Tin tức - Hoạt động

Khó khăn bài toán giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Cập nhật lúc 15:25 18/04/2018
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây ra hệ lụy lớn đối với xã hội và ảnh hưởng xấu tới chất lượng nòi giống cũng như chất lượng dân số.
Tuy nhiên, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ tảo hôn chung của các dân tộc thiểu số rất cao, lên đến 26,6%. Đặc biệt, một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao như: Mông 59,7%, Xinh Mun 56,3%, La Ha 52,7%, Gia Rai 42%, Raglay 38,3%, Bru-Vân Kiều 38,9%... Hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ 0,65%, tồn tại chủ yếu ở một số dân tộc có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và sống biệt lập như Mạ (4,41%), Mảng (4,36%), M'nông (4,02%), Xtiêng (3,67%)...

Điều tra cũng cho thấy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường xảy ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có địa hình và điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cộng đồng cư dân sống biệt lập. Nhiều xã tỷ lệ tảo hôn lên tới trên 50%, như tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, có tới 52% cặp vợ chồng kết hôn ở lứa tuổi 12 - 17. Mặc dù tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống thấp hơn so với tỷ lệ tảo hôn, tuy nhiên, tình trạng vẫn rất đáng lo ngại đối với các tộc người sống ở những khu vực được coi là “vùng lõm” về trình độ dân trí, tỷ lệ hộ nghèo cao với những hủ tục kéo dài.

Các nghiên cứu đã chỉ rõ: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Chính bản thân các em khi kết hôn sớm, kết hôn cận huyết thống sẽ là nạn nhân của thất học, không có việc làm, nghèo đói và bệnh tật. Đối với xã hội sẽ trở thành gánh nặng, tăng áp lực, chi phí cho xã hội; vô tình làm ảnh hưởng và cản trở các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế. 

Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện cơ quan Liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho rằng, phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số của Việt Nam là nhóm dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận các chính sách và hưởng thụ thành quả của sự phát triển và hội nhập xu thế chung của toàn cầu hiện nay. Nếu Chính phủ Việt Nam không có những biện pháp cụ thể để ngăn ngừa giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các vùng dân tộc thiểu số thì Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam sẽ khó hoàn thành.

Mặc dù Chính phủ đã phê duyệt và triển khai Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025" nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 2-3% số cặp tảo hôn và 3-5% số cặp kết hôn cận huyết thống; năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù kế hoạch thực hiện Đề án đã được ban hành nhưng hiện nay, công tác phối hợp giữa các bộ ngành vẫn còn hạn chế, thiếu đồng bộ.
 
Bùi An
Thông tin khác:
Để lễ hội thực sự văn hóa và ý nghĩa (16/04/2018)
5 năm trên ngai tòa Phêrô (10/04/2018)
Lời tiễn biệt Đức TGM Phaolô của UBĐKCG TP. HCM (09/04/2018)
Làng Fatima (05/04/2018)
Chiếc nôi văn hóa đức tin (04/04/2018)
Thực hiện tốt chế độ đãi ngộ đối với cô đỡ thôn bản (04/04/2018)
Đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền (03/04/2018)
Trọn mối tình duyên (29/03/2018)
Hàng Triệu Công Giáo Việt Nam chuẩn bị bước vào Tuần Thánh (22/03/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log