Suy tư - Chia sẻ

Ai là người lớn nhất?

Cập nhật lúc 17:10 28/09/2018
Phụng vụ lời Chúa của Chúa nhật 25 này mời gọi chúng ta khám phá sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban tặng mỗi chúng ta, để phục vụ một cách vô vị lợi.
Xưa Chúa đã dạy các môn đệ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Hôm nay, Chúa mời gọi mỗi người trong cương vị của mình chu toàn mọi việc với tinh thần khiêm hạ.
Ta biết, từ khi thánh Phêrô tuyên xưng đức tin (8,27-30) Đức Giêsu bắt đầu mặc khải sự việc Người sẽ phải chết. Người mặc khải ba lần (8,31-33; 9,30-32; 10,32-34). Đoạn trích đọc trong Chúa nhật này, Người mặc khải lần thứ hai, nhưng các môn đệ vẫn không dám hỏi. Tiếp theo đó là cuộc tranh luận của các ngài về chuyện ai là người lớn nhất? Chúng ta sẽ dừng lại ở hai chiều kích này qua Lời Chúa hôm nay.

Vào bài đọc thứ nhất, sách Khôn Ngoan, ở câu 12, trình bày lí do khiến cho những kẻ vô đạo bách hại những người công chính: chính thái độ sống của những người công chính là lời không ngừng tố cáo những con người đang dấn mình vào mọi thứ vô đạo. Có thể trong cộng đoàn những người Dothái ở hải ngoại bấy giờ, có những người vẫn một lòng gắn bó với Luật Môsê và truyền thống của tổ tiên (c. 15), đối lại là một số người khác, vì bị môi trường và tư tưởng ngoại giáo tác động dần dần, đã phản bội niềm tin do cha ông truyền lại. Vì thế, nguyên sự hiện diện của những người trung thành với Lề Luật đã là một lời tố cáo những người vô đạo rồi.

Ở câu 18, ta phải hiểu Con Thiên Chúa theo nghĩa nào? Con Thiên Chúa thường chỉ Ixraen hoặc người Ixraen (x. Xh 4,22-23, Đnl 14,1, Is 1,2, Hs 11,1). Nhưng sau đó, người ta có khuynh hướng dùng cách nói này để chỉ người công chính hoặc dân Chúa trong tương lai mà thôi (x. Hs 2,1). Đôi khi áp dụng vào cá nhân (x. 2Sm 7,14; Tv 2,7; Hc 4,10). Ta thấy được có người Ixraen dám kêu cầu Thiên Chúa là Cha (x. Hc 23,1.4; 51,10; Tv 89,27), nhưng không ai dám tự mình là con của Thiên Chúa. Trong phần còn lại, tước hiệu này dành để chỉ những người Ixraen thời quá khứ, là phần tử của dân thánh (Kn 9,7; 10,15.17; 12,19.21; 16,26; 18,4).

Và hành động của những kẻ vô đạo đối lại với người công chính ở đây cũng có nét giống với thái độ của kẻ thù đối với Đức Giêsu. Vì thế, các thế hệ Kitô hữu tiên khởi và phần đông các giáo phụ đã giải thích đoạn này, theo nghĩa chữ, chỉ về Đấng Mêsia và cuộc thương khó của người. Tác giả trực tiếp nhằm vào những người Dothái ở Alêxanria vẫn còn trung tín nhưng đang bị những người chối đạo và những người ngoại giáo chế giễu và bách hại. Nhưng tác giả cũng được soi sáng để miêu tả một cuộc bách hại, vì thế bản văn này đặc biệt hợp với Người Công Chính tuyệt vời là Đức Kitô. (x. Hr 12,3).

Vào bài Tin Mừng, cũng như các lần mặc khải khác về cuộc Thương khó (8,31; 10,33), Đức Giêsu xưng mình là Con Người và Người liên kết vào con người hai sự kiện Thương khó và Phục sinh: Con Người sẽ bị giết, nhưng sẽ sống lại. Từ chính yếu của lần mặc khải này về cuộc Thương khó, là động từ “sẽ bị nộp”. Ai nộp Đức Giêsu? Câu trả lời không đơn giản. Thưa: về phương diện lịch sử, kẻ nộp Đức Giêsu phải là Giuđa vì ở Mc 3,9, thánh Máccô viết: “Giuđa, chính là kẻ nộp Người”. Về phương diện thần học, động từ “sẽ bị nộp” ở dạng thụ động, không cho ai biết nộp Đức Giêsu và đàng khác, theo ngôn sứ Is (53,6.11), Đức Giêsu bị nộp như vậy là thể theo kế hoạch của Chúa Cha vạch ra để cứu độ loài người, qua sự kiện Thương khó và Phục sinh. Trong lần tiên báo thứ nhất, có ông Phêrô dám tỏ thái độ. Còn lần thứ hai này, các môn đệ không ai nói được điều gì. Trái lại, các ông chỉ quan tâm đến chuyện ai lớn hơn ai mà thôi.

Ai là người lớn nhất? Trong câu 34 “các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” theo mạch văn, có nghĩa là lớn nhất, lớn hơn cả. Các môn đệ bàn cãi với nhau ai là người lớn nhất trong Nước Trời, trong vương quyền, mà theo các ông, Đức Giêsu sẽ thiết lập nay mai. Tuy nhiên, các ông tranh cãi nhau cho biết ai là người lớn nhất trong hiện tại, chứ không phải trong tương lai, không phải đợi đến ngày Đức Giêsu thiết lập Nước Trời. Sống trong một xã hội có tôn ti, thì địa vị và danh dự là những giá trị rất lớn. Vì thế, chủ đề “giai cấp” cũng quan trọng và đáng tranh cãi theo lối nhìn của người phàm. Các môn đệ Chúa ít nhiều cũng bị ảnh hưởng theo tư tưởng phàm tục. Nhưng không, người môn đệ của Đức Giêsu là người rốt hết. Liền sau đó, Đức Giêsu lấy một dẫn chứng cụ thể để minh họa cho điều mà Ngài vừa nói. Ngài giới thiệu em nhỏ, trước hết không phải vì em nhỏ trong sạch, vô tội; trái lại với các môn đệ, em nhỏ không đòi hỏi và hơn nữa, sống lệ thuộc với người khác “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Ta cũng nên biết, trong tiếng Aram, từ talya có nghĩa là em bé và cũng có nghĩa là tôi tớ.

Ai đón tiếp các môn đệ của Đức Giêsu vì danh Đức Giêsu, người ấy đón tiếp chính Đức Giêsu. Và ai đón tiếp Đức Giêsu, người ấy đón tiếp chính Đấng đã sai Người, là Chúa Cha. Như vậy ai đón tiếp các Tông đồ và nói chung, những người được Đức Giêsu sai đến, người ấy đón tiếp Đức Giêsu và Chúa Cha nữa. Thế nên, mỗi chúng ta cũng được mời gọi phải đón tiếp tất cả sao cho phải lẽ trong tinh thần của Chúa, chứ không phải theo cách của thế gian...

Phêrô Lôrensô Võ Qúi An
Thông tin khác:
Này con đây (28/09/2018)
Lời tuyên tín của Phêrô (28/09/2018)
Tình yêu cứu độ (26/09/2018)
"Épphatha" HÃY MỞ RA (25/09/2018)
Sám hối (21/09/2018)
Thái độ trước tình yêu (11/09/2018)
Đấng ban sự sống vĩnh cửu (06/09/2018)
Lửa mến thương (05/09/2018)
Cảm thương với những người đau khổ (27/08/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log