Tin tức - Hoạt động

Giáo hội Công giáo với vấn đề môi trường

Cập nhật lúc 15:27 30/10/2018
Chăm sóc môi trường là một thách thức đối với toàn thể nhân loại hôm nay. Ảnh: CTV
Chăm sóc môi trường là một thách thức đối với toàn thể nhân loại hôm nay. Ảnh: CTV
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, chưa bao giờ con người có thể bay xa, bay cao vào vũ trụ, khoan sâu vào lòng đất, lặn xuống đáy đại dương được như hiện nay… Nhưng cũng chưa bao giờ nhân loại phải đối mặt với nhiều tai họa khủng khiếp như hiện nay: động đất và sóng thần, bão lụt, lở đất, núi lửa phun trào… Tiếng kêu cứu vang lên khắp nơi: Hãy cứu lấy trái đất khỏi bị ô nhiễm, tầng ozone bị thủng, trái đất nóng lên, băng Nam Cực tan chảy và sẽ có ¼ trái đất bị nhấn chìm xuống biển. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo hàng năm có 1 tỷ người bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường và 1 triệu người bị chết vì ô nhiễm… Các tôn giáo trên thế giới quy tụ hơn 5/6 dân số thế giới có thể làm gì để đáp trả tiếng kêu cứu đó? Không ít người nghĩ rằng, tôn giáo vốn chỉ lo chuyện trên trời, đời sau, chốn Niết Bàn thì làm gì được cho vấn đề môi trường! Không phải như vậy. Xin đơn cử trường hợp của giáo hội Công giáo- một tôn giáo lớn trên thế giới với gần 1, 2 tỷ tín hữu và riêng Việt Nam đã có gần 7 triệu.
1- Quan điểm của Giáo hội Công giáo về môi trường thiên nhiên
Theo giáo lý của Giáo hội Công giáo vũ trụ tự nhiên này do Thiên Chúa tạo dựng. Sách Sáng thế mô tả Chúa dựng lên trái đất, mặt trời, trăng sao, cây cỏ, muông thú trong 5 ngày và “Chúa đều thấy nó tốt đẹp” (St. 1,4-25). Rồi khi chiêm ngắm công trình tuyệt vời của mình, Thiên Chúa đã quyết định tạo ra Adam và Eva trong ngày thứ 6, để làm chủ thế giới bao la. Như vậy thiên nhiên được Thiên Chúa trao cho con người là một bức tranh hoàn mỹ. Ngày nay, những nơi nào còn giữ được nét tự nhiên hoang sơ, nguyên thủy đều trở thành những nơi du lịch lý tưởng. Như vậy, tự nhiên được tạo dựng là tác phẩm đẹp. Con người được trao quyền làm chủ tự nhiên, vũ trụ nhưng cũng có nghĩa vụ phải giữ gìn tự nhiên hài hòa và phát triển (St.1, 26-30). Nếu con người phá hoại môi trường, thiên nhiên thì con người đã phụ bạc lại Thiên Chúa nhân hậu vì đã làm hỏng món quà quý giá mà Thiên Chúa trao ban.
Cũng theo giáo lý Công giáo, con người được khai thác thiên nhiên để phục vụ nhu cầu chính đáng của mình nhưng không được chiếm hữu tuyệt đối mà phải chia sẻ cho mọi người với tình huynh đệ. ( xem Lc.11, 11-13). Giáo hội Công giáo công nhận lợi ích của của cải. Giáo hội cũng công nhận là nhờ lao động cả chân tay và trí óc. Nhưng Giáo hội Công giáo quan niệm của cải có mục tiêu phổ quát. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nguyên tắc đầu tiên trong việc sử dụng của cải, tài nguyên thiên nhiên. Học thuyết xã hội Công giáo cũng luôn cho rằng, con người nhận một cách nhưng không tài nguyên thiên nhiên từ Thiên Chúa thì cũng phải có nghĩa vụ cho đi vô vị lợi phần của cải mình có được để giúp người nghèo khó. Cách 600-700 năm trước Chúa giáng sinh, trong sách Đệ nhị luật có viết: “Khi người gặt lúa đồng của ngươi và ngươi bỏ quên lượm lúa trong đồng, ngươi đừng quay lại mà lấy vì nó thuộc về khách ngụ cư, người góa bụa, ngõ hầu Thiên Chúa ngươi chúc lành cho ngươi mọi công việc tay ngươi làm” ( Dnl 24, 10-22). Đây không chỉ là đòi hỏi của lòng bác ái mà còn theo luật của công bằng. Đúng thế, đất đai, không khí, nước, khoáng sản, lâm thổ sản, hải sản là quà tặng của tự nhiên, con người không mất tiền mua. Để tạo ra hạt lúa con người phải bỏ lao động nhưng còn rất nhiều yếu tố như đất đai, nước, không khí…con người đâu có tạo ra? Vì vậy Giáo hoàng Gregorio (sau được phong thánh gọi là thánh Gregorio Cả 540-604) rất có lý khi nói: “Lúc chúng ta chăm lo các nhu cầu của những người đang cần là chúng ta đã trả cho họ cái của họ, chứ không phải cái của chúng ta. Chúng ta không chỉ làm các việc bày tỏ lòng thương xót mà là đang trả một món nợ công bằng” (1). Những nguyên tắc trên đây quy định trách nhiệm của mỗi người, mỗi tập thể hay mỗi quốc gia khi khai thác tài nguyên thiên nhiên môi trường.
Trước hết, tài nguyên thiên nhiên là của toàn thể nhân loại kể cả trước kia, hiện nay và tương lai. Cho nên, Giáo hội Công giáo nhìn nhận: “Chúng ta đã thừa kế từ các thế hệ trước và chúng ta đã hưởng lợi từ lao động của những người đương thời. Chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận đối với hết mọi người và không thể từ chối quan tâm tới những người sẽ sống sau chúng ta. Chúng ta là một gia đình nhân loại. Đây là một trách nhiệm mà các thế hệ hiện nay phải có đối với các thế hệ tương lai” (2). Do đó, chăm sóc, bảo vệ thiên nhiên, môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người trên trái đất vì đó là tài sản chung của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Không ai được khai thác sử dụng “một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên, hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình” (3). Phải chăng vì lợi ích trước mắt nên có người, có quốc gia đã tàn phá thiên nhiên, môi trường, phá hoại cân bằng sinh thái? Làm sao người ta có thể đánh cá bằng lưới điện, thuốc nổ hay các chất độc khác? Làm sao người ta có thể xả hàng ngàn tấn chất thải công nghiệp để giết chết những con sông hiền hòa? Làm sao người ta dám xuất khẩu những động, thực vật gây hại sang nước khác như ốc bươu vàng, hải ly hay cây bèo Nhật Bản (bèo bồng)… Đức Giáo hoàng Phaolô VI gọi đây là những hành vi “bệnh hoạn” của con người. Hành vi này là do kết quả của một quá trình lịch sử và văn hóa chối bỏ tương quan giữa con người và Thiên Chúa.
Một vấn đề không thể đề cập đến trong tương quan với môi trường là khoa học và kỹ thuật. Khoa học, kỹ thuật giúp con người trong việc chinh phục và làm chủ thiên nhiên. Song nếu không có đạo đức trong khoa học, kỹ thuật coi thiên nhiên là những vật vô tri vô giác để sử dụng các công nghệ bất chấp hậu quả thì con người sẽ ph"ải trả giá đắt cho những hành vi của mình. Có thời kỳ chúng ta nghĩ con người là vô địch, có thể xẻ núi, lấp biển: “ Bàn tay ta làm nên tất cả” và thậm chí muốn thay cả Trời: “Thế Thiên hành đạo”. Nhưng thực tế là “có Trời, có đất, có ta.
Khi ngăn sông làm thủy điện đáp ứng nhu cầu năng lượng của công nghiệp không ai nghĩ bão lụt sẽ gia tăng. Khi Trung Quốc mở chiến dịch” diệt chim sẻ” để làm lợi lương thực không thể nghĩ đến mất mùa do bị sâu hại phá và khi các nhà vật lý nguyên tử tìm ra năng lượng hạt nhân đâu có nghĩ đến thảm cảnh ở Hiroshima, Nagasaki, Trecnobưl… Engel nói rằng, khi con người chiến thắng được thiên nhiên một bước thì lập tức thiên nhiên trả thù con người bằng tai họa. Phải chăng, những thảm họa thiên tai ngày nay do thiên nhiên đang trả thù con người? Dĩ nhiên, ngày nay nhân loại đã thức tỉnh, biết rằng chằng phải thiên nhiên trả thù mà chính là “nhân tai”. Giáo hội Công giáo cho rằng: “Việc ứng dụng các khám phá mới trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cũng đem đến những hậu quả tai hại lâu dài. Từ đó, chúng ta phải đau đớn nhìn nhận rằng mình không thể can thiệp vào lĩnh vực sinh thái mà không chú ý tới những hậu quả của sự can thiệp ấy nơi các lĩnh vực khác và tới hạnh phúc của các thế hệ tương lai” (4). 
Giáo hội Công giáo không chỉ ban hành nhiều văn bản nói về môi sinh mà còn trực tiếp đề cao những tấm gương thân thiện với môi trường. Giáo hội đã tôn phong thánh Francisco di Assisi (1181-1226) làm thánh bảo trợ môi trường. Vị thánh người Italia này không chỉ nổi tiếng về khó nghèo và là nhà truyền giáo nhiệt thành mà còn nổi tiếng vì yêu hòa bình, yêu thiên nhiên với “Bài ca Mặt Trời”.
Giáo hội Công giáo cho rằng, muốn cứu vãn môi sinh, thiên nhiên, trái đất, quan trọng nhất là phải thay đổi lối sống từ cá nhân đến xã hội: “Những lối sống này sẽ được xây dựng dựa trên những đức tính thanh đạm, điều độ và tự chủ. Cần phải dẹp bỏ cái logic chỉ biết có tiêu thụ, đồng thời phải xúc tiến các hình thức sản xuất nông nghiệp và công nghiệp biết tôn trọng trật tự sáng tạo và thỏa mãn các nhu cầu căn bản của mọi người” (5). Từ xa xưa trong lịch sử Cựu ước, người ta đã quy định 3 năm chia lại lợi tức, 7 năm tha nợ và 50 năm xóa nợ cho nhau. Đất đai cũng 3 năm được nghỉ 1 năm. Đó cũng là cách bảo vệ môi trường rất nhân văn.
2- Thông điệp Laudato Si’ của Đức Phanxicô với vấn đề môi trường
Đức Giáo hoàng Phanxicô, người được tạp chí Fobes xếp hàng thứ 4 trong 10 người có quyền lực nhất thế giới hiện nay, hồi tháng 6/2015 đã ban hành Thông điệp Laudato Si’ (Lạy Chúa, con chúc tụng Ngài) gồm 6 chương đã làm ngạc nhiên dư luận về quan điểm bảo vệ môi sinh của Giáo hội. Ngài mạnh mẽ tố cáo các nước giàu như Mỹ, Trung Quốc đã đầu độc trái đất, kêu gọi mọi thành phần từ các nhà khoa học, triết gia cho đến các tín đồ các tôn giáo phải có trách nhiệm bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của mọi người. Người nghèo có quyền uống nước sạch, có quyền thở không khí trong lành và con cháu chúng ta có quyền hưởng một trái đất không ô nhiễm. Giáo hội Công giáo đã lấy ngày 1/9 hàng năm là ngày cầu nguyện cho môi trường thế giới. Vì vậy, các quốc gia đều khen ngợi Thông điệp này và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi qua Vatican ngày 01/7/2015 gặp Đức Hồng y Quốc vụ khanh Parolin cũng ghi nhận như vậy và ông nói đề nghị các Giám mục Việt Nam cho học hỏi Thông điệp này.
 Tại Việt Nam, nhiều giáo phận đã tổ chức học Thông điệp Laudato Si’ và ngày 1/9 vừa qua là ngày đầu tiên cầu nguyện cho môi trường. Nhiều Giám mục cũng gửi Thư chung nhắc nhở giáo dân về ý thức bảo vệ trái đất. Nhiều giáo phận trong dịp tĩnh tâm vừa qua đã tổ chức học hỏi Thông điệp Laudato Si và mời các chuyên gia về môi trường đến thuyết trình.
Như vậy so với các lĩnh vực đạo đức, giáo dục nhân bản nhất là truyền Giáo thì vấn đề môi trường mới được giáo hội quan tâm gần đây nhưng cũng nêu khá toàn diện quan niệm của mình nhằm góp phần bảo vệ môi sinh của trái đất. Riêng đối với Giáo hội Việt Nam, có lẽ hãy bắt đầu từ việc nhỏ như người Công giáo chỉ cung cấp rau sạch, thực phẩm sạch, không vứt rác thải bừa bãi thì cũng là gương sáng cho toàn xã hội noi theo. Đúng như lời Đức Phanxicô nói trong Thông điệp Laudato Si’: “Đặc tính của Kitô hữu là nhận thấy nghĩa vụ của họ đối với thiên nhiên, với Đẩng Tạo Hóa và với tha nhân. Đây là thành phần đức tin của họ” (số 64).
TRIẾT GIANG
----------------------------------
1- Gioan Phaolô II: Thông điệp Centesimus Annus, số 37. AAS, tập 77
2- Thánh Gregorio Cả: Regula Pastralis, 3,2, Giáo phụ Latinh, tr.87    
3- TGM Nha Trang: Giáo lý vào đời, Nxb Tôn giáo 1999, tr.169
4- Gioan Phaolô II: Thông điệp Solliicitudo Rei Socialis, số 38, AAS, tập 83
5- Gioan Phaolô II: Thông điệp ngày hòa bình thế giới số 7, AAS, tập 83.
Thông tin khác:
Suy nghĩ về Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (30/10/2018)
Bước tiếp một trang mới từ những thành quả (30/10/2018)
Tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước để xây dựng quê hương đất nước..." (24/10/2018)
Phát huy vai trò của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong giai đoạn mới (22/10/2018)
Bài giảng của ĐTC Phanxicô trong Đại lễ Tuyên Thánh cho ĐGH Phaolô Đệ Lục, ĐTGM Oscar Romero, và 5 vị Chân Phước khác (16/10/2018)
ĐGH tôn phong 7 vị chân phước lên bậc Hiển Thánh (16/10/2018)
40,000 thanh niên ở Vacsava cầu nguyện cùng nhau cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên (10/10/2018)
Đức Mẹ từ bi và đồi thánh giá ở Vilius (09/10/2018)
Giáo Phận Thanh Hóa Có Thêm Hai Phó Tế Tại Paris – Pháp (05/10/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log