Suy tư - Chia sẻ

Tin và làm chứng

Cập nhật lúc 13:52 27/03/2020
Trong cuộc sống để kêu gọi mọi người tin vào điều mình xác tín, chúng ta phải vận dụng hết khả năng làm sao quảng diễn điều mình đã tin cho người khác tin. Với người Kitô hữu, cung cách sống là lời chứng hùng hồn nhất để người khác tin.Chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Một khi gặp được Chúa, tin Chúa, chúng ta sẽ sống hết mình cho điều mình xác tín. Người phụ nữ Samari đã gặp được Chúa và tin vào Ngài, chị đã được biến đổi, từ đó cất bước rao truyền về Chúa, nói về Chúa cho người khác. Chúng ta sẽ làm gì khi được gặp Chúa nơi Thánh lễ và làm chứng cho Chúa như thế nào trong cuộc sống thường ngày?

Bài đọc 1, đoạn Xh 17,3-7 cho thấy những tư tưởng của dân Ixraen về cuộc trường chinh trong sa mạc qua những thử thách vì đói (Xh 16), khát (17,1-7), giặc giã (17,8-16) và lòng tin (17,7). Trong sa mạc, Thiên Chúa dẫn Ixraen vào thử thách: họ sẽ chấp nhận đi mất bao nhiêu thời gian? Đức tin của họ đạt tới đâu? Ixraen hoài nghi trước những khó khăn: dân đòi các dấu chỉ vì dân không tin tưởng thật sự, dân đòi các phép lạ: Nếu Ngài ở với chúng con, xin chứng minh điều đó đi, và ngay bây giờ.Kinh Thánh gợi lại cuộc đối chất này trong biến cố nước vọt ra từ tảng đá.

Về sau, truyền thống Dothái nhìn thấy nơi tảng đá này một hình ảnh Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống, và sự hiện diện ở giữa dân Người. Thiên Chúa là tảng đá khôn dò, khôn thấu. Người giữ bí mật của Người cho đến khi Người chấp nhận bị đâm thủng và cho đến khi nước vọt ra từ vết thương của Người. Từ đó chúng ta hãy hiểu rằng con người tội lỗi đã đánh mất sự nhận biết đích thực về Thiên Chúa, và do đó không thể gặp thấy Người. Nhưng Thiên Chúa trở nên yếu đuối nơi Đức Giêsu, Đấng khi hấp hối mặc khải bí mật tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Tin Mừng nhấn mạnh rằng trái tim của Chúa Giêsu, bị một ngọn giáo đâm thủng, vọt ra máu và nước (Ga 7,37).

Thoát khỏi Ai cập là một mạo hiểm khó khăn, nhưng dân Ixraen không chấp nhận, họ lại còn bóp méo ý nghĩa của sự việc: họ kêu trách ông Môsê đem họ đi chết (Xh 16,3).Tuy được Đức Chúa nhiều lần cứu giúp, người Hípri vẫn chưa tin vào Người. Tác giả Tv 95,9 quở trách họ là phải. Dù thái độ của họ đáng trách, Thiên Chúa vẫn bỏ qua và cho họ nước uống, phép lạ ấy đánh dấu vào lòng họ (Đnl 8,15; Tv 114,8). Các thầy Rapbi nghĩ rằng tảng đá phun nước hôm ấy đã theo dân Người trong sa mạc.Thánh Phaolô cũng nói đến truyền thống ấy. Ngài viết: “Họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô” (1Cr 10,4).

Vào bài Tin Mừng, ta biết người Dothái ghét người Samari thậm tệ. Hơn nữa, thời đó, nói chuyện với phụ nữ nơi công cộng bị xem là xúc phạm đến thuần phong mĩ tục. Nhưng Chúa Giêsu vượt lên trên các thiên kiến xã hội và chủng tộc: Chúa gợi chuyện với một người phụ nữ Samari. Nơi người phụ nữ này, Chúa Giêsu đến đón gặp toàn dân đất Paléttin.Người phụ nữ ấy thuộc một tỉnh khác và một tôn giáo khác, nhưng người Dothái lẫn người Samari đều cùng chia sẻ các lời hứa của Thiên Chúa và cùng chờ đợi một Vị Cứu Tinh như nhau. Điều người phụ nữ quan tâm trước hết là giải cơn khát. Khắp nơi, con người tìm cách giải quyết cơn khát, nhưng họ phải lao nhọc nhiều và chẳng tìm thấy gì ngoài nước giếng. Chúa Giêsu thì ban nước hằng sống, món quà Chúa Cha tặng ban cho con cái Người.

Điều thứ hai người phụ nữ ấy quan tâm: đó là sự thật ở đâu? Chúa Giêsu bảo chị: Chị đã năm đời chồng rồi… Điều này nhắc nhớ số phận của nhiều người: họ đã phục vụ nhiều ông chủ hay nhiều ông chồng rồi mà chẳng bao giờ nhận ra được ai là Chúa của mình. Và trước đó nữa, hỏi làm sao nhận ra đạo nào là đạo thật?Thần Khí và sự thật (c.24). Điều Thiên Chúa để ý đến khi ta cầu nguyện không phải là những ngôn từ, nhưng là nét đơn sơ và cao thượng của tinh thần. Thánh Thần Chúa chỉ có thể được thông ban cho những ai tìm sự thật và sống theo sự thật trong thế giới gian dối.

Người Ixraen khát nước.Đức Chúa đã cho nước. Hôm nay, chị Samaria đi múc nước, đã gặp Chúa Giêsu.Người xin nước và nói với chị về nước.Nên sau đó, chính chị xin nước.Nhưng Người không muốn nói về nước tự nhiên, vì chị có giếng Giacóp. Người muốn nói về nước thiêng liêng. Người cho chị biết Người là Đấng Mêsia, là Đấng cứu độ của dân Dothái và của dân ngoại nữa. Biết Chúa Giêsu là có nước sự sống. Biết theo nghĩa Kinh Thánh, không chỉ là biết, mà còn tin, yêu Người và tuân giữ điều Người dạy. 

Người phụ nữ Samari là nhân vật tiêu biểu cho giới lạc giáo, giới bị xã hội Dothái khinh bỉ, xếp ngang hàng với phường tội lỗi.Bà cũng đã được nghe lời nói của Chúa Giêsu. Lời Người đã soi sáng tâm hồn bà, đưa bà từ thái độ dửng dưng ban đầu (Ga 4,9) đến thái độ gắn bó (4,15); rồi từ một suy nghĩ về tôn giáo (4,20) đến một chọn lựa cơ bản là tin và làm chứng về Người cho đồng hương của mình (4,29.39-42). (91)

Trở lại với bài đọc 2, trong đoạn này, thánh Phaolô dựa vào kinh nghiệm riêng của ngài để giúp chúng ta khám phá những gì thay đổi trong đời sống chúng ta từ khi nhờ đức tin trật tự đích thực đã được tái lập nơi chúng ta. Trước hết là tâm tình bình an: chúng ta được bình an với Thiên Chúa (c.1). Một khi chúng ta mất bình an là khi chúng ta khép cửa lòng mình với Thiên Chúa. Tâm chúng ta bình an, chúng ta mới có thể làm cho người khác bình an. Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa (c.2). Ân huệ mà thánh nhân nói tới, chúng ta gọi đó là tình trạng ân sủng.
Được làm con Chúa là một hồng ân lớn lao. Chúng ta tạ ơn Chúa về điều này và hằng ngày xin Chúa gìn giữ ta luôn sống trong ân tình của Ngài. Chúng ta đã tin cậy vào Chúa, và sống làm sao để danh Chúa được rạng ngời. Một khi ta càng bám chặt vào Chúa ta sẽ chẳng phải sợ gì. Như người phụ nữ Samari được biến đổi và ra về loan tin là đã được gặp Chúa; đến lượt chúng ta cũng hãy sống làm chứng cho Chúa ngay nơi mình hiện diện. Là con cái Chúa, chúng ta được thừa hưởng nước hằng sống Chúa hứa ban, ta hãy lôi kéo mọi người đến với Nước này để mọi người được chung phần trong Nước Thiên Chúa. Xin Chúa giúp sức cho chúng ta và cho những ai đang trên đường tìm kiếm Chúa, được gặp Chúa tường tận và rao truyền niềm vui có Chúa cho mọi người.

Phêrô Lôrensô Võ Quí An
Thông tin khác:
Lạy Chúa xin xót thương con, vì con đến để xin ơn sám hối (27/03/2020)
Để biến đổi (24/03/2020)
Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con là môn đệ thánh Giuse (24/03/2020)
Mùa chiến đấu thiêng liêng (23/03/2020)
Lạy chúa, xin xót thương con, vì con đến, để xin được là của lễ (23/03/2020)
Hoàn thiện như Cha trên trời (20/03/2020)
Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con đau yếu (20/03/2020)
Dư âm cõi thế (05/03/2020)
Vượt qua giọt đắng đầu năm (05/03/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log