Suy tư - Chia sẻ

"Épphatha" HÃY MỞ RA

Cập nhật lúc 16:25 25/09/2018
Hãy đi rửa ở hồ Si-lô-am’. Tôi đi rửa thì được sáng mắt”. Ảnh: TL
Hãy đi rửa ở hồ Si-lô-am’. Tôi đi rửa thì được sáng mắt”. Ảnh: TL
Trong cuộc sống hôm nay, dường như ít nhiều ai cũng bịđóng khung bởi những tự ái…ít ai mở rộng lòng mình ra để nói chuyện, để hiểu, để cảm nhận nỗi đau thương mất mát nơi người khác. Trong khi với những ngổn ngang mà chúng ta phải chứng kiến hằng ngày, cụ thể biết bao sai trái của những người ỷ thế cậy quyền đã và đang làm cho nhiều người phải chịu những đau thương mất mát, họ biết những tiếng khóc than ai oán của tha nhân kêu thấu đến tai họ, nhưng hình như họ bưng tai, bịt mắt chẳng hề đoái hoài tới. Phải chăng những con người này không thể nào mở rộng lòng mình ra để đón nhận tiếng kêu của người khác? Chúng ta cũng vậy, là những Kitô hữu, đôi khi nhìn dáng vẻ bề ngoài trông rất lành lặng. Nhưng bên trong sâu thẳm chúng ta đã bị điếc, bị ngọng lúc nào mà chúng ta chẳng hay biết.

Ở bài đọc thứ nhất trích sách Ngôn sứ Isaia mở ra cho chúng ta một viễn cảnh rất đẹp, ngày mà mọi người trong muôn dân từng mong đợi, ngày Thiên Chúa đến để kết hợp mọi người lại với nhau: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. Miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra” (Is 35, 5-7a). Qua hình ảnh rất đẹp mà Ngôn sứ Isaia gửi tới, cho chúng ta thấy được Đức Giêsu là Đấng mà Thiên Chúa gửi tới để giải phóng con người khỏi ách nộ lệ của tội lỗi, giải phóng mọi sự kìm kẹp cả về tinh thần lẫn thể xác. Việc Ngài làm hôm nay như là một sự khởi đầu để mở ra cho toàn thể nhân loại được biết chỉ có một Thiên Chúa quyền năng, vượt trên mọi vạn vật, một tiếng nói phát lệnh để những ai mang danh Ngài tiếp tục thực hiện công việc rao giảng trong cuộc sống của mình, góp phần làm cho nước Chúa được hiện diện trong mọi lúc và thuộc mọi thời.

Qua bài Tin Mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta thấy được cuộc sống con người rất cần đến ngôn ngữ, vì nó là phương tiện cần thiết để con người liên hệ với nhau và với thế giới. Nếu chúng ta không thể nghe để hiểu, không thể nói để truyền đạt tư tưởng, thì chẳng khác gì con người đã chết về mặt thể lý. Épratha! Hãy mở ra, tất cả mọi người cần phải mở rộng cánh cửa lòng mình ra cho Thiên Chúa và cho tha nhân, chúng ta cần phải thoát khỏi những sự cô lập của chính mình, thoát khỏi mọi sự ràng buộc của sự lo lắng, thì mới mong mở được sự điếc, ngọng…về đức tin, như lời Đức Giêsu kêu gọi: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay” (Mt 6,27). Vì vậy, chúng ta phải tự mở lòng mình ra bằng cách quảng đại, bác ái, hy sinh…vì đây là nhịp cầu nối giữa chúng ta với Thiên Chúa và tha nhân.

Tuy nhiên, ngày nay phép lạ có thể không “nhãn tiền” và “ngay tức khắc” như xưa, nhưng với thiện chí, với niềm tin, lòng tốt muốn được giải phóng những người cùng khổ. Biết bao Kitô hữu đã nghe được lời Chúa làm cho nhiều người câm nói được, kẻ điếc nghe được cách này hay cách khác, nhất là làm cho nhiều người ngọng về mặt tinh thần được thành thạo tinh khôn để cuộc sống của họ được tốt đẹp hơn. Vì thế, để có được niềm vui, niềm hạnh phúc, trong ơn Chúa không chỉ là một sự ưu đãi cho một số người nào.

Quả vậy, trong cuộc sống thường chỉ do một sự hiểu nhầm nho nhỏ, một sự khác biệt ý kiến hay một sự tổn thương, bỗng nhiên làm xáo trộn các mối tương quan và tình nghĩa thân thiết trong cuộc sống. Lý do là mỗi người chưa mở rộng lòng mình ra, ai cũng cho mình là đúng, không ai chịu nhường ai, ai cũng muốn giữ thái độ câm nín và giả điếc, không muốn mở rộng lòng mình ra để nói với nhau những lời tốt đẹp, hầu tìm ra nguyên nhân đã gây ra đổ vỡ và giải quyết những vướng mắc. Thành ra, lắm lúc chúng ta phải tự cảm thấy hổ thẹn với chính mình, bởi chưa mở đủ tấm lòng mình ra, chúng ta chỉ nghĩ đến lợi ích riêng cho mình mà thôi. Vì thế, lời Chúa luôn đánh động trong tâm hồn chúng ta rằng: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2). Vì hạ giới chỉ đem lại cho chúng ta cái điếc, cái ngọng đời đời, nơi đây chỉ toàn những hứa hẹn làm cho con người sống trong sự cô đơn, cô lập. 

Ước gì trong cuộc sống, nếu chúng ta chịu để Đức Kitô sửa chữa căn bệnh điếc, ngọng trong cuộc đời mình, thì chúng ta phải tin vào tình yêu thương của Ngài và sống với những gì Ngài kêu mời: “Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến người hay sao” (Gc 2,5). Nhưng điều quan trọng chúng ta sống làm sao để Lời Chúa đụng chạm đến cuộc đời của mình? Để Lời Chúa được triển nở trong xã hội hôm nay? Épphatha! “Hãy mở ra” nghĩa là từ bỏ hết con người cũ của mình để chúng ta không còn bị ràng buộc bởi những sự sợ hãi như tội lỗi, những đam mê lôi cuốn. Nhưng nhờ sức mạnh mới chúng ta có thể nghe, hiểu và hăng say rao truyền chân lý của Tin Mừng tình thương đến cho mọi người, có như thế chúng ta mới thoát khỏi cảnh điếc, ngọng nó bám víu trong cuộc đời chúng ta. Để làm được điều này, chúng ta xin Thánh Thần nâng đỡ, bởi vì Ngài là nguồn sức mạnh giúp ta vượt qua tất cả.
 
Lm Phêrô Maria Nguyễn Văn Đệ
Thông tin khác:
Sám hối (21/09/2018)
Thái độ trước tình yêu (11/09/2018)
Đấng ban sự sống vĩnh cửu (06/09/2018)
Lửa mến thương (05/09/2018)
Cảm thương với những người đau khổ (27/08/2018)
Bánh hằng sống từ nước trời (22/08/2018)
Lựa chọn khó (20/08/2018)
Chúng ta đang tìm kiếm gì trong cuộc đời (14/08/2018)
Chút tâm sự về nỗi lòng của một người môn đệ Chúa (13/08/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log