Tin tức - Hoạt động

Nâng cao tinh thần "bút sắc, lòng son" của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng

Cập nhật lúc 13:09 19/06/2019
1. Bút sắc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tham nhũng là “giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, giặc này không có súng, có gươm nhưng lại có thể phá hỏng tất cả sự nghiệp của ta”. Người nói: “nếu chúng ta chưa tiêu diệt được tham ô, lãng phí, bất liêm thì sự nghiệp cách mạng chưa hoàn thành”. Nhân dân ta coi tham nhũng là “sâu mọt” nó phá hoại mọi thành quả cách mạng mà nhân dân ta đổ bao “xương máu” mới có được. Trước nguy cơ “Giặc nội xâm” đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quyết tâm chính trị và từng bước hoàn thiện pháp luật để ngăn chặn và đẩy lùi giặc tham nhũng. Trong cuộc chiến chống tham nhũng “nôm na” được nhân dân gọi là “chiến dịch đốt lò” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã đạt được những kết quả bước đầu, trong đó có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình, phát thanh… tham gia công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và vận động nhân dân tích cực tham gia. Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng chuyên mục “Ý kiến bạn đọc” để tiếp nhận, xử lý những ý kiến phản ánh của nhân dân và chủ động nghiên cứu những đơn thư nhân dân phản ánh về những vấn đề khuất tất, thiếu minh bạch, ức hiếp quần chúng, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức ở các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; cử những phóng viên có kinh nghiệm đi tác nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân và kiên quyết đưa ra ánh sáng những vụ tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ... của một số cá nhân và tập thể. Nhờ có sự tham gia tích cực của đông đảo đội ngũ người làm báo, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã bị phanh phui, thu lại cho Nhà nước và nhân dân hàng ngàn tỷ đồng như: Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; vụ án Phạm Công Danh gắn với Ngân hàng xây dựng Việt Nam; Vụ án “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và vụ án Trần Bắc Hà xảy ra tại Ngân hàng BIDV, cùng nhiều vụ án khác… đã thể hiện thái độ đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt không khoan nhượng của báo chí với giặc nội xâm. Qua thông tin của báo chí, nhân dân đã thấy được những bộ mặt thật của những kẻ “hút máu của nhân dân” với bản danh sách đen từng ngày một dài thêm từ tham nhũng lớn đến tham nhũng vặt; chúng ở mọi nơi, mọi lĩnh vực, trong đó có những cán bộ, đảng viên từng có địa vị cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước như Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Vụ trưởng... vì mang nặng chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, không nghĩ đến lợi ích của tập thể, của nhân dân, số tiền chúng tham nhũng của Nhà nước, của nhân dân được tính bằng nhiều nghìn tỷ, gấp nhiều lần do thảm hại thiên tai gây ra hàng năm. 

Để đồng hành cùng các nhà báo và các cơ quan báo chí, với vai trò bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí”. Năm 2017, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức giải báo chí lần thứ nhất, đã nhận được 1.126 tác phẩm báo chí ở các loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình. Số lượng bài viết gửi về dự thi đã khẳng định sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí trong cuộc chiến chống giặc nội xâm. Phát biểu tại buổi lễ trao giải, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước đã thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tích cực tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, lãng phí; kịp thời phản ánh một cách chân thực những yếu kém, tiêu cực, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, đồng thời cổ vũ, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí”. Đây là nguồn động viên, minh chứng sinh động về vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo với tinh thần “bút sắc” trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

2. Lòng son

Để góp phần vào cuộc chiến chống tham nhũng, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo phải vượt qua những cám dỗ về vật chất, không mềm lòng trước các biểu hiện tiêu cực chính trong các cơ quan báo chí, phát huy sức mạnh của truyền thông, đăng kịp thời các tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng, những tấm gương tiêu biểu, điển hình trong phòng chống tham nhũng. Đồng thời, với tinh thần “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật”, cần nêu những hạn chế của cuộc đấu tranh này để rút kinh nghiệm tiếp tục đấu tranh có hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, gây hoang mang dao động trong nhân dân. 

Thiết nghĩ, để huy động tạo sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo, phóng viên cần nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả, góp phần xây dựng cơ chế phòng ngừa; trừng trị, răn đe qua dư luận xã hội nhằm thực hiện phương châm: Không thể, không dám, không cần tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức ở các cấp và toàn xã hội. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo chí trước và sau xét xử. Việc tuyên truyền cuộc chiến đấu chống giặc tham nhũng phải bảo đảm tính kịp thời.

MẠNH QUANG
















 
Thông tin khác:
Phòng Thư ký Biên tập - "Người gác cổng nội dung tờ báo" (18/06/2019)
Mấy cảm nhận cá nhân với lãnh đạo báo Người Công giáo Việt Nam (18/06/2019)
Những "Nhà báo"đáng trân trọng (18/06/2019)
Ban Tôn giáo Chính phủ thăm và chúc mừng Báo Người Công giáo Việt Nam (17/06/2019)
Chia sẻ niềm vui cùng Báo Người Công giáo Việt Nam (14/06/2019)
Đến với tòa soạn báo Người Công giáo Việt Nam (14/06/2019)
Những năm tháng không quên (14/06/2019)
Mừng ngày hiền phụ (13/06/2019)
ĐTC gặp các Đại Diện Ngoại Giao Tòa Thánh (12/06/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log