Tin tức - Hoạt động

Giáo sĩ Đắc Lộ đã đưa Việt Nam đi trước ba thế kỷ

Cập nhật lúc 16:15 08/11/2018
Năm 1961, giới sưu tầm Bưu chính Việt Nam, đã đón nhận một bộ 4 con tem quý, kỷ niệm 300 năm ngày mất của giáo sĩ Đắc Lộ. Ảnh: CTV
Năm 1961, giới sưu tầm Bưu chính Việt Nam, đã đón nhận một bộ 4 con tem quý, kỷ niệm 300 năm ngày mất của giáo sĩ Đắc Lộ. Ảnh: CTV
I. ĐÔI NÉT VỀ THÂN THẾ Và SỰ NGHIỆP CỦA A LịCH SƠN ĐẮC LỘ

Alexandre de Rhodes, người Việt Nam quen gọi bằng tên Đắc Lộ dựa theo tấm bia đá tưởng nhớ ông, được xây dựng gần Đền Bà Kiệu cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội ngày 29/5/1941, khởi sự từ đây danh xưng A Lịch Sơn Đắc Lộ được phổ biến rộng rãi.

Giáo sĩ Đắc Lộ sinh ngày 15/3/1593 trong một gia đình gốc Dothái, cha mẹ làm nghề bán tơ lụa, sang định cư ở Avignon (Pháp) nên đổi tên họ từ Rueda sang họ Rhodes.

Ngày 14/4/1612 nhập dòng Tên tại Rôma và Đắc Lộ được thụ phong linh mục năm 1618, đồng thời nhận bài sai sang truyền giáo tại Nhật Bản. Đường đi khó khăn trắc trở mãi mới tới, nhưng đúng lúc này Nhật Bản lại cấm đạo rất gắt gao, cha đành phải tạm lánh đến Áo Môn.

Trong khi chờ thời cơ tới Nhật, cuối năm 1624 cha Đắc Lộ nhận được lệnh của Cha Bề trên Dòng, phái sang Việt Nam vào Đàng Trong, cư trú ở Thành Chiêm học tiếng Việt và bắt đầu giảng đạo cho người bản xứ.

Sau đó cha Đắc Lộ lại nhận nhiệm vụ ra Đàng Ngoài, tàu cập bến Cửa Bạng, Thanh Hóa ngày 19/3/1627 lễ thánh Giuse, nên cha đã nhận thánh Giuse làm bổn mạng cho Giáo hội Việt Nam, công việc rao giảng Tin Mừng cho giáo hữu miền Bắc rất có kết quả và ngày 27/4/1630 Tu hội Thầy Giảng được thiết lập tại kinh đô Thăng Long. Sau 3 năm hoạt động, cha Đắc Lộ được coi như người sáng lập Giáo hội Đàng Ngoài, nhưng cuối tháng 5/1630 Ngài bị chúa Trịnh Tráng trục xuất vô thời hạn phải ra đi ngay. Từ bản ghi chép của cha, cảnh chia ly với giáo hữu thật cảm động: “... khi tàu bắt đầu kéo buồm ra khơi, thì cả hai bên lại òa lên khóc... Thực sự mà nói, tôi ra đi nhưng tâm trí tôi vẫn luôn ở Đàng Ngoài”.

Từ 1630 đến 1640 trở về Áo Môn, cha Đắc Lộ dạy Thần học và đi giảng đạo tại Trung Quốc. Sang tháng 2/1640 cha trở lại Đàng Trong lần thứ II, nhưng chỉ ở được ít tháng thì bị trục xuất. Để rồi 24/12/1640 cha trở lại Đàng Trong lần thứ III truyền giáo tới 2/7/1641 lại phải ra đi. Tiếp đến tháng 1/1642, cha Đắc Lộ đến Đàng Trong lần thứ IV, nhưng không được bao lâu phải từ giã. Tháng 3/1644 cha trở vào Đàng Trong lần thứ V và ngày 26/7/1644 cha chứng kiến thầy giảng Anrê tử đạo tại Phú Yên.

Rời Việt Nam 3/7/1645, cha Đắc Lộ lên tàu buôn Bồ Đào Nha về Áo Môn, theo lệnh của chúa Nguyễn Phúc Lan. Ngài đã thốt lên: “Thân xác tôi rời bỏ Đàng Trong nhưng chắc chắn tâm hồn tôi vẫn còn ở đây... tôi không thể tin được là tôi phải rời bỏ nơi chốn này”. Khi ra đi Cha không quên mang theo thi hài của thầy giảng Anrê Phú Yên. Sau thời gian ở Áo Môn, ngày 27/6/1649, cha Đắc Lộ sang tới Rôma mang theo thủ cấp của Anrê Phú Yên, mà hiện nay còn lưu giữ tại trụ sở dòng Tên tại Rôma. Phần thân thể thầy giảng Anrê để lại, được Tòa Giám mục Áo Môn tiến hành lập hồ sơ xin phong thánh.

Ngày 2/8/1650 sau khi được Đức Thánh Cha Innocent X tiếp kiến, cha Đắc Lộ tường trình về tình hình Việt Nam với Thánh bộ Truyền giáo và thỉnh cầu gửi các Giám mục tới cánh đồng truyền giáo Việt Nam, để rồi ngày 26/9/1650, Đức Thánh Cha và các Hồng y đã chuẩn xét lời xin trên. Thánh bộ Truyền giáo đề nghị chọn cha Đắc Lộ làm Giám mục đại diện Tông tòa, nhưng Ngài từ chối, vì nhiều lý do liên quan tới “quy chế bảo trợ” mà Tòa Thánh đã dành cho vua Bồ Đào Nha vào thời đó.

Ngày 11/9/1652 cha Đắc Lộ rời Rôma đi Marseille, tới Lyon và đến cả Paris, để cố gắng tìm phương hướng trợ giúp cho Giáo hội Việt Nam mà Ngài hằng ấp ủ. 

Ngày 16/11/1654 cha vâng lệnh Bề trên rời Marseille xuống tàu đi đến Ispahan kinh đô Ba Tư, lại bắt đầu một cuộc hành trình truyền giáo nơi xứ sở mà Hồi giáo chiếm đa số. Sau hơn 5 năm tận lực làm việc tại đây, cha Đắc Lộ đã qua đời vào ngày 5/11/1660, hưởng thọ 67 tuổi. 

II. SỰ HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ Và NHỮNG TÁC PHẨM ĐẦU TIÊN

Giáo sĩ Đắc Lộ một người mà thuở nào còn rất xa lạ với Việt Nam, theo như cha cho biết: “Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và đâm ra ngã lòng” do đó tôi phải tự ép buộc mình phải dồn hết khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn Thần học tại Rôma. Qua sự hướng dẫn của cha Francisco de Pina và một cậu bé trạc 12 tuổi “đã dạy tôi cách phát âm các tiếng, cậu chưa hiểu tiếng tôi mà tôi cũng chưa biết tiếng cậu, thế nhưng, cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói... Cậu rất mến tôi và lấy tên tôi đặt cho mình là Raphael Rhodes’’, nên chỉ trong vòng 4 tháng tôi học đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng tôi đã giảng được bằng tiếng Việt.

Sự xuất hiện Quốc ngữ là công trình của các giáo sĩ Francesco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Pigneau de Behaine, Taberd và nhiều người Việt Nam đóng góp qua thời gian. Nhưng đặc biệt phải kể đến Alexandre de Rhodes đã có công lớn nhất trong việc hình thành và phát triển chữ viết này và là soạn giả ba tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên in tại Rôma năm 1651: “Tự điển Việt-Bồ-La”, “Văn Phạm Việt Nam” và “Phép Giảng Tám Ngày” - nay một bản gốc cuốn này, hiện lưu giữ tại Đền thánh Anrê Phú Yên, giáo xứ Mằng Lăng, giáo phận Qui Nhơn.

Ngoài ra trong thời gian lưu tại châu Âu, giáo sĩ Đắc Lộ còn cho ấn hành nhiều tác phẩm liên quan đến đất nước con người Việt Nam, là tài liệu quý giá cho ngày nay, đó là cuốn “Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài” in năm 1650, tiếp đến “Hành trình và Truyền giáo” và cuốn “Cuộc tử đạo của Anrê Phú Yên” được xuất bản vào năm 1653. Tổng kết có 10 tác phẩm cha Đắc Lộ đã viết và cho in ấn liên quan tới Việt Nam 8 cuốn, Nhật Bản và Ba Tư mỗi nước 1 cuốn.

III. CUỘC LỮ HÀNH ÂU Á – TRẢI QUA BAO SÓNG GIÓ

Sự hy sinh và đức vâng lời trong cuộc đời truyền giáo của giáo sĩ Đắc Lộ rất lận đận long đong, trải qua nhiểu gian khó nơi xứ lạ quê người, còn bị hiểu lầm, bị đày ải quản thúc, bao nhiêu lần bị trục xuất nhưng vẫn không chùn bước, ra vào Đàng Trong tới 5 lần, và nguy hiểm nhất là lần cuối bị bắt, chúa Nguyễn Phước Lan của Đàng Trong đã tức giận lên án tử hình ngay trong ngày, may thay có vị quan trong triều can ngăn nên mới thoát chết, Ngài đã vĩnh biệt giáo hữu Việt Nam lên tàu ra khơi trở về Ma Cao.

Trong vòng hơn 5 năm, kể từ ngày 27/6/1649 về lại châu Âu cha Đắc Lộ xông xáo ngược xuôi ngoài việc đến giáo triều Rôma triều kiến Đức Thánh Cha và Đức Hồng y Bộ Truyền giáo. Ngài còn sang Pháp đi đây, đi đó vận động xin Tòa Thánh cùng các Đấng bậc trong Dòng và thân hữu quen thuộc kiếm mọi cách giúp đỡ cánh đồng truyền giáo Việt Nam.

Đến ngày 16/7/1654 vì Bồ Đào Nha là nước bảo hộ không cho tu sĩ Dòng Tên có quốc tịch Pháp đến các miền Viễn Đông truyền giáo nữa, nên Bề trên Cả buộc lòng phải đưa cha Đắc Lộ sang làm việc tại nhà Dòng ở xứ Ba Tư.

Sau gần một năm lênh đênh trên biển cả, vượt qua bao vất vả, gian nan sóng gió cha Đắc Lộ mới đặt chân lên vùng đất mới vào đầu tháng 10/1655, bắt đầu học tiếng Ba Tư để đi giảng thuyết, nhưng so với Việt Nam ở đây truyền giáo chẳng thu lượm được kết quả cho mấy, vì dân chúng toàn là Hồi giáo rất khó thuyết phục và họ còn cho rằng “ai nói Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thì mắc tội phạm thượng” (Kinh Koran, chương 2 câu 81).

Từ trước đến nay sách vở nói về đời sống của cha Đắc Lộ ở Ba Tư rất ít, nhất là giai đoạn cuối đời lại càng hiếm hơn. Nhưng rất may mới đây đã tìm được bức thư viết tay dài 3 trang với chữ viết nhỏ li ti trên khổ giấy 20.6cm x 29.5cm do cha Ame Chezaud (1604-1664) là người phụ tá cùng ở chung nhà, cùng đi hoạt động, và hơn nữa cha Chezaud còn ở bên cạnh vào giờ phút cuối đời của cha Đắc Lộ và người đã tổ chức lễ an táng cho Ngài. Thư này viết vào 11/11/1660 chỉ đúng 6 ngày sau khi cha Đắc Lộ từ giã cuộc đời trần thế, và được gửi về tường trình công việc cho cha Jacques Renault, Giám tỉnh dòng Tên ở Pháp.

Nhờ vào tài liệu trên hé lộ cho chúng ta biết, đời thường cha Đắc Lộ rất đạo đức, chuyên cần đọc kinh nguyện ngắm, ăn chay hãm mình, siêng năng dâng lễ và chầu Thánh Thể, thường xuyên xưng tội với cha Chezaud. Ngài còn có lòng kính mến Đức Mẹ Maria sâu xa và tinh thần yêu người nghèo, bệnh tật, trẻ em mồ côi, kẻ già lão cô đơn luôn được cha giúp đỡ tận tình. Thư đã kể: “Tất cả các Kitô hữu và nhiều lương dân tỏ lòng rất kính phục cha,... Nhiều người coi cha như một vị thánh sống vì cha nghiêm trang, đĩnh đạc mà khiêm tốn”.

Vào những tháng cuối đời cha bị bệnh rỉ máu, ung nhọt trong ruột phải nằm liệt giường, chạy chữa thuốc thang không bớt, nhưng vẫn vui vâng theo Thánh ý Chúa, trước mặt anh em qua cơn hấp hối nhẹ nhàng, rồi cha tắt thở vào hồi 20 giờ tối ngày 5/11/1660. Về việc chôn cất, bức thư viết tiếp: “...chúng tôi cử hành tang lễ cha vào ngày sau. Tất cả tu sĩ các Dòng có thể tham dự lễ an táng được đều có mặt, gồm các tu sĩ Augutinh, Cát Minh, Capuxinô, cùng giáo dân Pháp, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan và mấy người Armeniens. Chưa bao giờ thấy tại đây một đoàn người như thế dự lễ an táng. Họ tiễn biệt cha tới nghĩa trang xa nhà chúng tôi khoảng một dặm rưỡi. Cha Tu Viện trưởng Dòng Augutinh, Đại diện Tông Tòa cử hành các nghi lễ cuối cùng”.

Thi hài của cha được an táng tại Nghĩa trang Công giáo Armeniens thuộc thành phố Ispanham (Iran)...

IV. LỜi KHEN - TIẾNG CHÊ và ÂN - OÁN PHÂN MINH

Theo linh mục Đỗ Quang Chính, danh xưng Đắc Lộ xuất hiện dựa vào nội dung tấm “Bi Đình Đắc Lộ” từ năm 1941 đã ghi khắc tiểu sử cha Đắc Lộ một mặt bằng tiếng Pháp, mặt bên kia nửa trên bằng Quốc ngữ, nửa dưới bằng Hán tự; phần Quốc ngữ, Alexandre de Rhodes được phiên âm là A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ.

Công trình xây dựng khu bia đá được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày cha Đắc Lộ tới Việt Nam, Đài do sự đóng góp của các hội viên Truyền bá chữ Quốc ngữ, được khánh thành vào hồi 17 giờ chiều ngày 29/5/1941 do Kiến trúc sư Josep Lagisquet họa kiểu, trước sự hiện diện của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố là hội trưởng và cụ La Sơn Hoàng Xuân Hãn cùng nhiều quan khách thế giá thời bấy giờ. Nhưng qua thời gian tấm bia ghi ơn tại nơi đây, ngày nay không còn. 

Nhắc tới sự kiện này, không rõ vì sao mà tấm bia đá lại phiêu dạt nằm chung trong bãi rác phế liệu bỏ hoang, nơi vắng vẻ nằm sát chân bờ đê Yên Phụ. Vào một buổi chiều nọ, nhân đi dạo mát ở Vườn Bách Thú gần đó, có người vô tình tới đây thấy nước mưa làm trôi đất cát, lộ ra một góc tấm bia đá. Nhà văn Thế Phong, trong tác phẩm “Hà Nội bốn mươi năm xa” in năm 1999 ở Hà Nội trang 94, cho biết người đã may mắn phát giác ra được tấm bia quý giá này là bạn của tác giả, và ông này còn kể lại sự viêc “... Lúc này tôi đã nhìn ra được một tấm bia đá chôn vùi nơi đây, chắc lâu lắm, vội bới ra tìm, thì là bia của người có công lớn đối với chữ Quốc ngữ, Alexandre de Rhodes. Tôi thuê người đem về nhà giữ làm một vật quý, cũng đợi cho đến ngày hôm nay, người ta đánh giá lại người có công, như linh mục Alexandre de Rhodes chẳng hạn, bia rồi sẽ dựng... Bây giờ, có thể tái tạo tấm bia ghi ơn khác, nhưng không có tính cách lịch sử, bia có được đã trải qua nhiều năm rồi, khi Pháp còn đô hộ Bắc Kỳ.” Chúng ta phải khâm phục người có công cất giữ bia này... Hiện giờ theo báo Xưa và Nay, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “tấm bia 1941” tìm thấy này, đã được dựng lại tại khuôn viên Thư viện Quốc gia Hà Nội. 

Bên cạnh sự ghi ơn Đắc Lộ, cũng còn những ý kiến trái chiều, chẳng hạn như trong báo Người Lao động ngày 7/1/2007 có bài “Đi tìm nguồn gốc chữ Quốc ngữ” của Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Văn Hường cho rằng: “Alexandre de Rhodes có tội đạo văn, lấy công trình của Amaral và Barbosa đem xuất bản từ điển Việt-Bồ-La với tên mình, sau nữa Đắc Lộ không được phép trở lại Đông Nam Á, phải trôi dạt vào Iran… kết thúc cuộc đời gian trá”.

Cùng với chiều hướng chưa đồng thuận như trên tạp chí Hồn Việt số 17 - tháng 11/2008 của Hội Nhà văn Việt Nam, lại cho in bài “ Alexandre de Rhodes: Công và Tội” Tác giả Bùi Kha (ở California), đây là bài báo xuyên tạc tư liệu lịch sử với ác ý vu khống cá nhân và còn kết tội Đắc Lộ là “kẻ gián điệp sớm nhất trong lịch sử xâm lược của Tây phương vào nước ta”. 

Tất cả những luận điệu vô căn cứ trên đã bị nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu phản bác và đưa ra những bằng chứng xác thực, đánh đổ những sai lầm trên, được đăng tải liên tiếp trong tuần báo Công giáo và Dân tộc từ số 1592 đến 1594 và 1683 đến 1685.

Vào năm 2009 nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng từ khối đá hoa cương trắng nặng trên 40 tấn thao tác hơn một năm, đã hình thành tác phẩm chân dung Alexandre De Rhodes, có ý định trao tặng cho Thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

V. XỨ SỞ NÀY XIN GỬI TỚI CHA ĐẮC LỘ MỘT LỜI TRI ÂN

Trước tiên với lịch sử chữ Quốc ngữ, một sáng tạo độc đáo, mà công đầu thuộc về các Thừa sai Dòng Tên, trong đó tên tuổi Alexandre de Rhodes nổi bật lên, vì hoàn cảnh bắt buộc cha Đắc Lộ phải lìa xa Việt Nam, nhưng tình cảm và lòng yêu mến của cha dành cho Việt Nam luôn được thể hiện. Vì nhờ sự vận động nhiệt tình trước đây của Cha Đắc Lộ mà ngày 29/7/1658 cả hai miền Nước Nam, đã đượcTòa Thánh thiết lập địa phận Hiệu Tòa độc lập ở Đông Nam Á, như lòng mong ước mà cha luôn ấp ủ...

Qua dòng thời gian, câu nói bất hủ của nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh: “Nước ta sau này hay hay dở là do chữ Quốc ngữ đã ứng nghiệm, vì chữ Quốc ngữ đã trở thành công cụ phát triển toàn bộ xã hội nước ta từ văn chương, triết học, giáo dục, tôn giáo đến kinh tế, cùng mọi ngành, mọi lãnh vực trong đời sống, kể cả việc dành lại độc lập cho Tổ quốc”. Vì vậy Ông Lê Văn Lượng trong bài báo: “Alexandre de Rhodes trong bóng tối lãng quên” đã nhận định: “Quốc ngữ là tiếng ghi âm, cho nên học hơn 6 tháng là người ta có thể đọc, đánh vần và viết thông thạo. Mặt khác người biết Quốc ngữ dễ dàng học tập các ngoại ngữ như: Anh, Pháp, Đức, Ý... đó là điều kỳ diệu, nổi bật nhất trong nhóm các ngôn ngữ Á châu, là một thành công mà Nhật Bản và cả Trung Quốc phải ghen tị... cho nên dù giáo sĩ Đắc Lộ xuất phát từ động cơ nào, chúng ta cần phải công tâm nhìn nhận rằng cái công trình Latinh hóa mà ông đóng góp nhiều tâm huyết ấy, quả là một báu vật khiến ta phải trân trọng và biết ơn”.

Theo nhà báo Huệ Khải cho biết khi xét về nguồn gốc ba tôn giáo lớn ở Nam Kỳ: Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu 1924), Cao Đài giáo (Tây Ninh 1926) và Phật giáo Hòa Hảo (1936) thì tất cả các đạo này, đều có điểm chung cùng dùng tiếng Việt, ghi chép giáo lý bằng chữ Quốc ngữ, để rao giảng truyền bá cho các đạo hữu.

Trước đây cả 3 miền Bắc Trung Nam đều có những nơi mang tên Alexandre de Rhodes như: Thư xá ở Huế, bia đá ghi ơn nơi bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, Trường học, Trung tâm sinh viên tại Sài Gòn, cả đường phố ở Thủ Đức và Mỹ Tho. 

Năm 1961, giới sưu tầm Bưu Chính Việt Nam, đã đón nhận một bộ 4 con tem quý kỷ niệm 300 năm ngày mất của giáo sĩ Đắc Lộ.

Ngày nay chúng ta vui mừng được biết có nhiều lữ khách người Việt đã theo các đoàn du lịch đến đất nước Ba Tư, cất công tìm đến nơi an nghỉ cuối cùng để kính viếng mộ phần cha Đắc Lộ. Và mới đây trên tuần báo Người Công giáo Việt Nam ngày 22/8/2018 có bài của ông Nguyễn Đăng Hưng cho biết tác giả đã đến viếng mộ, dâng hoa và dự định dựng bia đá tri ân Ngài bằng 4 thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh, Ba Tư. Công việc đã được sự đồng ý của ông Arman Simonia Giám đốc khu Nghĩa Trang, Ban giao dịch Công chúng của nhà thờ Vank và Cục Quản lý Văn hóa, Tôn giáo thành phố Ispahan chấp thuận, nên tác giả đã đóng ngay 20% tiền đặt cọc để làm bia.

Ước mong việc xây dựng tấm bia tri ân trên chóng hoàn tất, như tấm lòng thành của những người con dân nước Việt ở muôn nơi, hiệp thông cùng tác giả công trình nói lên lòng biết ơn người sáng lập ra Chữ Quốc Ngữ.

“Chữ Quốc ngữ - Chữ nước ta - Con cái nhà- Đều phải học”.
VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG
Thông tin khác:
Họ đạo Phụng Tường làm tốt công tác bảo vệ môi trường (07/11/2018)
Hành trang cho người Công giáo khi làm cha (06/11/2018)
Đồng Nai - giáo dân chung tay vì môi trường xanh - sạch - đẹp (06/11/2018)
Chuyến du hành La Vang - Huế của các bạn trẻ H'Mông (06/11/2018)
Giáo hội chào đón 7 vị thánh (05/11/2018)
Quan hệ Việt Nam - Vatican sẽ được nâng lên mức đại diện thường trú (05/11/2018)
UBĐKCGVN sẽ luôn phát huy vai trò, hoàn thành tốt trọng trách mà Đại hội giao phó (31/10/2018)
Đánh giá cao những đóng góp của đồng bào Công giáo và UBĐKCGVN trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước (31/10/2018)
Giáo hội Công giáo với vấn đề môi trường (30/10/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log