Tin tức - Hoạt động

Một giáo dân tiêu biểu trong sáng tạo khoa học- công nghệ.

Cập nhật lúc 15:11 25/01/2014
Người dân xã Xuân Tiến và Xuân Kiên (huyện Xuân Trường- Nam Định) đã thoát khỏi nỗi ám ảnh về rác nhờ dây chuyền xử lý rác thải tự chế của giáo dân Trần Văn Kiều. Anh Kiều đã tình nguyện đưa dây chuyền xử lý rác của mình vào phục vụ miễn phí, góp phần bảo vệ môi trường.
Xuân Tiến và Xuân Kiên là hai xã có mật độ dân số cao, riêng Xuân Tiến có 89% dân số theo đạo Công giáo, nổi tiếng khắp nước với làng nghề cơ khí Kiên Lao. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hai xã này đã có nhiều khởi sắc cả về đạo- đời: Đường làng ngõ xóm được nâng cấp khang trang, nhà thờ xứ đạo to đẹp, nhiều hộ có thu nhâp hàng trăm triệu đồng/năm… Nhưng chất lượng cuộc sống của người dân lại có nguy cơ bị đe dọa bởi…rác. Mỗi ngày người dân hai xã thải ra môi trường khoảng 20 tấn rác, tháng qua tháng, năm này sang năm khác, rác tích tụ thành đống mà chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác, giáo dân Trần Văn Kiều (xứ đạo Kiên Lao- xã Xuân Tiến- Xuân Trường) đã nung nấu quyết tâm chế tạo ra chiếc máy có khả năng xử lý rác hiệu quả mà giá thành lại rẻ. Với những tố chất của con nhà nòi trong nghề cơ khí, kết hợp với kiến thức khoa học hiện đại và những tham khảo thực tế một số hệ thống xử lý rác ở nơi khác, anh Kiều đã chế tạo thành công lò đốt rác và dây chuyền nghiền rác với những ưu điểm phù hợp với thực tiễn làng quê.
Đối với lò đốt rác, ưu điểm ở chỗ giá thành thấp, vận hành đơn giản và không cần cấp nhiên liệu. Trong quá trình vận hành, lò đốt sẽ tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng để hoạt động. Theo đó, sau khi phân loại sơ bộ, rác được đưa vào buồng đốt sơ cấp sẽ thu nhiệt từ không khí nóng của buồng đốt, nhiệt độ của rác đạt trên 1000C, quá trình thoát hơi ẩm xảy ra mãnh liệt. Khi nhiệt tiếp tục tăng, sẽ xảy ra quá trình nhiệt phân chất thải và sinh ra khi gas. Sự có mặt của oxy và khí gas trong buồng nhiệt phân ở nhiệt độ cao đã xảy ra quá trình cháy, nhiệt sinh ra lại tiếp tục cấp cho quá trình nhiệt phân. Vì vậy, đã xảy ra quá trình “tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng” mà không cần phải bổ sung thêm năng lượng từ bên ngoài. Gas sinh ra  từ quá trình nhiệt phân không chỉ đốt cháy rác ở buồng đốt sơ cấp mà còn tiếp tục lên buồng đốt thứ cấp để đốt gần như triệt khói độc, khí còn lại sẽ qua thiết bị xử lý khí thải trước khi ra môi trường.
Với phương pháp nhiệt phân tự sinh năng lượng này, lò đốt rác của anh Kiều tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành, rác được đốt triệt để, khí độc trong khói thải ra được xử lý. Anh Kiều đã đưa lò đốt rác tự chế trị giá hơn 500 triệu đồng của mình vào sử dụng miễn phí tại khu xử lý rác ở xã Xuân Tiến. Khu xử lý rác này do anh Kiều bỏ tiền xây dựng trên khu đất do chính quyền xã quy hoạch. Ông Mai Xuân Thành- Chủ tịch UBND xã  Xuân Tiến cho biết, trước kia rác ở Xuân Tiến đổ thành đống cao, đe dọa môi trường. Khi lò đốt rác hoạt động, đống rác đó đã được xử lý nhanh chóng. Hiện nay, hàng ngày xã đều có đội đi thu gom rác, đưa về xử lý bằng lò đốt của anh Kiều. Với công suất 1 tấn/giờ, lượng rác sinh hoạt đã được xử lý hết, nỗi ám ảnh về rác không còn, nút thắt trong xây dựng nông thôn mới cũng được tháo gỡ.
Ngoài thành công trong chế tạo lò đốt rác, giáo dân Trần Văn Kiều còn chế tạo và đưa vào ứng dụng dây chuyền nghiền rác. Dây chuyền nghiền rác này đang được sử dụng tại xã Xuân Kiên có nhiều ưu điểm: Nghiền được các loại rác hữu cơ, vô cơ; nghiền nhỏ các loại chất thải rắn như gạch, ngói, thủy tinh, công suất nghiền 5 tấn rác/giờ nhưng chỉ hết 15kw điện.  Rác sau khi được nghiền đã giảm 70 - 80% thể tích nên tiết kiệm rất nhiều diện tích chôn lấp. “Khi chưa có dây chuyền nghiền rác, chúng tôi rất lo không biết chứa rác ở đâu, dù xã đã quy hoạch bãi rác rất rộng. Máy nghiền rác đã giúp cảnh quan môi trường trở nên thân thiện”,  ông Trịnh Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Kiên cho biết.
Mô hình lò đốt rác và dây chuyền nghiền rác giá thành thấp, tiết kiệm chi phí vận hành của anh Kiều đã góp phần giải quyết vấn nạn rác ở địa phương, được lãnh đạo tỉnh Nam Định đến thăm và đánh giá là mô hình có những ưu điểm phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Anh Kiều vinh dự được UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen vì có thành tích sáng tạo khoa học- công nghệ, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trước đó, anh đã được Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học & Công nghệ tuyên dương là Tài năng trẻ Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2012, được vinh danh là “Nhà nông trẻ xuất sắc" giải thưởng Lương Định Của 2011.
Bài, ảnh: An Luých
Thông tin khác:
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Tp. Đà Nẵng thăm chúc tết Giáp ngọ (25/01/2014)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thăm và chúc tết các cơ quan Trung ương... (11/01/2014)
Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tổng kết năm 2013 (11/01/2014)
Doanh nhân Công giáo Việt Nam tiêu biểu thời kỳ hội nhập và phát triển. (10/01/2014)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba (09/01/2014)
Tưng bừng mừng lễ Giáng sinh (25/12/2013)
Quảng Bình: Tổ chức thăm và tặng quà chúc mừng các chức sắc, bà con giáo dân nhân dịp Lễ Noel năm 2013 (24/12/2013)
Chúc mừng Giáng sinh các chức sắc và giáo dân tại Lạng Sơn, Thanh Hóa (24/12/2013)
Đức Thọ, Hà Tĩnh: Chúc mừng giáo xứ Nghĩa Yên nhân dịp Lễ Noel (21/12/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log