Tin tức - Hoạt động

Giáo hội với gia đình

Cập nhật lúc 15:14 03/11/2017
Gia đình là một cơ cấu hết sức lớn lao và bao trùm, với kiến thức ít ỏi, hạn hẹp, tôi chỉ xin phép được nhắc đến với nỗi ưu tư, lo lắng từ gia đình mình và bày tỏ sự biết ơn đến với Hội thánh Công giáo đã quan tâm, tìm mọi cách để bảo vệ và nâng đỡ GIA ĐÌNH.
Định nghĩa 

Theo Từ điển Công giáo phổ thông, do Lm Phêrô Đặng Xuân Thành chủ biên: Gia đình là: Một nhóm người có liên hệ với nhau do hôn nhân hay do máu mủ, cụ thể gồm có một người cha, một người mẹ và con cái. Gia đình là một xã hội tự nhiên, có quyền sinh tồn và được nâng đỡ, những quyền này đã được luật Chúa quy định. Theo Công đồng Vatican II: “Gia đình là nền tảng của xã hội” (MV II, 52). Ngoài gia đình tự nhiên, Hội Thánh còn công nhận gia đình siêu nhiên là giáo phận và cộng đoàn tu trì. Các hội viên của gia đình đó phải chung sức xây dựng Thân Thể Chúa Kitô (GM 34; GH 43) (la tinh familia, gia đình, các phần tử trong một nhà; do famulus, đầy tớ, người hầu).

Theo Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh, gia đình là chỗ gia quyến đoàn tụ với nhau (famille). 

Đức Giêsu đã nhập thể, nhập thế qua cung lòng Đức Trinh nữ Maria, sống trong gia đình Nagiaret mà hàng năm Giáo hội đã dành một lễ tôn kính Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh cả Giuse, sau lễ Giáng sinh, với ý thức “ Gia đình là nền tảng của xã hội; Gia đình là con đường của Giáo hội”.

Trong ba mươi năm, Đức Giêsu sống dưới mái ấm gia đình Nagiaret, lao động và học tập với Đức Mẹ và Thánh Giuse, đã được chuẩn bị một cách tốt nhất cho hành trình truyền giáo đầy gian nan, khổ ải đến cái chết Cứu độ trên thập giá. Mở đầu cho công cuộc truyền giáo, Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã ưu tiên cho việc củng cố tình yêu đôi lứa trong gia đình là khởi đầu cho những khó khăn, nhọc nhằn trong công việc kiếm sống và giáo dục con cái. Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã giải cứu những khó khăn đầu đời của đôi tân hôn: một tiệc cưới  đang vui lại thiếu rượu thì rồi  không biết sẽ đi đến đâu ?! Với tâm tình của người mẹ hiền lo lắng cho họ, thương họ, Đức Maria đã cầu xin Chúa giúp. Biết rõ tấm lòng hay xót thương của Chúa, Mẹ đã bảo gia nhân “Người bảo sao thì cứ làm như vậy” và sáu chum nước lã đã thành rượu ngon, làm nức lòng bà con xóm giềng, họ hàng của đôi trẻ. Tiệc cưới Cana là khởi đầu hết sức ý nghĩa về việc Thiên Chúa quan tâm đến hạnh phúc gia đình. (Ga 2, 1-11)

Trên đường truyền giáo, Đức Giêsu và các môn đệ, cũng đã chọn một gia đình đạo hạnh, gia đình ông Lagiarô và hai chị Matta, Maria, làm nơi nghỉ chân những lúc nắng mưa. Và cũng chính nơi đây, một “Niềm vui của Tin Mừng” được thể hiện khi Chúa cho Lagiarô đã chết được sống lại. Một niềm vui khôn tả, một mạc khải vĩ đại về “ sự sống lại” trong Tin Mừng. (Ga 11, 1-44).

Trong NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU,  số 21, Tông Huấn đã cho thấy: “Chính Đức Giêsu được sinh ra trong một gia đình khiêm hạ, sớm đã phải trốn chạy sang một vùng đất xa lạ. Người ghé thăm nhà của Phêrô nơi bà mẹ vợ của ông đang nằm bệnh (Mc1, 30-31); Người liên đới với nhà ông Giairô hay nhà của Lagiarô trong biến cố đau buồn chết chóc (Mc 5,22-24.35-43; Ga 11,1-44); Người nghe được tiếng kêu khóc tuyệt vọng của bà góa thành Nain trước cảnh đứa con bà đã chết (Lc 7,11-15); Người chạnh lòng trước lời khẩn cầu của người cha có đứa con bị động kinh trong một ngôi làng nhỏ thôn quê (Mac 9, 17-27). Người gặp gỡ những người thu thuế như Matthêu hay Giakêu trong nhà riêng của họ (Mth 9, 9-13; Lc 19, 1-10), và cả những người tội lỗi như người phụ nữ đã lẻn vào ngôi nhà của người biệt phái (Lc 7, 36-50). Người biết những lo âu và căng thẳng mà các gia đình phải chịu đựng, và Người đã đưa chúng vào trong các dụ ngôn của Người: từ những đứa con bỏ nhà cha mẹ đi hoang (Lc 15, 11-32) cho đến những đứa con khó khăn ương bướng (Mt 21, 28-31) hay làm mồi cho bạo lực (Mc 12, 1-9) Và Người cũng quan tâm đến tiệc cưới gặp lúng túng vì có nguy cơ bị thiếu rượu (Ga 2, 1-10) hay vì khách mời không tới dự tiệc (Mt 22,1-10), Người còn biết cả đến nỗi lo của một gia đình nghèo lỡ đánh mất một đồng xu (Lc 15, 8-10).”

Số 22. “Lướt qua toàn cảnh như thế, chúng ta có thể thừa nhận rằng Lời Chúa không được mạc khải như một chuỗi luận đề trừu tượng, mà như một người bạn đồng hành an ủi ngay cả các gia đình đang gặp khủng khoảng hay đang trải qua đau khổ nào đó, và chỉ cho họ thấy đích đến của cuộc hành trình, khi mà Thiên Chúa “sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa”. (Kh 21,4)

Để đảm bảo cho hạnh phúc gia đình, hôn nhân gia đình bền vững, Đức Giêsu đã công bố một điều luật: Bất khả phân ly của hôn nhân.(đơn hôn và vĩnh hôn). 

“Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly”. (Mt 19,1-9) (Mc10, 1-12)
Tiếp nối công cuộc cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Hội Thánh Công giáo đã luôn quan tâm đến vấn đề  Gia đình: Hạnh phúc gia đinh, cuộc sống gia đình... Chỉ nói đến những thập niên gần đây đã cho thấy Hội Thánh Công giáo đã rất nặng lòng với các vấn đề về gia đình. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã ra Tông huấn THĐ các bổn phận của gia đình, Familỉaris Consortio (22/11/1981). Và ngày nay, đứng trước những suy thoái về gia đình, Đức Thánh Cha Phanxicô hầu như đã đặt cả tâm tình của vị làm chủ gia đình Hội Thánh vào vấn đề gia đình. Ngay trang đầu của Tông huấn “Niềm vui của tình yêu- Amoris Laetitia” đã nói lên điều đó: “NIỀM VUI của TÌNH YÊU trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội Thánh. Như các nghị phụ trong Thượng hội đồng đã ghi nhận, mặc dù vẫn có nhiều dấu chỉ cho thấy có khủng hoảng trong đời sống hôn nhân “ khát vọng có được một mái ấm gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt nơi những người trẻ, và vẫn đang là cảm hứng của Hội thánh”. Như một đáp ứng khát vọng “loan báo Kitô giáo về gia đình đích thực là một tin vui”. (số 1) Và  tiếp theo Thượng Hội đồng giúp chúng ta có cái nhìn rộng lớn hơn và ý thức mới mẻ hơn về tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình. (xem: Gia đình trong các văn kiện của Giáo hội, từ số 67-71 trong Tông Huấn Niềm vui của Tình yêu)...

Trong toàn bộ Tông Huấn, dù chỉ là một giáo hữu rất bình thường, tôi cũng nhận ra nơi Đức Thánh Cha, vị cha chung của Giáo hội đã có những quan tâm hết sức sâu sắc, chi tiết từng góc cạnh của đời sống gia đình và những liên quan trong mục vụ. Tôi thực sự cảm động khi đọc Tông huấn này và trong tâm tình kính mến thẳm sâu, tôi thấy Ngài như đã chia sẻ những khó khăn, yếu đuối của cái gia đình bé nhỏ này của tôi.
 
NGUYỄN MAI
Thông tin khác:
Hà Nam: Đồng bào Công giáo tích cực thi đua yêu nước (02/11/2017)
Khai mạc Đại hội Caritas Việt Nam năm 2017 (01/11/2017)
Đức giáo hoàng Phanxicô gặp Đức Thượng phụ Chính thống Hy Lạp Theophilos (01/11/2017)
Kinh Lạy Cha mới sẽ có hiệu lực vào ngày 3 tháng 12-2017 (01/11/2017)
Chủng Viện Thanh Hóa đi cứu trợ lũ lụt tại 3 GX Phong Ý, Vân Lung, Thanh Thủy (31/10/2017)
Khai mạc Đại hội Caritas Việt Nam năm 2017 (31/10/2017)
Giáo hội cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở phía bắc (30/10/2017)
Thống kê năm 2015: Số tín hữu Công giáo trên thế giới gia tăng (30/10/2017)
Giúp người khuyết tật tham gia đời sống giáo xứ (30/10/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log