Tin tức - Hoạt động

117 thánh tử đạo Việt Nam

Cập nhật lúc 14:25 10/07/2018
177 thánh tử đạo Việt Nam
117 thánh tử đạo Việt Nam
I. MỘT SỰ KIỆN ĐÁNG GHI NHỚ

Một trong những sự kiện quan trọng năm 2018, Giáo hội Công giáo Việt Nam mừng kỷ niệm 30 năm (1988-2018) Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong 117 vị tử đạo Việt Nam lên hàng Hiển Thánh vào ngày 19/6/1988, dưới sự chứng kiến của trên 25 ngàn tín hữu, trong đó có 10 ngàn người Tây Ban Nha, 8 ngàn người Việt Nam từ hơn 25 quốc gia, và 3 ngàn người Pháp đã có mặt tại Quảng trường thánh Phêrô địa điểm hành lễ, cho đến nay đã là 30 năm kể từ ngày đăng quang rất trọng đại và vinh dự này, đã đưa Giáo hội Việt Nam lên ngôi vị thứ 6 những quốc gia có nhiều đấng thánh và cũng là lần đầu tiên trong gần 2.000 năm lịch sử Giáo hội Công giáo toàn thế giới đã tôn phong cùng một lượt 117 Á thánh tử đạo Việt Nam với số lượng nhiều nhất lên hàng Hiển Thánh.

Vì tầm quan trọng của biến cố lịch sử này, nên thời gian trước đâyhơn nửa năm trong Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 13/10/2017, đã lưu tâm tới việc này: “Ngày 19/6/2018 chúng ta hân hoan kỷ niệm 30 năm Tòa Thánh nâng 117 vị tử đạo lên hàng Hiển Thánh. Đây là một dấu son trong lịch sử và là niềm tự hào của Giáo hội Việt Nam, chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo hội những chứng nhân anh dũng, dám sống màu nhiệm, hạt lúa gieo vào lòng đất, chấp nhận chết đi để mang lại nhiều hoa trái (x. Ga 12, 23-25)...”

Mới đây nhất, trong khuôn khổ chuyến hành hương Ad Limina, các Đức Giám mục Việt Nam đã dành thời gian để tổ chức Hội nghị kỳ I/2018 của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Foyer Phát Diệm, Rôma và một thư chung gửi Cộng đoàn dân Chúa ngày 10/03/2018 cũng đã nhắc lại việc kỷ niệm 30 năm các vị tử đạo Việt Nam được nâng lên hàng Hiển Thánh cùng khuyên nhủ mọi thành phần dân Chúa nên: “Noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mỗi tín hữu chúng ta hãy nhiệt thành và cam đảm làm chứng cho đức tin trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang đổi thay từng ngày. Chứng tá ấy phải được khởi đi từng gia đình, nhờ đó lan tỏa và trở nên men, muối và ánh sáng cho mọi môi trường xã hội...”.

II. NĂM THÁNH MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM BIẾN CỐ LỊCH SỬ

Trong dịp chủ tế thánh lễ giỗ lần thứ 157 của thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu - bổn mạng giáo phận Mỹ Tho vào ngày 07/4/2018 vừa qua tại giáo xứ Ba Giồng, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng thư ký HĐGMVN thông báo một tin vui là: “Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi thư đến Tòa Ân Giải tối cao để xin mở Năm Thánh nhân dịp kỷ niệm 30 năm các vị tử đạo Việt Nam được tuyên thánh (1988-2018) và Tòa Thánh đã chấp thuận”.

Thời gian Năm Thánh sẽ bắt đầu từ ngày 19/06/2018 (Kỷ niệm ngày phong thánh) và sẽ kết thúc vào ngày 24/11/2018 (lễ Các thánh tử đạo Việt Nam) sau đó Đức Giám mục Mỹ Tho còn cho biết thêm: “Trong chương trình cử hành Năm Thánh thì mỗi giáo tỉnh sẽ có một địa điểm được chọn làm nơi hành hương. Giáo tỉnh Hà Nội có Sở Kiện, giáo tỉnh Huế có La Vang và giáo tỉnh Sài Gòn có Ba Giồng...” Ngoài ra, mỗi giáo phận tùy theo Đức Giám mục sở tại sẽ còn chỉ định một số địa điểm thuận tiện hầu tạo điều kiện cho mọi tín hữu có thể đến cầu nguyện, kính viếng các nơi này. Thư công bố Năm Thánh ngày 1/5/2018 của HĐGMVN còn nêu rõ: “Trong Năm Thánh, các tín hữu được hưởng ơn toàn xá: (1) khi tham dự lễ Khai mạc và Bế mạc Năm Thánh; (2) khi hành hương đến các địa điểm được chỉ định. Ngoài ra, Hội Thánh khuyến khích chúng ta làm các việc lành trong Năm Thánh...” cùng kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy làm việc bác ái tông đồ, sám hối hy sinh cùng chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của các thánh tử đạo Việt Nam.

III. BA TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG MỪNG NĂM THÁNH

Theo Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký HĐGMVN cho biết, trong chương trình cử hành Năm Thánh, không kể những nơi của các địa phương ra, toàn quốc còn có 3 địa điểm ấn định làm nơi hành hương chung, để tín hữu đến lãnh ơn toàn xá. Sau đây mời độc giả cùng tìm hiểu đôi nét về 3 Trung tâm được tuyển chọn.

1. Trung tâm hành hương Sở Kiện của giáo tỉnh Hà Nội

Đây là địa danh đã được ghi dấu trong lịch sử Giáo hội Việt Nam vì nơi này một thời đã từng là thủ phủ của Giáo phận Đàng Ngoài từ năm 1884, có nhà thờ chánh tòa lớn vào bậc nhất Việt Nam thời bấy giờ và hiện nay còn là nơi chôn cất thi hài 4 vị Giám mục: Đức cha Charles Hubert JEANTET- Khiêm (1792-1866), Đức cha Joseph THEUREL – Chiêu (1829-1868), Đức cha Paul Francois PUGINIER – Phước (1835-1892) và Đức cha Pierre Jean Marie GENDREAU – Đông(1850-1935). Bên cạnh Tòa Giám mục còn có các cơ sở chủng viện, trường Thầy Giảng, nhà in kinh sách “Ninh Phú Cường” lần lượt đã được xây dựng bề thế khang trang. Vào năm 1912 Công đồng Bắc Kỳ lần thứ 2 đã diễn ra ở đây. Sở Kiện còn là chốn sinh trưởng của nhị vị thánh tử đạo Phêrô Trương Văn Thi và Phêrô Trương Văn Đường. Đặc biệt, trong Phòng Truyền thống giáo xứ đang lưu giữ hơn 71 bộ hài cốt và di tích của các vị tử đạo, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh nổi tiếng một thời cũng khởi xướng từ trường Thầy Giảng nơi này mà ra. Vì những đặc điểm trên nên Sở Kiện đã được chọn làm địa điểm tổ chức lễ khai mạc Năm Thánh 2000 của Giáo hội Việt Nam.

2. Trung tâm hành hương La Vang của giáo tỉnh Huế

Địa điểm La Vang trước đây trực thuộc giáo xứ Trí Bưu, thời đó là một trong những giáo xứ đông giáo dân phải gánh chịu nhiều đau thương nhất trong các cuộc phân sáp bắt đạo. Năm 1798 khi vua Cảnh Thịnh ra lệnh cấm đạo gắt gao giáo dân Trí Bưu cùng các giáo xứ xung quanh đã phải bỏ nhà cửa đi xa cách hơn 5 cây số, để trốn vào rừng núi La Vang và trong gian khó Đức Mẹ Maria đã hiện ra an ủi các tín hữu.

Từ năm 1867-1885 các cha sở Trí Bưu thường tổ chức những cuộc hành hương viếng Đức Mẹ La Vang, các giáo hữu đi đầu còn phải khua chiêng, đánh trống, gõ mõ để xua đuổi thú dữ cọp beo mới dám khởi hành. Ngày 7/9/1885 Quan quân Văn Thân bao vây làng Trí Bưu, một số giáo dân Trí Bưu chạy thoát lên La vang, nhưng bị bắt ngay tại đó. Nhóm người này xin được chết trên nền nhà thờ La Vang và họ đã được toại nguyện.

Năm 1980 Hội đồng Giám mục Việt Nam họp lần đầu tiên chung cả nước tại Thủ đô Hà Nội đã nhất trí chọn linh địa Đức Mẹ La Vang là Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc.

3. Trung tâm hành hương giáo xứ Ba Giồng của giáo tỉnh Sài Gòn 

Giáo xứ Ba Giồng thuộc ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hiện nay do linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang làm Giám đốc Trung tâm, Ba Giồng là giáo xứ mà thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu đã về coi sóc bổn đạo, hiện nay nơi đây còn lưu giữ di tích và tượng đài Thánh nhân. Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1812 tại Gò Vấp, tỉnh Gia Định, trong một gia đình làm nghề buôn bán, lớn lên ngài dâng mình cho Chúa vào Chủng viện và năm 1838 được gửi đi học tại Pénang (Malaysia) tiếp đến được thụ phong linh mục. Ngài về coi sóc bổn đạo tại họ đạo Mặc Bắc (Vĩnh Long) từ 1850 - 1853,sau đó được bài sai về coi xứ Ba Giồng trong thời buổi khó khăn cấm đạo, khi bị bắt ngài đã khẳng khái tuyên xưng đức tin mình là đạo trưởng, và lãnh án trảm quyết ngày 7/4/1861 dưới thời vua Tự Đức. Giáo dân đã thu gom di hài ngài đưa về an táng tại nhà thờ Mỹ Tho. Kể từ khi Tòa Thánh thiết lập giáo phận đã nhận thánh Phêrô Lựu làm bổn mạng của giáo phận Mỹ Tho và hằng năm đến ngày ngài về Nước Chúa 7/4, các tín hữu ở Mỹ Tho nói chung, cách riêng tại giáo xứ Ba Giồng, nơi cha thánh Phêrô Lựu từng coi sóc trước khi tử đạo, giáo dân luôn tổ chức lễ giỗ rất long trọng. Nay địa điểm lịch sử này được chọn làm nơi hành hương của giáo tỉnh Sài Gòn - TP HCM.

IV. THÀNH QUẢ SAU 30 NĂM NGÀY TÔN PHONG HIỂN THÁNH 

Nhờ hồng ân của Thiên Chúa ban và qua lời cầu bầu của các thánh tử đạo, Giáo hội Việt Nam mặc dù trải qua hơn 261 năm với 53 sắc chỉ cấm đạo của vua chúa, bắt bớ, giam cầm, chém giết, vượt bao gian nan vất vả, khó khăn trăm bề, và đã có hơn 130.000 Kitô hữu anh dũng hy sinh đổ máu làm chứng cho Tin Mừng, nhờ vào công nghiệp của các ngài mà ngày nay cộng đoàn dân Chúa vẫn luôn giữ vững đức tin, Giáo hội ngày càng thăng tiến trên nhiều lĩnh vực.
Giáo phụ Tertuliano đã nói: “Máu các vị tử đạo là hạt giống sinh ra các tín hữu và đức tin”. Đây đúng là một di ngôn bất biến, có thể ứng dụng vào với giáo hội Việt Nam luôn cố gắng vượt thắng mọi nguy nan, thử thách, hăng say loan báo Tin Mừng tác động nơi lòng người Tín hữu sống đức tin vững vàng, ơn kêu gọi tu sĩ, linh mục rất nhiều, trung thành gắn bó với giáo hội. Hỏi có mấy mươi nước trên thế giới ngày nay được như vậy, tự hào về những thành quả đó nên trong dịp diện kiến Đức Thánh Cha Phanxicô tại khán phòng Sala Consistorium của Điện Tông tòa ngày 5/3/2018 trong kỳ đi Ad Limina, Đức Tổng Giám mục Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN đã trình lên Đức Giáo hoàng tình hình hiện nay: “Giáo hội Việt Nam với ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn, gồm 26 giáo phận, có 33 Giám mục tại chức hôm nay hiện diện đầy đủ trước mặt Đức Thánh Cha, cả nước có khoảng 4.500 giáo xứ với hơn 4.000 linh mục, 22.000 nam nữ tu sĩ thuộc hơn 24 dòng tu, hơn 2.400 đại chủng sinh và trên 7.000.000 giáo dân, chiếm tỷ lệ khoảng 8 % dân số cả nước…” Những con số đã nói lên sức sống mãnh liệt của Giáo hội Việt Nam. 

Ngày nay, qua biến cố kỷ niệm phong Thánh còn là dịp để chúng ta ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài, đồng thời sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một Giáo hội vững mạnh và một xã hội công bình nhân ái, noi gương các thánh tử đạo, những bậc tiền nhân đã làm rạng danh cho Giáo hội và quê hương Việt Nam thân yêu.

VINHSƠN VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG
Thông tin khác:
Lễ tấn phong Đức Giám mục Thanh Hóa Giuse Nguyễn Đức Cường (10/07/2018)
Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội và các tôn giáo hưởng ứng ngày môi trường thế giới (09/07/2018)
Báo Người Công giáo Việt Nam phát huy vai trò trong các phong trào thi đua yêu nước (09/07/2018)
Sự lạ ở tượng Đức Mẹ Guadalupe (05/07/2018)
18 giảng viên nhận quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS (05/07/2018)
Nhà báo cùng vươn khơi (05/07/2018)
Thăm Đền Đức Mẹ hằng cứu giúp Nà Phặc (04/07/2018)
Nghề báo là mốt sứ mệnh (04/07/2018)
Chúc mừng sinh nhật lần thứ 63 báo Người Công giáo Việt Nam (04/07/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log