Tin tức - Hoạt động

Giáo xứ phú bình

Cập nhật lúc 09:32 11/07/2019
Một thánh lễ ở nhà thờ giáo xứ Phú Bình. Ảnh: CTV
Một thánh lễ ở nhà thờ giáo xứ Phú Bình. Ảnh: CTV
Giáo xứ Phù Bình nằm trên địa bàn xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách Tòa Giám mục khoảng 17km về phía Tây. Đây là vùng đất ghi lại dấu ấn của nền văn hóa Đông Sơn rạng rỡ. Trên mảnh đất này, trong quá khứ, người dân đã phải gánh chịu bao đau thương để sống và bảo tồn đức tin. Giờ đây, giáo xứ Phù Bình đang gìn giữ và củng cố niềm tin ấy trên chặng đường tiến về tương lai.

Lịch sử hình thành và phát triển

Năm Minh Mạng Ngũ Niên (1825), hai cụ Phêrô Phạm Đình Đồ và Giuse Chu Đình Trọ ở thôn Mành Sơn (tổng Phú Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cùng vợ con lên thuyền đi ven biển vào lạch Quèn, lạch Bạng, ngược sông Hoàng tìm nơi làm ăn sinh sống. Cụ Giuse Trọ dừng lại ở đất Phù Chẩn, xin gia nhập làng này, và sau lập thành họ đạo Phù Chẩn. Cụ Đồ đĩ xa hơn, lên đến hàng Tú, nay thuộc đất Đông Hòa, cắm sào, lên bờ tìm đất định cư, và từ đây lập ra họ đạo Bình Đớn. Hai họ đạo này ngày một lớn mạnh và phát triển.

Năm 1846-1871, thời vua Tự Đức cấm đạo, giáo dân nhiều người bị bắt, bị đánh đập, tra tấn dã man, bị voi dày, ngựa xé, một số bị thích chữ “tả đạo” vào mặt, số khác chạy lánh nạn khắp nơi. Sau khi cuộc bách hại đạo lắng xuống, giáo dân lánh nạn trở về, chỉ còn thấy một bãi hoang tàn, bà con phải bắt tay làm lại từ đầu, ổn định cuộc sống và xây dựng lại giáo họ. Thời gian này có thêm 10 gia đình xin gia nhập đạo.

Năm 1873 - 1888, ngôi nhà nguyện được xây dựng lại, có thêm 6 gia đình xin gia nhập đạo.

Năm 1920, họ Bình Đớn và Phù Chẩn sát nhập lại thành một, lấy tên là Phù Bình.

Năm 1926, cha Tuấn cùng bà con giáo dân xây dựng nhà thờ, dài 12,5m, rộng 5,2m, có cột bằng gỗ lim, và được khánh thành vào ngày 19/02/1929.

Năm 1930, cha Phêrô Vũ Khắc Cần về coi sóc giáo họ và đã kiện toàn lại mọi sinh hoạt, thành lập các hội đoàn, hội Mân Côi, hội Thánh Giuse, hội Thánh Phêrô. Cha mời Đức cha Thành về thăm, và nhân dịp này, Đức cha Thành đã rửa tội cho 95 người, và ban phép Thêm sức cho 152 người.

Năm 1934, giáo dân lại được đón cha Giuse Trần Thiện Căn về coi sóc giáo họ. Cha còn đưa thêm các thầy Hạ, Vinh, Chất, Ưng, Chấn về giúp giáo dân và thanh thiếu nhi học về giáo lý, về các Bí tích, tập hát và sinh hoạt cộng đồng. Cha cũng cho xây nhà phòng để làm nơi tiếp đón các cha, các thầy.

Năm 1940, cha Đinh Thiện Ngạn xây ngôi nhà thờ lớn hơn thay thế ngôi nhà thờ cũ.

Ngày 8/9/1950, nhà thờ được hoàn thành. Cùng năm ấy, Đức cha Hành chuẩn y cho thành lập giáo xứ Phù Bình, gồm 11 họ đạo, với số giáo dân là 1.205 người. Địa bàn của giáo xứ trải dài qua hai huyện Đông Sơn và Triệu Sơn, tách biệt với xứ Toàn Tân.

Từ 1953 - 1954, đời sống đạo gặp nhiều khó khăn, một số giáo dân di cư vào Nam, sinh hoạt giáo xứ trở nên thưa thớt.

Năm 1955 - 1957, không khí sinh hoạt trở lại bình thường. Thời gian này, cha Trần Ngọc Kỳ, cha Nguyễn Quang Quỳnh thường về dâng thánh lễ các ngày Chúa nhật và lễ trọng. Năm 1958, cha Bùi Trương Ngũ xây dựng ngôi nhà thờ mới rộng 5 gian trên nền móng cũ và hoàn thành ngày 26/4/1960.

Năm 1965- 1975, bước vào giai đoạn chiến tranh ác liệt, Đức cha Phêrô Phạm Tần phải sơ tán về Phù Bình. Trong thời gian đó, Đức cha không những chăm lo cho đời sống đức tin của giáo dân mà con truyền đạt cho bà con một số kinh nghiệm canh tác, chăn nuôi và trồng trọt. Trên hết, cha đã tạo nên phong trào nuôi cá giống, đem lại nguồn lợi lớn, cải thiện đời sống kinh tế cho bà con. Đến nay, nghề nuôi cá giống vẫn còn được duy trì và phát triển. Năm 1975, Đức cha về Toà Giám mục. Trong những năm sau, giáo xứ đã được sự coi sóc bởi các cha: cha Giuse Trần Xuân Mạnh, cha Phaolô Phạm Văn Điền, cha Tôma Lê Xuân Khấn, cha Phaolô Trần Ngọc Loan, và hiện nay là cha Antôn Nguyễn Quốc Tuấn.

Giáo xứ Phù Bình hiện nay

Hiện tại, giáo xứ có 643 giáo dân (theo sổ tất niên năm 2011), gồm 4 giáo họ: Nga Nha, Phù Chẩn, Trị Sở và Nga Thương, với 10 giới đoàn sinh hoạt sôi nổi: như Hội Mân Côi, Hội Bà Mẹ Công giáo, Hội kèn, Hội trống, Hội cầu nguyện, Hội Matta, ca đoàn. Ngôi nhà thờ của giáo xứ hiện nay được cha Antôn Nguyễn Quốc Tuấn xây dựng khang trang. Đời sống đức tin thăng tiến. Theo thống kê năm 2011, giáo xứ có 9 tu sĩ, 2 chủng sinh, 2 linh mục triều.

Đời sống của giáo dân ổn định. Nghề nghiệp chính của bà con là nông nghiệp, ngoài ra, còn có nghề nuôi cá bột và buôn bán cá giống. Đời sống văn hóa ngày được nâng cao. Con em trong giáo xứ có tinh thần hiếu học. Bà con sinh sống tập trung nên thuận tiện cho các sinh hoạt tôn giáo.

Trong quá trình hình thành và phát triển, dù trải qua những gian khó, nhưng giáo xứ Phù Bình vẫn trung kiên, một lòng tin tưởng vào Chúa. Đặc biệt giáo xứ luôn nhận được sự quan tâm nâng đỡ, chăm sóc của các mục tử. Trong những năm tháng cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, giáo xứ Phù Bình đang có một nhịp sống đạo mới, đầy niềm tin và sức sống. Đời sống tinh thần và vật chất đang được cải thiện, tinh thần đoàn kết thương yêu ngày càng gắn bó và chân thành.
 
Thông tin khác:
Về bên Đức Mẹ Núi Bổng (11/07/2019)
Hội nghị lần thứ mười sáu Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (10/07/2019)
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Trung ương UBĐKCG Việt Nam lần thứ III (09/07/2019)
Dải Trường Sơn, đường Trường Sơn (09/07/2019)
Toàn Quốc chống rác thải (08/07/2019)
Nâng dậy người anh em (08/07/2019)
Giáo xứ Ngọc Lẫm (02/07/2019)
Huyền thoại Sơn thù du (02/07/2019)
Thánh lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ giáo họ Sơn Vi (02/07/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log