Tin tức - Hoạt động

"Chiêu hạ"

Cập nhật lúc 16:18 28/09/2018
Quý Đức cha, quý cha cùng linh mục Tôma Trần Văn Hiệu trong thánh lễ mừng hồng ân 40 năm linh mục của ngài. Ảnh: Văn Hùng
Quý Đức cha, quý cha cùng linh mục Tôma Trần Văn Hiệu trong thánh lễ mừng hồng ân 40 năm linh mục của ngài. Ảnh: Văn Hùng
Đạp xe lòng vòng thăm giáo dân cho biết sự tình, tôi gặp hai cháu gái, khoảng tuổi học mẫu giáo bây giờ, la lớn: “chiêu... hạ...!” Tôi ngoắt tay gọi chúng: “Lại đây! Lại đây!” Nghĩ mình là cha chắc chúng phải nghe lời, không dè càng gọi chúng càng bỏ chạy... Tôi không biết “chiêu hạ” có nghĩa là gì, nhưng cứ mỗi lần đi ngang qua nhà này là chúng cứ réo lên “chiêu hạ”... Vụ việc này bắt tôi phải động não, té ra chúng đặt tên cho tôi là “chiêu hạ”, nói lái lại là “cha Hiệu”.

Chúng gọi tôi là “chiêu hạ”, vậy thì tên tôi lại được gọi khác đi một lần nữa. Vì trước đó ở Đức, thay vì Trần Văn Hiệu thì người ta viết và gọi là “Hiệu, Văn Trần”. Tôi không bao giờ chịu cách gọi đó nên bảo họ cứ giữ nguyên theo cách gọi của người Việt, nên bây giờ chứng từ gì còn giữ lại thì người Đức vẫn ghi là “Trần Văn Hiệu”. Nhiều người Đức không chịu hỏi thẳng tên tôi phát âm thế nào mà tự tiện gọi tôi là ông Herr Phan Heo, Herr Phan Hoi (tiếng Đức chữ “V” đọc giống như chữ “F”), tôi nghe na ná như người ta gọi tôi là ông Phân Hôi, Phân Heo nên nhất định không chịu và xin họ gọi là “ông Thomas”... Tôi cứ tưởng chỉ có một số người Đức hồ đồ như vậy không dè trước đây, các phóng viên báo, đài của ta gọi ông huấn luyện viên bóng đá người Áo, Alfred Riedl là “Anfrét Riét”. Tại sao không hỏi thẳng tên ông phát âm như thế nào, hoặc gọi ngay toà đại sứ Áo mà hỏi, để cho ông khỏi phải nổi dzoá trong một lần phỏng vấn vì không gọi đúng tên ông...

Trở lại câu chuyện “chiêu hạ”, sau khi bị đổi tên, tôi mới nghĩ ra: theo tư tưởng Hy-Bá (cổ Dothái), khi đặt tên cho ai thì có quyền trên người đó hoặc làm chủ người đó. Trong Thánh Kinh, hai ông bà đầu tiên, Thiên Chúa đặt tên là Adam, Evà; đổi Abram thành Abraham; Giacob thành Ixraen;... Chúa Giêsu đổi tên Simon thành Kêpha... Hèn gì tôi gọi mà chúng không vâng lời, vì chúng đã đặt tên cho tôi nên không sợ tôi nữa... Tôi tự nhủ: không lẽ mình là “chiêu hạ” mà thua hai bé nhóc này? Theo sự hiểu biết của tôi: đối với người Việt, biết tên một người nào thì chưa quan trọng bằng biết tên cha mẹ người đó. Hồi nhỏ, trong thôn làng, muốn chửi bới đứa nào, tôi chỉ cần lôi tên cha mẹ nó ra, hoặc là đứa nhóc nào kêu tên cha mẹ tôi ra, thế nào cũng có vụ oánh lộn. Ngay giáo xứ tôi đang ở cũng vậy, có một ông già, ai cũng kêu là “ông Ơn”. Tôi biết hồi nhỏ, ông này đã từng giúp lễ cha Léopold-Michel Cadière (1869-1955). Suốt đời, ông chuyên môn dọn đồ lễ bất cứ ở giáo xứ nào. Dân Vĩnh Bình còn nói với tôi, nếu ông không được giúp lễ là ông bệnh. Để tưởng thưởng công nghiệp hầu việc Chúa của ông, khi qua Rôma tôi đã xin cho ông Phêrô Nguyễn Ơn “bằng chúc lành của Toà Thánh”. Đến khi trao bằng, tôi mới té ngửa ra “Nguyễn Ơn” là tên của con trai ông, còn ông thì tên là Nguyễn Tiền... Tắt một lời là tôi phải biết tên cha mẹ hai con nhóc này mới làm chủ được chúng nó, có thế chúng mới sợ. Thế là, sau khi dò hỏi, biết được tên cha mẹ chúng, một hôm tôi lại đi ngang qua nhà chúng nó. Thấy bóng tôi, như mọi khi, chúng chạy ra đường và hét lên: “Chiêu Hạ!”. Tôi đáp lại: “Ánh, Sen”.

- Chiêu Hạ... - Ánh, Sen...

- Chiêu Hạ... - Ánh, Sen...

Sau ba lần đối đáp, tôi đưa tay ngoắt: “Lại đây! Lại đây cha biểu!”. Chúng mềm như con bún, ngoan ngoãn đến trước mặt tôi.... Kể từ đó tôi có thêm một tên nữa là “Chiêu Ha”... 

Lm Tôma Trần Văn Hiệu
Thông tin khác:
Đại diện Tòa Thánh và HĐGMVN viếng cố Chủ tịch Trần Đại Quang (27/09/2018)
Thư phân ưu của Hội đồng Giám mục Việt Nam (27/09/2018)
Bí mật trong nhà thờ cổ nhất xứ "Hoa vàng, cỏ xanh" (26/09/2018)
Đại diện Tòa Thánh đến Việt Nam (25/09/2018)
Đức Hồng Y João Braz de Aviz thăm Ban Tôn giáo Chính phủ (25/09/2018)
Đức Mẹ Quinche của Ecuador (21/09/2018)
Những giọt máu hồng (21/09/2018)
Vinh danh 73 công trình, giải pháp sáng tạo (21/09/2018)
Thông tin về Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII (19/09/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log