Tin tức - Hoạt động

Kỷ niệm 370 năm từ điển khai mở chữ quốc ngữ

Cập nhật lúc 15:12 24/02/2021
Thăm mộ linh mục Alexandre de Rhodes. Ảnh: Minh Tường
Thăm mộ linh mục Alexandre de Rhodes. Ảnh: Minh Tường

Ngày 5/02/1651, tại Rôma, đánh dấu một sự kiện trọng đại: Từ điển Viêt - Bồ - La (Dictionarium Annamitium Lusitanum ed Latinum) được xuất bản. Và tiếp sau đó, ngày 8/7/1651, cuốn Phép giảng Tám ngày (Cathechismus) cũng được xuất bản. Đây là hai cuốn sách công cụ, chìa khóa giúp các nhà truyền giáo châu Âu truyền giảng đạo Chúa vào Việt Nam, nhưng mặc nhiên lại là những tác phẩm khai mở cho một hệ văn tự mới cực kỳ thiết yếu của người Việt, văn hóa Việt, mà từ tháng 01/1919 đã chính thức được gọi là chữ Quốc ngữ, được giảng dạy, truyền bá trên toàn cõi nước Việt.
Tác giả hai công trình khai sáng này là linh mục Alexandre de Rhodes (A lịch sơn Đắc lộ). Tất nhiên, cùng với ngài còn có nhiều nhà truyền giáo khác, như Francois de Pina, Buzomi, Borri, Emmanuel Fernandez, Carvalho, Gaspar Luis, Gaspar de Amaral, Antonio Barbosa, Antonio de Fontes vv… và rất nhiều thầy giảng, giáo dân người Việt, trong đó có cậu bé 13 tuổi ở Thanh Chiêm có tên chữ là Raphael Rhodes, có thầy giảng Igesico Văn Tín, thầy giảng Bento Thiện (hai nhà Việt ngữ đầu tiên từng viết thư tiếng Việt trao đổi với Rôma, và viết Lịch sử Việt Nam đại cương), có ngài tuần phủ nhân ái Trần Đức Hòa…
Họ đã cách chúng ta gần 400 năm.
Gần bốn trăm năm kể từ khi chúng ta có những mẫu tự Quốc ngữ sơ khởi, nhưng chỉ vài năm nay thôi, mới biết nơi an nghỉ vĩnh hằng của tác giả hai cuốn sách tiếng Việt ngữ đầu tiên lại nằm ở một nước Hồi giáo, xứ sở Ba Tư nghìn lẻ một đêm.
Vào dịp giỗ linh mục Alexandre de Rhodes lần thứ 358 năm, ngày 5/11/2018, có lẽ, chúng tôi, hai mươi người Việt Nam đầu tiên, là những người đã đến thăm viếng và tôn tạo mộ ngài tại nghĩa trang của người Kitô giáo Armenia, ngoại ô thành phố Isfahan, cố đô của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Từ Việt Nam sang Iran cuối năm 2018 ấy, và ngay cả bây giờ, còn khó hơn lên giời. Bởi Việt Nam chưa có đường bay tới Teheran. Bởi Mỹ đang cấm vận Iran (ai đã bay sang Iran, đóng dấu visa Iran thì suốt đời đừng mong tới Mỹ).
Biết được nguyện vọng của giáo sư trưởng đoàn Nguyễn Đăng Hưng và chúng tôi, Saigontourist đã tìm ra đường bay quá cảnh qua Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ, rồi làm visa đến Iran. Rồi đại sứ quán Iran tại Việt Nam lại có một cử chỉ hữu hảo tế nhị: Làm visa rời, không đụng vào hộ chiếu, để ai muốn qua mặt Mỹ cũng dễ dàng. Trong chuyến đi ấy, chúng tôi rất cảm kích với nhóm hướng dẫn viên tuyệt vời của Saigontourist, mà điển hình là nhóm trưởng Nguyễn Trọng Tiến, chàng trai chưa vợ đã từng dẫn hàng trăm đoàn khách đi Trung Đông, Ai Cập. Chưa một lần đến Iran, nhưng trước khi dẫn đoàn bay, Tiến đã đọc tất cả những gì anh biết về xứ sở huyền thoại Ba Tư và đất nước Hồi giáo nhiều bí ẩn, để đến đâu anh cũng nói vanh vách như chính mình từng sống ở đó. Rất tiếc, chỉ tuần sau chuyến đi của chúng tôi, Nguyễn Trọng Tiến đã bỏ mạng vì bọn khủng bố tại Ai Cập, khi anh đang cùng đoàn du khách Việt Nam đến với những Kim tự tháp kỳ vĩ.
Ngôi mộ của linh mục Alexandre de Rhodes hôm ấy tràn ngập nắng, tràn ngập hoa hồng và ngân vang bài hát “Đất nước tôi” của nhạc sỹ tài danh Phạm Duy. Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời, à ơi tiếng ru muôn đời… Chúng tôi hát cho ngài, vì người đã học và nói tiếng Việt, đã truyền đức tin của Chúa cho bổn đạo bằng tiếng Việt, người đã sống ở Đàng Trong và Đàng Ngoài suốt hai mươi năm, từ 1625 đến 1645, rồi người về Rôma, bằng mọi cách in cuốn cẩm nang chìa khóa tri thức và văn hóa cho người Việt. 
Có người thắc mắc, tại sao một linh mục dòng Tên lại có thể đến sống và chết ở một đất nước Hồi giáo, như nước và lửa với đạo Kitô? Ba trăm sáu mươi năm qua, Alexandre de Rhodes đã nằm yên nghỉ thanh thản giữa cố đô Isfahan của người Hồi giáo, không phải như kẻ dị giáo, kẻ tà đạo mà là người truyền đạo, người bạn hiền thân thiết. Ba trăm sáu mươi năm, ngôi mộ đá vẫn vẹn nguyên, thời gian cũng chưa hề làm phai mờ một nét chữ. Và hôm nay, bây giờ, mộ linh mục Alexandre de Rhodes có thêm những dòng chữ Việt, chữ của chính người nằm đó, người bằng đức tin, tài năng và tình yêu nước Việt đã sản sinh ra nó. Dòng chữ lấy ý của học giả Phạm Quỳnh, khắc trên đá cẩm thạch Quảng Nam, nơi quê hương thứ hai của ngài: “Chữ Việt còn, tiếng Việt còn, nước Việt còn.” 
Hoàng Minh Tường
Thông tin khác:
Sức sống mới ở giáo xứ Cốc Thành (23/02/2021)
Xuân sớm về trên quần đảoTrường Sa (23/02/2021)
Độc đáo phiên chợ mỗi năm họp một lần (23/02/2021)
Tết nguyên đán của người dân nơi chỉ có “nắng và gió” (23/02/2021)
Để Tết nay vui như Tết xưa (23/02/2021)
ĐTC gửi sứ điệp cho các nhà tổ chức sáng kiến quyên góp vật tư y tế cho Peru chống đại dịch (22/02/2021)
Nét đẹp văn hóa trong phong tục mừng tuổi ngày Tết? (17/02/2021)
Người Nam Bộ đón Tết (17/02/2021)
Dấu ấn lịch sử giáo phận Bùi Chu trong những năm Sửu (17/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log