Suy tư - Chia sẻ

Lời tuyên tín của Phêrô

Cập nhật lúc 16:14 28/09/2018
Dưới cái nhìn sâu thẳm về một Thiên Chúa duy nhất cũng là hành trình đức tin của mỗi người tín hữu chúng ta.
Cái nhìn sâu thẳm đó buộc mỗi người chúng ta phải xác quyết niềm tin của mình vào Đấng Tạo Hóa, Đấng dựng nên ta, Ngài đã cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống đời đời ấy như thánh Goan cho chúng ta biết: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Phụng vụ Lời Chúa hôm nay ngoài việc tuyên xưng của thánh Phêrô thì mỗi người trong chúng ta cũng tuyên xưng niềm tin của mình nơi Thiên Chúa qua Kinh Tin kính, và nhất là khi Ngài hỏi chính mỗi người chúng ta, và chỉ có Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ duy nhất, Đấng Thiên sai, loan báo cuộc khổ nạn, và nhất là bắt đầu thực hiện ý định của Thiên Chúa và mặc khải dứt khoát bản thân cùng với công việc của Người, bằng cách dấn thân trên con đường mới, mặc dầu con đường dẫn đến cái chết nhưng vì Người vâng lời của Chúa Cha để chu toàn sứ mạng của Người làm cho thế gian được sống đời đời.

Lời tuyên xưng đức tin

“Thầy là Đấng Kitô”. Đây là lời tuyên tín của thánh Phêrô mà tác giả của Tin Mừng thứ ba ghi lại. Đây được coi là trọng điểm của đức tin Kitô giáo, từ đó phát sinh ra Kitô giáo vì những ai tin vào Đức Giêsu thành Nazareth đều tuyên xưng Người là Đức Kitô, là Cứu Chúa của họ. Câu tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô” có hai vế: Đức Giêsu thành Nazareth và Đức Kitô. Đối với Đức Giêsu thành Nazareth là con người lịch sử, đã sống, đã chết và đã phục sinh. Qua biến cố đó nhiều người đã nhìn nhận và tuyên xưng Người là Đấng Kitô. Còn khi tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô” đã gói trọn con người lịch sử của Đức Giêsu thành Nazareth và Đấng được tuyên xưng là Cứu Chúa, là Đức Kitô, Đấng được niềm tin của Kitô hữu tôn vinh. Vậy Đấng Kitô nghĩa là gì? Đấng Kitô cũng gọi là Đấng Mesias. Thuật ngữ Mesias tiếng Hípri là Maschiach hay là Moschiach, còn tiếng Aram là Meschiah, nghĩa là “ Đấng được xức dầu”. Trong Thánh Kinh của người Hípri thuật ngữ này được dùng để chỉ một người được Gia vê (YHWH) tuyển chọn và trao quyền hành cho một sứ vụ đặc biệt đối với dân Ixraen. Như thế, Đấng Mesias là điều mà người Dothái hằng mong đợi. Điều này được Thiên Chúa mặc khải trong Tân Ước, Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân thế, Đấng ấy chính là Phêrô tuyên xưng hôm nay cho mỗi người chúng ta được biết, và chúng ta cũng tuyên xưng Đấng ấy cho những người chưa biết, chưa tin để họ cũng biết và cũng tin như chúng ta, và như thế ơn cứu độ cũng đến được với dân ngoại (Cv 28,28). Như vậy, khi chúng ta biết được Đấng Kitô, Đấng cứu độ nhân thế và Người sẽ cho chúng ta biết được ý định của Người mà Chúa Cha đã trao phó cho Người.

Lời giáo huấn của Đức Giêsu

Đã đến lúc Người phải chịu người đời khinh bỉ và sỉ nhục. Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn của Người, Người nói công khai chứ không phải là không muốn cho các môn đệ của Người biết. Chính vì điều này mà không chỉ chúng ta mà thôi nhưng kể các môn sinh của Người cũng không hiểu được ý định của Thiên Chúa nơi trần gian này. Đức Giêsu phải chịu khổ hình và chịu chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Cũng chính vì loài người chẳng hiểu biết được bao nhiêu, chưa thấu hiểu hết được tính cách của anh em sống với nhau huống gì là khi sống với Chúa. Hơn nữa, ý thức cũng như trình độ học vấn chưa cao nên đã làm cản bước đường đi của Người như Phêrô hôm nay. Có lẽ thánh Phêrô muốn tốt cho Thầy mình và không muốn cho Thầy mình chịu những đau khổ của người đời. Phêrô mới tuyên xưng Thầy mình đó thôi mà bây giờ bị Thầy mình mắng là “Xatan”. Điều này là một sự kiện để đời của Phêrô khi đi theo và sống với Thầy mình. Tuy nhiên, sống với Thầy có những lúc như vậy để biết mà sửa lỗi, và có lẽ Phêrô nhận ra điều đó là không phải điều tốt cho Thầy mình, vì ý Phêrô là ý của loài người (Mc 8,33), còn đối với ý Thiên Chúa thì khác và Đức Giêsu đang thực hiện ý của Thiên Chúa. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng không ai hoàn hảo hết, người bệnh này người tật kia nhưng chúng ta muốn được thực hiện điều của Chúa muốn chứ không muốn làm theo ý riêng của mình. Bởi đó, đây là giáo huấn của Đức Giêsu dành cho Phêrô nói riêng và cho mỗi người chúng ta nói chung biết được điều Người sẽ làm trong trần thế này. 

Lời mời gọi của Đức Giêsu

Rồi từ đó, Người khuyến cáo cho các môn sinh của Người cũng như mỗi người chúng ta là muốn theo Người thì phải từ bỏ chính mình và vác Thập giá mình mà theo Người. Đây là lời mời gọi rất nhẹ nhàng của Đức Giêsu nhưng lại nặng nề đối với loài người. Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn bước theo Người nhưng còn nặng nề về người trần này, vì chúng ta chưa trút bỏ những nặng nề của trần gian này và chúng ta cũng chưa tin mạnh mẽ vào Ngài nên chúng ta cũng chưa dám dấn thân theo Ngài, vì có đức tin nhưng chưa hành động theo đức tin (Gc 2,14). Như vậy, mỗi người chúng ta hãy bước và hành động theo đức tin của mình, và nhờ ơn Chúa soi sáng chúng ta có một niềm tin vững mạnh vào Chúa. Từ bỏ chính mình, là của cải vật chất cũng những ý riêng của mình để con người nhẹ nhàng bước theo Chúa. Từ bỏ những đam mê trần tục để sống một cuộc sống thanh thoát hơn, sống thanh khiết vì Nước Trời. Vác thập giá của mình, theo Tin Mừng, chính là chấp nhận và làm ngược lại mọi sở thích và khuynh hướng tự nhiên của con người. Thập giá chính là tự chủ, tự chế là vượt lên trên những đòi hỏi của bản năng thấp hèn. Thập giá chính là hy sinh thân mình mỗi ngày như Đức Giêsu đã hy sinh thân mình cho Thiên Chúa và cho con người, thì chúng ta cũng hy sinh những lặt vặt hằng ngày để thuộc về Chúa. Thập giá mà thánh Phao lô nói: “Vinh dự của tôi là Thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14), và “Tôi không biết một ai khác, ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2,2).

Phêrô Trương Văn Vịnh
Thông tin khác:
Tình yêu cứu độ (26/09/2018)
"Épphatha" HÃY MỞ RA (25/09/2018)
Sám hối (21/09/2018)
Thái độ trước tình yêu (11/09/2018)
Đấng ban sự sống vĩnh cửu (06/09/2018)
Lửa mến thương (05/09/2018)
Cảm thương với những người đau khổ (27/08/2018)
Bánh hằng sống từ nước trời (22/08/2018)
Lựa chọn khó (20/08/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log