Suy tư - Chia sẻ

Tha thứ vì được thứ tha

Cập nhật lúc 15:33 15/09/2020
Nhà vật lý học nổi tiếng Stephen Hawking cho rằng vũ trụ này là một bản thiết kế vĩ đại. Tuy nhiên, ông lại lập luận rằng bản thiết kế ấy là một sự tình cờ bắt nguồn từ vụ nổ lớn (Big Bang). Một bản thiết kế vĩ đại như thế mà lại không có nhà thiết kế vĩ đại sao? Lạ quá nhỉ? Nhưng đó là suy nghĩ của những kẻ ngoại đạo. Đối với người Kitô hữu, “Nhà Thiết Kế Vĩ Đại” là chính Thiên Chúa. Trong bản thiết kế thì mọi chi tiết đều có sự tương tác chặt chẽ với nhau: giữa các loài thảo mộc với động vật, giữ thiên nhiên với con người, giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa. Để mối tương quan đó, được tương tác đúng với ý muốn của Nhà Thiết Kế thì chúng ta cần bản chỉ dẫn. Dưới cái nhìn của nhà di truyền học, Tiến sĩ Francis S. Collins thì chính Chúa Giêsu là “Bản Chỉ Dẫn” cho bản thiết kế vĩ đại đó. Vậy, “Bản Chỉ Dẫn” đó sẽ hướng dẫn chúng ta những gì? Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay sẽ nói lên điều đó.
Chúa Giêsu đã dựa trên câu hỏi của thánh Phêrô về việc tha thứ bao nhiêu lần thì đủ để chỉ dạy cho nhân loại một bài học lớn lao. Bài học đó là sự tha thứ đến tận cùng và được gói gọn trong dụ ngôn “tên đầy tớ không biết thương xót.”
Thiên Chúa của chúng ta là Đấng nghe lời cầu khẩn, là một vị Vua giàu lòng thương xót, Người sẵn sàng tha thứ và ban ơn cho những ai kêu cầu Danh Người. Tuy nhiên, lòng thương xót đó không phải là không có điều kiện. Trong Cựu Ước, Chúa đã từng dạy cho dân chúng điều kiện đó: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2). Nhưng điều đáng nói ở đây là sự chênh lệch giữa các khoản nợ. Thiên Chúa không đòi buộc chúng ta phải tha cho người khác nhiều ngang bằng số nợ mà Chúa đã tha cho chúng ta. Tên đầy tớ nợ Ông Chủ đến cả mười ngàn yến vàng, Ông chủ còn có thể tha hết cho y, khi y phục lạy van xin; còn người đồng bạn của y chỉ thiếu y có một trăm quan tiền, y không chịu tha, khi người đồng bạn cũng van xin phục lạy như vậy. Tên đầy tớ thật là ngu ngốc khờ dại, phải không?
Chúng ta đang tương quan với đồng loại của mình như thế đó. Con người đối xử với nhau thật nhẫn tâm. Chúng ta tính toán từng li từng tí với cha mẹ, với anh chị em ruột thịt; chúng ta cắt xén đồng tiền của người nghèo, mà đáng ra họ được nhận; chúng ta bóc lột sức lao động của người khác để làm giàu cho mình... ấy thế mà chúng ta cứ xin Chúa cho con cái này, xin cho con cái kia, xin cho con giàu có, xin đủ thứ trên đời và còn xin tha tội cho con. Chúa đã đáp lời họ trong sách Huấn Ca như thế này: “Kẻ không biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình” (Hc 28,4).
Cuộc sống là một hành trình, và hành trình nào cũng phải kết thúc “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù” (Hc 28,6). Khi đã đến thời đến buổi, Ông Chủ mùa gặt sẽ sai thợ đi gặt lúa về. Ngày đó mỗi người chúng ta sẽ phải trả lẽ cho các “món nợ” của mình. Món nợ đó là nhiều hay ít tùy thuộc vào cách mà chúng ta đối xử với anh em đồng loại. Chính Chúa Giêsu đã chỉ dẫn điều đó: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ không tha thứ cho anh em, nếu anh em không hết lòng tha thứ cho nhau” (Mt 18,35).
Tha thứ là dấu chỉ của tình yêu. Chính “Bản Chỉ Dẫn” của chúng ta đã dạy, đã sống tình yêu đó và tha thứ cho đến cùng. Trước khi trút hơi thở trên Thập giá, Ngài vẫn còn biện hộ, bên vực và cả sự thứ tha lớn lao cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ lầm chẳng biết” (Lc 23,34). 
Trong kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc mỗi ngày, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện để có thể tha thứ cho nhau: “Xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con”.
Các nhà nghiên cứu y học cho chúng ta biết rằng, khi chúng ta tức giận hay nuôi hận thù thì trong cơ thể chúng ta sẽ tiết ra những độc tố, chính những độc tố đó sẽ sinh ra rất nhiều thứ bệnh và giết chết chúng ta. Vì vậy, tha thứ và bỏ qua lỗi lầm cho nhau chính là bí quyết để sống khỏe, sống bình an thanh thản, sống hạnh phúc.
Với giá máu đã đổ ra trên Thập giá, Chúa Giêsu đã chuộc lại mạng sống cho chúng ta khi chúng ta đã đánh mất nó do tội. Vì thế, chúng ta không còn thuộc về mình nữa mà thuộc về Thiên Chúa; chúng ta không sống cho mình nữa mà sống cho Thiên Chúa; và dù chúng ta có chết cũng là chết cho Chúa. Đó là tâm ý mà Giáo hội muốn nhắn nhủ với chúng ta hôm nay trong bài đọc hai.
Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đều được cứu độ. Người muốn chúng ta trở nên hoàn thiện như Người; muốn chúng ta hãy tập sống tha thứ không giới hạn, tha đến tận cùng. Tuy nhiên, Chúa biết chúng ta được dựng nên bằng gì, biết chúng ta yếu đuối mọn hèn với xác thân phàm mỏng manh, nên Người không bắt chúng ta phải tha thứ như Người ngay lập tức, nhưng ít ra chúng ta phải để Chúa thấy chúng ta cố gắng vươn tới điều đó, không nằm ù lì trên sự yếu đuối. Một khi chúng ta nhận ra mình như mình là thì chúng ta sẽ thay đổi được chính mình.
Thiên Chúa vẫn không ngừng cho chúng ta cơ hội làm lại từ đầu, khi để chúng ta sống thêm một ngày nữa. Vì thế, mỗi người phải biết tận dụng giây phút hiện tại để từng ngày một tiến gần về quê trời hơn. Vì sao chúng ta có thể yêu thương được kẻ thù? Vì chúng ta không có kẻ thù khi chúng ta biết tha thứ.
Tu sĩ Phaolô Huỳnh Phú Cường
Thông tin khác:
Đức Mẹ giúp tôi sống trong thử thách (10/09/2020)
Tin và được chữa lành (18/08/2020)
Chúa ở cùng con (17/08/2020)
Đức tin nâng chúng ta lên (14/08/2020)
Kẻ đợi chờ (13/08/2020)
Chính anh em hãy cho họ ăn (12/08/2020)
Đọc những lá thư Chúa gửi cho tôi (11/08/2020)
Vinh quang của linh mục (30/07/2020)
Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa (27/07/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log