Tin tức - Hoạt động

Duyên nợ với làng mộc Kim Bồng

Cập nhật lúc 14:39 27/04/2018
Ông Tổ dòng họ Hoàng (khi vào Nam đổi là họ Huỳnh (do trùng với tên húy chúa Nguyễn Hoàng) vào thế kỷ 15 từ Thanh Hóa theo chân đoàn quân nhà Lê mở mang bờ cõi, vào lập làng, ấp tại Hội An cùng một số tộc họ khác.
Làng mộc Kim Bồng – một làng nghề được mệnh danh là xứ mộc tài hoa. Ảnh: Hoàng Hà
Làng mộc Kim Bồng – một làng nghề được mệnh danh là xứ mộc tài hoa. Ảnh: Hoàng Hà
Ngài cao tổ được chuyển hài cốt từ Thanh Hóa vào chôn cất, mộ còn nằm ở trung tâm thành phố Hội An. Đến đời thứ 9, nữa cuối thế kỷ 19, đời ông cố tôi là Huỳnh Viết Đệ sinh ra ông Huỳnh Viết Đảng – ông nội tôi, được ba tuổi, chẳng may ông cố bị bạo bệnh mất sớm. Bà cố tôi tái giá cùng một người thầy thuốc họ Đỗ về làng Cẩm Nam, Hội An. 

Chưa biết duyên nợ như thế nào mà 5 đời liền kề hiện nay, họ nhà tôi đa số đều làm thợ mộc. Câu chuyện bắt đầu từ khi ông cố tôi, sau khi sinh được vỏn vẹn ông nội tôi rồi bị bạo bênh mất đi. Lúc ông nội tôi lên ba tuổi, ra ven bờ sông Thu Bồn dạo chơi, chẳng may rơi ùm xuống dòng sông trôi mất hút. Người nhà tìm kiếm loanh quanh tại chỗ chẳng thấy, lo lắng, trộm nghĩ, chắc ông đã đi theo cha rồi…Tuy nhiên, sau đó, từ bến sông phía dưới, người trong làng tình cờ ra sông, thấy một thằng bé đang ngậm chiếc đũa bếp, ngữa mặt lên trời trôi lềnh bềnh. Họ vớt vào xốc nước nhưng ông vẫn tỉnh queo. Người ta bảo ông được mộc cứu (cây đũa bếp ông ngậm chặt làm bằng gỗ) Lớn lên, đáng ra ông theo nghề thuốc của cha kế như các em cùng mẹ khác cha, nhưng ông lại theo người cha kế học chữ quốc ngữ và chữ nho, còn chọn nghề mộc để làm kế sinh nhai như đa số người trong dòng họ cha ruột. 

Vượt qua những gian khó của đứa con mồ côi cha, ông cố công làm việc và học hành từ rất sớm. Khi đã trưởng thành về nghề nghiệp, ngoài truyền nghề cho những thanh niên trong làng, có ba người con trai ông cũng dạy cho học nghề thợ mộc hết, rồi tiếp tục đến đời cháu, đời chắc, theo bước chân ông cha vẫn giữ cái nghề này. Ông dạy học chữ và nghề, học chữ chỉ biết đọc, biết viết, biết tính toán để làm nghề. Ông kể lại, cũng chỉ có chút ít chữ nghĩa do cha kế dạy thôi, biết chừng nào dạy chừng nấy, rồi các học trò thông minh hỏi thêm ra, hỏi sâu hơn, ông lại tiếp tục tìm tòi, học hỏi thầy, bạn có điều kiện, được học hành tử tế, không lo cái bao tử cào cấu như ông, nên dần dần hiểu biết thêm hơn. Cứ thế là được học thêm, biết nhiều, theo kiểu “Nghề dạy nghề” để truyền lại cho lớp sau. Sau này, lúc đã có tuổi, ông lại biết thêm cái nghề thiên văn, địa lý, tử vi, phong thủy theo sách Tàu để giúp xem giờ ngày tháng tốt cho những sự kiện lớn của làng, xóm, họ tộc, của một đời người, khi họ khai trương, mở hàng, làm nhà, cất mộ; việc của làng khi cúng tế xuân thu hai kỳ trong một năm… Còn dạy nghề thì không phải chia ra làm từng công đoạn, từng sản phấm cụ thể, từng nguyên công…như hiện nay. Sau khi biết các thao tác đơn giản như cưa, bào, xẻ, đục, làm mộng để lắp ghép, tô, vẽ đơn giản hình hài muốn làm, khắc, chạm…cả hai, ba năm trời! Người ta cần đặt chi làm nấy, đặt cái tủ làm cái tủ, nhận cái rường nhà làm cái rường nhà…không sản xuất hàng loạt. Mỗi người chạm trỗ, khắc, đục…ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Học đến đâu áp dụng thực tế liền liền, lấy tiền để nuôi gia đình và nuôi đám học trò! 

Ngày xưa không có ngày hiến chương các nhà giáo, nhưng học trò rất phải đạo với thầy. Khi đang còn học cho đến khi thành nghề, bay nhảy tứ chiến giang hồ, nhưng đối xử tôn sư trọng đạo, cha mẹ học trò với thầy liên hệ mật thiết, ngày lễ, ngày tết đều thăm hỏi, lễ thầy, thầy trò gặp nhau cung kính lễ phép… Tuy đơn giản, mộc mạc nhưng chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm kính trọng, mến yêu, ấm áp tình người. Xét cho cùng, như là quy luật nhân quả của tạo hóa: cho cái gì nhận cái nấy! Không như bây giờ, quan hệ thầy trò trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, ở cả hai phía. Nhiều nhà giáo chân chính, nhiều học trò tử tế, cứ mong cái ngày xưa thân ái ấy!

Đến năm 1964, sau cái lụt lịch sử, nhà ông nội tôi chống cửa lên là thấy dòng Thu Bồn ngay trước mặt. Thế là một cuộc di dời toàn bộ gia đình sang vùng ven Phường Cẩm Phô nay là phường Tân An định cư trong một khuôn viên khá rộng vì đây là vùng đất trống, xa khu dân cư, toàn cát trắng, nắng cháy, kho có cây nào sống, ngoài loài lưỡi long – xương rồng và mồ mả. Tại đây, tất cả tài sản ông tích cóp trong một thời gian dài, để làm nên ngôi nhà rường ba gian hai chái. Cẩn thận hơn, ông cho làm một ngôi nhà ngầm dưới đất như căn hầm tránh đạn ở cái thời chiến tranh đang xảy ra. Tất cả sản phẩm chạm trỗ, điêu khắc… mà ông ưng ý để lại, sách vở, dụng cụ làm nghề, cố xay đá…được sắp xếp chật cứng như một bảo tàng gia đình. 

Ông lại tiếp tục công việc của mình. Thế mà đến mùa xuân Kỷ Dậu năm 1969, đạn pháo đã bắn trúng ngôi nhà, tất cả trở thành tro bui, may mắn cả nhà thoát chết trong gang tất. Điều đáng trân trọng đối với ông nội tôi, là khi tuổi già sức yếu, biết mình sẽ về với tiên tổ ông bà, ông ra sức miệt mài làm cho được hai chiếc giá kính, một để phổ hệ thờ dòng họ, hai để di ảnh thờ ông nôi và bà nội tôi, như một lời nhắn nhủ các thế hệ con cháu về sau, đoàn kết, giữ gìn truyền thống của ông cha, ra sức học tập để làm người tử tế, dù ở hoàn cảnh nào, “áo rách phải giữ lấy lề” và khi chọn một cái nghề thì phải sống chết với nghề để sinh sống, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội như cuộc đời của ông bà. Khi còn là cậu học sinh tiểu học cho đến trung học. Đi theo ba tôi, tôi đã chọn nghề thợ mộc, vừa học vừa làm để nuôi sống bản thân. Nghề mộc là nghề đầu tiên khi bước vào đời của tôi… 

Các thế hệ kế tục ông coi đó như một lời thề, phải sống xứng đáng với di sản của ông bà.
 
Huỳnh Viết Tư
Thông tin khác:
Thư chúc mừng của Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam trong dịp giáo phận Thanh Hoá có Tân giám mục (26/04/2018)
Giáo Hoàng bổ nhiệm Tân Giám mục Chính toà giáo phận Thanh Hoá (26/04/2018)
Những nhân chứng, hiện vật lịch sử (20/04/2018)
Khai mạc Năm Thánh mừng hồng ân 300 năm thành lập Hội dòng Mến Thánh giá Huế (19/04/2018)
Họ đạo Long Mỹ: ĐẠI LỄ LÒNG THƯƠNG XÓT (18/04/2018)
Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về việc nên thánh (18/04/2018)
Khó khăn bài toán giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (18/04/2018)
Để lễ hội thực sự văn hóa và ý nghĩa (16/04/2018)
5 năm trên ngai tòa Phêrô (10/04/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log