Tin tức - Hoạt động

Tư liệu về linh mục Phêrô Phạm Bá Trực (1946-1954): Giới thiệu tổng quan, đính chính, mấy vấn đề cần làm rõ

Cập nhật lúc 15:36 17/06/2020
Linh mục Phạm Bá Trực (ngồi chính giữa) Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việ (ảnh tư liệu)
Linh mục Phạm Bá Trực (ngồi chính giữa) Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việ (ảnh tư liệu)
III. 2. MỘT SỐ CHI TIẾT CẦN LÀM SÁNG TỎ
1. Có phải linh mục Phạm Bá Trực đi học ở Roma thời gian 1919-1929 ?
- Trong một số tài liệu viết có nói tới linh mục Phạm Bá Trực đi học ở Roma từ 1919-1929.[1] Tuy nhiên khi đọc cuốn Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng 50 năm hồng ân, do Toà tổng Giám mục Hà Nội in năm 1999 có một số chi tiết khiến chúng tôi băn khoăn về mốc 1929. Tại trang 5 cuốn sách đó có viết:
“Năm lên 8 tuổi, cậu (ý nói Phạm Đình Tụng) theo một người họ hàng là linh mục phêrô ô Phạm Bá Trực lên học ở Hà Nội. Linh mục Phạm Bá Trực quê cũng gần làng Cầu Mễ (quê Phạm Đình Tụng), đi tu ở Hà Nội sau đi du học Roma và được tấn phong linh mục.
Vào quãng năm 1927, Linh mục Phạm Bá Trực có mở một ngôi trường nhỏ dậy văn hoá cho trẻ em ở làng Tám (thuộc khu Giáp Bát, Hà Nội). Cậu bé Phạm Đình Tụng được ngài quan tâm đưa lên học tại đây. Chỉ sau 2 năm học tập, cậu Tụng tiến bộ rất nhiều. Sau kỳ nghỉ hè năm 1929, thấy cậu Tụng tư chất thông minh ham học, lại là một cậu bé ngoan ngoãn hiền lành ẩn giấu một nghị lực khác người. Nhìn thấy một triển vọng tương lai nơi cậu, Cha Phạm Bá Trực muốn tiến cử cậu vào Tràng Tập để đi tu.”
Điều đáng nói là linh mục Phạm Bá Trực vốn là nghĩa phụ của Hồng y Phạm Đình Tụng, cho nên những dòng sử liệu này hoàn toàn có cơ sở tin cậy. Và như vậy năm 1927, linh mục Phạm Bá Trực đã dạy văn hoá ở khu vực Làng Tám.
- Một chi tiết khác cũng lưu ý là:
 “Năm 1914, nhân chuyến qua Roma, Tòa thánh thúc giục Giám mục Marcou (Thành) (Giám mục phó Tây Đàng Ngoài, Hà Nội) gửi sinh viên Việt Nam sang học Roma. Về Việt Nam, Giám mục Marcou hỏi ý kiến Giám mục Gendreau (Đông), Giám mục Hà Nội, Giám mục Hà Nội bằng lòng gửi thầy Phạm Bá Trực du học Roma.”[2]
Với một ý kiến của Toà thánh như vậy, chắc không thể chậm trễ tới 5 năm sau mới cử người đi học?
- Nhân chuyến về quê linh mục Phạm Bá Trực, có dịp nói chuyện với ông Phạm Quang Thiện, người duy nhất trong dòng họ Phạm giữ những thông tin về linh mục Phạm Bá Trực, ông cho chúng tôi biết là năm 1925, sau khi thụ phong linh mục, linh mục Phạm Bá Trực đã trở về nước. Tuy nhiên ông không đưa ra sử liệu, chúng tôi chỉ xem đây như là một ý kiến để tham khảo. Hi vọng vấn đề sẽ cụ thể từ các sử liệu của ông?
Căn cứ từ những sử liệu trên, có lẽ thời điểm về nước của linh mục khoảng từ 1925-1927 là hợp lý hơn cả. Và như vậy thì thời gian đi học sẽ vào khoảng từ 1916-1918.
2. Xác định cụ thể các mốc thời gian linh mục Phạm Bá Trực hoạt động trong Quốc hội, Mặt trận Liên Việt.[3]
Cụ thể như sau:
- Ngày 6/1/1946, được bầu là đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Giữa năm này linh mục là uỷ viên của Mặt Trân Liên Việt.[4]
- Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2/3/1946, linh mục Phạm Bá Trực được bầu làm uỷ viên dự khuyết của Ban thường trực Quốc hôi. (lúc đó ban trường trực gồm 15 người là uỷ viên chính thức và 3 người là uỷ viên dự khuyết)[5], Trưởng ban thường trực Quốc hội là cụ Nguyễn Văn Tố.
- Phiên họp thứ hai của Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ ngày 28/10-9/11/1946, linh mục được bầu là uỷ viên chính thức của Ban thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Trưởng ban thưởng trực Quốc hội.[6] Tuy nhiên lúc đó Ban thường trực Quốc hội gồm mấy tiểu ban?  linh mục Phạm Bá Trực thuộc tiểu ban nào? Điều này từ trước đến nay chưa làm rõ, kể cả các văn kiện Quốc hội lấy từ Trung tâm lưu trữ quốc gia III. Về điều này xin được làm sáng tỏ như sau:
“Để tiến hành công việc, ban Trường trực Quốc hội đã thành lập 3 tiểu ban:
A- Tiểu ban Pháp chính
B- Tiểu ban Tài chính kinh tế
C- Tiểu ban Kiến nghị
A, Tiểu ban Pháp chính, gồm 7 uỷ viên chính thức và 1 uỷ viên dự khuyết:
Ông Tôn Quang Phiệt Trưởng ban, uỷ viên chính trị: cụ Tôn Đức Thắng và các ông Dương Đức Hiền, Hoàng Văn Hoan, Trần Văn Cung, Phạm Bá Trực, Nguyễn Đình Thi; uỷ viên dự khuyết, Nguyễn Thị Thục Viên.”[7]
- Tháng 5/1947, linh mục Phạm Bá Trực được bầu làm Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Về điều này sử liệu ghi:
 “Cụ Phạm Bá Trực làm Phó Trưởng Ban: Hồi tháng 5 năm 1947, cụ Tôn Đức Thắng, Phó Trưởng Ban được Chính phủ mời sang quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Toàn ban đã bỏ phiếu bằng cách gửi thư bầu cụ Phạm Bá Trực làm Phó Trưởng Ban cùng cụ Bùi Bằng Đoàn điều khiển công việc.”[8]
- Khoảng từ 1948-1952, linh mục Phạm Bá Trực có vai trò quan trọng trong Hội đồng Chính phủ giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết nhiều công việc của Chính phủ.[9] Sử liệu ghi:
“Cụ Trưởng Ban Bùi Bằng Đoàn, và về sau thêm hai cụ Phó Ban Tôn Đức Thắng và Phạm Bá Trực đã luôn luôn ở bên cạnh Hồ Chủ tịch và tham dự các cuộc Hội đồng Chính phủ để giúp đỡ ý kiến Chính phủ trong mọi công việc. Những ngày giặc Pháp tấn công các cụ Trưởng và Phó Ban đã luôn luôn chân dậm đất lặn suối trèo đèo nhiều khi sát ngay tiếng súng để cùng Chính phủ điều khiển cuộc kháng chiến.”[10]
- Tháng 2 năm 1950, Ban thường trực Quốc hội bầu ra một Ban thường vụ nằm trong Ban thường trực để tham gia các hoạt động thường xuyên với Chính phủ. Ban này gồm 5 người là Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng, Tôn Quang Phiệt, Phạm Bá Trực, Dương Đức Hiền và Trần Huy Liệu[11]. Thực ra cơ cấu tổ chức của Ban thường vụ đã có từ ngày 11 tháng 11 năm 1946.[12]
- Tháng 3/1951, thống nhất Việt Minh và Liên Việt, linh mục Phạm Bá Trực làm Phó chủ tịch Uỷ ban Liên Việt toàn quốc.[13]
3. Thái độ của giáo hội khi linh mục tham gia kháng chiến?
Vấn đề này cần soi xét, bởi bối cảnh lịch sử thời điểm 1946-1954, đối với người Công giáo, đặc biệt là hàng giáo sĩ, tham gia kháng chiến phải trải qua cuộc “cách mạng trong nội tâm của lòng mình”. Dẫu vẫn biết động lực dân tộc là động lực lớn, trào lưu đồng hành cùng dân tộc là xu hướng chủ lưu, nhưng Đức tin người Công giáo cũng thực son sắc, nhất là đa số giáo dân thấp kém về dân trí và thần học, nó lại  được bao trùm và khẳng định theo tinh thần Giáo hội trước Công đồng Vatican II, đặc biệt dưới thời Giáo hoàng Piô XI, Piô XII, vốn lãnh đạm với Chủ nghĩa vô thần - Cộng sản.
Vậy linh mục Phạm Bá Trực hẳn có điều gì đó “ưu ái” đặc biệt từ phía giáo hội chăng? Chúng ta sẽ hiểu rõ vấn đề qua một số sử liệu.
- Một sử gia Công giáo viết:
 “Cha Phạm Bá Trực, người du học Roma, tiến sĩ thần học, đang là chính xứ Khoan Vĩ, trong cuộc bầu cử Quốc hội 6/1/1946 đã được Đức cha Chaize (Thịnh) cho phép ra tranh cử, và đã đắc cử, cha được đặt vào chức Phó trưởng ban thường trực Quốc hội, có đôi chút ảnh hưởng để bênh vực giáo hội.”[14]
Vẫn tác giả trên ở một đoạn khác viết:
“Cha Phạm Bá Trực, dân biểu Quốc hội (từ 1946) thường cư ngụ tại giáo xứ Kẻ Chuôn (Hà Đông). Đôi lần cha vào Hà Nội, gặp Đức cha Giám mục giáo phận. Đức cha nói với cha: “Cha đã biết rõ giáo luật dạy cha phải làm gì”. Từ đấy cha nhiều lần vắng mặt trong các buổi họp.”[15]
Từ hai đoạn tư liệu trên chúng tôi tạm rút hai ra nhận xét sau:
Thứ nhất: Ban đầu ý định của Bề trên đối với linh mục Phạm Bá Trực là muốn ra tranh cử đại biểu Quốc hội, “có thể” lúc đó họ đã hi vọng một ý hướng xa hơn là linh mục sẽ đem lại một số “lợi ích” theo cách riêng của giáo hội nếu trúng cử đại biểu Quốc hội.
Thứ hai: Tuy nhiên khi tham gia Quốc hội, với tinh thần dân tộc vốn có từ hồi trước cách mạng, linh mục Phạm Bá Trực quyết tâm theo kháng chiến. Điều này lại càng được khẳng định thêm đối với linh mục khi cụ Hồ có những cử chỉ tận tình đặc biệt dành cho ngài. Hơn nữa, linh mục ngày càng giữ những trọng trách trong Quốc hội và sau này là Hội đồng Chính phủ. “Có lẽ” do “ý định ban đầu” không đạt được, lại dưới áp lực của Tòa thánh nên Bề trên Hà Nội mới có thái độ như đoạn trích hai đã nói. Cũng cần hiểu thêm rằng, cuối 1946 đầu 1947 khi linh mục theo Chính phủ kháng chiến lên Việt Bắc thì gần như là thể hiện rõ lập trường của cá nhân ngài trước giáo hội về đường hướng “kính Chúa yêu Nước”. Bài viết năm 1948 trên báo Sự thật càng khẳng định điều này. Phần nữa Việt Bắc cách xa Hà Nội, vì chiến sự  nên về Hà Nội không thuận.
 Như vậy trước năm 1950, tức trước khi Giám mục Trịnh Như Khuê làm Giám mục Hà Nội, linh mục Phạm Bá Trực không hề bị “ra án phạt” của Bề trên. Mặc dù Giám mục Hà Nội đã có ý “nhắc nhở.”
Vậy sau năm 1950, đặc biệt khi Khâm sứ Toà thánh Dooley[16] triệu tập Hội đồng Giám mục Đông Dương ra Thư chung 1951 thì sao? Liệu linh mục Phạm Bá Trực có bị “phạt vạ”. Chúng ta đều biết sau Thư chung 1951 Giáo hội rất nghiêm khắc với những người Công giáo nào cộng tác với Cộng sản. Mấy dòng sử liệu sau sẽ làm sáng tỏ vấn đề.
Linh mục Leon Triviere, trong một bức thư viết ở Hồng Kông ngày 29/8/1955[17] gửi Khâm sứ Toà thánh ở Đông Dương có đề cập:
“Linh mục viết thư này thuộc hội thừa sai ngoại quốc Paris và là người quen biết ở Hà Nội, khi còn là tuyên uý trong quân đội....Tôi vô cùng biết ơn Đức Khâm Sứ nếu cho tôi biết, trước khi bức màn hạ xuống, tình trạng đích xác về Giáo luật của hai vị là Cha Phạm Bá Trực, Phó chủ tịch uỷ ban thường trực Quốc hội Việt Nam và Cha Vũ Xuân Kỷ, Phó chủ tịch mặt trận bảo vệ hoà bình Việt Nam. Cả hai đều là thành viên của Uỷ ban toàn quốc giải phóng thống nhất Việt Nam (là Mặt trận Bình dân).
Sẽ bổ ích cho một số thừa sai nếu Đức Khâm Sứ cho biết hai vị này thuộc địa phận nào? Họ có bị vạ tuyệt thông không? do Roma? hay do vạ Giám mục của họ đề ra?
Xin Đức Khâm Sứ nhận lời thỉnh cầu của tôi, lời đáp của Đức Khâm Sứ thì sẽ quý báu và có ích cho nhiều người...”[18]
Những nội dung hỏi về việc phạt “vạ tuyệt thông” với linh mục Phạm Bá Trực và Vũ Xuân Kỷ đã được Khâm Sứ Dooley gửi tới Giám mục Hà Nội Trịnh Như Khuê[19] để thẩm định. Trong bức thư viết tại Hà Nội ngày 5/9/1955 Giám mục Trịnh Như Khuê trả lời linh mục Leon Triviere  thông qua Khâm sứ Dooley như sau:
“Kính thưa Đức cha rất khả ái.
Tôi có thể trả lời mấy câu hỏi của Cha TRIVIERE như sau:
Cha Phạm Bá Trực đã đi với phép rửa của Đức Cha Thịnh (Chaize) vị tiền nhiệm của tôi, còn Cha Vũ Xuân Kỷ thì có thể là đã tự ý ra đi. Khi nhận chức Giám mục, tôi chưa bao giờ gặp hai vị này.
Tuỳ ý Cha TRIVIERE nhận xét hai vị đó có bị vạ “Latae sententiac” hay không? Chiếu theo giáo luật, Toà thánh cho tới nay chưa đặt vấn đề.
Cho tới nay cả hai vị tiền nhiệm là Đức Cha Thịnh và tôi nữa, chúng tôi chưa ra án phạt họ. Tôi tưởng trước hết hãy xem và nghe họ, những tin tức tôi lượm được về họ, thì hồ đồ và những điều phao tin về họ thường chỉ là gian dối.
Xin Đức Cha rất khả ái nhận tâm tình quý mến sâu xa của tôi.
Giuse – Maria Trịnh Như Khuê”[20]
Linh mục Phạm Bá Trực, một vị linh mục Công giáo, làm tới Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội, có vai trò quan trọng trong Hội đồng Chính phủ và Mặt trận Liên việt những không hề bị phạt vạ từ phía giáo hội - Một cuộc đời thực sự đặc biệt!
IV. VÀI NHẬN XÉT
 Bài viết này thuần tuý chỉ là các tư liệu chủ yếu về vai trò của linh mục với kháng chiến, Quốc hội, chính phủ và Mặt trận - tức chủ yếu từ sau 1946 đến 1954. Chúng tôi cũng có đề cập tới một số vẫn đề của Công giáo như thái độ của Giáo hội đối với linh mục. Tuy nhiên những tư liệu về ông trước 1945 vẫn chưa được đề cập, đặc biệt là quá trình ngài mục vụ coi sóc các xứ đạo trước 1945. Đây là một công việc khó. Hướng nghiên cứu về nó vẫn mở.
Còn một chủ đề nữa là vài trò của linh mục đối với Chính phủ, Mặt trận những năm kháng chiến cần tiếp tục làm sáng rõ thêm. Tại hội thảo kể trên tuy đã đề cập nhưng chưa phải tất cả.
Từ các nguồn tư liệu về linh mục Phạm Bá Trực trong bài viết này chúng tôi đưa ra mấy nhận xét bước đầu như sau sau:
1. Ngài có một cuộc đời và thân thế hết sức đặc biệt. Có lẽ là người duy nhất được Bề trên lúc đó “cho phép” tham gia kháng chiến và là người linh mục duy nhất từ trước đến nay giữ trọng trách cao nhất trong Quốc hội, là Phó trưởng Ban thường trực, tương đương với Phó Chủ tịch Quốc hội ngày nay.
2. Là người tiên phong của phong trào Công giáo yêu nước trong những năm kháng chiến chống pháp đầy thử thách khắc nghiệt.
3. Từ các tư liệu về ngài cho chúng ta thấy linh mục Phạm Bá Trực luôn nhất quán trên các quan điểm:
- Luôn tin tưởng tuyệt đối vào Chính phủ do Hồ Chí Minh lãnh đạo.
- Bằng lời kêu gọi và những hành động cụ thể của mình linh mục luôn nêu cao một thông điệp: Kính Chúa phải song hành với yêu nước - “Ta hãy vì Chúa, vì chính nghĩa mà chiến đấu oanh liệt.”
- Tuyên truyền và khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng và đại đoàn kết lương giáo của Chính phủ và Hồ Chí Minh.
4. Những tư liệu về linh mục Phạm Bá Trực, cũng như tấm gương của ngài là một điển hình của việc “gắn đạo với đời”. Thật khiếm khuyết nếu như quá ít tư liệu về hành trạng của một nhân vật Công giáo yêu nước đặc biệt. Rõ ràng cần phải có sự đầu tư quan tâm hơn cho công việc nghiên cứu nhân vật lịch sử Công giáo nhưng có ý nghĩa xã hội thời sự này-linh mục, tiến sĩ Phêrô Phạm Bá Trực.
Ngô Quốc Đông
 
[1]. Có lẽ do xem cuốn Nhân vật Công giáo Việt Nam thế kỷ XVIII, XIX, XX, in nội bộ. Tp Hồ Chí Minh 2006.
[2]. Lê ngọc Bích, Nhân Vật Công giáo Việt Nam, tập 4, xem: http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=295&ict=3223
[3]. Phần này sẽ giúp chúng ta có các thông tin cơ bản nhất về sự  nghiệp linh mục Phạm Bá Trực những năm 1946-1954.
[4]. Xem thêm tài liệu Kính Chúa yêu nước và đoàn kết lương giáo, in nội bộ của Uỷ ban Liên Việt năm 1954, tài liêu Thư viên Quốc gia. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số tháng 9/2008.
[5]. Xem báo Cứu quốc ngày 5/3/1946.
[6]. Xem báo Cứu quốc ngày 15/11/1946, trang nhất. Cụ Tôn Đức Thắng  làm Phó trưởng Ban thường Trực. Năm 1951, khu cụ Bùi Bằng Đoàn bị ốm, lại bận nên cụ Tôn Đức Thắng được bầu làm Quyền trưởng ban thường trực Quốc hội. Đến 1955 khi cụ Bùi mất, cụ Tôn thay làm Trưởng ban thường trực Quốc hội. (NQĐ)
[7]. Xem báo Cứu quốc ngày 15/11/1946, tr.4.
[8]. Quốc hội với kháng chiến, Báo cáo của ông thư ký Ban thường trực Quốc hội Nguyễn Đình Thi tại Hội nghị thường trực Quốc hội 6,7 – 1950. Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III, in trong Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập I. Nxb Chính trị Quốc gia 2006, tr. 274.
[9]. Rất may, vào những ngày cuối chuẩn bị hội thảo, tác giả Chu Thị Ngọc Lan, bảo tàng Hồ Chí Minh đã đóng góp cho hội thảo một số tư liệu thú vị về chủ đề này qua bài viết của chị - Xem bài viết của tác giả Lan trong kỷ yếu.
[10]. Quốc hội với kháng chiến, Báo cáo của ông thư ký Ban thường trực Quốc hội Nguyễn Đình Thi tại Hội nghị thường trực Quốc hội 6,7 – 1950. Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III, sđd, tr.276.
[11]Lịch sử Quốc hội Việt Nam, sđd, tr. 126.
[12]Lịch sử Quốc hội Việt Nam, sđd, tr. 112.
[13]. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số tháng 9/2008.
[14]. Một giáo sư sử học - Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, Calgary, Canada, 1998, tr. 253. Cũng phải thấy rằng Giám mục Chaize là người khá năng động trong các phong trào của Công giáo. Ông mất ngày 20/2/1949. Xem thêm: Lê Ngọc Bích (chủ biên), Giám mục người nước ngoài qua chặng đường 1659-1975. Nxb Tôn giáo, 2009, tr. 252-255.
[15]. Một giáo sư sử học - Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, Calgary, Canada, 1998, tr. 258
[16]. Khâm sứ Hà Nội John Dooley, đến Hà Nội 1950. Ông làm Khâm sứ Toà  thánh từ 18/10/1951 nên có “áp lực” với Giám mục Việt Nam trước cả khi ông được phong Giám mục 21/12/1951.
[17]. Tài liệu ghi là 29/9, có lẽ là đánh máy bị nhầm. Nếu ngày 29/9/1955 thì không thể có thư trả lời của Giám mục Trịnh Như Khuê ngày 5/9/1955 được – NQĐ.
[18]. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Tư liệu lịch sử về địa phận Hà Nôi 1954-1994, lưu hành nội bộ, 1999, tr. 18. Cám ơn đồng nghiệp Nguyễn Xuân Hùng đã trợ giúp tôi tài liệu này.
[19]. Giám mục người Việt đầu tiên của Giáo phận Hà Nội từ 15/8/1950. Trước khi làm Giám mục Hà Nội, ông làm linh mục chính xứ Hàm Long.
[20]. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Tư liệu lịch sử về địa phận Hà Nôi 1954-1994, lưu hành nội bộ, 1999, tr. 19.
 
Thông tin khác:
ĐTC Phanxicô chào thăm tín hữu hành hương đền thánh Đức Mẹ Loreto lần thứ 42 (16/06/2020)
Toàn văn Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ IV (16/06/2020)
Đại trưởng Thiên Vương Tinh - Đinh Văn Đệ nhân sĩ yêu nước (15/06/2020)
Hệ quả biến đổi khí hậu tại nhà thờ Hải Lý (15/06/2020)
Hoàng Ngọc Phách và Tú Mỡ (15/06/2020)
Tư liệu về linh mục Phêrô Phạm Bá Trực (1946-1954): Giới thiệu tổng quan, đính chính, mấy vấn đề cần làm rõ (15/06/2020)
Môi trường sinh thái với kinh tế, xã hội (12/06/2020)
ĐTC Phanxicô thành lập Quỹ giúp các gia đình Roma gặp khó khăn kinh tế do đại dịch (11/06/2020)
Tư liệu về linh mục Phêrô Phạm Bá Trực (1946-1954): Giới thiệu tổng quan, đính chính, mấy vấn đề cần làm rõ (11/06/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log