Tin tức - Hoạt động

Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, và ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật lúc 16:33 22/10/2019


Năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, tổ chức tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020 với 5 nội dung, 7 mục tiêu, giải pháp. Sau 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức NCA Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội nghị diễn ra tại Huế trong ngày 14 và sáng 15/10/2019.

Hội nghị đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các tôn giáo và các mô hình trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; thống nhất cam kết tăng cường trách nhiệm của tôn giáo về thúc đẩy việc thực hiện Chương trình phối hợp; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện Chương trình phối hợp. Ngoài các phiên toàn thể và phiên chuyên đề trong hội trường, còn có hoạt động hội trại với các gian trưng bày kết quả thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tôn giáo, hoạt động giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bên ngoài hội trường.

Hội nghị và hội trại được thiết kế trên nền tảng ý tưởng “Quay về với tự nhiên”. Ý tưởng này được tạo hứng khởi từ bài viết “Trở về tự nhiên - Một sự phản ứng của nền văn minh”. “Trở về với tự nhiên” là xu hướng chung của con người trong các nền văn minh. Sống hòa mình vào thiên nhiên là mong muốn ngàn năm của con người, là hiện tượng đặc trưng của nền văn minh xanh. Từ ý tưởng đó, phần trang trí phục vụ Hội nghị sử dụng các chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường như: tre, nứa, mo cau, tận dụng giấy để trang trí và làm sản phẩm phục vụ Hội nghị. Chất liệu nilon không được sử dụng cho Hội nghị.

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ngô Sách Thực, cho biết: Đến nay, sau 4 năm thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đã có 63/63 tỉnh, thành phố ký kết Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo trên địa bàn tỉnh, thành phố. Nhiều địa phương đã triển khai ký kết chương trình phối hợp ở cấp huyện. Sau khi ký kết Chương trình phối hợp, từng tôn giáo đã chủ động triển khai và đưa nội dung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình hoạt động hàng năm của tôn giáo mình; ban hành các văn bản như Thông điệp, Thông bạch, Lời kêu gọi, Kế hoạch gửi các tổ chức cơ sở và tín đồ để hưởng ứng Chương trình tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay trên cả nước đã có 1014 mô hình của các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điển hình như mô hình “Giáo xứ An toàn- Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp” của giáo xứ Thánh Mẫu (phường 7, Đà Lạt, Lâm Đồng), của giáo xứ Phú Sơn (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng); Hà Nội có mô hình “Chùa Xanh” nhằm bảo vệ môi trường tại chùa Xuân Trạch (xã Xuân Canh, Đông Anh)…

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động có tác động to lớn trong đời sống nhân dân như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Trong đó, nhiều nội dung, chương trình hành động đều đưa nội dung bảo vệ môi trường là một trong nhưng tiêu chí khi thực hiện các phong trào, các cuộc vận động này. Do đó, việc Mặt trận huy động các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí là vấn đề lớn cần sự huy động của cả hệ thống chính trị để tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của người dân; đồng thời nội dung này cần được đưa vào Chương trình, đường hướng hoạt động, Hiến chương của các tôn giáo để các tín đồ cùng thực hiện. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các mô hình tự quản, huy động sức mạnh của cộng đồng thành những việc làm cụ thể để xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường.
 
AL
Thông tin khác:
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Thư chung gửi cộng đồng dân Chúa, đặc biệt là các bạn trẻ (22/10/2019)
Hưởng ứng “tháng hành động vì người cao tuổi” (17/10/2019)
Làm theo ý Chúa (16/10/2019)
Hội đồng Giám mục Việt Nam Đại hội lần thứ XIV (16/10/2019)
Trùng tu Mộ Thánh bước vào giai đoạn hai (15/10/2019)
Đức Thánh Cha chúc mừng tín hữu Brazil nhân lễ Đức Mẹ Aparecida (14/10/2019)
Linh mục Di Noto nhận huy chương của Ba Lan (14/10/2019)
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Syria và Ecuador (14/10/2019)
Một triệu trẻ em đọc kinh Mân Côi vì hiệp nhất và hòa bình (11/10/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log