Tin tức - Hoạt động

Phiên chợ Tết vùng cao

Cập nhật lúc 12:18 02/03/2018
Chợ phiên San Thàng- xã San Thàng (thị xã Lai Châu) trong những ngày Tết đông vui hẳn lên.
Ngoài việc mua bán trao đổi hàng hóa, phiên chợ cũng là nơi bà con gặp gỡ, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Ảnh: Việt Cường
Ngoài việc mua bán trao đổi hàng hóa, phiên chợ cũng là nơi bà con gặp gỡ, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. 
Tôi cũng dậy sớm để lang thang trên những con đường vắt chùng chình như sợi dây từ các bản trên đỉnh núi xuống chợ. Từ lúc mờ sương bà con đã nô nức kéo nhau đổ về vui thật, đúng là con đường đi chợ miền núi chẳng khác gì trẩy hội ở miền xuôi. Từ trên cao nhìn xuống, chợ như một bông hoa nhiều màu với những cánh hoa biết lay động, sắc màu trang phục nữ các dân tộc như tô thêm cho màu xanh của núi rừng sức sống mới đầy cuốn hút bất tận. Mặc đẹp nhất, sặc sỡ nhất là các cô gái người Mông, Hà Nhì, La Hủ, Dao, Lự, trang phục nhiều màu đỏ và đen, sinh động về màu sắc và những đường nét uốn lượn. Các chàng trai, cô gái Thái trang phục giản dị hơn; áo cóm trắng, xanh, hồng rồi chiếc váy đen làm nổi bật lên nét đẹp của người phụ nữ Thái "thắt đáy lưng ong, chịu thương, chịu khó", họ cùng cười nói nối đuôi nhau xuống chợ. Trang phục của các cô gái Dao đỏ thật giản dị, hoa văn được thêu khéo léo bằng chỉ đỏ mềm ở viền của trang phục. Các cô gái Dao đỏ da trắng hồng, xinh đẹp, càng tạo nên sự giản dị mà đẹp đến thanh khiết.
 
Điều đặc biệt của phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Lai Châu là họ không bao giờ từ bỏ hoàn toàn trang phục của mình áo rách, đội khăn cũ đi chợ phiên. Điều này, bà con vùng cao xuống chợ là đi chơi chợ chứ không phải là đi chợ đơn thuần để trao đổi hàng hóa. Khi đi chơi chợ theo từng tốp, từng tốp nam thanh nữ tú; nam cầm theo khèn, đèn pin hoặc chiếc đài thu thanh nhỏ có băng nhạc hát bài dân ca của dân tộc mình đã thu sẵn; nữ thường đi từng tốp năm, ba người cầm ô líu ríu xuống chợ.


 
Đồng bào vùng cao đi chợ không thực tế như người dân ở miền xuôi. Họ đi chợ để được gặp mặt, để vui, để tìm bạn, tìm cố nhân hoặc tìm người thương. Hàng hóa mang đến chợ tuy không nhiều nhưng rất thú vị, ngoài những mặt hàng được đưa từ xuôi lên, phần lớn vẫn là hàng hóa địa phương. Vùng cao, nơi núi đá nhiều hơn nương, hơn ruộng, quanh năm mây mù bao phủ; người vùng cao làm ra hạt gạo, hạt ngô, củ sắn, củ khoai và những hoa màu khác để dùng, còn thừa thì mang ra chợ bán nên hương vị của nó rất đậm dấu ấn của đất, của rừng. Anh Tạ Xuân Tuấn (Công an tỉnh Lai Châu) cùng tôi xuống chợ phiên. Vừa đi, anh vừa chỉ cảnh những anh chàng dân tộc Mông nách cắp con gà trống, mào đỏ chót xuống chợ bán, mà các cán bộ, chiến sỹ công an Lai Châu thường nói với nhau rằng: Lai Châu có đặc sản hiếm nơi có được đó là "gà cắp nách", "lợn xách tay". Trong những ngày Tết, thực phẩm chính của người dân vùng cao Lai Châu chủ yếu là "gà cắp nách", "lợn xách tay" đó. Đây thực sự là một thực phẩm sạch, an toàn. Xuống chợ chị em người dân tộc thường gùi trên vai đủ thứ, nào là thảo dược, mật ong, chè, gạo, xâu cá... đem ra chợ bán. Người vùng cao thật thà, không biết nói thách cũng chẳng biết mặc cả. Ai mà mua bán xảo trá với đồng bào vùng cao thì thật không có lương tâm. Người miền xuôi băn khoăn, chẳng hiểu vì sao đồng bào lại mang những thứ chẳng có giá trị mấy vượt vài chục cây số đến chợ? Nhưng đâu phải là buôn bán mà số tiền bán được họ lại mời bạn bè, người thương vào uống rượu Sùng Phải nhấm với bát phở dong nóng hổi, thơm ngon để dốc bầu tâm sự.


 
Đi chợ xuân vùng vao thật là thú vị chợ đã quá trưa rồi mà còn đông những anh chàng người Mông cầm khèn vừa đi vừa thổi réo rắt. Tiếng khèn nói hộ nỗi lòng của các chàng trai Mông. Khèn gọi bạn, khèn tìm người yêu, khèn hò hẹn. Tiếng khèn theo gió gọi người tình:
 
Nỗi nhớ như mây bay lang thang sườn núi
Anh xa em cách trở mấy ngày đường
Chẳng phải đợi phiên chợ mới gặp mặt
Mùa này hoa ban trắng rừng đẹp như tình đôi ta.

Tiếng khèn mùa xuân dìu dặt trong các bản heo hút, say tình trong các phiên chợ vùng cao. 
Tiềng khèn như dốc hết gan ruột của các chàng trai đang khao khát yêu đương. Chàng trai vưa thổi khèn vừa nhảy theo nhịp khèn, các cô gái thì đứng nghe rồi lẩm nhẩm theo điệu nhạc. Cô nào mê tiếng khèn hay, lại đáp lại bằng những tiếng yêu thương:
“Em là bông hoa rừng
Tinh thủy chung trong trắng
Nồng nàn và tha thiết
Tinh yêu em nồng thắm
Như rượu cầm, nếp hương”
 
Các cô gái, các chàng trai tách khỏi tốp bạn để đi theo người yêu, dắt nhau ra bờ suối hoặc chân núi vắng người qua lại để tự tình, để hẹn thề với nhau, rồi chia tay nhau bằng những lời da diết khi ông mặt trời đỏ tròn đã dần khuất sau ngọn núi, để rồi lại phấp phỏng đến phiên chợ sau.
Chợ tan, những người vợ dìu chồng say rượu lên lưng ngựa rồi thủng thẳng đi về phía thung xa. Có đôi, khi lên dốc, chồng dắt ngựa, vợ nắm đuôi, con ngựa lôi lên; hay vợ ngồi trên lưng ngựa ngắm cảnh vật, đất trời vào xuân, hát cho chồng nghe những lời ca mà họ yêu thích, hoặc nói chuyện năm mới, tương lai.

Có nhà nghiên cứu về văn hóa dân tộc nói rằng: “Muốn tìm hiểu văn hóa vùng cao hãy đến chợ phiên", quả thật rất đúng. Chợ phiên là nơi hội tụ văn hóa các dân tộc anh em. Cuộc sống đồng bào còn nghèo, hàng hóa trao đổi mua sắm ở chợ phiên còn mộc mạc giản dị song chất văn hóa thì đậm đà, thật đáng yêu.
 
HOÀI NAM
Thông tin khác:
Tay phật và phật thủ (28/02/2018)
Yên Tử xuân này... (28/02/2018)
Con chó nhà Đức Chúa Trời (28/02/2018)
Người Công giáo ăn Tết như thế nào? (27/02/2018)
Xin ơn thánh hóa công ăn việc làm ngày mùng 3 Tết (27/02/2018)
Tết quê trong tâm thức gia đình trẻ (27/02/2018)
Mùa xuân xứ đá (27/02/2018)
Tết của nhà nghèo (26/02/2018)
Sống tốt đời, đẹp đạo (26/02/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log