Suy tư - Chia sẻ

Bánh hằng sống từ nước trời

Cập nhật lúc 15:10 22/08/2018
Lời Chúa trích sách Các Vua hôm nay đã thuật lại cuộc hành trình đầy gian khổ của Tiên tri Êlia: Vì ông đã loại bỏ đi một thứ đạo mang tính mê tín dị đoan mà bà hoàng hậu Jésabel đem vào nước nên ông bị bà này căm hận đến mức tìm giết ông. Do đó ông phải tìm cách chạy lên núi Horép để trốn. Nhưng đường quá dài và nhiều gian nan nên ông mệt mỏi, chán nản bi quan nằm đại xuống đường phó mặc cho số phận đời mình. Đến lúc đó, Chúa sai Thiên Thần đem đến cho ông một chiếc bánh và một bình nước. Ăn uống xong, ông cảm thấy được khoẻ khoắn và lạc quan trở lại, đi đến được đỉnh núi Horép trong suốt bốn mươi ngày đêm.

Một thứ bánh mà Thiên Chúa ban cho Tiên tri Êlia chỉ mới là hình bóng của thứ Bánh mà Đức Giêsu sẽ trao ban cho con người bằng chính Mình và Máu thánh của Người. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Do đó, mỗi lần chúng ta rước lễ là ta được ăn chính Mình Thánh Chúa, và của ăn đó đem lại cho chúng ta biết bao ơn lành từ trời ban xuống.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu nhiều lần nói “Ta là”: “Ta là” ánh sáng, mục tử tốt lành, cửa chiên, sự sống lại và sự sống, đường, sự thật và sự sống, cây nho thật. Dưới mắt người Do thái, các danh xưng này có giá trị như những hồng ân của Thiên Chúa. Chúa Giêsu quả quyết Người chính là ân huệ thực sự và chung quyết của Thiên Chúa hôm nay. 

Chúa Giêsu đã khẳng định chính Ngài là Bánh sự sống điều này sẽ gây ra thắc mắc, sự cứng tin và cả thái độ căm phẫn. Thật vậy, cách nói “Ta là” lúc bàn về sự sống, ánh sáng... gợi lên trong não trạng của các thính giả Người một ý niệm về tuyệt đối. Tuy Thiên Chúa mới có quyền bảo” Ta là. Con người chỉ có thể nói: Tôi là kẻ này người nọ, nhưng không được bảo: Ta là bánh, là ánh sáng, là chân lý, là sự sống. Thế mà Chúa Giêsu đã làm vậy. Một xác quyết như thế gây nên sự căm phẫn hay đức tin. Chúng ta may mắn thuộc về những kẻ đáp lại bằng đức tin. 

Diễn từ bánh sự sống thu hút chúng ta nhờ những lời quả quyết mạnh mẽ và đồng thời để chúng ta phân vân trước nỗi cô đơn mà Chúa Giêsu tạo ra quanh người qua những xác quyết đó. Ta tự hỏi tính cách đích thực của cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người Do thái đã là gì. Một điều chắc chắn là người Dothái không thể nâng mình lên bình diện mà Chúa Giêsu đang ở. Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, người Do thái lưu ý tới Người lập tức, nhưng không phải để theo vị sứ giả của Thiên Chúa, mà là để theo Người hầu thỏa mãn những khát vọng trần tục của họ. Khuynh hướng sâu xa của họ ngược lại với khuynh hướng Chúa Giêsu. Họ muốn kéo Chúa Giêsu vào trong lãnh vực thế trần với họ; còn Chúa Giêsu, Người cố gắng đỡ nâng họ lên bình diện của Thiên Chúa. Trong vấn đề này, Chúa Kitô không có ngoại giao. Người xác quyết mình là ai, cho dù người Do thái chỉ muốn thấy trong người kẻ mà họ biết rõ cả cha lẫn mẹ.

Như tổ tiên của họ ngày xưa trong sa mạc, người Do thái kêu ca phàn nàn. Đây là một thái độ phức tạp, nhưng chủ yếu phát xuất từ một sự từ chối không tin, một sự bất lực đương đầu với số mệnh, và từ một nhu cầu muốn an thân. Đấy là phản ứng hết sức nhân loại. Chúng ta chấp nhận đi theo Thiên Chúa bao lâu Ngài còn phục vụ hạnh phúc chúng ta, còn phục vụ quan niệm hạnh phúc của chúng ta; nhưng khi Ngài hay Giêsu, Đấng Ngài sai đến, muốn cắt đứt chúng ta khỏi những cái hiển nhiên thường nhật, khỏi lòng ham muốn tiện nghi và thỏa mãn của chúng ta, thì chúng ta chống chọi, phản kháng. Bấy giờ các “dấu chỉ” Thiên Chúa đã thực hiện trong đời chúng ta không còn giá trị gì nữa; chúng ta làm như chẳng có gì đã xảy ra; chúng ta dấy nẩy và trở lại dùng ân huệ của Thiên Chúa để chống lại Ngài (Ds 11,4-6), chúng ta gây gổ với Ngài và bịa ra nhiều cớ để khỏi tin; chúng ta quả là những người có tà ý.

“Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha, Đấng đã sai Ta, không lôi kéo nó”. Phải hiểu cho đúng lời này của Chúa Giêsu. Nó chẳng có nghĩa là Thiên Chúa chỉ lôi kéo một số người và bỏ rơi những kẻ khác. Thiên Chúa muốn cứu rỗi tất cả mọi người. Ngài không chọn lựa cách tiên thiên, ngay từ đầu, một phần nhân loại để cứu rỗi và bỏ rơi phần khác. Ngài đặt trong lòng mỗi con người một bản năng quy hướng họ về định mệnh hạnh phúc mà vì đó họ được tạo ra. Bản năng thiêng liêng này có nhiều hình thái và chỉ mình Thiên Chúa biết lúc nào nó thức dậy trong tâm thức mỗi người. Hãy nhớ rằng mỗi một con người, cho dù chỉ hiện hữu trong chốc lát thôi, cũng được kêu gọi để trở thành con Thiên Chúa. “phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (Ga 6,45). Đây là một thực tại mà ta phải củng cố gia tăng thêm không ngừng. Mỗi ngày cần phải đặt mình vào tình trạng lắng nghe giáo huấn của Chúa Cha, học hỏi Ngài và đến với Chúa Giêsu. việc Chúa Giêsu đến trong cuộc sống của chúng ta là một thực tại luôn luôn tác động bên trong chúng ta không ngừng không dứt. Cũng vậy, việc chúng ta tiến về Chúa Giêsu việc chúng ta tin vào Người và gắn bó với Người, cũng là một sự tiến triển sống động ngày càng hơn. Tìm đâu năng lực nội tại để luôn tiến về Chúa Giêsu Kitô như thế ? Tìm trong bánh sự sống, Thánh Thể...

Phêrô Vũ Minh Tuân
Thông tin khác:
Lựa chọn khó (20/08/2018)
Chúng ta đang tìm kiếm gì trong cuộc đời (14/08/2018)
Chút tâm sự về nỗi lòng của một người môn đệ Chúa (13/08/2018)
Chúng ta được nhận lãnh sự sống vĩnh cửu (07/08/2018)
63 năm linh mục (06/08/2018)
Những bước chân được sai đi (01/08/2018)
Một cái nhìn về giáo phận Long Xuyên (30/07/2018)
Mẫu gương của mọi mục tử (24/07/2018)
Sống niềm vui do Chúa ban (23/07/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log