu không được tẩy sạch đời này, sẽ là bản án đẩy linh hồn xuống lửa hỏa ngục ở cõi đời sau.

3.
Tẩy rửa tội lỗi bằng gì? Thưa bằng sám hối.
Sám hối, mà thánh Gioan Baotixita rao giảng gồm mấy việc sau đây:

4.
Một là kẻ có tội hãy tin vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là Đấng xóa tội trần gian bằng máu của Ngài.

5.
Hai là kẻ có tội phải góp phần nhỏ của mình là những khổ chế của mình vào việc tẩy xóa tội lỗi của mình.

6.
Ba là kẻ có tội cũng hãy tin rằng: Tình yêu có sức tẩy xóa tội lỗi còn hơn là những khổ chế đớn đau của mình.

7.
Những điều tôi vừa kể vắn tất trên đây đã không đến với tôi một lúc, nhưng đến từ từ. Có thể nói sám hối là cả một hành trình dài.

8.
Nhưng điều quan trọng nhất phải có trong mọi chặng hành trình dài đó, chính là tôi phải nhận thức mình là kẻ có tội, nếu không sám hối, sẽ phải vô phúc đời đời.

9.
Do vậy, tôi coi sự biết sám hối là một điều căn bản trong tu đức và mục vụ của tôi.

10.
Hội Thánh vẫn dạy tôi điều căn bản đó, khi làm ra những lễ nghi sám hối và những kinh sám hối để mở đầu cho thánh lễ và các bí tích.
Thực hiện những điều đó một cách chân tình, đã giúp tôi rất nhiều trong mục vụ và tu đức.

11.
Nhưng Chúa muốn tôi phải sống sám hối suốt đời, mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi cách.
Thực vậy, Chúa đã dạy tôi sám hối qua gương sáng của nhiều người đạo đức gần xa, mà tôi được gặp.

12.
Đức cha cố Micae Nguyễn Khắc Ngữ, luôn nêu gương sống khổ chế. Tôi hỏi ngài, thì ngài hay trả lời: Để sám hối, đền tội.

13.
Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gây ấn tượng sâu sắc cho tôi, ở sự ngài luôn tỏ ra rất khiêm nhường sám hối trong thánh lễ. Có lần tôi thành thực hỏi ngài: Đức Thánh Cha có đau khổ không? Ngài thưa: Tôi đau khổ nhiều lắm. Tôi hiểu ngài muốn nói đến đau khổ ngài chịu là một phần quan trọng của sám hối, mà ngài thực hiện cho ngài, cho Hội Thánh và cho nhân loại.

14.
Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cũng đã làm gương cho tôi về sám hối một cách khác. Tôi thấy ngài hay vui tính, dùng nụ cười, những lời nói ngọt ngào, và những cử chỉ tế nhị yêu thương, để đón tiếp tôi và mọi người khác.
Sau thì tôi hiểu ngài làm do tinh thần sám hối. Sám hối bằng đề cao yêu thương phục vụ.

15.
Ngay lúc này, rất nhiều người xung quanh tôi đang sống tinh thần sám hối, bằng nhiều cách khác nhau. Nếu tỉnh thức, tôi sẽ nhận ra ơn sám hối đang được Chúa ban cho địa phương chúng ta một cách rộng rãi.
Rất nhiều người không Công giáo tại địa phương này đang thực hiện sám hối một cách chân thành và sốt sắng.

16.
Riêng tôi, nếu ơn sám hối có lúc đòi tôi phải góp phần đau khổ của tôi vào, thì xin thú thực, đây là điều khó nhất đối với tôi.
Đau khổ nào cũng là điều tự nhiên tôi muốn tránh. Cho dù đạo đức dạy đau khổ cần để tẩy xóa tội lỗi. Nhưng tôi vẫn sợ cả những đau khổ cần đó.

17.
Sợ hãi trước đau khổ, đó là điều tôi đã cảm nghiệm một cách sâu sắc. Có những đau khổ khủng khiếp. Cảm thấy rồi mới hiểu.
Tôi coi đó là một kinh nghiệm không phải là xấu, khi tôi nhớ lại chính Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, cũng đã trải qua những những phút sợ hãi như thế. Người sợ hãi đến nỗi toát mồ hôi máu, Người sợ hãi đến nỗi đã nài xin Chúa Cha tha cho Ngài khỏi phải đau khổ đó, mà Người gọi là chén đắng: Nếu có thể, xin Cha đừng để con phải uống chén đắng đó. (Mc 14, 35).

18.
Tôi cũng đã từng lâm vào cảnh sợ hãi như thế. Vì thế tôi xin có một lời khuyên gửi tới mọi người là: Xin hãy biết ủi an nâng đỡ những người trong hoàn cảnh như thế. Nhất là tôi khuyên chớ bao giờ tự phụ, chủ quan coi mình có sức vượt qua thử thách đó mà không phải nhờ đến Chúa và những người thân.

19.
Sau cùng sám hối mà thánh Gioan Baotixita dạy tôi là nhận biết mình tội lỗi, đáng phạt. Nhưng hãy tin cậy vào tình yêu thương xót Chúa, phó thác tuyệt đối cho thánh ý Chúa. Sám hối như vậy sẽ dẫn tôi vào cõi bình an.

20.
Như vậy, sám hối phải được nhìn nhận là một ơn rất quí. Chúng ta cần phải biết cầu xin, biết đón nhận, và luôn biết cảm tạ Chúa.
Cúi xin thánh Gioan Baotixita cầu bầu cho chúng ta được biết dọn đường cho Chúa bằng việc thực hiện tinh thần sám hối. Lúc này, hơn bao giờ hết, Đức Mẹ cùng với thánh Gioan Baotixita đang kêu gọi chúng ta hãy sám hối, sám hối và sám hối.
 
Long Xuyên, ngày 5/6/2018
ĐGM GB Bùi Tuần
Thông tin khác:
Những người đón nhận ơn cứu độ (26/06/2018)
Xây dựng, hiệp nhất và yêu thương (15/06/2018)
Xót thương và chọn (13/06/2018)
Giao ước tình yêu (11/06/2018)
Màu nhiệm của tình yêu (08/06/2018)
Suốt năm tôi dâng hoa kính Đức Mẹ (07/06/2018)
Vai trò của Chúa Thánh Thần (05/06/2018)
Con người mới... (04/06/2018)
Gặp gỡ Thiên Chúa (31/05/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log