Tin tức - Hoạt động

BÁO CÁO SƠ KẾT

Cập nhật lúc 09:53 24/07/2009

 BÁO CÁO SƠ KẾT

PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC CỦA ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO
 VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA UBĐKCGVN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2009;
 PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2009
 
 
Năm 2009 là năm đầu tiên đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu “Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” lần thứ V vào cuộc sống. Sáu tháng qua, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) các cấp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp chính quyền và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các Đức Giám mục, Linh mục nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đặt ra trong chương trình công tác 6 tháng đầu năm. Trọng tâm là công tác tuyên truyền kết quả Đại hội; hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam; củng cố, phát triển tổ chức UBĐKCG các cấp…, góp phần cùng toàn dân hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2009.
 
1. TÌNH HÌNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC CỦA ĐỒNG BÀO CÔNG GIÁO
 
Tình hình kinh tế xã hội nước ta những tháng đầu năm tuy còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Các ngành sản xuất, xuất khẩu bị thu hẹp, tình trạng thiếu việc làm xẩy ra ở một số khu công nghiệp và doanh nghiệp lớn…. Nhưng với truyền thống yêu nước, đoàn kết vượt qua khó khăn của Dân tộc cùng với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức xã hội... nên nhiều chính sách và các nhóm giải pháp, nhất là biện pháp kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, an ninh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, công tác xoá đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ngày càng được xã hội quan tâm và triển khai có hiệu quả. Những kết quả trên có sự đóng góp của cả xã hội, trong đó có sự đóng góp đáng kể từ phong trào thi đua "kính Chúa- yêu nước", sống “tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào Công giáo cả nước. Người Công giáo Việt Nam luôn ý thức về trách nhiệm công dân và bổn phận giáo dân của mình trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu: "Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trách nhiệm đó được thể hiện trong việc thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, tham gia các cuộc vận động do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBĐKCG Việt Nam phát động.
 
Trên lĩnh vực lao động sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp- một lĩnh vực có đông đồng bào Công giáo tham gia- bà con đã khắc phục những khó khăn về thời tiết, giá cả giống và phân bón, kịp thời thu hoạch, bước vào vụ trồng cây hoa màu, chủ yếu là ngô, khoai, đỗ tương, lạc, mía… góp phần đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu. Tiêu biểu như họ đạo Cái Bè, Cai Lậy, Cái Mây, Hoà Hưng, An Hữu, Ngũ Hiệp, Bằng Lăng… đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật: máy tách nhân, máy tuốt lúa, máy gieo xạ, máy vơ cỏ…vào sản xuất, phòng ngừa sâu bệnh, lai tạo giống giảm chi phí đầu vào, rút ngắn thời gian, công sức lao động như ở thị trấn Trà Lồng, bà con đã sử dụng giống kháng rầy của ông Nguyễn Văn Mây cho năng xuất lúa đạt 8- 10 tấn/ha và còn hàng ngàn gia đình Công giáo làm ăn giỏi. Ở tỉnh Nghệ An, có nhiều hộ giáo dân có thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Tỉnh Hà Nam có 1194 hộ giáo dân có mức thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Thành phố Hà Nội, nhiều hộ gia đình giáo dân làm ăn kinh tế giỏi, họ giáo Thượng Thuỵ có hộ thu nhập từ trồng hoa, cây cảnh lên tới 400-500 triệu đồng/năm. Tại Bắc Giang, các xứ đạo An Tràng, Núi Ô, Yên Lập đều đạt năng xuất lúa từ 280- 300kg/sào.v.v. Có thể nói, nhiều nơi đồng bào Công giáo làm kinh tế giỏi, phát huy được thế mạnh của mình. Họ giáo Thành Thới, An Thạnh, Giồng Dầu (Mỏ Cày- Bến Tre) đã tham dự hội chợ hội thi trái cây dừa lần thứ I tại Trung tâm văn hoá tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm; tại các giáo họ này đã thành lập nhiều tổ hợp nghề chỉ sơ dừa, kẹo dừa, than gáo dừa, đồ mỹ nghệ từ dừa… thu hút nhiều lao động nông nhàn và phát huy nét văn hoá đặc trưng của vùng miền. Mô hình VAC và VACR được thực hiện thí điểm, nhân rộng ở nhiều địa phương là Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Long An, Bình Phước, Phú Yên… thu được kết quả đáng phấn khởi. Điển hình có gia đình bà Ngô Thị Dịu hàng năm xuất chuồng trung bình 100 tấn lơn; nhiều hộ khác kết hợp thâm canh các loại hoa màu, rau quả cung cấp hàng trăm tấn rau cho thành phố và các vùng phụ cận. Không những thế, đồng bào Công giáo còn tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, ở Bà Rịa- Vũng Tàu, đồng bào Công giáo đã giúp nhau trên 6 tỷ đồng vốn xoay vòng và hơn 20.000 con giống, cây trồng và chia sẻ nhiều kiến thức chăn nuôi, sản xuất, giúp nhau làm giàu.
       
Loại hình kinh tế dịch vụ, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp… do người Công giáo xây dựng từ các giáo xứ, họ đạo, dòng tu ở nhiều giáo phận tuy còn một số khó khăn, song đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa này đang đi vào hoạt động theo hướng tích cực, đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn và cải thiện đời sống cho đồng bào Công giáo. Nhờ vậy, có những địa phương tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%, ở Tiền Giang con số này là 2,5% và không còn hộ đói. Đặc biệt, nhiều điển hình tiên tiến là chủ doanh nghiệp sản xuất hoặc chủ trang trại đã đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá… tạo sự phát triển chung vì mục tiêu: "Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.   
 
Noi gương Đức Kitô trong cuộc sống hôm nay, các linh mục, tu sĩ, các nhà hảo tâm cùng đồng bào Công giáo cả nước đang chung tay đóng góp giúp đỡ những người anh em kém may mắn hơn trong các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “lá lành đùm lá rách”, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng… Hiện nay, trong các gia đình Công giáo ở nhiều nơi thuộc giáo phận Hưng Hoá vẫn duy trì hộp bác ái để khuyến khích mọi thành viên nhớ đến những em nhỏ mồ côi, người già không nơi nương tựa… Khắp nơi, đồng bào Công giáo đã và đang hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” bằng những hoạt động sôi nổi dưới nhiều hình thức khác nhau, đóng góp tiền của, công sức giúp người nghèo, trong báo cáo này chưa có điều kiện lột tả hết, chỉ xin nêu một vài ví dụ: Ở Trà Vinh, họ giáo Định Bình đã hỗ trợ người già neo đơn hơn 20 triệu đồng, họ giáo Cái Đoi, Long Khánh tổ chức phát gạo người nghèo trị giá 18 triệu đồng; ở Bến Tre, bằng sức người sức của, đồng bào Công giáo đã sửa chữa, chống dột 516 căn nhà với kinh phí 1.162.000.000 đồng. Các giáo xứ Bến Dinh, Bến Siêu, Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã giúp đỡ người nghèo 300.000 triệu đồng. Hội Phan Sinh Giáo xứ Thượng Thuỵ (Hà Nội) ủng hộ dân nghèo ở Yên Thế 1250 bộ chăn màn, quần áo, 250 gói kẹo và hơn 09 triệu đồng.v.v.
 
Công tác chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được các vị linh mục và các hội dòng quan tâm đặc biệt, thời gian qua đã tổ chức mời y, bác sĩ tới khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào ở vùng sâu vùng xa, tiêu biểu cho hoạt động này có Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, Cái Nhum (Bến Tre); họ đạo Rạch Súc (thành phố Cần Thơ); bệnh xá đa khoa SaĐa (Bắc Giang). Sau tết Nguyên Đán đến nay, các cơ sở từ thiện nhân đạo vẫn duy trì tốt mọi hoạt động và ngày càng được nâng cao về chất lượng, mở rộng về phạm vi như Trung tâm Mai Hoà, Thiên Phước (thành phố Hồ Chí Minh), Mỹ Lâm (Kiên Giang).
 
Bước vào những tháng hè 2009, trong phong trào khuyến học, nhiều giáo xứ, họ đạo đã tổ chức khen thưởng, tặng quà động viên các em có thành tích xuất sắc trong học tập nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; nhiều gia đình Công giáo đã và đang tích cực hưởng ứng, thực thi lời mời gọi của Giáo hội trong Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2008, về việc chăm lo, bồi dưỡng năng lực, thể chất, đức tin cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, đầu tư cho các em học tập, chuẩn bị tri thức và tâm lý giúp các em vững bước vào đời sống xã hội. Bên cạnh việc duy trì, củng cố và phát triển các quỹ học bổng ở các giáo xứ, họ đạo; các hoạt động nhân đạo, từ thiện của giới Công giáo càng trở nên sôi động, thấm đậm chất nhân văn sâu sắc. Ngay tại trung tâm thủ đô, nơi quy tụ số lượng thí sinh về dự thi đại học đông nhất cả nước, nhiều cơ sở nhà xứ, nhà dòng đã chuấn bị cơ sở vật chất giúp các thí sinh về dự thi, nhiều sinh viên Công giáo tình nguyện ở lại các thành phố làm hoa tiêu, làm hướng dẫn giao thông giúp thí sinh và người nhà đưa con em đi thi đại học. Nhiều sinh viên Công giáo tham gia các hoạt động tình nguyện mùa hè xanh do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Mịnh phát động. 
 
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng đường làng ngõ xóm sạch đẹp đang được triển khai tích cực trong các giáo xứ họ đạo, thi đua lập thành tích đạt danh hiệu “khu dân cư văn hoá” các cấp vào cuối năm nay. Tiêu biểu có thể kể đến giáo dân huyện Mộc Hoá, Tân Thành, Bến Lức (Long An) đóng góp xây dựng 9 cây càu, trải sỏi và bê tông hoá các con đường giao thông liên xóm ấp, tổng giá trị 332.450.000 đồng; họ đạo Cổ Chiên, Bình Đinh, Đan viện Phước Vĩnh (Trà Vinh) đã cùng chính quyền địa phương xây dựng công trình giao thông tổng trị giá trên 1 tỷ đồng.
 
Nhìn lại những thành quả mà đồng bào Công giáo cả nước đã đạt được trong sáu tháng đầu năm, đây là niềm tự hào đáng phấn khởi vì đã góp phần cùng đồng bào cả nước khắc phục khó khăn vươn lên thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế- xã hội của đất nước. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về đóng góp của đồng bào Công giáo trong thời gian qua. Song trên cơ sở các báo cáo của địa phương và qua các đợt khảo sát ở một số tỉnh Miền Bắc, Miền Tây- Nam bộ cho thấy việc đồng bào Công giáo các tỉnh, thành trong cả nước tham gia cuộc vận động “ngày vì người nghèo” phấn đấu đạt chỉ tiêu mà Ban Thường trực Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã đăng ký 50 tỷ trong năm 2009 với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là có tính khả thi. Đây chính là thế mạnh của người Công giáo.
 
2. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO
 
2.1 Hoạt động của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
 
Để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu "Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo bệ Tổ quốc" lần thứ V vào cuộc sống, sau Đại hội, Ban Thường trực UBĐKCG Việt Nam đã đề ra chương trình công tác sáu tháng đầu năm 2009. Qua hơn sáu tháng, hoạt động của UBĐKCG Việt Nam đã đạt được một số kết quả như sau:
 
Sau Đại hội, Ban Thường trực UBĐKCG Việt Nam đã tập hợp, hoàn thiện các văn bản của Đại hội làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền kết quả Đại hội đại biểu "Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo bệ Tổ quốc" lần thứ V tới các xứ, họ đạo nhằm kịp thời động viên phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo toàn quốc, góp phần cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội của đất nước.
 
Ban Thường trực UBĐKCG Việt Nam đã cử đoàn cán bộ tới một số tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hải Phòng; và một số tỉnh, thành Miền Nam như: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bà Rịa- Vũng Tàu. Qua đợt khảo sát giúp UBĐKCG Việt Nam đánh giá thực trạng về phong trào thi đua “kính Chúa- yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo” và hoạt động của UBĐKCG; tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn của phong trào và hoạt động của tổ chức Uỷ ban, từ đó giúp UBĐKCG các cấp tìm biện pháp phát triển phong trào, củng cố nâng cao vị thế của tổ chức; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc thành lập UBĐKCG ở một số tỉnh, thành đã có đủ điều kiện.
 
Trong các ngày 24,25 và 26 tháng 3 năm 2009, tại Hà Nội Ban Thường trực UBĐKCG Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Giao ban cụm UBĐKCG các tỉnh, thành từ Thừa Thiên-Huế trở ra với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, nghiêm túc. Các đại biểu tập trung thảo luận tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hoạt động phong trào yêu nước của đồng bào Công giáo nhằm nâng cao vị thế của tổ chức UBĐKCG Việt Nam trong cộng đồng dân tộc. Sau Hội nghị, các đại biểu đi thực tế ở một số giáo xứ thuộc Giáo phận Bùi Chu. Kết quả của hội nghị được dư luận đánh giá cao cả về nội dung và cách thức tổ chức Hội nghị.
 
Nhân dịp hội nghị Giao ban cụm, UBĐKCG Việt Nam đã tổ chức tĩnh tâm nhân dịp mùa chay suy ngẫm về sự thương khó của Chúa và chia sẻ nội dung Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 2008 cho đại biểu và các giáo dân ở các vùng lân cận Hà Nội……..
 
Nhân các ngày lễ trọng, lễ Thánh quan thày của các Đức Giám mục, Đoàn đại biểu của UBĐKCG Việt Nam đã tới chào thăm Đức Giám mục Giuse Hoàng Văn Tiệm-Giám mục Giáo phận Bùi Chu, Đức Giám mục Nguyễn Văn Sang- Giám mục Giáo phận Thái Bình, Đức Giám mục Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Hưng Hoá. Tại các buổi gặp gỡ này, với sự chân tình, cởi mở, các Ngài đã chia sẻ, cổ vũ những thành quả mà UBĐKCG các cấp đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời mong muốn UBĐKCG Việt Nam làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối để nâng cao hơn vị thế của mình trong cộng đồng dân tộc nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng.
 
Đại diện UBĐKCG Việt Nam đã đến dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn các linh mục là uỷ viên và nguyên là uỷ viên UBĐKCG Việt Nam; trân trọng ghi nhận những công lao đóng góp của các vị đối với phong trào thi đua "kính Chúa- yêu nước" sống “tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào Công giáo nói chung và hoạt động của tổ chức Uỷ ban nói riêng.
 
Nhân dịp mừng Đảng, mừng xuân Kỷ Sửu, Ban Thường trực UBĐKCG Việt Nam và Ban Thường trực UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức ký kết và ban hành Quy chế “tổ chức và hoạt động của Văn phòng Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam”.
 
Ngay sau khi Quy chế được ban hành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường trực UBĐKCG Việt Nam, Văn phòng UBĐKCG Việt Nam được sắp xếp lại một bước. Thành lập hai phòng (Phòng Tổng hợp và Phòng Quản trị- Hành chính), trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng phòng đã sắp xếp, phân công cán bộ, nhân viên đúng người, đúng việc; tổ chức tuyển dụng cán bộ, hợp đồng theo đúng pháp luật lao động; củng cố tổ chức Công đoàn cơ quan Văn phòng UBĐKCG Việt Nam, đưa sinh hoạt cơ quan, Công đoàn vào nền nếp, phát huy dân chủ, tranh thủ và tôn trọng ý kiến đóng góp xây dựng cơ quan của cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan. Hoạt động của Văn phòng UBĐKCG Việt Nam đang dần đi vào nền nếp, công tác tham mưu, giúp việc cho Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch có chất lựơng và hiệu quả hơn; tạo được sự đoàn kết thống nhất trong cơ quan Văn phòng UBĐKCG Việt Nam.
 
Sau gần năm tháng triển khai, hai Ban thường trực đã có cuộc giao ban vào ngày 23 tháng 6 năm 2009 để nghe Văn phòng UBĐKCG Việt Nam kiểm điểm việc thực hiện Quy chế. Qua đó rút ra những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong hoạt động và tìm ra biện pháp khắc phục giúp cho Văn phòng UBĐKCG Việt Nam có cơ sở và điều kiện thuận lợi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
UBĐKCG Việt Nam đã biên tập, xuất bản kỷ yếu sách; kỷ yếu đĩa hình ảnh Đại hội V, chính thức đưa vào tuyên truyền trong tháng 7 năm 2009. Hoàn thành hồ sơ đưa vào chạy thử nghiệm Website UBĐKCG Việt Nam, có tên miền là: http://ubdkcgvn.org.vn
 
        2.2 Hoạt động của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo địa phương
 
Đến nay, cơ bản UBĐKCG các tỉnh, thành đã tiến hành sơ kết phong trào thi đua "kính Chúa- yêu nước", sống “tốt đời, đẹp đạo” và hoạt động của UBĐKCG. Qua các báo cáo cho thấy có nhiều kết quả đáng mừng, nhưng cũng còn không ít điều trăn trở từ các địa phương đòi hỏi Đoàn Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam cần nghiên cứu để có giải pháp khắc phục.
 
 Thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2009, UBĐKCG các tỉnh, thành đã khẩn trương triển khai kế hoạch tuyên truyền kết quả Đại hội đại biểu "Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" lần thứ V, tạo niềm tin, phấn khởi trong đồng bào Công giáo. Do đặc điểm riêng biệt của từng địa phương, nhiều UBĐKCG đã cụ thể hoá chương trình công tác năm 2009 và các năm tiếp theo thành các nội dung cụ thể phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương như: phong trào 6 không- 4 tốt của UBĐKCG Thành phố Hải Phòng; UBĐKCG Bắc Giang, Bến Tre, Nam định tổ chức các buổi tập huấn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm cho các uỷ viên uỷ ban, các vị chức việc trong Ban hành giáo xứ, họ và bà con giáo dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với phong trào và hoạt động của UBĐKCG.
 
Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBĐKCG các cấp luôn xác định và hưởng ứng, tham gia các phong trào và hoạt động do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các vị chủ chăn trong giáo hội để vận động đồng bào Công giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo; tích cực hưởng ứng và tham gia các cuộc vận động “ngày vì người nghèo”, “Giờ trái đất”, “"Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo", “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
 
 Một số UBĐKCG địa phương như Hải Phòng, Ninh Thuận, Bến Tre.v.v. bước vào nhiệm kỳ mới đã nhanh chóng hoàn thành việc phân công, phân nhiệm, thông qua Quy chế làm việc của Uỷ ban, xây dựng kế hoạch, động viên phong trào thi đua "kính Chúa- yêu nước", sống “tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào Công giáo.
 
Nhiều địa phương có Ban Đoàn kết Công giáo cấp quận, huyện vẫn duy trì hoạt động có hiệu quả, như các Ban Đoàn kết ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ thông qua các buổi sinh hoạt thường xuyên để nắm tình hình, phản ảnh tâm tư nguyện vọng của đồng bào Công giáo giúp tổ chức UBĐKCG từng bước thể hiện vai trò “cầu nối” của mình.       
 
Những thành quả của phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam và các hoạt động của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo các cấp đã đạt được là rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại sau:
 
- Công tác báo cáo, phản ảnh thông tin hai chiều giữa UBĐKCG Việt Nam và UBĐKCG các địa phương chưa được duy trì thường xuyên.
 
- Việc hỗ trợ kinh phí, phương tiện, điều kiện làm việc cho hoạt động của tổ chức và cho cơ quan Thường trực ở một số địa phương chưa bảo đảm. Điều đó có ảnh hưởng không nhỏ tới phong trào và hoạt động của tổ chức Uỷ ban.
 
- Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam chưa làm tốt vai trò là cầu nối theo tinh thần Điều lệ Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam: “Tập hợp, phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của các tín hữa với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo vệ quuyền và lợi ích hợp pháp của người Công giáo” [mục 3, điều 2, chương I]. Do vậy, tổ chức Uỷ ban chưa thực sự là chỗ dựa tin cậy của đồng bào Công giáo trong việc bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.
 
- Hoạt động của các Ban Đoàn kết Công giáo quận, huyện còn nhiều khó khăn như nhận thức về Ban Đoàn kết Công giáo chưa đầy đủ, cần tiếp tục nghiên cứu có giải pháp phát huy vai trò của Ban Đoàn kết Công giáo quận, huyện.
 
3. CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2009
 
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu "Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo bệ Tổ quốc" lần thứ V và kết quả đã đạt được trong phong trào thi đua "kính Chúa- yêu nước", sống “tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào Công giáo và hoạt động của UBĐKCG các cấp sáu tháng đầu năm 2009, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam xây dựng chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2009  như sau:
 
3.1- Đối với Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
 
- Tiếp tục động viên phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội do Nhà nước đề ra, tích cực tham gia các cuộc vận động do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, trọng tâm là hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội lần thứ VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
- Thành lập đoàn công tác tiến hành khảo sát tình hình phong trào thi đua "kính Chúa- yêu nước", sống “tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo và hoạt động của UBĐKCG các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên.
 
- Chính thức đưa Website của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam vào hoạt động nhằm tuyên truyền tôn chỉ, mục đích và đường hướng hoạt động của UBĐKCG Việt Nam đến với đông đảo đọc giả trong và ngoài nước.
 
- Triển khai thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam được thông qua tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam lần thứ II (khoá V).
 
- Tổ chức và tham gia các hoạt động kỷ niệm lễ Thiên Chúa giáng sinh và các ngày lễ trọng của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong năm 2009.  
 
3.2- Đối với Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc
 
Đề nghị UBĐKCG các tỉnh, thành căn cứ vào chủ trương và chương trình công tác của UBĐKCG Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tình hình phong trào thi đua “kính Chúa-yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo” của địa phương để xây dựng chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2009. Đoàn Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam gợi ý một số nội dung cơ bản sau:
 
- Trên cơ sở phát huy những thành tích trong phong trào thi đua "kính Chúa- yêu nước", sống “tốt đời, đẹp đạo” của đồng bào Công giáo thời gian qua, các địa phương cần có kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua cùng nhân dân cả nước hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2009. Trong đó, cần tập trung vào các hoạt động từ thiện- xã hội, nhất là hoạt động ủng hộ “Ngày vì người nghèo” phải được thể hiện bằng các con số cụ thể của các tổ chức, cá nhân trong đồng bào Công giáo của địa phương mình. Đối với các tỉnh, thành chưa có tổ chức Uỷ ban, đề nghị Mặt trận Tổ quốc địa phương giúp đỡ tổng hợp, thống kê các phong trào thi đua, nhất là phong trào ủng hộ “Ngày vì người nghèo” (theo biểu mẫu của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam được gửi sau).
 
- UBĐKCG địa phương nào chưa củng cố được cơ quan Thường trực của Ủy ban  và thành lập Ban Đoàn kết Công giáo quận, huyện cần đề xuất với Mặt trận Tổ quốc cho chủ trương củng cố, kiện toàn theo văn bản hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam.
 
- UBĐKCG các tỉnh, thành đã đến nhiệm kỳ Đại hội, cần xin chủ trương của Mặt trận Tổ quốc, xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội, từng bước phấn đấu thời gian Đại hội nhiệm kỳ của địa phương sát với thời gian Đại hội nhiệm kỳ của Trung ương.
 
- Căn cứ vào Quy chế tổ chức và hoạt động của Văn phòng UBĐKCG Việt Nam đã được hai Ban Thường trực UBĐKCG Việt Nam và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký kết, đề nghị UBĐKCG các tỉnh, thành tranh thủ ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để cụ thể hoá phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương.
 
- Đề nghị các địa phương gửi báo cáo tổng kết cuối năm 2009 về Văn phòng UBĐKCG Việt Nam: số 34 Ngô quyền, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử của UBĐKCG Việt Nam: ubdkcgvn@gmail.com trước ngày 25/12/2009. (Ban Thường trực UBĐKCG Việt Nam sẽ có văn bản hướng dẫn tổng kết năm).
 
Ban Thường trực Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam báo cáo tình hình phong trào thi đua “kính Chúa-yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo” và một số hoạt động của UBĐKCG các cấp trong sáu tháng đầu năm 2009 và một số công việc cần triển khai sáu tháng cuối năm để UBĐKCG các tỉnh, thành phố có cơ sở định hướng hoạt động cho phong trào ở địa phương đạt hiệu quả./.
 
 
 

 
T/M. ĐOÀN CHỦ TỊCH
UỶ BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO VIỆT NAM
 
PHÓ CHỦ TỊCH KIÊM TỔNG THƯ KÝ
 
  
(Đã ký)
 
Linh mục Phan Khắc Từ

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:
HỘI NGHỊ ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO VIỆT NAM Lần thứ II nhiệm kỳ V (2008-2013) (14/07/2009)
LỜI TỪ BIỆT LINH MỤC TRƯƠNG BÁ CẦN (13/07/2009)
Linh mục Phêrô Trương Bá Cần được Chúa gọi về (11/07/2009)
Thư HĐGM Việt Nam gửi Cộng đồng dân Chúa nhân chuyến viếng thăm ad limina 2009 (08/07/2009)
Có thể ''hợp tác lành mạnh'' với VN (07/07/2009)
Nét mới ở giáo xứ Đạo Ngạn - Bắc Giang (06/07/2009)
Một việc làm sai lầm (06/07/2009)
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA BÙI VĂN ĐỌC (01/07/2009)
ĐGH Bênêđictô XVI: Có thể hợp tác với Việt Nam (30/06/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log