Suy tư - Chia sẻ

Nhận ra Chúa phục sinh trên đường đời

Cập nhật lúc 16:37 27/04/2020


Tin Mừng hôm nay là kỷ niệm cuộc gặp gỡ tại Emmau, đó là một Đấng đang đến sát kề bên chúng ta. Ta cũng hãy biết dừng bước để thổ lộ cuộc sống và tấm lòng của ta cho vị khách. Lời Chúa hôm nay cho ta nghe Đấng ban ý nghĩa mới cho cuộc sống chúng ta. Ta cũng sẽ thưa: xin Ngài ở lại với chúng ta. Để chúng ta đón nhận Thánh Thể với tấm lòng sốt mết và đôi mắt được mở rộng, chúng ta sẽ tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho ta nhận ra dưới các dấu chỉ của đức tin. Chúa Giêsu sống lại đang có mặt và được thông hiệp vào đời sống của người. Để rồi ta được sai đi loan báo cho anh chị em ta, Đấng đã hiện diện trong đời ta.

Lời Chúa trong bài đọc một hôm nay, đây chính là mẫu bài giảng (kerygma) hướng về người Dothái. Nơi đây họ đã biết những chuyện xảy ra tại Giêrusalem và họ thành thạo Kinh Thánh. Vì thế, bài giảng chia thành hai phần: thứ nhất là nhắc đến các biến cố xảy ra, thứ hai là lý giải các biến cố ấy theo ý định Thiên Chúa được bày tỏ qua Kinh Thánh.

Thánh Phêrô đại diện cho Tông đồ đoàn. Ngài được đầy dẫy Thần Khí của Chúa Phục sinh; với quyền năng bởi ơn trên. Ngài đã làm  chứng về cuộc khổ nạn của Thầy mình. Những ai nghe: dân chúng ở Giuđêa, dân Ixraen: dân đang ngóng chờ Đấng Thiên Sai. Thánh Phêrô nhắc đến con người Giêsu Nazarét: với tư cách được Thiên Chúa phái đến và ủy nhiệm qua những việc quyền năng, dấu chỉ đã được thấy, được nghe, nhưng người Ixraen không chịu đón nhận, hơn nữa có góp phần vào việc đóng đinh Chúa vào Thập giá. Nếu chỉ có vậy, thì hy vọng của Ixraen cũng đã xa vào chốn điêu linh. Nhưng Phêrô đã cho thầy thánh ý Thiên Chúa ngay trong sự chết ô nhục của vị Thiên Sai. 

Ý Thiên Chúa là gì? Sau khi tỏ cho Ixraen biết biến cố ngày lễ Ngũ Tuần thực hiện lời hứa ban Thần Khí của Tiên tri Giôen, Thánh Phêrô chỉ cho biết cái chính của ý định Thiên Chúa là Đấng Thiên Sai đã đến nơi Giêsu Nazarét. Cái chết theo ý định Thiên Chúa và sống lại: mọi biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu được liên kết với Thiên Chúa.

Thánh Phêrô đã nhắc đến tổ phụ Đavít là người đã tin vào Thiên Chúa luôn có quyền năng trên sự chết và sự sống. Đavít chỉ là hình bóng, sự thực được thực hiện nơi Đức Kitô. Do đó, chúng ta đọc và tìm hiểu Kinh Thánh để Lời Chúa mở mắt chúng ta nhìn vào chương trình của Thiên Chúa và mầu nhiệm Chúa Kitô, ngay cả trong những chiều kích nghịch lý nhất. Chính biến cố sống lại từ cõi chết phải chăng là việc siêu tôn vinh quang của Chúa Giêsu Nazarét là Đấng Thiên Sai?

Lời Chúa trong bài đọc hai trích thư của thánh Phêrô tông đồ hôm nay là lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa đã ban cho Chúa Kitô sống lại. Qua đó, Thiên Chúa ban cho ta lòng tin và lòng cậy trông: “Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (1Pr 1,21). Nhờ biến cố chết sống lại của Chúa Kitô, mà Thiên Chúa cho ta sinh lại, sống đời sống mới. Một nét của đời sống thánh thiện ấy chính là sự kính giới Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay, cho ta được nhận biết Đấng Emmanuel đang cùng đồng hành với chúng ta như xưa kia Ngài đã cùng đi với hai môn đệ trên đường trở về Emmau. Trên quãng đường dài đó, họ đã nói tất cả sự việc xảy ra với người Thầy của mình là Đức Giêsu (x. Lc 24,13-20). Họ đã được nghe về sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ lại không được kinh nghiệm về Ngài. Quả thực, Ngài có đó, đang ở ngay bên mà họ cũng không nhận thấy Chúa đã Phục sinh.

Khi đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau, Chúa Giêsu đã nói rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,25-26). Đây là cách mà Chúa đã mạc khải cho các ông biết về sự chết và sống lại của Ngài trong chương trình của Thiên Chúa.

Chúa đã lấy Kinh Thánh mà cắt nghĩa về Ngài. Qua đó, Ngài đã tỏ ra như còn đi nữa, thì họ mời Ngài vào nhà. Họ mở cửa nhà cho Ngài. Đối với họ Giêsu vẫn là một vị khách đang có đó. Khi Chúa làm cử chỉ bẻ bánh như đã làm trước đây trong Bữa Tiệc Vượt Qua cho các môn đệ. Họ đã được mở ra con mắt đức tin và nhận ra Chúa. Thế nhưng, Ngài lại biến mất trước mắt họ (x. Lc 29-31). Thế nên, họ đã tin vào sự Phục sinh của Chúa và đi trên con đường của Ngài. Chúa Giêsu Phục sinh đang có đó và Ngài đang tỏ ra cho chúng ta qua dấu chỉ của các Bí tích trong Hội thánh. Hai môn đệ đó đã trở lại Giêrusalem loan báo tin mừng cho các môn đệ khác. Họ đã được biến đổi từ chỗ không tin thành niềm tin chân thật, từ mất hết hy vọng trở thành niềm hoan lạc, từ thoái thác sứ vụ đến chỗ lãnh nhận sứ vụ loan báo Tin mừng Phục sinh cho muôn người.

Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta một câu hỏi: Đức Kitô đã có mặt như thế nào đây? Ngài có mặt mà lại vắng mặt, Ngài đưa ta qua những giây phút ánh sáng và nồng cháy từ chỗ kháp kín vì không thấy nên không tin, đến chỗ tin thường xuyên. Đó chính là không thấy mà tin mới thật là có phúc. Để được gặp Chúa Phục sinh và được sống nhờ sức sống của Ngài, chúng ta cũng được mời gọi bước theo con đường của các môn đệ xư kia trên đường Emmau. Con đường đó chính là sự gặp gỡ của chúng ta với Chúa. 
 
Tu sĩ Phêrô Thập Tự Ân
Thông tin khác:
An tâm sống thánh lễ cuộc đời (27/04/2020)
Niềm hy vọng cứu độ cho con người (23/04/2020)
Tìm một lối sống trong hoàn cảnh cách ly (21/04/2020)
Chứng nhân Chúa đã phục sinh (21/04/2020)
Hạnh phúc được cùng nhóm nhỏ đứng dưới Thánh giá Chúa (21/04/2020)
Hạnh phúc được cùng nhóm nhỏ đứng dưới Thánh giá Chúa (21/04/2020)
Ánh sáng của đức tin (20/04/2020)
Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con đã nhận được những tín hiệu tình thương Chúa gọi con (20/04/2020)
Tin và làm chứng (27/03/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log