Tin tức - Hoạt động

Người Tây đón Tết Dương lịch tại Sài Gòn

Cập nhật lúc 09:03 22/01/2018
Đi một vòng gặp những người “bạn Tây” cũng như những người nước ngoài mới quen trên đường, chúng tôi được nghe câu chuyện đón Tết Dương Lịch của họ ở Sài Gòn với ít nhiều thú vị…

Ðã có hơn 10 năm sống, làm việc tại Việt Nam theo những chương trình từ thiện của tổ chức phi chính phủ, bà Elisa Daniles, 45 tuổi (người Mỹ) và Sharon Fiona Leah, 47 tuổi (người Anh) cho biết, đêm giao thừa ở Sài Gòn, họ thường rất nhớ gia đình, ba mẹ, anh chị em và bạn bè nơi quê nhà. Vì vậy, điều duy nhất để không phải buồn trong nỗi nhớ là... đi ngủ. Nếu siêng hơn thì hai bà quy tụ bạn bè cùng cảnh đến nhà chơi, ăn uống trò chuyện. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng tụ tập được nhiều vì người nước ngoài làm việc tại những công ty lớn ở Việt Nam luôn có thời gian nghỉ đông từ trước Giáng Sinh qua đến năm mới Dương Lịch, phần lớn họ đều bay về thăm gia đình. Chỉ những người làm công tác từ thiện đang thực hiện những dự án còn dang dở hay người làm những việc không ổn định với thu nhập vừa đủ sống mới ở lại đón “Tết Tây” tại Sài Gòn.

Cũng có anh chị em không ngủ mà thức “trắng đêm” cùng thành phố. Cô Jade Sullivan, 28 tuổi, người Canada, dạy tiếng Anh cho những nhóm sinh viên và nhận thù lao từng giờ là một trong số đó. Jade Sullivan vẫn tự tìm cho mình niềm vui, như lời cô: “Bất cứ ai cũng nhớ gia đình, bạn bè khi làm việc nơi đất khách. Tuy nhiên, đêm giao thừa mà nằm nhà thì buồn lắm. Ở Việt Nam, rất dễ kết bạn và gia nhập một cộng đồng. Thí dụ, tôi đạo Tin Lành và dạy tiếng Anh. Trong cộng đồng Tin Lành đã có bạn cùng ngôn ngữ, thêm cùng công việc nữa, chúng tôi hoàn toàn không cô đơn dù thiếu vắng gia đình vào dịp Tết”. Còn với Emily Bossom, 27 tuổi, người Anh thì gặp gỡ những nước ngoài cùng nói tiếng Anh tại Sài Gòn để trao đổi kinh nghiệm gia sư tại các quán cà phê Anh ngữ ở quận 2, Tân Phú hay ghé vào một quán nào đó trên phố Tây Phạm Ngũ Lão cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Nhờ đó, họ không cảm thấy nhớ nhà và buồn chán gì. Thomas Fred, người Mỹ, 28 tuổi lại hứng khởi kể: “Sau khi tốt nghiệp, tôi sang Việt Nam như một nơi học hỏi kinh nghiệm và tích lũy kỹ năng sống. Tôi dạy thể dục dụng cụ và Anh văn tại Sài Gòn, thấm thoát cũng đã 3 năm rồi. Năm nào cũng vậy, đêm giao thừa, chúng tôi rủ nhau cùng ra trung tâm thành phố xem bắn pháo hoa. Sau đó mỗi người cùng vào một quán nhỏ vệ đường ăn uống, tán dóc rồi lại cầm chai bia đi loanh quanh ngắm cảnh và người cho đến sáng hôm sau mới về nhà trọ ngủ”. Và Paul Bishop, người Mỹ, bạn cùng phòng với Thomas kết luận: “Thế cũng đủ vui và quên nỗi nhớ nhà”.

Không ít thanh niên đến từ một số nước khá chật vật tìm một chỗ đứng tại Sài Gòn. Có người xin bán hàng tại những cửa hàng đồ lưu niệm hoặc bưng bê trong các nhà hàng dành cho người nước ngoài với thu nhập khá khiêm tốn. Vì vậy, đôi khi một bữa ăn vui vẻ lề đường cũng là món xa xỉ. Thế nên ngày cuối năm, ngay từ rất sớm, họ đã mang theo ít thức ăn, cầm theo chai bia hoặc chai nước lọc, lang thang trên những con đường Sài Gòn, chờ ngắm pháo bông xong rồi về. Có người không nghỉ làm vào dịp này như Paul Carlos, 20 tuổi, người Ý: “Tôi làm ở quán rượu đến sáng vì người ta vào quán đón giao thừa, mình tham gia luôn, vừa có tiền, vừa vui”. Hay như Tino, một bạn trẻ người Nga: “Tôi bán hàng suốt và cùng vui với các nhân viên của cửa hàng quà lưu niệm”.

Mỗi người một chai bia đủ vui Tết cùng bạn bè (ảnh: nhân vật cung cấp)

Không phải ai cũng thích “rong ruổi” hay ăn quán lề đường. Bill Thompson, 38 tuổi, đến từ New Zealand, làm việc tại một ngân hàng với thu nhập cao nên ngày đầu năm hay cùng các bạn tham gia bữa tiệc buffet đón Tết tại các nhà hàng lớn như Caravelle, Majestic, Continental...; có năm thì đến một nhà hàng nhỏ ở phố Tây tại Sài Gòn để ăn nhẹ. Ở đây, người ta cũng tổ chức đón Tết Tây cho khách. Khi chỉ còn 10 giây là sang năm mới, mọi người cùng đếm ngược 10, 9…đến số 1 thì màn hình lớn giữa phòng hiện lên pháo hoa, bong bóng treo trong phòng được chích nổ liên tục cùng với tiếng khui rượu sâm banh và mọi người cùng hát bản “Auld Land Side” theo ban nhạc sống hoặc theo video của nhà hàng. Dù quen hay lạ, ai nấy cũng đều chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Anh Bill cho biết thêm: “Giao thừa đúng 12 giờ nhưng mọi người đã đến bữa tiệc lúc 10 giờ để làm quen, giao lưu. Thật ra chúng tôi cũng là một cộng đồng nhỏ nên phần lớn đều biết nhau, nếu có thêm bạn bè mới thì cũng rất dễ làm quen, nhất là trong tâm trạng một người xa quê”.

Một bộ phận người nước ngoài làm việc tại Sài Gòn từ trước Giáng Sinh đã đăng ký các “tua” đi du lịch trong nước. Người thì đón tết Tây ở những khu nghỉ dưỡng miền biển, người lại về vùng quê sông nước chèo ghe, bắt cá… Theo họ, làm việc ở Việt Nam cũng nên đi đến những miền sông nước ruộng đồng trong nước để tìm hiểu văn hóa và cách sống của người Việt. Như thế, vừa thư giãn, vừa là dịp gom góp vốn sống để tiện lợi cho công việc kinh doanh của mình.

Mỗi người mỗi kiểu, những vị khách Tây trên đất Việt ở Sài thành này đều tìm cho mình một niềm vui riêng cùng dân bản xứ để quên đi nỗi nhớ nhà trong ngày cuối và đầu năm mới.

NGUYỄN NGỌC HÀ
Nguồn:
Báo Công giáo và Dân tộc

Thông tin khác:
Thánh Lễ Trao Tác Vụ Phó Tế Dòng Đa Minh (22/01/2018)
Đêm nhạc ' CA VANG TÌNH CHÚA" của Sinh Viên Công Giáo , Giáo Phận Long Xuyên (18/01/2018)
Phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh tới Hà Nội (18/01/2018)
Nét đẹp của người có Chúa (17/01/2018)
Hình ảnh ĐGH Phanxicô thăm các trẻ em bị bệnh vào đêm trước Lễ Hiển linh (17/01/2018)
Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn lần thứ 104 (16/01/2018)
Kỷ niệm 110 năm giáo xứ Hà Đông (16/01/2018)
Giáo Phận Vĩnh Long: 80 Năm Hồng Ân (15/01/2018)
"Đêm Yêu Thương 2017" tại Dòng Thánh Tâm Huế (15/01/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log