Suy tư - Chia sẻ

Chứng nhân Chúa đã phục sinh

Cập nhật lúc 11:40 21/04/2020
Hôm nay, Tin Mừng Gioan trình thuật lại một biến cố hết sức đặc biệt về cuộc mất tích của Đức Giêsu Nazarét trong phần mộ của Người. Bà Maria Macđala (người được Chúa trừ cho 7 quỷ) đã là người phát hiện đầu tiên, kế đến là ông Phêrô và môn đệ Chúa yêu. Sự mất tích và ngôi mộ trống cùng với các khăn liệm còn để lại chưa đủ để làm nền tảng chứng minh là Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, nó lại là một trong những dấu chỉ quan trọng để tin vào Mầu nhiệm Phục sinh: “Bấy giờ, người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). 

Các Tông đồ đã hết sức sợ hãi trước sự truy bắt của người Dothái sau cái chết của Thầy Giêsu. Các ông chỉ biết trốn trong nhà và đóng kín cửa (Ga 20,19). Nhưng một thời gian không lâu sau đó, bỗng nhiên, các ông lại trở nên mạnh dạn ra đi rao giảng cách công khai về một Đức Kitô chịu đóng đinh, đã chết, nhưng nay đã Phục sinh và Người vẫn đang sống giữa các ông. Ngoài những dấu lạ các Tông đồ đã làm để minh chứng điều mình nói là thật, thì các ông còn lấy chính mạng sống của mình để làm chứng cho điều đó. Đây chính là bằng chứng nền tảng hùng hồn nhất cho sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Thánh Phaolô, một người Pharisêu nhiệt thành đi tìm giết những người tin vào Chúa Kitô cũng đã thay đổi hoàn toàn. Từ một con người bách hại đạo Kitô trở thành vị Tông đồ nhiệt thành rao giảng Đức Kitô Phục sinh. Làm sao một con người như Phaolô lại có thể thay đổi hoàn toàn như thế, nếu như ông không tận mắt gặp Chúa Giêsu Phục sinh? Thánh Phaolô đã rao giảng rằng: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy từ cõi chết thì lời rao giảng của chúng tôi trở nên trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Chúa đã sống lại thật.

Những kẻ sống gian dối, ham mê của cải và quyền thế trần gian thì ghét Chúa Giêsu; còn những ai khao khát sự thật và chân lý thì yêu mến Ngài. Có lẽ tất cả những người yêu mến Ngài đều muốn đến viếng mộ Ngài, nhưng trời còn tối nên họ e ngại chưa muốn đi. Chúng ta cũng là những người yêu mến Chúa, nhưng chúng ta cũng yêu mến thế gian nhiều, cho nên chúng ta còn mang nỗi sợ hãi không dám cất bước. Chúng ta không dám nói lời sự thật, không dám làm chứng cho điều đúng, không dám bênh vực kẻ cô thế cô thân; chúng ta đứng nhìn những anh chị em của mình bị đối xử bất công và oan ức, thế mà chúng ta vẫn im lặng. Chúng ta sợ mất quyền lợi của mình, sợ phiền toái chăng? 

Bà Maria Macđala đã một mình cất bước đi trong đêm tối đến mộ Chúa mà không hề sợ hãi. Lòng yên mến mãnh liệt đối với Thầy Giêsu đã thôi thúc bà lên đường. Chính lòng yêu mến đó đã được Chúa đoái thương. Bà là người đầu tiên nhìn thấy Chúa Phục sinh. Chính bà là người đã tin vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu và loan tin đó cho các Tông đồ. Còn chúng ta, chúng ta yêu mến Chúa đến mức độ nào? Chúng ta có mạnh dạn lên đường trở về với Chúa không, hay chúng ta còn lo sợ điều gì? Chúng ta có can đảm tuyên xưng đức tin của mình và làm chứng cho Chúa Kitô đến giọt máu cuối cùng hay không?

Sau khi được tin ngôi mộ đã không còn xác Thầy nữa, Phêrô và môn đệ Chúa yêu vội vã chạy ra mộ. Gioan trình thuật rằng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô nên đã tới mộ trước nhưng không vào. Ở đây tác giả không nói rõ tên môn đệ Chúa yêu là vị nào, nhưng rõ ràng là môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn ông Phêrô. Có thể người môn đệ Chúa yêu còn trẻ hơn Phêrô nên chạy nhanh hơn. Nhưng cũng có thể là vì quá yêu mến Thầy nên đã tạo ra một sức mạnh tâm lý giúp người môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn. Trẻ hơn chưa chắc đã khỏe hơn, nhưng sức mạnh tâm lý thì không ai chối cãi được. Tình yêu chân thành sẽ tạo nên điều kì diệu chăng?

Ngày hôm nay, chúng ta không thiếu những dấu chỉ của thời đại, nhưng tất cả những ai thiếu lòng tin và những kẻ muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời này đều không nhận ra các dấu chỉ ấy. Chúng ta thấy ở một số quốc gia đã thay thế Mười Điều Răn của Thiên Chúa bằng điều răn của họ, muốn sửa Kinh Thánh cho phù hợp với đường lối lãnh đạo của họ... Và rồi hậu quả của việc loại bỏ Đức Kitô ra khỏi cuộc đời là: tai ương, hoạn nạn, là dịch bệnh, đói kém, là chiến tranh, chết chóc... chắc ai ai cũng đều thấy rõ!

Trước Thượng Hội đồng của người Dothái, hai ông Phêrô và Gioan đã long trọng làm chứng về sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” (Cv 4,20). Thiên Chúa cũng mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy là chứng nhân cho sự thật cho tình yêu, mà Thiên Chúa là tình yêu là sự thật.

Ngày nay, Đức Kitô vẫn muốn mỗi người tin vào Ngài cũng phải long trọng làm chứng về sự Phục sinh của Ngài trước mặt muôn dân. Làm chứng rằng Ngài vẫn đang sống. Làm chứng bằng cách ăn nết ở của chúng ta. Một người có Chúa Kitô Phục sinh thì không kiêu ngạo, không dối trên lừa dưới, không trục lợi trên nỗi thống khổ của người khác, không cười khi đồng loại đang đau khổ, không vui khi thấy điều bất chính. Một người có Chúa Kitô Phục sinh ở cùng thì luôn yêu thương, luôn tha thứ, luôn mang lại niềm vui, hy vọng và bình an đến cho mọi người chung quanh. Chúng ta sẽ làm được điều đó, nếu chúng ta để Chúa Phục sinh ngự trị trong tâm hồn mình.
 
Tu sĩ Phaolô Phú Cường
Thông tin khác:
Hạnh phúc được cùng nhóm nhỏ đứng dưới Thánh giá Chúa (21/04/2020)
Hạnh phúc được cùng nhóm nhỏ đứng dưới Thánh giá Chúa (21/04/2020)
Ánh sáng của đức tin (20/04/2020)
Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con đã nhận được những tín hiệu tình thương Chúa gọi con (20/04/2020)
Tin và làm chứng (27/03/2020)
Lạy Chúa xin xót thương con, vì con đến để xin ơn sám hối (27/03/2020)
Để biến đổi (24/03/2020)
Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con là môn đệ thánh Giuse (24/03/2020)
Mùa chiến đấu thiêng liêng (23/03/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log