Tin tức - Hoạt động

TẾT KHÁNG CHIẾN ĐẦU TIÊN của BÁC HỒ

Cập nhật lúc 11:20 23/01/2017
Theo hồi ký của ông Vũ Kỳ - cố Thư kí riêng của Bác Hồ, vào đêm ngày 19/12/1946, Bác rời làng Vạn Phúc (thị xã Hà Đông) để đến Xuân Dương, huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội).

Bác Hồ ân cần, động viên các cháu con em xã viên Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh chăm ngoan, học giỏi (1965) (ảnh TL).
     Tại đây, ông Trần Đăng Ninh đã bố trí cho Bác ở trong một căn buồng của gia đình ông Nguyễn Huy Chúc, tuy có chật chội hơn một số nơi ở trước đó nhưng rất kín đáo. Từ căn buồng này, nhiều chỉ thị và những lời thăm hỏi của Bác đã được truyền đi khắp mọi miền của Tổ quốc, đến từng chiến hào, góc phố của Thủ đô Hà Nội đang ngày đêm anh dũng đánh giặc…

     Ngay sáng ngày 01/01/1947, Bác Hồ đã khai bút đầu xuân gửi đến đồng bào cả nước: “Tết đã đến! Theo tục lệ thì đồng bào từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến thôn quê, ai cũng sắm sửa ăn Tết, song Tết này phải là Tết kháng chiến”. Ngày 13/01/1947 (tức 22 tháng Chạp âm lịch), trong khi các gia đình đã tát ao, bắt cá chép chuẩn bị cho ngày hôm sau cúng tiễn ông Táo lên chầu Trời, thì Bác lại chuẩn bị chuyển địa điểm. 18 giờ 45 phút ngày hôm ấy, Bác lên xe ở một đoạn đê vắng. Mùa đông trời tối nhanh. Gió lạnh, mây nhiều như muốn mưa. Chiếc xe đã cũ, máy ọc ạch, chạy chầm chậm trên đường đê mấp mô, đầy sống trâu và ổ gà để qua phà Ba Thá sang đất thuộc huyện Chương Mỹ. Khoảng nửa đêm, Bác và ông Vũ Kỳ tới xóm Lai Cài của thôn Phú Đa, thuộc xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất (tỉnh Sơn Tây cũ - nay thuộc Hà Nội). Chính tại địa điểm này, Bác đã viết bài thơ chúc Tết xuân Đinh Hợi để cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kì, anh dũng của dân tộc.

     Mùa xuân 1947 năm ấy, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang ở giai đoạn đầu. Chính phủ ta sau đó lại phải chuyển lên Việt Bắc, trong lòng Hà Nội chỉ có những chiến sĩ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” giữa vòng vây của kẻ thù để bảo vệ Thủ đô yêu quí. Những dòng thơ chúc Tết của Bác viết chỉ hơn một tuần sau đó đã vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam như một hồi kèn xung trận. Lời lẽ và nhịp điệu bài thơ thật hào hùng, sang sảng như lời Hịch Tướng Sĩ, như tiếng Bình Ngô Đại Cáo năm nào, mang đầy hào khí non sông đất nước, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn quân toàn dân ta với một quyết tâm sắt đá “Kháng chiến nhất định thắng lợi”: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kì kháng chiến, nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”.

     Thật là hào khí ngất trời và niềm tin sắt đá. Cả dân tộc ta đã có đường lối đúng đắn “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, có sức mạnh nhân dân đoàn kết “Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng”, có yếu tố con người trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc “Sức ta đã mạnh, người ta đã đông”. Bác đã chỉ ra cho đồng bào và chiến sĩ cả nước thấy rõ những điều cơ bản nhất của cuộc kháng chiến chính nghĩa ngay trong mùa xuân đầu đánh giặc, khiến cho bài thơ xuân mở màn cho cuộc kháng chiến mà như đã cầm chắc thắng trong tay. Buổi đầu kháng chiến, Bác muốn toàn dân ta phải thuộc lấy đường lối, nhiệm vụ cách mạng đã được cô đúc, kết tinh trong các câu chữ để toàn dân dễ nhớ và dễ thuộc…

     Ngày 21/01/1947 (tức đêm 30 Tết Đinh Hợi), ngay sau khi Bác Hồ chủ trì phiên họp cuối năm và chúc Tết Hội đồng Chính phủ tại phủ Quốc Oai (thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội ngày nay), mặc dù trong cảnh mưa phùn gió gió bấc của đêm 30 Tết, Bác đã đến Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại chùa Trầm (thuộc huyện Chương Mĩ, Hà Nội ngày nay) để đọc thơ chúc mừng năm mới đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài bằng những lời thơ xuân. Ngay chiều 30 Tết hôm đó, sau bữa cơm độn sắn thường ngày, Bác đi họp Hội đồng Chính phủ. Trời mưa phùn, đường trơn, xe vừa ra khỏi xóm một quãng thì bị trật bánh đổ nghiêng xuống ruộng. Thế là tối 30 Tết, phải đi tìm người khênh giúp xe. Đánh vật với xe, với đường mãi đến 9 giờ tối mới tới nơi. Hội đồng Chính phủ họp phiên tất niên trong phủ Quốc Oai hơn 10 giờ đêm mới xong, Bác lại tiếp tục lên đường tới Đài phát thanh để đọc thơ chúc Tết đồng bào cả nước. Trời mưa càng nặng hạt, đường rất trơn. Nhiều đoạn bánh xe quay tít mà xe vẫn cứ nằm yên tại chỗ. Thế là mọi người lại xuống đẩy. Trời tối, cái tối của đêm 30, ánh đèn pha chiếu phía trước nhòe đi trong mưa, chỉ soi được chừng vài mét làm ai nấy đều lo lắng. Bằng bất cứ giá nào Bác cũng phải có mặt ở Đài phát thanh đúng 12 giờ đêm để đọc lời chúc mừng năm mới đồng bào và chiến sĩ cả nước. Mấy ai biết được rằng, giờ này đây, trong lúc mọi miền đất nước đang chuẩn bị đón chờ giọng nói thân yêu của Bác Hồ trên làn sóng điện, thì chính Bác lại đang ở giữa một cánh đồng dưới trời mưa, đêm tối và gió lạnh với chiếc xe ọc ạch, lúc thì trượt bánh, lúc thì sa lầy, nhưng Bác vẫn động viên mọi người bình tĩnh. Và cuối cùng chiếc xe vẫn “cần cù, chịu khó” đưa mọi người đến nơi an toàn. Lúc đó đã gần 12 giờ đêm. Cán bộ công nhân của Đài và sư cụ ở chùa Trầm rất vui mừng khi thấy Bác đến. Ông Trần Lâm - người phụ trách Đài và ông Trần Kim Tuyến đưa Bác vào nhà trái của chùa. Ở đây đã đặt sẵn chiếc máy thu đĩa mềm để ghi lời chúc Tết của Bác, chiếc máy này do Việt kiều tặng khi phái đoàn ta sang Pháp họp Hội nghị Phôngtennơblô. Thu thanh xong, Bác Hồ ra nhà ngoài thân mật nói chuyện với các vị sư và anh chị em của Đài. Bác cảm ơn nhà chùa đã cho Đài ở nhờ, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên phải chu đáo, phải tôn trọng lễ giáo. Bác ân cần thăm hỏi về tình hình ăn ở, sinh hoạt, công tác hàng ngày, hỏi các cán bộ phụ trách lo liệu cho cơ quan đón Tết kháng chiến đầu tiên như thế nào. Bác yêu cầu Đài thực hiện quân sự hóa trong nếp sống kháng chiến, nhắc nhở anh chị em thương yêu đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, gắng khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống và trong công tác, để giữ vững tiếng nói Việt Nam kháng chiến với đồng bào, chiến sĩ cả nước và bè bạn khắp năm châu. Sau đó, Bác nói với ông Trần Lâm cho xin mấy tờ giấy hồng. Rồi trải giấy xuống nền nhà, Bác đã viết hai câu đối: “Kháng chiến tất thắng/ Kiến quốc tất thành” bằng chữ Hán. Một đôi Bác đem về làm thiếp chúc mừng năm mới cho chủ nhà, đôi còn lại Bác tặng cho sư cụ chùa Trầm. Ở đây còn có một số anh em bè bạn các nước đến góp phần với Việt Nam kháng chiến. Họ rất xúc động lắng nghe lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc Bác sắp ra về, sư cụ chùa Trầm xin được yết kiến, chú tiểu thành kính đội mâm bánh chưng theo sau. Sư cụ nhìn Bác Hồ, giọng xúc động: “Đây là lòng thành của nhà chùa kính dâng, mong Chủ tịch nhận cho”. Bác cảm ơn sư cụ và chúc nhà chùa sang năm mới càng ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công.

     12 giờ 45 phút, Bác Hồ mới ra xe trở về nhà. Trời vẫn mưa nặng hạt, đường càng thêm lầy lội. Lại phải xuống đẩy xe, ai nấy quần áo đều bê bết bùn đất. Về đến cách nhà 2 km, xe tụt cả hai bánh trước xuống ruộng. Có người nêu ý kiến nên đi nhờ người khênh giúp xe. Nhưng Bác bảo đừng phiền đồng bào vào giờ này nữa. Thế là Bác cùng mọi người xuống xe đi bộ, lần theo bờ ruộng về nhà, lúc bấy giờ đã lác đác có tiếng gà gáy vang lên trong thôn xóm. Các gia đình đã bắt đàu trở dậy để sửa soạn lễ Tết cúng tổ tiên…
 
Nguyễn Duy Cách
Thông tin khác:
Rạo rực mùa xuân (23/01/2017)
Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 2016 (20/01/2017)
Nhìn lại đất nước năm 2016 (18/01/2017)
Mặt trận chú trọng đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở (17/01/2017)
Ý chỉ cầu nguyện truyền giáo tháng giêng 2017 (09/01/2017)
Sứ điệp Hoà bình 2017: Lắng nghe và suy nghĩ (06/01/2017)
120 người đăng ký hiến tặng giác mạc (06/01/2017)
Sức mạnh của lời cầu nguyện (06/01/2017)
Thái Bình phát triển giáo dục và truyền giáo 2017 (05/01/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log