Tin tức - Hoạt động

Giáo xứ Ngọc Lẫm

Cập nhật lúc 09:20 02/07/2019
Giáo xứ Ngọc Lẫm nằm trên địa bàn xã Trường Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, cách Tòa Giám mục Thanh Hóa khoảng 22km về phía Tây Nam.
Giáo xứ Ngọc Lẫm dâng hoa rước kiệu bế mạc Tháng hoa. Ảnh: Ngô Dụng
Giáo xứ Ngọc Lẫm dâng hoa rước kiệu bế mạc Tháng hoa. Ảnh: Ngô Dụng
Lịch sử hình thành và phát triển:

Khoảng cuối thế kỷ XIX, một số giáo dân gốc Phát Diệm và Bùi Chu đã đến vùng đất sông nước hoang vắng, sình lầy thuộc hạ lưu sông Yên (là Ngọc Lẫm bây giờ) để khai hoang định cư. Do nguồn thủy sản dồi dao, cũng như vì việc đi lại bằng thuyền bè lúc này còn thịnh hành, nên số tín hữu quy tụ ngày một đông. Những họ đạo đầu tiên được thành lập và sát nhập về giáo xứ Phúc Lãng. Năm 1937, Đức cha Louis de Cooman Hành đi kinh lược bằng thuyền đến giáo xứ Phúc Lãng và Hoài Yên có ghé thăm vùng Ngọc Lẫm. Năm 1938, quan lại địa phương huyện Tĩnh Gia lấy tên của hai làng lương dân kế cận là Ngọc Cù và Quần Lẫm mà ghép thành tên làng Ngọc Lẫm. Năm 1942, Đức cha Hành đi thuyền ghé thăm vùng Ngọc Lẫm lần thứ hai. Ngài rất vui mừng vì cộng đoàn tín hữu phát triển nhanh chóng, đã làm được nhà nguyện, nhà phòng, lập hội bát âm, hội trống và nhiều hội đoàn khác. Năm 1949, cha Phêrô Phạm Tần, chính xứ Phúc Lãng đã làm đơn đệ trình xin thành lập giáo xứ Ngọc Lẫm.

Ngày 30/5/1950, giáo xứ Ngọc Lẫm chính thưc được thành lập, nhận bổn mạng là Đức Maria hồn xác lên trời, giáo xứ có 7 họ đạo là: Thanh Giang, Giang Sơn, Thanh Ninh, Chính Đạo, Cầu Nga, Phúc Lộc và Đại Trung, số tín hữu khi ấy khoảng 1.500 người và cha Micae Trần Khắc Vinh là cha xứ tiên khởi.

Năm 1953 - 1954, giáo xứ Ngọc Lẫm gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhà thờ bị bom đạn bắn phá, mất mùa, đói kém, khoảng 80% giáo dân bỏ về quê cũ sinh sống, giáo xứ trở nên hoang vắng tiêu điều. Năm 1954, giáo xứ còn 4 họ đạo là Giang Sơn, Thanh Ninh, Thanh Giang và Chính Đạo. Năm 1955, cha Giuse Trần Thiện Căn nhận bài sai về phụ trách 3 xứ Phúc Lãng, Đa Minh vả Ngọc Lẫm. Dần dần số tín hữu lại trở về đông đúc. Trong những năm sau, giáo xứ đã được coi sóc bởi các cha Antôn Trần Lộc, cha Alphongsô Phạm Văn Hộ, cha Giuse Trần Xuân Mạnh, cha Phaolô Dưỡng Văn Số, cha Phaolô Trần Văn Hiền, cha Giuse Vũ Khoan Dong, cha Giuse Trần Văn Niên...

Giáo xứ Ngọc Lẫm hiện nay

Theo sổ tất niên năm 2011, giáo xứ Ngọc Lẫm có 3.700 giáo dân, phân bổ trong 6 giáo họ là Chính Đạo, Giang Sơn, Thanh Giang, Thanh Ninh, Thánh Phêrô và Phúc Lộc.

Đời sống kinh tế của giáo dân Ngọc Lẫm chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp, trồng cói và dệt chiếu, nên còn nhiều khó khăn.
 
Thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Ngọc Lẫm. Ảnh: Trần Lâm
Thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Ngọc Lẫm. Ảnh: Trần Lâm

Tuy nhiên, các sinh hoạt tôn giáo tại Ngọc Lẫm luôn diễn ra trong tinh thần sốt sắng và đoàn kết. Bản chất đôn hậu của những người dân một nắng hai sương, quanh năm lam lũ với đồng ruộng được gìn giữ và thể hiện sắc nét qua đời sống đức tin hết sức đơn sơ, bình dị nhưng thành kính. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cha xứ, đời sống của bà con cũng phần nào được cải thiện và lạc quan hơn. Cùng với các lớp học đàn, nhạc, ôn thi, xóa mù chữ; các lớp học giáo lý, học kinh bổn được mở thường kỳ trong năm. Các hội đoàn như Con Đức Mẹ, Legio Maria, ca đoàn... đã thu hút được giới trẻ tham gia và sinh hoạt một cách mạnh mẽ và đều đặn.

Giáo xứ hiện có 2 cha quê hương là cha Phêrô Vũ Hồng Thái và cha Giuse Bùi Quang Tạo, cùng các chủng sinh, ứng sinh và nhiều tu sĩ nam nữ.

Trong niềm tin tưởng và hiệp nhất, giáo xứ sẽ còn thăng tiến nhiều trên các lĩnh vực văn hóa, đời sống và đức tin để hòa cùng dòng chảy của giáo phận.
 
TL
Thông tin khác:
Huyền thoại Sơn thù du (02/07/2019)
Thánh lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ giáo họ Sơn Vi (02/07/2019)
Đẹp thay bước chân rảo khắp nẻo đường (01/07/2019)
Giáo xứ Đồng Gianh dâng hoa kính Đức Mẹ (01/07/2019)
Nơi hội tụ và lan tỏa (01/07/2019)
Nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền (28/06/2019)
Phát động giải Báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc lần thứ XIV, năm 2019-2020” (25/06/2019)
Đồng Tháp: mô hình “giáo xứ Bến Siêu, tuyến đường, cổng ngõ, ngôi nhà, sáng – xanh – sạch – đẹp, an toàn” (20/06/2019)
Cần Thơ: Các tổ chức tôn giáo phối hợp bảo vệ môi trường (20/06/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log