Tin tức - Hoạt động

Lịch sử 850 năm nhà thờ Đức Bà Paris

Cập nhật lúc 12:31 23/04/2019
Được xây dựng trong hơn 1 thế kỷ bắt đầu từ năm 1160, Nhà thờ Đức Bà Paris được xem là công trình đẹp nhất của kiến trúc Gothic nhà thờ Pháp.
Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng thế giới bởi các giá trị kiến trúc và văn hoá mà công trình này mang lại. Ảnh: CTV
Nhà thờ Đức Bà Paris nổi tiếng thế giới bởi các giá trị kiến trúc và văn hoá mà công trình này mang lại. Ảnh: CTV
Xây dựng

Thế kỷ XII, Paris là một thành phố quan trọng của Kitô giáo. Đây cũng là giai đoạn thành phố có những phát triển mạnh mẽ về cả dân số và kinh tế. Nhà buôn và thợ thủ công tập trung tại chợ lớn bên bờ phải sông Seine. Trường học của nhà thờ tạo được uy tín.

Ngày 12/10/1160, dưới thời Louis VII, Đức cha Maurice de Sully được bổ nhiệm làm Giám mục Paris. Cùng với các tu sĩ, Đức cha Maurice de Sully đã có một quyết định quan trọng: xây dựng trên quảng trường Saint-Etienne một nhà thờ mới lớn hơn nhiều so với nhà thờ cũ. Nhà thờ sẽ thờ Đức Mẹ và theo phong cách kiến trúc mới, về sau được gọi là kiến trúc Gothic. Cùng với việc xây dựng nhà thờ là cả một dự án quy hoạch đô thị.

Năm 1163, viên đá đầu tiên được đặt với sự có mặt của Đức Giáo hoàng Alexander III và vua Louis VI. Tên của kiến trúc sư đầu tiên đã không được nhắc tới. Đức Giám mục Maurice de Sully chỉ đạo công việc xây dựng cho tới năm 1196, rồi tiếp tục bởi Đức Giám mục Eudes de Sully. 

Nổi tiếng với kiến trúc Gothic, Nhà thờ Đức Bà Paris còn chứa đựng nhiều phong cách khác như kiến trúc Gothic Pháp, Chủ nghĩa tự nhiên và Phục hưng.

Phải mất gần hai thế kỷ nhà thờ Đức Bà Paris mới được hoàn tất. Việc thi công đầu tiên gồm bốn giai đoạn chính. Từ năm 1163-1182: xây dựng điện và hai hành lang chính điện; từ 1182-1190: xây dựng hai gian cuối và các gian bên; từ 1190-1225: xây dựng mặt ngoài, hai gian đầu của nhà thờ; từ 1225-1250: xây dựng hành lang thượng, hai tháp cùng thay đổi, mở rộng các cửa sổ; năm 1350: chính thức xây dựng xong.

Các công việc xây dựng tiếp theo từ cuối thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV bao gồm tên tuổi các kiến trúc sư Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller. Hai cánh ngang nhà thờ được mở rộng, điện thờ được bố trí lại, mặt ngoài gian giữa được ốp.

Cửa sổ hoa hồng bên trong nhà thờ Đức bà Paris. Ảnh: Pinterest

Chuông, cửa sổ và đàn ống

3 cửa sổ hoa hồng - một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của nhà thờ Đức Bà Paris - được lắp tranh kính của thế kỷ XIII. Mỗi khung cửa sổ là những hình ảnh Kinh Thánh khác nhau. 

Cửa sổ hoa hồng tại nhà thờ Đức Bà Paris được coi là những cửa sổ bằng tranh kính nổi tiếng nhất, hoàn hảo nhất. Ánh sáng chiếu qua cửa kính, khi vào nhà thờ sẽ được biến đổi thành các màu sắc khác nhau. Điều này làm cho không gian bên trong nhà thờ sáng một cách huyền ảo. Cửa sổ hoa hồng với nhiều màu sắc rực rỡ nhắc nhở mọi người rằng: mỗi người như một sắc màu, thật đặc biệt.

Nhà thờ Đức Bà Paris có 5 tháp chuông, trong đó chuông phía nam là nổi bật nhất. Năm 2015, những tiếng “chuông nguyện hồn ai” vang vọng sau vụ khủng bố lịch sử ở Thủ đô Paris.

Cây đàn organ ống, lớn nhất ở Pháp, có tới 8.000 ống, 5 bàn phím và 109 phím. Nó được chế tạo lần đầu tiên vào năm 1403, được thay thế vào đầu những năm 1700 với một số bộ phận ban đầu nhỏ hơn. Trong những năm 1990, đàn ống được vi tính hoá bằng 3 mạng. Nó được khôi phục từ năm 2012 đến 2014 với một số sửa đổi và thay thế.

Trùng tu

Nhà thờ Đức Bà Paris đã từng trụ được sau khi bị người Huguenot theo Tin Lành nổi loạn cướp phá hồi thế kỷ thứ XVI, bị đốt phá trong Cách mạng Pháp vào năm 1789 và bị bỏ trong tình trạng gần như quên lãng cho đến khi cuốn tiểu thuyết "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" của đại văn hào Victor Hugo ra đời vào năm 1831, dẫn đến sự quan tâm trở lại của công chúng đối với nhà thờ và sau đó là một đợt trùng tu lớn vốn bắt đầu vào năm 1844.

Nhà thờ Đức Bà Paris tiếp tục được sử dụng làm nơi tổ chức tang lễ quốc gia ở Pháp trong thời hiện đại. Các lãnh đạo thế giới đã đến đây để tham dự lễ tang của các cựu Tổng thống Charles de Gaulle và Francois Mitterrand.

Ngày nay, nhà thờ Đức Bà Paris đón gần 13 triệu du khách tới thăm mỗi năm, nhiều hơn so với Tháp Eiffel.
Gác chuông của Nhà thờ Đức Bà Paris sụp đổ khi nhà thờ bị nhấn chìm trong ngọn lửa ở trung tâm Paris vào ngày 15/4/2019. Ảnh: AFP
Gác chuông của Nhà thờ Đức Bà Paris sụp đổ khi nhà thờ bị nhấn chìm trong ngọn lửa ở trung tâm Paris vào ngày 15/4/2019. Ảnh: AFP
“Lòng tôi tan nát” - bà Elizabeth Caille, 58 tuổi và sống gần nhà thờ, nói. “Đó là biểu tượng của Paris. Đó là biểu tượng của Công giáo. Đó như là cả thế giới sụp đổ đối với tôi”.
“Nó sẽ không bao giờ như trước nữa” - cô Samantha Silva, 30 tuổi, nói với đôi mắt ngấn lệ khi cô kể lại cô đã dẫn bạn bè nước ngoài đến Paris đến thăm nhà thờ Đức bà như thế nào.
Người dân Paris và các du khách sững sờ không tin vào mắt mình khi nhìn thấy ngọn lửa hung dữ xé toạc nhà thờ Đức bà Paris hôm 15/4, một trong những công trình lịch sử được yêu mến nhất thế giới.
Hàng nghìn người chứng kiến đứng dọc theo các cây cầu trên sông Seine và dọc theo bờ sông và được giữ ở khoảng cách an toàn sau hàng rào do cảnh sát dựng lên khi ngọn lửa bao trùm lấy mái nhà thờ.
 
Nhà thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn ngày 15/4/2019. Ảnh: CTV
Nhà thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn ngày 15/4/2019. Ảnh: CTV

Khi màn đêm buông xuống trên thủ đô nước Pháp, ngọn lửa đỏ rực vẫn hoành hành từ ngay trong lòng của tòa Vương cung thánh đường theo kiến trúc Gothic được xây dựng từ năm 1160 và nó phát ra những tia sáng ma quái đằng sau những ô cửa sổ kính màu.
Những người chứng kiến mặt cứng đờ đứng chôn chân tại chỗ khi nhìn thấy quy mô của thảm họa. Họ tự hỏi liệu ngôi giáo đường này sẽ trụ vững qua đêm nay khi những đám mây khói bay lên trời. Một số người xúc động thấy rõ.
“Thật khủng khiếp, hơn 850 năm lịch sử đã tan thành mây khói,” du khách Đức Katrin Recke nói.
Trong khi lính cứu hỏa chạy đua để cứu những tác phẩm nghệ thuật vô giá, các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ đau buồn trong các thông điệp gửi tới người dân Pháp.
“Nhà thờ Đức bà Paris thuộc về toàn thể nhân loại. Thật là một quang cảnh đau lòng. Thật kinh hoàng. Tôi chia sẻ nỗi buồn với nước Pháp,” ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, viết trên Twitter.
Bà Hillary Clinton, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ, viết trên Twitter: “Trái tim tôi hướng về Paris. Nhà thờ Đức bà là biểu tượng của khả năng đoàn kết của nhân loại chúng ta cho mục đích cao cả hơn: xây dựng những công trình đẹp đến nghẹt thở làm nơi thờ phụng mà không một cá nhân nào có thể tự mình xây dựng được”.
Song Minh
Thông tin khác:
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với ĐTC sau Phục Sinh (23/04/2019)
Lễ ký kết thỏa thuận tài trợ mổ mắt miễn phí trên xe lưu động (22/04/2019)
Con lừa và con gà trong Thánh Kinh (22/04/2019)
Cụm thi đua lĩnh vực Pháp luật và Tôn giáo phát động thi đua (22/04/2019)
Ba vành đai Hà Nội (22/04/2019)
Giáo xứ Cách Tâm bảo vệ môi trường (22/04/2019)
Phản ứng của Tòa Thánh về vụ cháy nhà thờ Đức Bà Paris (19/04/2019)
Nhân chuyện chùa Ba Vàng, nghĩ về nạn trục lợi niềm tin tông giáo (19/04/2019)
Báo chí phản ánh tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng (19/04/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log