Tin tức - Hoạt động

Sapa hè mát hơn thu

Cập nhật lúc 16:02 28/09/2020


Có là câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu viết cách đây 50 năm khi ông đặt chân lên Sa Pa, thác Bạc, cầu Mây, những địa danh nổi tiếng của tỉnh Lào Cai.
 
"Sa Pa hè mát hơn thu
Một làn gió nhẹ cũng ru lịm người"
 
Sa Pa mùa hè lại mát mẻ như mùa thu thì tưởng lạ mà là thật. Nơi đây trái ngược với quy luật tự nhiên của thiên nhiên, ở nước ta vốn là khí hậu thuộc vùng nhiệt đới bốn mùa rõ ràng. Nước ta có ba nơi có khí hậu mùa hè mát như mùa thu: Tam Đảo (Vĩnh Yên), Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng). 

Sa Pa do người Pháp phát hiện ra từ thế kỷ XIX, cách thành phố Lào Cai 40km và cách thành phố Hà Nội 380km về phía Tây Bắc. Nằm ở độ cao 1500m so với mặt biển. Đến Sa Pa bằng 3 con đường, từ thành phố Lào Cai vào, từ Lai Châu xuống và từ Bình Lư (Sơn La) sang. Từ thị trấn Sa Pa lên đỉnh núi Lô Snay tông cao 2.228m. Phía đông nam là đỉnh Pu Song Sung cao tới 3.100m. Thời tiết Sa Pa luôn mát mẻ. Tại Lào Cai, nhiệt độ trung bình vào tháng 6, tháng 7 là 28 độ, khi đó nhiệt độ ở Sa Pa chỉ có 21-22 độ, ban đêm nhiệt độ còn thấp hơn. Mùa đông nước thường đóng băng dưới 0 độ, bông tuyết rơi trắng như hoa mai, hoa mận rụng cánh. Nhiều năm tuyết rơi dày đặc, trông rất ngoạn mục, các nhà nhiếp ảnh coi đây là những dịp "nắm bắt vẻ đẹp của thiên nhiên" bởi ở nước ta chỉ ở Sa Pa mới có… tuyết. Khu vực Sa Pa còn có rừng đào nối dài hàng cây số, suốt từ đầu thị trấn tới đỉnh đèo Ô Quý Hồ xuống chân thị trấn - mùa xuân muôn loài hoa đua nở: Lay ơn, phong lan, hồng, thược dược, tường vi, păng xê… Cây rừng ở đây cũng rất nhiều gỗ quý như: Pơmú, vạn tuế, trúc, áctisô và thông gai còn được gọi là "sa mu" có mùi thơm như hoa thiên lý, có vân như mây, không bao giờ bị mọt đục, mối xông có độ bền như thép. Rừng Sa Pa có nhiều lá cây làm thuốc quý như: Đỗ trọng bắc, xuyên khung, dương quy, thảo quả, hoàng liên chân gà, vân mộc hương, bạch chỉ, đẳng sâm, gấu tàu… 

Gần khu vực Sa Pa còn có quần thể đá cổ ở ven suối Tam Hoa với 150 hòn lớn nhỏ. Có hòn Cha, hòn Mẹ… mang nhiều nét chạm khắc kỳ lạ của thiên nhiên ban tặng. Cách thị trấn Sa Pa 12km có một khu "rừng đá" đầy huyền thoại.

Sa Pa không chỉ là nơi hè mát hơn thu, mà là nơi có cảnh quan tuyệt vời như: Thác Bạc, nước chảy từ đỉnh núi xuống thung sâu, có Cầu Mây, không phải thiên nhiên "bắc" bằng những đám mây lơ lửng mà cầu bắc bằng loại thân cây mây song, cong cong rất đẹp, một thứ cây mây rừng ở Sa Pa sẵn có. Chúng ta từng nghe thấy cầu làm bằng sắt xi măng, đá, cầu treo, cầu phao, chỉ ở Sa Pa mới có cầu mây. Sa Pa còn có động Thủy Cung, Cổng Trời, Hang giáo, Rừng Trúc phất trần, đài vật lý địa cầu. Sa Pa có 240 biệt thự lớn nhỏ, kiến trúc theo kiểu Tây Âu từ thế kỷ XIX. 
Đến Sa Pa khiến ta chợt nhớ đến bút ký nổi tiếng "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long. Riêng có một họa sĩ tài danh Nguyễn Sáng - Trước vẻ đẹp như huyền thoại của Sa Pa, ông lại không vẽ bằng cây cọ - mà ông lại vẽ bằng thơ với bài "Tản mạn Sa Pa":
 
Núi cao vẫn cứ say mây
Ra về vẫn nhớ nơi đây ngọt ngào
Chia tay không một lời chào
Mây không hẹn núi, núi nào say mây"
 
Còn nhà thơ Trần Nhương thì say người đẹp ở Sa Pa: 
 
Sa Pa vừa mới đặt chân
Nghiêng nghiêng phố núi tần ngần 
theo em …
Có gì líu ríu bước chân
Có gì lãng đãng như gần như xa
Có gì như ngọc như ngà
Có gì như nụ như hoa bềnh bồng…
Em cười đôi mắt đong đưa
Sa Pa nghiêng ngả rượu vừa đủ say
Bàn tay tìm đến bàn tay
Và người và núi đã lây sắc chàm…
 
Nhà thơ Trần Nhương không chỉ tả cảnh mà tình. Sa Pa mát cả mùa hè như mùa thu và mát mắt khi bắt gặp người đẹp phố núi cũng say như nhà thơ Trần Nhương đã viết.

Đến với Sa Pa đi: Nơi mùa hạ là mùa thu. Hỡi du khách! 

LÊ HỒNG THIỆN
Thông tin khác:
Tổng giáo phận Bắc Kinh có 8 tân linh mục (25/09/2020)
ĐTC làm phép chuông sẽ được đánh lên để nhắc nhở bảo vệ thai nhi (25/09/2020)
Chia vui với giáo xứ Bách Tính (24/09/2020)
Hà Tĩnh: Biểu dương gương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo (24/09/2020)
ĐTC Phanxicô: mỗi người đều xinh đẹp đối với Thiên Chúa (23/09/2020)
Lễ hội châu Âu của những con đường Via Francigena (22/09/2020)
Đức Thánh Cha giúp đỡ những người nuôi gia cầm ở Bojano đang gặp khó khăn (22/09/2020)
Lễ tấn phong Giám mục đầu tiên sau ngày 2/9/1945 (21/09/2020)
Phân loại rác tại nguồn (21/09/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log